CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử
1.2.2. Tiếp nhận Thủy hử ở Trung Quốc trước thế kỷ XX
Tiếp nhận Thủy hử trước thế kỷ XX (thời Minh - Thanh, chủ yếu qua bình luận của Kim Thánh Thán, Lý Trác Ngô) cơ bản là việc đề cao sự độc đáo, nghệ thuật trác tuyệt trong việc miêu tả hình tượng nhân vật điển hình;
phê phán hiện thực xã hội. Tiếp nhận Thủy hử thời kỳ này, do vậy, chưa tạo thành những trào lưu, chưa có nhiều kiến giải, luận bình và chưa định hình những phương pháp nghiên cứu tiếp nhận, chủ yếu vẫn là phương thức tiếp nhận truyền thống, khác với giai đoạn sau là hướng tiếp nhận hiện đại.
Các học giả từ thời Minh đến thời Thanh như Dư Tượng Đấu, Diệp Trú, Kim Thánh Thán, Lý Chí, Vương Vọng Như, Chung Bá Kính,… đã cùng nhau phân tích, bình giảng Thủy hử dưới nhiều góc độ, đồng thời hướng dẫn độc giả các cách đọc Thủy hử dựa trên ba vấn đề căn bản: Văn bản 本 文 - Bình luận 评 点 - Độc giả 读 者. Đây được xem như tính đặc thù trong tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử nói riêng và tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc nói chung. Ở đây, chúng tôi chọn cách phân tích những nghiên cứu về văn bản cùng các cách thức tiếp nhận Thủy hử của Lý Chí và Kim Thánh Thán như một xu hướng chủ đạo để làm rõ vấn đề tiếp nhận Thủy hử giai đoạn trước thế kỷ XX.
Trước hết, về sự lưu truyền văn bản Thủy hử
Thủy hử không tồn tại dưới hình thức một văn bản thống nhất mà lưu truyền nhiều bản - dị bản khác nhau. Vì thế bàn về tình hình văn bản Thủy hử, các nhà nghiên cứu đưa ra khá nhiều giả thuyết. Tiếp nhận những ý kiến đó thế nào là một trong những nội dung quan trọng khi nhận diện tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc thời Minh Thanh.
22
Tương truyền bản phồn tạp Thủy hử truyện được tìm thấy trong bộ sách Bách xuyên thư chí của một cao nhân đời Minh. Đó là bản 100 hồi được tìm thấy năm Gia Tĩnh. Tuy nhiên, bản Gia Tĩnh hiện nay chỉ có tàng bản truyền từ đời trước. Đó là khắc bản Dung và Đường năm Vạn Lịch thứ 38 (1610) (Lý Trác Ngô tiên sinh phê bình Trung nghĩa Thủy hử truyện) và bản 120 hồi của Viên Vô Nhai khắc in năm Vạn Lịch thứ 42 (1614). Đến năm Sùng Trinh thứ 14 (1641), Kim Thánh Thán tiến hành san khắc bản Quý Hoa đường đệ ngũ tài tử thư Thi Nại Am Thủy hử truyện. Trong gần 300 năm của triều đại nhà Thanh, bản Thủy hử do Kim Thánh Thán bình luận này được xem là bản duy nhất thông hành. Sự khác nhau giữa bản Thủy hử truyện của Quý Hoa Đường với khắc bản Dung và Đường ở chỗ bản Quý Hoa Đường không có phần chiêu an, chinh chiến Đại Liêu như bản Dung và Đường.
Sau này, vấn đề văn bản Thủy hử càng được các nhà nghiên cứu chú ý luận bàn. Bài viết Luận về địa vị, tính chất và thời đại của “Kinh bản trung nghĩa truyện” - in trên Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu (số 2, 1993) của tác giả Lưu Thế Đức đã nhắc đến vấn đề phồn bản và giản bản Thủy hử trong sự liên hệ với Kinh bản... Nhà nghiên cứu này cho rằng Kinh bản trung nghĩa truyện không phải là phồn bản mà là giản bản Thủy hử (Kinh bản trung nghĩa truyện có lẽ là bản kinh của Thủy hử - NPT nhấn mạnh). Nghiên cứu này là kết luận đầu tiên tạo nên sự tranh cãi về phồn bản và giản bản Thủy hử. Nội dung chính của bài nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các vấn đề cụ thể sau: 1) Kinh bản trung nghĩa truyện được san khắc vào năm Gia Tĩnh, Chính Đức; 2) Nó có khả năng là bản khắc in Phúc Kiến Kiến Dương; 3) Nó là giản bản đầu tiên; 4) Nó không phải là “nguyên bản”, “nguyên thủy bản”, “tổ bản” mà là bản chích từ phồn bản; 5) Nó làm thành tiêu bản và lại là bản vượt quá giữa sự phát triển của bản bạch văn (phần chính văn trong những sách có chú giải) - (NPT nhấn mạnh) - với bản Thượng đồ hạ văn 上图 下文 本 ; 6) Bản gốc -
“để bản” (底本) của phồn bản khắc in ở Nam Kinh lấy Trung nghĩa làm tên
23
sách; 7) Có sự khác biệt giữa khắc bản Nam Kinh với khắc bản Quách Huân và khắc bản Tân An… Bình luận thêm về “tổ bản” và “giản bản” Thủy hử các nhà nghiên cứu còn nhiều tranh cãi về thời điểm xuất hiện: đời Nguyên, cuối Nguyên đầu Minh hay đời Minh? Năm 1983, Viên Thế Thạc đã viết bài Vấn đề tác gia Thi Nại Am của Thủy hử đăng trên Đông Nhạc luận tùng (kỳ 3).
Căn cứ vào việc cho rằng tổ bản Thủy hử ra đời thời Nguyên, Viên Thế Thạc xác định: “Năm tổ bản Thủy hử ra đời phải phù hợp với thời gian tác giả sinh sống, như vậy phải là đời Nguyên, chứ không phải là cuối Nguyên đầu Minh, như vậy là phù hợp với tình hình thực tế”.
Về nghiên cứu văn bản Thủy hử ở Trung Quốc, chúng tôi tập hợp được bài Bàn luận mới về vấn đề tổ bản Thủy hử và Quách Vũ định bản của hai tác giả Trúc Thanh, Lý Vĩnh Hỗ trên tạp chí Văn học di sản (số 5, 1997). Bài nghiên cứu đặt vấn đề tìm hiểu sự lưu truyền văn bản Thủy hử qua các triều đại Trung Quốc. Qua thống kê, khảo sát, lý giải của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc về truyền bản Thủy hử chúng ta phần nào thấy được sự phức tạp trong nghiên cứu tác phẩm Thủy hử, đặc biệt là phần văn bản và mối liên hệ văn bản - tác giả.
Ngoài ra, có thể kể đến bản Thủy hử 102 hồi (Kinh bản tăng bổ hiệu chính toàn tượng trung nghĩa Thủy hử bình lâm) (có học giả cho rằng bản 102 hồi này chính là bản 104 hồi (Thủy hử chí truyện bình lâm) - Bản của Song Phong đường. Bản 114 hồi (Tân khắc toàn tượng Thủy hử truyện) - Bản của Lưu Hưng Ngã. Bản 115 hồi (có 4 loại). Và bản 124 hồi, v.v…
Về việc tiếp nhận Thủy hử thông qua bình luận của Lý Chí và Kim Thánh Thán
Lý Chí hiệu là Trác Ngô (卓吾) và Kim Thánh Thán là hai học giả nổi tiếng. Đặc biệt, trong lĩnh vực bình luận tiểu thuyết Thủy hử, hai ông đã có những đánh giá, nhận định, phẩm bình hết sức thú vị. Bình luận Thủy hử của
24
Lý Chí có 4 loại như sau: 1) Lý Trác Ngô tiên sinh phê bình Trung nghĩa Thủy hử truyện, 100 quyển, 100 hồi, khắc bản Dung và Đường năm Vạn Lịch thứ 38 đời Minh (1610), không ghi rõ người soạn sách, đầu sách có lời tựa của Lý Chí. Mỗi hồi trong sách này đều có lời bình, phân tích, đánh giá; 2) Xuất tượng bình điểm Trung nghĩa Thủy hử toàn thư. Sách này không chia thành quyển như sách trên, 120 hồi, là bản san của Viên Vô Nhai, Dương Định Kiến năm Vạn Lịch thứ 42 đời Minh (1614), đầu sách có lời tựa của Lý Chí và phần tiểu dẫn của Dương Định Kiến; 3) Lý Trác Ngô bình trung nghĩa Thủy hử truyện, 100 hồi, bản Minh Giới Tử Viên, có đề Thi Nại Am nguyên bản; 4) Lý Trác Ngô tiên sinh bình Trung nghĩa Thủy hử truyện, 100 quyển, đề là Thi Nại Am tập soạn, La Quán Trung tu chỉnh, bản khắc năm Vạn Lịch đời Minh (1666). Nhìn chung, khi phân tích về mặt nội dung tư tưởng, Lý Chí đã chủ trương thuyết “trung nghĩa”, về hình thức nghệ thuật thì chủ trương
“chân” và “lạc”. Tư tưởng chủ đạo là thuyết “đồng tâm”.
Sau Lý Chí, người tiếp tục phát triển công việc bình luận Thủy hử là Kim Thánh Thán. Họ Kim thích đọc sách, từ nhỏ đã đọc Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Ly tao, Sử ký nhưng những sách đó không mấy gợi hứng thú cho ông. Năm 10 tuổi, Kim Thánh Thán đọc Thủy hử, bộ sách này mới thực sự mang lại cho ông niềm say mê. Chính sự say mê và kinh nghiệm đọc sách từ nhỏ là cơ sở hữu quan để sau này Kim Thánh Thán bình điểm sáu sách Ly tao, Nam Hoa, Sử ký, Đỗ thi, Tây Sương, Thủy hử - còn gọi là “Lục tài tử thư”… Vương Vọng Như trên cơ sở quan điểm phê bình của Kim Thánh Thán cho rằng tiếp nhận Thủy hử bản Dung và Đường cùng với bản Viên Vô Nhai có sự tương đồng. Khi bình luận Thủy hử, Kim Thánh Thán có sự phát triển và bổ sung, nhấn mạnh khả năng giao lưu giữa độc giả và người bình luận.
Điểm chung trong nghiên cứu Thủy hử của Lý Chí và Kim Thánh Thán là từ Thủy hử truyện bản Dung và Đường của Lý Chí đến Thủy hử truyện bản
25
Quý Hoa Đường như là một quá trình phát triển có kế thừa từ trước đến sau.
Lý Chí và Kim Thánh thán có 3 điểm chung khi bình luận Thủy hử. Một, cả hai người đều nhất trí phân tích 70 hồi sau. Trong Thủy hử truyện bản Dung và Đường, hai học giả cho rằng đa số các chương của 70 hồi sau đều có giá trị bình luận về mặt nghệ thuật. Hai, họ đều dựa trên giá trị đạo đức để phân tích nhân vật trong Thủy hử. Ví dụ, về nhân vật Tống Giang, bản Dung và Đường bình luận là “giả đạo học chân cường đạo”, còn Kim Thánh Thán lại bình là
“giả trung ngụy hiếu”. Ba, trên phương diện thẩm mĩ, Lý Chí dựa vào thuyết
“đồng tâm” để bình luận Thủy hử, Kim Thánh Thán cũng dựa vào những nguyên tắc thẩm mỹ của Lý Chí để bình luận. Nhà nghiên cứu Tả Đông Lĩnh trong sách Lý Chí và tư tưởng văn học vãn Minh - 李 贽 与 晚 明 文 学 思 想 (天 津 人 民 出 版 社, 1997年 版 ,第 302-306页) cho rằng: “Kim Thánh Thán đã chịu ảnh hưởng của bản Dung và Đường khi bình luận Thủy hử”.
Tuy nhiên, những bình luận của họ, xét trên một số phương diện có đôi chút khác nhau. Bình luận về chủ đề, nhân vật, việc sáng tác Thủy hử, Lý Chí cho rằng, tác giả Thủy hử “Phát phẫn tác thư” - 发愤 作书 (Tức giận mà viết sách), còn Kim Thánh Thán lại nói tác giả viết Thủy hử khi “Tâm nhàn lộng bút” - 心 闲 弄 笔 (Nhàn tâm phóng bút). Về tư tưởng chủ đề, Lý Chí cho rằng Thủy hử có chủ đề “忠 义 - Trung nghĩa”, nhưng Kim Thánh Thán lại cho rằng “除 寇 灭 盗 - Trừ khấu diệt đạo”. Về nhân vật, Lý Chí thấy anh hùng Lương Sơn là “大 力 大贤 - Đại lực đại hiền”, Kim Thánh Thán ngược lại cho rằng các anh hùng Lương Sơn là “豺狼 虎豹 - Sài lang hổ báo”.
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, tiếp nhận Thủy hử thời Minh được nhìn nhận từ nhiều phía: tiếp nhận qua phương thức chuyển thể hý kịch, hý khúc Thủy hử, phân loại đặc điểm độc giả tiếp nhận Thủy hử thời Minh và tiếp nhận Thủy hử của Kim Thánh Thán. Còn các vấn đề chủ yếu của tiếp
26
nhận Thủy hử thời Thanh là tiếp nhận Thủy hử của Vương Vọng Như, phản tiếp nhận Thủy hử, tương quan tiếp nhận Thủy hử và tiểu thuyết nghĩa hiệp đời Thanh, những quan điểm tư tưởng mới trong tiếp nhận Thủy hử. Vương Vọng Như đã bàn đến những tài liệu phong phú về bình luận “tựa”, “bạt”
Thủy hử. Thông qua những ghi chép về bình luận Thủy hử đời Minh Thanh, chúng ta thấy người đọc Thủy hử thường là các nhân sĩ, trí thức. Thái độ khẳng định Thủy hử của các sĩ phu đời Minh có giá trị phê bình rất cao. Sang đến đời Thanh có sự thay đổi tiếp nhận, đặc biệt là quãng giữa đời Thanh (清 中 叶, khoảng 1750), các nhân sĩ nhận ra Thủy hử là tiểu thuyết hối đạo (诲 盜, tiểu thuyết dạy trộm cướp/ sách tạo phản). Nhìn chung, những thay đổi trong quan hệ tư tưởng, văn hóa, xã hội, chính trị, chính sách, vô hình chung đã tạo nên sự thay đổi về tiếp nhận Thủy hử thời Minh - Thanh. Tác phẩm này, trong quá trình lưu truyền lâu dài từ thời Minh đến Thanh đã có những ý nghĩa xã hội nhất định. Một mặt, tác phẩm cổ vũ quần chúng nhân dân lao khổ đứng lên chống lại ách áp bức, tạo ra sự phản kháng đối với giai cấp địa chủ phong kiến; mặt khác, thuyết giảng những vấn đề xung quanh quan niệm đạo đức như trung, hiếu, tiết, nghĩa.