Ngữ cảnh và người đọc

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 44 - 49)

CHƯƠNG 2: TIẾP NHẬN THỦY HỬ Ở TRUNG QUỐC TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN NĂM 1949

2.1. Ngữ cảnh và người đọc

Chiến tranh Nha phiến (Trung - Anh) nổ ra năm 1840 đã tác động và ảnh hưởng to lớn đến tiến trình lịch sử Trung Quốc. Từ cuộc chiến này, văn hóa phương Tây bắt đầu soi rọi và “thực dân” văn hóa Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ Đông - Tây, Á - Âu, tư tưởng quân chủ lập hiến, tư tưởng dân chủ, bình đẳng và tự do của giai cấp tư sản hiện đại đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Tiếp sau đó, các cuộc vận động chống phong kiến và chống ngoại xâm Thái Bình Thiên Quốc (1850-1865); chính biến Mậu Tuất (1898); phong trào Nghĩa hòa đoàn (1900); cách mạng Tân Hợi (1911); vận động Khai sáng và vận động Ngũ Tứ (1919),… cùng với sự xuất hiện của những trí thức cấp tiến như Tôn Trung Sơn, Lương Khải Siêu (trong cuộc Cách mạng Tân Hợi) đã dẫn tới hàng loạt thay đổi về nhiều phương diện… Những người như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương chủ trương giữ điển chương lễ giáo của tiền nhân; thay đổi quan chế, binh chế, công thương. Chính trị gia nổi tiếng Trương Chi Động đã đề cập đến vấn đề “Trung học vi thể, Tây học vi dụng”

(Hoa học là chủ thể, Tây học để ứng dụng), một mặt nói đến tầm quan trọng của Hoa học, một mặt đề cao tính ứng dụng của lý thuyết phương Tây… được xem là những vấn đề căn bản, chi phối và tác động sâu sắc tới việc nghiên cứu, tiếp nhận các tác phẩm văn học thời kỳ này.

Trong cuộc vận động Duy Tân, Khang Hữu Vi với việc đề cao chữ nhân của Khổng Tử, chống từ chương, khảo chứng, đã viết ba cuốn sách nổi tiếng là Tân học Ngụy Kinh khảo, Khổng tử cải chế khảo Đại Đồng thư.

Còn Lương Khải Siêu - một nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng tương đối

38

lớn đến tư tưởng Trung Quốc, người rất thích đọc, viết sách văn học - sau năm 1848, đã trốn sang Nhật Bản học tập và nghiên cứu. Tư tưởng “tân dân”

trong sách Tân dân thuyết của ông có nhiều lập luận về người quốc dân mới.

Với ông, “tân dân là quốc dân của một nước dân chủ”, quốc dân mới là người hội tụ đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ để xây dựng nhà nước Trung Quốc phú cường.

Mục đích cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu trong thời kỳ này đã quá rõ ràng khi mà họ có ý thức hướng về quyền lợi, tự do, tự tôn, hợp quần, tư tưởng quốc gia tiến bộ,…

Những chuyển biến đó cho thấy nửa đầu thế kỷ XX thực sự là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử xã hội Trung Quốc. Rất nhiều vấn đề như kinh tế, văn hóa, tư tưởng, chính trị,… đã đặt đất nước Trung Quốc vào thế mở đường, đương nhiên, song hành là sự khó khăn và bế tắc. Cũng giống như một triết lí biến dịch trong Kinh dịch “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, sau những biến động của thời cận đại, Trung Quốc bước tiếp trên con đường đến với xã hội hiện đại. Nghiên cứu Thủy hử giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1949 cũng vì thế mà bị chi phối, ảnh hưởng, gặp không ít khó khăn, thăng trầm trong sự “tắc, biến, thông” của xã hội Trung Quốc đương thời.

2.1.2. Cuộc vận động Ngũ Tứ và sự nảy sinh lớp người đọc mới

Thực tại xã hội với sự ảnh hưởng lớn nhất là cuộc vận động tân văn hóa Ngũ Tứ đã nảy sinh những vấn đề mới trong nghiên cứu Thủy hử, tạo nên bộ phận người tiếp nhận có quan điểm, tư duy thẩm mĩ, hệ hình tiếp nhận tương đối khác so với giai đoạn tiếp nhận thời Minh, Thanh trước đó. Thông qua các bộ văn học sử, sách, tiểu luận và các công trình nghiên cứu Thủy hử giai đoạn từ năm 1912 đến cuối những năm 1940, cho thấy, đây là thời kỳ mở rộng khả năng kết hợp lý thuyết Trung - Tây trong nghiên cứu Thủy hử. Vào những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Thích 胡適 (1891-1962) là người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp và quan niệm học thuật phương Tây hiện đại để

39

tiến hành nghiên cứu Thủy hử. Năm 1920, ông viết Thủy hử truyện khảo chứng đã sử dụng phương pháp diễn tiến lịch sử để làm căn cứ khảo cứu lịch sử trong tính hoàn chỉnh của văn bản tác phẩm. Hồ Thích đã khai thác tiến hóa luận và chủ nghĩa thực chứng của phương Tây để nghiên cứu, tiếp nhận một số vấn đề liên quan đến Thủy hử.

Cùng thời gian trên, phương pháp triết học Marx được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc. Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đã được giới thiệu và ứng dụng trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là văn học. Tạ Vô Lượng, Tạ Văn, Trần Độc Tú là những người đã đi đầu trong việc phân tích nội dung, tư tưởng Thủy hử từ quan điểm “giai cấp”

và “cách mạng”. Tạ Vô Lượng cho rằng: “Thủy hử, hơn một nửa truyện là ca ngợi chủ nghĩa “hảo hán”... Một người hoặc một giai cấp nếu bị áp bức quá ắt sẽ phản động, ắt sẽ nảy sinh cách mạng”. Những nghiên cứu kiểu này ngay lập tức gây hiệu ứng tích cực đối với người đọc. Còn trong bầu không khí văn học Ngũ Tứ, Chu Tác Nhân đứng từ góc độ nhân tính luận của phương Tây để thuyết minh về Thủy hử và cho rằng: “Thủy hử là văn học phi nhân tính”;

Trần Độc Tú xuất phát từ lý thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx đã nhận định: “Thủy hử phản ánh mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân”, v.v… Có thể dễ dàng nhận ra tư tưởng triết học phương Tây là tiền đề để giới nghiên cứu lý giải bộ tiểu thuyết này.

Năm 1930 đã có học giả nghiên cứu Thủy hử từ quan điểm xã hội học.

Một cuốn sách gây ảnh hưởng đáng kể là Thủy hử truyện và xã hội Trung Quốc (Nam Kinh chính giáp thư cục, tháng 7-1934. Sau này, cuốn sách được tái bản bởi Bắc Kinh xuất bản xã, năm 2005) của Tát Mạnh Vũ (1897-1984).

Qua các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, tôn giáo và nhiều phương diện xã hội khác, công trình đã cung cấp gần như đầy đủ những phương pháp mới, cách tiếp cận mới về tiểu thuyết Thủy hử. Trong lời nói đầu cuốn sách, tác giả

40

Tát Mạnh Vũ viết: “Muốn nghiên cứu xã hội Trung Quốc thì phải chú ý đến hào tộc, sĩ nhân, nông dân, đất đai, hộ khẩu, tiền tệ, tư bản thương nghiệp, tổ chức quan liêu, chế độ quân đội, v.v… Sách này mượn câu chuyện Thủy hử, sử dụng tư liệu lịch sử để nói rõ. Đương nhiên muốn nghiên cứu xã hội Trung Quốc thì lại phải tham khảo sách về Lịch sử chính trị xã hội Trung Quốc. Sau khi đọc sách này, nếu có thể hiểu được lịch sử chính trị xã hội Trung Quốc thì lại càng thêm hiểu về tình hình xã hội Trung Quốc” [195, 2]. Trong sách, Tát Mạnh Vũ đã khéo léo gắn kết, liên hệ câu chuyện các anh hùng, Cửu Thiên Huyền Nữ, Sinh Thần Cương, ý nghĩa thế thiên hành đạo trong Thủy hử với các vấn đề xã hội như hôn nhân, quan hệ gia tộc, lãnh tụ… để nhận diện, tìm hiểu đặc trưng, mối quan hệ giữa tiểu thuyết Thủy hử với những vấn đề trong lòng xã hội Trung Quốc đương thời. Các phần viết như: Từ Văn Thù viện núi Ngũ Đài nói tới nguyên nhân lưu hành Phật giáo (tr.32-47); Ý nghĩa xã hội học của câu chuyện Sinh Thần Cương bảy vạn quan tiền (tr.59-69); Từ câu chuyện Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh nói tới vấn đề hôn nhân thời cổ đại (tr.77-81); Nguồn gốc Cửu Thiên Huyền Nữ và ba quyển thiên thư (tr.94- 117),… đã thể hiện sự phân tích tinh tế, rõ ràng về những quan hệ đó. Tác giả cho rằng nếu đặt câu chuyện tình cảm của Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh vào xã hội thời cổ đại thì không thể chấp nhận còn với xã hội hiện đại ngày nay thì đó chính là vấn đề của “tự do hôn nhân” - một tư tưởng tiếp nhận tiến bộ, hiện đại hơn nhiều so với cách tiếp nhận thông thường.

Ngoài ra, có một số nghiên cứu từ góc độ lịch sử học, địa lý học, dân tộc học, phương ngôn học như Thủy hử và xã hội vãn Minh của Lý Văn Trị (Văn sử tạp chí; quyển 2, số 3, tháng 3/1942); Thủy hử truyện và sự hợp tụ thiên địa của La Nhĩ Cương (Đại công báo, số 9, ngày 16/11/1934 - Phụ san Văn sử chu san); Hình thế và diên cách của Lương Sơn Bạc của Tạ Hưng Nghiêu (Nhân gian thế, số 27, ngày 5/5/1935), v.v... cũng gây nhiều chú ý.

41

Hoạt động tiếp nhận Thủy hử giai đoạn nửa đầu thế kỷ còn phải kể đến việc thuyết minh, lý giải tác phẩm trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật (1937-1945). Vào những năm 1930, Nhật bắt đầu xâm lược Trung Quốc. Việc chống quân xâm lược như thế nào đã trở thành một vấn đề thời đại. Thời gian này đồng xuất hiện khá nhiều vở kịch được phóng tác, cải biên, chuyển thể trên cơ sở các tích truyện Thủy hử. Soi chiếu vào thực tại khách quan thì thấy tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc lúc này hết sức phức tạp. Đất nước tạm chia thành hai chiến khu là Quốc thống khu (bên Quốc Dân Đảng) và Giải phóng khu (bên Cộng Sản Đảng). Cũng bởi thế, kịch cải biên từ Thủy hử tất yếu đi theo hai ngã rẽ khác nhau, đồng thời tạo nên hai xu thế tiếp nhận kịch Thủy hử khác biệt. Bên Quốc thống chủ yếu tiếp nhận Thủy hử theo các nguồn truyện phóng tác từ Thủy hử hoặc tiểu thuyết tục thư (loại tiểu thuyết được sáng tác nối theo tiểu thuyết ban đầu). Trong số bốn tiểu thuyết tục thư thì Thủy hử trung truyện của Khương Hồng Phi được viết và xuất bản sớm nhất (Thượng Hải Trung Quốc Đồ thư Tạp chí Công ty xuất bản, 1938). Câu chuyện không đơn giản dừng lại ở việc bàn đến những sáng tạo nghệ thuật trong các tiểu thuyết tục thư, mà đáng nói hơn là việc các tác giả đã cùng hướng tới mục đích chung là “dùng nghệ thuật để phục vụ kháng chiến”. Còn lại, bên Giải phóng tiếp nhận Thủy hử qua các vở kịch cải biên như Phan Kim Liên, Lâm Xung dạ bôn, Tam đả Chúc Gia Trang Các vở kịch được cải biên từ truyện Thủy hử có nội dung và cảm hứng nghệ thuật khác, thậm chí rất khác so với bản truyện.

Như vậy, hai nội dung chính của vận động tân văn hóa Ngũ Tứ là đề xướng văn bạch thoại và lấy tư tưởng học thuật phương Tây làm kim chỉ nam, đã ảnh hưởng trực tiếp tới nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử giai đoạn này. Lí luận văn học và phê bình văn học về Thủy hử đã có tư tưởng và phương pháp mới, tạo nên lớp người đọc, cũng là những nhà lí luận phê bình, nhà văn

42

Trung Quốc nổi tiếng, có trình trình độ, tư duy và cái nhìn mới như Trần Độc Tú, Hồ Thích, Lỗ Tấn, Tạ Vô Lượng, Trịnh Chấn Đạc, Phan Lực Sơn, Diêu Từ Huệ…

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)