1.1.5.1. Những lý luận cơ bản về đánh giá tác động kinh tế, xã hội
“Đánh giá” là quá trình xem xét một cách có hệ thống và khách quan một dự án, chương trình, một chính sách đang thực hiện hoặc đã hoàn thành một giai đoạn hoặc toàn bộ. Đánh giá là giúp xác định tính phù hợp và mức độ hoàn thành các mục tiêu, tính hiệu quả, tác động và tính bền vững. Mục đích chung của công tác đánh giá là đo lường và đánh giá kết quả thực hiện dự án, xác định những vấn đề tồn tại, đưa ra những giải pháp… để từ đó có thể quản lý một cách hiệu quả hơn những đầu ra, kết quả của dự án (được biết đến như các mục tiêu phát triển).
“Đánh giá tác động” (ex-post evaluation) của một dự án là tìm hiểu những thay đổi tích cực và tiêu cực mà dự án đó mang lại (các thay đổi đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, dự tính trước hoặc không dự tính trước). Những thay đổi này có thể là về xã hội, môi trường, kinh tế, văn hoá, vv... Đánh giá tác động là để trả lời những câu hỏi sau: dự án đã mang lại kết quả gì? trước và sau dự án, có điều gì khác biệt ở những đối tượng hưởng lợi? có bao nhiêu người bị dự án tác động? kết quả nào có ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, theo dự kiến, ngoài dự kiến.
Để đảm bảo thực hiện Quy hoạch sử dụng đất mang lại sự phát triển kinh tế cân bằng và bền vững, cần thiết phải có đánh giá tác động kinh tế, xã hội cũng như đề ra các chính sách và khuyến nghị hành động nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực.
Xác định các tác động về mặt kinh tế của việc thực hiện phương án quy hoạch là rất khó, vì sự phát triển kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố. Khó khăn khác là việc chọn ra được các chỉ thị phản ánh được sự thay đổi do các tác động của việc thực hiện phương án quy hoạch đem lại. Việc tìm ra các thông tin và ví dụ minh họa cho sự thay đổi đó cũng rất phức tạp, đòi hỏi thời gian cũng như phương pháp đánh giá phù hợp.
1.1.5.2. Quan điểm, mục tiêu, đối tượng, ý nghĩa và nguyên tắc đánh giá tác động kinh tế, xã hội trong việc thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất
a) Quan điểm, mục tiêu, đối tượng của đánh giá tác động kinh tế, xã hội
* Về quan điểm, mục tiêu
- Đánh giá tác động Kinh tế - xã hội có mục đích xác định giá trị và lợi nhuận về mặt Kinh tế - xã hội của dự án được phân bổ như thế nào trong xã hội.
- Xác định các tác động của một hoạt động cụ thể nhằm tránh được những tác động bất lợi đến các nhóm lợi ích khác nhau của cộng đồng dân cư.
* Về đối tượng của đánh giá tác động kinh tế - xã hội
Đối tượng của đánh giá tác động kinh tế - xã hội thường gặp và có số lượng nhiều nhất là các dự án phát triển cụ thể. Những đối tượng đó có thể là: Một số bệnh viện lớn, nhà máy công nghiệp; công trình thủy lợi, thủy điện; công trình giao thông,... Tất nhiên không phải tất cả các dự án đều phải tiến hành đánh giá tác động như nhau. Mỗi quốc gia, căn cứ vào những điều kiện cụ thể, loại dự án, quy mô dự án, khả năng gây tác động,... mà có quy định mức độ đánh giá đối với mỗi dự án cụ thể.
b) Nguyên tắc của đánh giá tác động
* Nguyên tắc đánh giá tác động kinh tế - xã hội - Tham gia của nhiều nhóm xã hội:
- Phân tích các tác động đến cộng đồng và cá nhân một cách cân bằng - Đánh giá có trọng tâm:
- Xác định các phương pháp, các giả thiết và cách định nghĩa về ý nghĩa của các tác động:
- Cung cấp kết quả đánh giá tác động kinh tế - xã hội cho các nhà quy hoạch:
- Đưa đánh giá tác động xã hội vào thực tiễn: hướng dẫn các nhà xã hội học các phương pháp đánh giá tác động xã hội.
- Soạn thảo chương trình giám sát và giảm thiểu: quản lý các tác động dự báo chưa chắc chắn bằng cách giám sát và thực hiện các biện pháp giảm thiểu.
* Nguyên tắc đánh giá tác động môi trường
Trong quá trình xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường phải tuân thủ các nguyên tắc sau: tham gia, công khai và trong suốt, cụ thể và chắc chắn, nghiêm ngặt và chính xác, trách nhiệm, chính trực và đáng tin cậy, hiệu quả và kinh tế, liên ngành và tổng hợp, thận trọng …
Để cho bản báo cáo Đánh giá tác động môi trường có thực chất, đúng với quan niệm phát triển bền vững và đạt được sự đồng thuận trong xã hội; dĩ nhiên về chi tiết hành chính và quản trị, có chỗ khác nhau tùy theo từng nước, từng tiểu bang hay tỉnh, nhưng tựu chung, các nguyên tắc: tham gia, công khai, trong suốt, trách nhiệm, và thận trọng đều phải được áp dụng.
c) Bản chất và phân loại tác động của quy hoạch sử dụng đất
Tác động là tổng hòa các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường mà Quy hoạch sử dụng đất sẽ tác động khi triển khai thực hiện phương án trong thực tiễn. Quy hoạch sử dụng đất là một bộ phận hợp thành phương thức sản xuất của xã hội. Với cách tiếp cận như trên, cần phải lưu ý một số vấn đề khi xem xét tác động của Quy hoạch sử dụng đất như sau:
(1) Tác động của Quy hoạch sử dụng đất phải được đánh giá trên cơ sở hệ thống các mối quan hệ về kinh tế cùng với việc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá phù hợp.
(2) Khi xác định tác động của Quy hoạch sử dụng đất cần xem xét đồng thời giữa tác động tích cực cũng như những ảnh hưởng bất lợi đến Kinh tế - xã hội.
(3) Khi tính toán các chỉ tiêu tác động cần tách bạch rõ phần tác động tích cực đem lại của Quy hoạch sử dụng đất thông qua các chỉ tiêu đồng nhất về chất lượng và có thể so sánh được về mặt số lượng.
d) Tác động của việc thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến những vấn đề kinh tế, xã hội
* Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tăng trưởng kinh tế được định nghĩa là sự gia tăng mức sản xuất mà nền kinh tế tạo ra theo thời gian. Tăng trưởng kinh tế được tính bằng % thay đổi của mức sản lượng quốc dân. Để biểu thị tăng trưởng, người ta thường dùng mức tăng lên của GDP - tổng sản phẩm quốc nội hoặc GNP - tổng sản phẩm quốc dân. Mức tăng đó thường tính trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hoặc là tính bình quân đầu người của từng thời kỳ so với thời kỳ trước đó.
Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển mục đích sử dụng đất đều chịu sự chi phối của nhiều yếu tố; song giữa chúng đều chịu tác động của yếu tố quan trọng nhất là các định hướng, mục tiêu phát triển Kinh tế - xã hội của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đều chịu sự chi phối của yếu tố giống nhau đó nên giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển mục đích sử dụng đất luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mục tiêu của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tiền đề cho chuyển mục đích sử dụng đất và ngược lại, chuyển mục đích sử dụng đất tạo điều kiện cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế như trên đã nêu, đều phụ thuộc vào đất đai. Nhất là khi phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH thì đất nông nghiệp sẽ bị mất dần bởi phải chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Nhưng nếu chuyển quá nhiều, phá vỡ cân bằng thì cần phải khống chế một cách nghiêm ngặt quá trình chuyển mục đích sử dụng đất, để việc chuyển mục đích sử dụng đất không xâm lấn quá nhiều vào đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa) làm giảm diện tích đất canh tác, giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Khi diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp quá lớn, dễ dẫn đến thiếu hụt lương thực thực phẩm, từ đó sẽ dẫn đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế sẽ đi xuống.
Bên cạnh đó, khi nói đến cơ cấu ngành của nền kinh tế, cần lưu ý đến chỉ tiêu Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product - GDP). Tổng sản phẩm quốc nội là toàn bộ sản phẩm vật chất và dịch vụ do tất cả các ngành kinh tế mới tạo ra trên phạm vi lãnh thổ trong từng thời kỳ. Tổng sản phẩm quốc nội được tính bằng giá thực tế (là cơ sở tính cơ cấu kinh tế) và giá so sánh (là cơ sở tính tốc độ tăng trưởng).
* Vấn đề an toàn lương thực
An ninh lương thực đã trở thành vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì với Việt Nam. Vai trò nông nghiệp thế giới đang thay đổi, nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm cho con người mà còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp năng lượng. Nông nghiệp sẽ trở lại là ngành có khả năng sinh lợi cao, đặc biệt khi nó kết nối với chuỗi chế biến thực phẩm. Đầu tư lớn vào nông nghiệp và nông thôn là kế sách lâu dài, kìm chế lạm phát hữu hiệu và tạo lập nền tảng cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh.
+ Tác động tích cực:
Việc phát triển Khu công nghiệp đã có những tác động tích cực đến nông dân, nông nghiệp và nông thôn, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn;
thu hút nhiều lao động ở nông thôn; tăng thu nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động khu vực nông thôn… Qua đó, Khu công nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn.
+ Tác động tiêu cực:
Việc chuyển đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung bộc lộ những tiêu cực đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp do chuyển sang đất phi nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng lương thực. Trong khi một số khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị chưa lấp đầy đã bỏ hoang, gây tổn thất về kinh tế.
* Vấn đề lao động và việc làm
Mặc dù đã có tác dụng rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đã thu hút, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1 triệu lao động với thu nhập tương đối khá, giúp họ từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, cũng như tinh thần của bản thân và gia đình. Ngoài ra còn có trên 1 triệu lao động phục vụ gián tiếp cho các Khu công nghiệp, Khu chế xuất. Song việc phát triển các Khu công nghiệp cũng đang tồn tại một số bức xúc, trong đó có vấn đề: đời sống và việc làm của người bị thu hồi đất.
Thu hồi đất đã đẩy hàng vạn người, trong đó chủ yếu là nông dân lâm vào cảnh không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo một khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây, trung bình mỗi hộ nơi thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động có việc làm trong nông nghiệp. Đất chúng ta thu hồi để xây dựng các Khu công nghiệp chủ yếu là đất nông nghiệp. Như vậy, gần 50.000 ha đất đã bị thu hồi có khoảng 680 ngàn lao động nông nghiệp bị mất việc làm. (Bộ Lao động thương binh và xã hội) [1]
Điều đáng nói ở đây là những lao động có đất bị thu hồi đa phần là những người không được đào tạo về chuyên môn.
Đây là việc làm vô cùng quan trọng đối với người dân có đất bị thu hồi, trong thực tế quá trình đô thị hoá, kinh tế ở các đô thị mới tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự tập trung lực lượng sản xuất tạo ra năng suất lao động cao, cách tổ chức lao động hiện đại. Do đó quá trình tăng trưởng kinh tế đô thị cũng tạo cơ hội để tăng việc làm ở các đô thị. Từ góc độ lao động và việc làm từ các hoạt động nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp và thương mại dịch vụ. Những người nông dân trước đây gắn bó
với ruộng vườn, sau khi trở thành dân cư đô thị, họ bị mất phần lớn ruộng đất canh tác. Với số tiền được Nhà nước đền bù hoặc tiền bán đất cho dân cư mới, họ dùng để tạo nghề mới, tìm việc làm mới... và nhiều vấn đề khác cũng thay đổi. Sự phát triển của các đô thị một mặt tạo ra một lượng lớn việc làm cho lao động tại đô thị, đồng thời thu hút và làm giảm đáng kể lực lượng lao động nông nhàn ở các vùng nông thôn, kém phát triển, góp phần làm tăng năng suất lao động tại các vùng này. Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác thì gia tăng quy mô thành phố bằng giải pháp mở rộng không gian, hình thành các quận, phường mới sẽ làm một phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp ở vùng đô thị hoá mất việc và dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng.
Nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của nông dân bị thu hồi đất một phần là do sự phát triển của các ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết việc làm cho người dân. Mặt khác, do chính bản thân người lao động, vốn xuất phát từ nông dân, có nhiều hạn chế về năng lực và trình độ văn hoá cũng như trình độ chuyên môn nghề nghiệp, chưa thích ứng được với công việc mới, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Hiện nay, tại nhiều đô thị đã xây dựng các trung tâm giáo dục thường xuyên trung tâm dạy nghề...
nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đào tạo nghề cho những người bị thu hồi đất:từ người nông dân sản xuất nông nghiệp, khi đất đai bị thu hồi, họ phải chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, vấn đề đào tạo nghề cho người lao động là một vấn đề quan trọng. Lao động công nghiệp và dịch vụ là lao động đòi hỏi phải có tay nghề, chuyên môn và nghiệp vụ, nói cách khác là phải được đào tạo bài bản. Song, dường như lao động nông thôn ở nước ta gần như chưa được đào tạo gì. (Bộ Lao động thương binh và xã hội) [1]
Vấn đề thu nhập và mức sống dân cư
Việc thu hồi đất để xây dựng các Khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến chỗ ở, việc làm của người dân có đất bị thu hồi, mà còn ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đến thu nhập cũng như đời sống vật chất và tinh thần của gia đình họ; chính vì vậy, Nhà nước đã có chính sách bồi thường cho họ. Việc bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất, trước hết là bồi thường bằng tiền để bù đắp cho một phần những ảnh hưởng đó.
Điều này thể hiện rõ trên các mặt sau đây:
- Trước hết người dân có được một khoản thu nhập khá lớn từ tiền bồi thường cho diện tích đất bị thu hồi, mua lại đất nông nghiệp hoặc đất ở.
- Từ tiền bồi thường các hộ có điều kiện mua sắm các công cụ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo cơ sở cho việc tiếp tục tăng nguồn thu nhập và cải thiện đời sống.
- Các gia đình cũng có thể dành ra một phần tiền trong số tiền bồi thường để đầu tư cho con cái trong việc học tập, nhằm tạo cơ sở để sau này có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Đây cũng là khoản đầu tư hợp lý, phù hợp với mục đích bồi thường của Nhà nước.
- Cũng từ tiền bồi thường, các hộ có điều kiện để trang bị cho gia đình các thiết bị hiện đại phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như các phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn, giường, tủ, máy điều hoà vv... Trước mắt, đời sống của các hộ được nâng lên.
- Tất nhiên, cũng không tránh khỏi có một số người thiếu nghị lực, thiếu kiến thức, không biết tính toán trong chi tiêu, khi nhận được tiền bồi thường thì không đầu tư vào những điều đã nói ở trên, mà tiêu xài hoang phí, thậm chí còn cờ bạc, nghiện hút vv... vì vậy, chẳng mấy chốc số tiền nhận được đã hết, họ trở thành trắng tay, không nhà cửa, không việc làm, không thu nhập. Họ không hiểu rằng, tiền bồi thường là nhằm giúp họ có điều kiện tạo lập nghề nghiệp mới ổn định thay thế cho nghề nghiệp cũ.