Hiện tượng tái tạo và phóng tác Thủy hử

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 66 - 70)

CHƯƠNG 2: TIẾP NHẬN THỦY HỬ Ở TRUNG QUỐC TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN NĂM 1949

2.2. Các khuynh hướng tiếp nhận

2.2.2. Tái thể hiện trong tiếp nhận Thủy hử thời kỳ kháng Nhật

2.2.2.2. Hiện tượng tái tạo và phóng tác Thủy hử

Việc chọn lọc sáng tạo hoặc thay đổi thêm bớt những tình tiết của Thủy hử để tạo thành những tiểu thuyết tục thư, kịch hoặc sách bình luận về Thủy hử được xem là hiện tượng tái tạo và phóng tác từ tiểu thuyết Thủy hử ở Quốc thống khu. Trên cơ sở đọc và phân tích các tài liệu nghiên cứu Thủy hử ở Trung Quốc, chúng tôi cho rằng tiểu thuyết tục thư phóng tác từ Thủy hử là một trong những hiện tượng nổi trội, đáng bàn luận nhất trong nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử ở Quốc thống khu giai đoạn kháng Nhật.

Tiểu thuyết tục thư là một loại tiểu thuyết được sáng tác bằng việc viết tiếp, kể tiếp những tình tiết mới dựa trên cơ sở nội dung và hình thức từ bộ tiểu thuyết gốc. Loại hình tiểu thuyết này từng xuất hiện vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở Trung Quốc. Cùng với đó, hiện tượng tái tạo và phóng tác tiểu thuyết không chỉ xảy ra với trường hợp Thủy hử mà còn ở các bộ tiểu thuyết cổ điển khác như Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa,…

Có bốn tác phẩm tục thư Thủy hử mà chúng tôi quan tâm giới thiệu, đó là:

Thủy hử trung truyện (水 浒 中 传), Tân Thủy hử (新 水 浒), Thủy hử tân truyện (水 浒 新 传), Thủy hử nhân vật luận tán (水 浒 人 物 论 赞). Trong số đó, Thủy hử trung truyện của Khương Hồng Phi được viết và xuất bản sớm

60

nhất vào năm 1938 (Thượng hải Trung Quốc Đồ thư Tạp chí Công ty xuất bản). Thủy hử trung truyện của tác giả Khương Hồng Phi gồm 30 hồi. Lời tự thuật trong cuốn Thủy hử trung truyện nhấn mạnh: “Tác giả cho rằng cuốn Đãng khấu chí của Du Vạn Xuân là “cuốn sách bợ đỡ dị tộc”, bộ sách Thủy hử hậu truyện của Trần Trầm là “một tấm gương về sự mất nước, phản ánh một dân tộc nhược tiểu bị chủ nghĩa đế quốc xâm lăng”, đọc nó, ta thấy máu nóng sục sôi, lòng yêu nước bỗng trào dâng mãnh liệt. Bọn Tống Giang hơn trăm con người thời đó chỉ còn lại một phần ba, mà vẫn gắng sức phấn đấu, thực khiến cho dân tộc ta có thể ngẩng đầu, hả dạ, rất có sức mạnh kêu gọi dân chúng nỗ lực để tự cường. Xét vị thế của nước ta thời nay, thiết nghĩ rất nên đề cao những cuốn tiểu thuyết như thế này để khơi dậy tinh thần vươn lên của dân chúng” [191, 13]. Lời tự thuật trên cho thấy, để khích lệ lòng dân, Khương Hồng Phi đã viết Thủy hử trung truyện. Khi viết Thủy hử trung truyện, Khương Hồng Phi nhấn mạnh yếu tố “Hán gian” - từng xuất hiện trong Thủy hử và thời kháng Nhật, khái niệm “Hán gian” được dùng chỉ chung những kẻ bán nước hại dân. Về vấn đề này, Khương Khởi Vị trong bài Lược thuật về Thủy hử trung truyện còn lớn tiếng sỉ vả bọn Hán gian bán nước cầu vinh, và chỉ ra mục đích của cuốn Thủy hử trung truyện: “Thời nay lòng người như đã chết từ lâu, vì cái lợi, người ta dám bán cả cha mẹ; ấy là mầm mống của cái loạn vậy! Nếu không lập tức chặn đứng, thì một khi xảy ra chuyện, thử hỏi có ai sẽ không thể là Hán gian? Kẻ địch sẽ không tốn một một hòn tên mũi đạn cũng có thể tiêu diệt nước ta, xóa sổ dân tộc ta. Những con người có lòng ái quốc, có thể không lo lắng hay sao? Nay đọc cuốn sách này mới thấy Khương tiên sinh đã dồn bao tâm huyết đạt đến đỉnh cao hơn đời, tiên sinh đặc biệt nhấn mạnh cái tâm của bậc chính nhân, ngăn chặn mầm loạn, đề cao dân tộc và lòng ái quốc. Có cuốn sách này trong tay, đọc nó, nó có thể tác động đến những ai đang rắp tâm gian ác (Hán gian) phải tỉnh ngộ

61

rồi dám hy sinh vì nước” [191, 13]. Những điều được viết trong Thủy hử trung truyện cho thấy, tác giả rất đau xót vì lòng người chẳng còn như xưa, vì lễ, nghĩa, liêm, sỉ chẳng được đề cao. Sách tuy ngợi ca cổ nhân nhưng thực ra là nhằm khuyên nhủ người đương thời và thế hệ sau. Vì thế đây là bộ tiểu thuyết tục thư về Thủy hử có giá trị hiện thực rất lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức tư tưởng của người tiếp nhận đương thời.

Đến năm 1940, Cốc Tư Phạm viết Tân Thủy hử và Trương Hận Thủy viết Thủy hử tân truyện. Tác phẩm Tân Thủy hử của Cốc Tư Phạm được viết theo lối tiểu thuyết chương hồi (24 hồi), trong giai đoạn đầu của thời kháng chiến được đăng nhiều kỳ liên tục trên phụ san của tờ “Dịch báo hàng ngày”.

Nội dung cuốn tiểu thuyết chương hồi này là câu chuyện miêu tả cuộc đấu tranh kháng Nhật của nhân dân vùng Giang - Triết. Bên cạnh đó, cuốn sách đã phản bác rõ ràng những luận điệu sai trái của Quốc Dân Đảng. Sau này, nhà nghiên cứu Vương Tân Phương đã chỉ ra những luận điệu sai trái: “Kháng chiến tất sẽ thất bại, lý luận của Quốc Dân Đảng mới là chính thống, muốn kháng chiến thành công chỉ có thể dựa vào Quốc Dân Đảng, chiến tranh du kích chỉ là lối đánh đơn độc, lẻ tẻ, không thể làm nên chuyện gì đáng kể”

[191, 13]. Như vậy, cuốn sách đã vạch trần bộ mặt giả vờ kháng Nhật, thực tế là câu kết với Nhật, chống Cộng, chống nhân dân của lực lượng phản động, đặc biệt là vạch trần bộ mặt phản động của “Cứu quốc quân trung nghĩa” - Quốc Dân Đảng. Cuốn sách còn nhiệt liệt cổ vũ giới thanh niên trí thức hãy hòa mình vào quần chúng, trở thành những cán bộ tuyên truyền, những nhà tổ chức để phục vụ kháng chiến. Cuốn tiểu thuyết chứa chan tinh thần yêu nước, đề cao giác ngộ dân tộc, lòng tự hào dân tộc, lòng tự tin trong đông đảo bạn đọc; tuyên truyền đường lối do Trung ương Đảng đề ra: mở rộng và củng cố mặt trận thống nhất dân tộc kháng Nhật, động viên mọi lực lượng dốc sức cho

62

cuộc đấu tranh kháng chiến giành thắng lợi. Cuốn sách vì thế mà nhận được sự mến mộ của dân chúng mọi miền trên đất nước Trung Quốc... Cùng thời gian đó, năm 1940, Trương Hận Thủy viết Thủy hử tân truyện. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử mượn hình tượng các anh hùng hảo hán trong Thủy hử, dựa vào một số tình tiết trong “Tống sử” để sáng tạo nên tác phẩm văn học kháng Nhật độc đáo. Hình tượng dũng mãnh của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc tham gia phong trào cần vương chống giặc Kim và hình tượng nhân vật Tống Giang tham gia kháng chiến, cổ vũ nhân dân đấu tranh chống Nhật được khắc họa hết sức sâu sắc, sinh động và cũng là hiện tượng phóng tác nghệ thuật rất tinh tế từ câu chuyện Thủy hử. Tiểu thuyết in liên tục dài kỳ trên báo Thượng Hải, nhận được sự tán dương rất lớn của độc giả, chứng tỏ tác phẩm đã đem lại hiệu quả tuyên truyền rất cao, rất được quan tâm chú ý. Tám năm sau, năm 1948, Trương Hận Thủy sáng tạo thêm Thủy hử nhân vật luận tán,…

Tổng kết lại, về nội dung, các tiểu thuyết tục thư này chủ yếu phản ánh thực trạng đời sống khốn khổ của người dân, ngoài ra, cổ vũ, vận động, khích lệ, nâng cao tinh thần chiến đấu chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Cùng dòng chảy tục thư, tác phẩm Tân Thủy hử của Cốc Tư Phạm ra đời dựa theo chỉ đạo trong sách lược kháng chiến của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tiểu thuyết này có nội dung đề cao tinh thần chủ nghĩa ái quốc, tuyên truyền kháng Nhật. Công việc sáng tác tiểu thuyết tục biên Thủy hử giai đoạn này được nối dài với sáng tác của Trương Hận Thủy là Thủy hử tân truyện Thủy hử nhân vật luận tán. Hai tác phẩm này tuy viết cách nhau tám năm nhưng có chung mục đích là dùng nghệ thuật để phục kháng chiến. Sử dụng phương pháp

“mượn cũ để nói mới”, Trương Hận Thủy đã khéo léo sáng tạo, hư cấu một số tình tiết trong Thủy hử nhằm mục đích lí giải, miêu tả chân thực, sâu sắc nhất hiện thực đời sống đất nước Trung Quốc thời kháng Nhật. Mục đích của việc mượn các tình tiết, nhân vật trong Thủy hử, sử dụng truyện Thủy hử để liên

63

hệ, bàn thảo về thực tế kháng chiến thời kỳ đó dưới hình thức phóng tác, cải biên thành những tác phẩm nghệ thuật không gì khác là việc dùng nghệ thuật để phục vụ chính trị, đây cũng chính là điển hình của xu hướng sáng tác

“mượn cũ để nói mới”. Các tiểu thuyết tục thư Thủy hử của Khương Hồng Phi, Cốc Tư Phạm, Trương Hận Thủy,… cũng ra đời trên cơ sở ý đồ nghệ thuật như vậy.

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)