Khái lược tiếp nhận Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 33 - 44)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử

1.2.3. Khái lược tiếp nhận Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay

Tiếp nhận Thủy hử được xem là một trong những điểm nóng của hoạt động nghiên cứu tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc thế kỷ XX. Phần này, chúng tôi xác định phân chia theo ba giai đoạn nghiên cứu như sau: Từ đầu thế kỷ XX đến thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949; từ năm 1949 đến hết Cách mạng Văn hóa năm 1976 (trước khai phóng); từ năm 1980 đến nay. Sở dĩ chia ba giai đoạn như trên là bởi mỗi giai đoạn có hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những xu hướng, đặc điểm và phương pháp tiếp nhận khác nhau.

27

Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1949

Nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử giai đoạn này chủ yếu được xác định trên hai phương diện cơ bản là quan hệ thực tại chính trị - xã hội và việc tiếp nhận qua các tiểu luận, các công trình nghiên cứu và các bộ văn học sử.

Về bối cảnh xã hội, đây là thời kì chiến tranh Nha phiến (Trung - Anh) nổ ra năm 1840, đã tác động và ảnh hưởng to lớn đến tiến trình lịch sử Trung Quốc. Từ cuộc chiến này, văn hóa phương Tây bắt đầu soi rọi và “thực dân”

văn hóa Trung Quốc. Giai đoạn này, cuộc gặp gỡ Đông - Tây, tư tưởng quân chủ lập hiến, tư tưởng dân chủ, bình đẳng và tự do của giai cấp tư sản hiện đại đã diễn ra với tốc độ nhanh. Về văn học, sự ảnh hưởng của lý thuyết phương Tây đã được xem là vấn đề căn bản, chi phối và tác động sâu sắc tới việc nghiên cứu, tiếp nhận các tác phẩm văn học. Những tiểu thuyết thông tục đã trở thành đối tượng nghiên cứu của học giới. Tính hiện đại trong phương pháp nghiên cứu học thuật ngày càng thể hiện rõ hơn. Những nội dung về nhân quyền, chủ nghĩa xã hội, giác ngộ cứu quốc của tư tưởng phương Tây giai đoạn đầu này được xem như những phương diện cơ bản tiếp nhận và là tiền đề cho các văn nhân trí thức đương thời giải mã Thủy hử.

Trong bầu không khí văn học Ngũ Tứ, Chu Tác Nhân đứng từ góc độ nhân tính luận của phương Tây để thuyết minh về Thủy hử và cho rằng: “Thủy hử là văn học phi nhân (tính)”, còn Trần Độc Tú xuất phát từ lý thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx đã nhận định: “Thủy hử phản ánh mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân”, v.v… Có thể dễ dàng nhận ra tư tưởng triết học phương Tây là tiền đề để giới nghiên cứu lý giải bộ tiểu thuyết này.

Bàn về vấn đề tiếp nhận Thủy hử giai đoạn này chúng tôi không thể không nhắc tới công trình Thủy hử truyện khảo chứng (1920) của Hồ Thích.

Đây là một tập sách khảo cứu, phân tích, nhận định khá kĩ lưỡng về nội dung,

28

nghệ thuật, cách thức xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hử. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những lời bình luận của Kim Thánh Thán về tác phẩm Thủy hử, tác giả Hồ Thích đã phần nào tạo dựng được những cách thức, xu thế tiếp nhận đa dạng xung quanh câu chuyện của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.

Năm 1934, công trình Thủy hử và xã hội Trung Quốc (Nam Kinh chính giáp thư cục, tháng 7-1934) của Tát Mạnh Vũ ra mắt bạn đọc. Sau này, cuốn sách được tái bản năm 2005 (Bắc Kinh xuất bản xã). Từ góc nhìn xã hội học, Tát Mạnh Vũ đã phân tích khá nhiều vấn đề trong Thủy hử như: ý nghĩa của

“thế thiên hành đạo”, “cửu thiên huyền nữ”; phân tích tính cách các nhân vật chính như Tống Giang, Lâm Xung, Yến Thanh, Ngô Dụng,… đề cập đến vấn đề hôn nhân trong xã hội cổ đại Trung Quốc (qua mối quan hệ tình cảm giữa Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh), vấn đề không hợp tác với triều đình của Lương Sơn Bạc, ý nghĩa Sinh Thần Cương (tặng phẩm chúc mừng sinh nhật/

chúc thọ) trong Thủy hử,… Bên cạnh đó, các bài viết nghiên cứu Thủy hử từ góc độ lịch sử học, địa lý học, dân tộc học đến phương ngôn học cũng được giới nghiên cứu bình luận khá sôi nổi như: Thủy hử và xã hội vãn Minh của Lý Văn Trị (Văn sử tạp chí; quyển 2, số 3, tháng 3-1942); Thủy hử truyện và sự hợp tụ thiên địa của La Nhĩ Cương (Đại công báo, số 9, ngày 16/11/1934 - Phụ san Văn sử chu san); Hình thế và diên cách của Lương Sơn Bạc của Tạ Hưng Nghiêu (Nhân gian thế, số 27, ngày 5/5/1935), v.v...

Giai đoạn từ năm 1949 đến hết năm 1976

Từ những năm 1949 đến Cách mạng Văn hóa 1976, việc tiếp nhận Thủy hử từ đa nguyên chuyển dần đến nhất nguyên, chủ yếu lược qui về hệ thống lý luận Mác-xit trong phương pháp nghiên cứu. Mô thức vận dụng phản ánh luận và phân tích giai cấp là phương pháp giải mã chủ yếu xuyên suốt thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỉ trước. Nghiên cứu Thủy hử giai đoạn này chủ yếu là

29

những luận bàn xoay quanh chủ đề, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, các phương hướng tiếp nhận Thủy hử in đậm dấu ấn chủ nghĩa Mao.

Chủ đề là hạt nhân cơ bản của tác phẩm văn học. Trên cơ sở năm luận thuyết cơ bản về chủ đề Thủy hử: “Khởi nghĩa nông dân”, “Chủ nghĩa đầu hàng”, “Thị dân”, “Du dân” và một số lí giải khác,… các nhà nghiên cứu đã đưa ra những diễn giải khác nhau về tư tưởng, chủ đề tác phẩm và đây được xem là sản phẩm của mô thức vận dụng phản ánh luận. Chẳng hạn, Y Vĩnh Văn đề xướng thuyết “Diễn tả nỗi lòng thị dân”, cho rằng Thủy hử chú trọng thể hiện “Tư tưởng và hành vi phản kháng của tầng lớp thị dân”, “Truyện Thủy hử là tác phẩm phản ánh lợi ích của tầng lớp thị dân”. Những người như Âu Dương Kiện, Tiêu Tương Khải trong Thủy hử tân nghị đã xướng lên quan điểm truyện Thủy hử không viết về chiến tranh nông dân, mà là “biểu hiện lợi ích, nguyện vọng của tầng lớp thị dân, là cuốn tiểu thuyết viết về các “hào kiệt lục lâm là chính”. Các ông Lưu Liệt Mậu, Tôn Nhất Trân trở lại với thuyết “đấu tranh trung nghĩa”, cho rằng sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ truyện Thủy hử không phải là mâu thuẫn và đấu tranh giữa giai cấp nông dân với địa chủ, mà là mâu thuẫn và đấu tranh giữa trung nghĩa với gian tà.

Cách nhìn nhận của mô thức giải mã kiểu đấu tranh giai cấp đã khiến các tác giả lý giải quá trình hành hiệp trượng nghĩa là bạo động của nông dân, coi câu chuyện Lương Sơn Bạc tiếp nhận chiêu an rồi đi đánh Phương Lạp là sự thất bại của đường lối chiến tranh cách mạng nông dân. Trong khuôn khổ của phương thức nghiên cứu này, không chỉ Thủy hử, các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc đều có thể giải thích theo quan điểm đấu tranh giai cấp.

Thời kỳ này, việc nghiên cứu học thuật còn gắn liền với phong trào chính trị, trong bối cảnh văn hóa rộng lớn “cải tạo tư tưởng”, ngay các học giả thâm niên kỳ cựu cũng nỗ lực học tập chủ nghĩa Marx để thích ứng và bắt kịp trào lưu của thời đại. Và thế là chuẩn mực giải mã kiểu chủ nghĩa Marx coi

30

phản ánh luận duy vật và phương pháp phân tích giai cấp là nội dung chủ yếu đã nhanh chóng được phổ cập. Hầu hết, các tác phẩm văn học đều được giải mã theo chuẩn mực này.

Về các công trình nghiên cứu Thủy hử, chúng tôi chú ý đến sự xuất hiện cuốn sách Nghiên cứu Thủy hử của Hà Tâm (Thượng Hải văn nghệ liên hợp xuất bản xã xuất bản, 1954). Cuốn sách đã tập hợp các tài liệu nghiên cứu về vấn đề tác giả, văn bản, cốt truyện Thủy hử. Đây là chuyên khảo nghiên cứu về Thủy hử đầu tiên sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Bài viết Nghiên cứu về Tống Giang của Trương Chính Lãng (Lịch sử giáo học, số 1/1953), Luận về tác giả và niên đại thành sách Thủy hử của Trần Trung Phàm (Nam Kinh Đại học học báo, số tháng 1/1956) và một số tiểu luận khác đều được đánh giá là những nghiên cứu Thủy hử có giá trị nhất định tại thời điểm này.

Những năm 1960, Sở Nghiên cứu Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã biên soạn công trình Trung Quốc văn học sử. Sách này đã đề cập đến quá trình hoàn chỉnh Thủy hử và xác định nguyên nhân chủ yếu hình thành Thủy hử chính là cuộc khởi nghĩa nông dân cuối Nguyên. Ở thập niên 60 này, những tranh luận về kết cục chiêu an trong Thủy hử và việc bình luận hình tượng nhân vật Tống Giang đã vượt xa phạm vi của nghiên cứu văn học và đã chuyển thành vấn đề trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng và chính trị.

Đến thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn dần đánh mất chức năng đích thực của nó, ngay cả chủ nghĩa Marx cũng đã bị vận dụng bóp méo. Nhìn từ mối quan hệ giữa chính trị và phương pháp nghiên cứu mà nói thì chính trị đã khống chế, trói buộc, chi phối mọi cách thức tiếp nhận. Thời kỳ cuối của Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông đã dấy lên phong trào “Bình Thủy hử, phê Tống Giang”. Có thể nói, trong phong trào này, giới học thuật Trung Quốc đã đột

31

ngột chuyển hướng trong nghiên cứu Thủy hử. Dưới áp lực của chính trị, học thuật và nghiên cứu đã gặp phải trở ngại, đã mất hẳn tinh thần độc lập và tính dân chủ. Những bình luận Thủy hử của Mao Trạch Đông mùa hè năm 1975 chẳng phải ngẫu nhiên vô cớ xuất hiện mà có nguyên nhân sâu xa, có bối cảnh thời đại và môi trường xã hội của nó. Và sau khi đập tan “bè lũ bốn tên”, tư tưởng của mọi người dần dần được giải phóng. Kể từ đó, hoạt động nghiên cứu Thủy hử đã đi vào đúng quỹ đạo học thuật và dần trở nên chuyên nghiệp hơn.

Giai đoạn từ năm 1980 đến nay

Bốn năm từ 1976 đến 1980, nghiên cứu Thủy hử không có gì đáng bàn, đây được xem là giai đoạn bước đệm, chuyển tiếp cho giai đoạn sau. Đầu những năm 1980, tiếp nhận Thủy hử được nghiên cứu trở lại với việc đánh giá mức độ, thái độ đồng tình hay phản bác tác phẩm của người đọc. Thời điểm này, phương pháp xã hội học vẫn được trọng dụng trong nghiên cứu Thủy hử nhưng được nhận thức ở một tầm mức cao hơn, trong đó có việc đánh giá, phê phán những lối nghiên cứu dung tục trước kia. Nghiên cứu nghệ thuật của Thủy hử vẫn chưa thoát ly cách nhìn xã hội học, ví như Lâm Văn Sơn trong Miêu tả nhân vật Thủy hử cho rằng: “Sự hình thành tính cách nhân vật trong Thủy hử được quyết định bởi địa vị xã hội và tầng lớp xuất thân”. Mặt khác, việc mở rộng áp dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu và điều tra xã hội học đã phát huy tính tích cực khoa học trong nghiên cứu Thủy hử. Tác động của các phương pháp, hệ thống lý thuyết vào nghiên cứu, tiếp nhận Thủy hử giai đoạn này được thấy trên nhiều phương diện, ở đây chúng tôi nhấn mạnh đến hai phương diện chính: tiếp nhận Thủy hử theo hướng nghiên cứu văn hóa, đề cao các giá trị Chân, Thiện, Mỹ và tiếp nhận văn hóa đại chúng.

Thứ nhất, lí giải Thủy hử theo hướng tác phẩm đề cao Chân, Thiện, Mỹ, các nhà nghiên cứu đã từng bước khai thác, phân tích, tìm hiểu triết lí âm

32

dương, văn hóa nghĩa hiệp, văn hóa giang hồ, hình mẫu thần thoại, ba hình thái ý thức Nho, Đạo, Phật,… Qua các trang viết, người đọc thấy được tinh thần hào sảng, nét đẹp và giá trị của tác phẩm. Ví dụ, trong bài viết Từ Thủy hử truyện mà xem xét văn hóa giang hồ, Vương Học Thái đã đi sâu phân tích văn hóa giang hồ trong Thủy hử. Từ “giang hồ” xuất hiện vào thời tiên Tần và có ý nghĩa ban đầu là “giang hà hồ hải 江 河 湖 海”, ngụ ý là “ phiêu dạt bốn phương”. Không gian địa lý của từ “giang hồ” là sơn lâm, biển hồ, đầm lầy, thảo dã. Giới giang hồ còn được mỹ hóa là “du dân”, “giang hồ nhân” (có tính bang phái, không phải tầng lớp chủ lưu), phân biệt với “tông pháp nhân” (có tổ chức, tộc quyền, thuộc dòng chủ lưu, quan quyền chính thống). Từ việc tìm hiểu khái niệm “giang hồ” đến phân tích cái đẹp của “văn hóa giang hồ”,

“không gian sinh hoạt du dân” trong Thủy hử, Vương Học Thái đã nhấn mạnh: “Thủy hử, Tam quốc chí đều là tác phẩm văn học thông tục miêu tả ý thức du dân” [194, 9]...

Phân tích Thủy hử trên ba hình thái ý thức (Nho, Đạo, Phật) cũng rất được coi trọng. Trong công trình Thủy hử truyện thuyên thích sử luận, Trương Đồng Thắng đã dành trọn mục 5- Thủy hử truyện và văn hóa tôn giáo để tập trung khảo sát hình thái ý thức Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo như một phương diện quan trọng làm nên sắc thái văn hóa tôn giáo của tác phẩm. Ở đây chúng tôi tập trung xem xét việc khảo sát, phân tích tác phẩm theo hướng tiếp nhận Nho giáo. Tác giả Trương Đồng Thắng cho rằng, việc tìm hiểu quan điểm Nho giáo trong tiểu thuyết Thủy hử được xem xét trên hai phương diện nội dung mang màu sắc tâm linh khác nhau (nhận thức về vương triều, mô hình tổ chức Lương Sơn Bạc và những phương diện đạo đức, đạo lý, tâm linh). Trong chừng mực nhất định, có thể nói Thủy hử in đậm tinh thần “giải thiêng” Nho giáo trong cách định vị vai trò hoàng đế và vương triều. Tinh thần “giải thiêng” khiến tác phẩm nâng cao tính hiện thực, thực chứng và phơi

33

bày một cách sinh động những mặt trái trong thế giới quyền lực và những kẻ cầm quyền. Thực tế nội dung tác phẩm cho thấy, một khi nhà vua và vương triều không còn “chính danh”, không giữ được hình ảnh khuôn mẫu lý tưởng, không còn là biểu tượng tâm linh nữa thì dân chúng phải nổi lên chống đối, hy vọng tìm một con đường và lối thoát mới.

Lương Sơn Bạc trong Thủy hử một mặt được ca ngợi, mặt khác bị phê phán, thậm chí bị phủ nhận, qua đó tác phẩm gián tiếp phê phán, phủ nhận cả trật tự mô hình vương triều phong kiến. Nói khác đi, xét về bản chất, mô hình tổ chức xã hội Lương Sơn Bạc mang tính lưỡng phân, không thể trở thành khuôn mẫu lý tưởng trong thế giới tâm linh Nho giáo và không được thừa nhận ở bất cứ một chế độ tiến bộ nào có pháp luật và yêu chuộng hòa bình.

Như vậy, trên cơ sở khảo sát cả hai phương diện nhận thức về vương triều cũng như thực chất mô hình tổ chức Lương Sơn Bạc và những phương diện đạo đức, đạo lý đều cho thấy tác phẩm thiên về phản ánh hiện thực xã hội loạn lạc, không tìm thấy đâu nguồn sáng đúng nghĩa mang màu sắc lý tưởng tôn giáo. Điều này có nghĩa là ánh hào quang tâm linh không thuộc hẳn về một bên nào, không thuyết phục, hấp dẫn được người đọc và khó tạo được niềm mê hoặc với ý nghĩa là những xác tín tôn giáo.

Thứ hai, nét đặc sắc tiếp theo trong tiếp nhận Thủy hử giai đoạn này là tiếp nhận liên văn bản. Cách nghiên cứu nặng về khảo cứu văn bản, chủ đề, nội dung và nghệ thuật của giai đoạn trước đã nhường chỗ cho những hình thức nghiên cứu mới hơn. Dưới góc nhìn của lí thuyết liên văn bản, Thủy hử được nghiên cứu, nhận diện đa dạng hơn, được đặt trong tương quan hệ vấn đề mẫu hình nhân vật lục lâm thảo khấu và kiểu truyện anh hùng nghĩa hiệp.

Mặt khác, xu thế tiếp nhận, nghiên cứu liên văn bản Thủy hử thông qua các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, truyện tranh cũng được coi trọng. Các nhà nghiên cứu đặc biệt bàn sâu đến các thể loại phim, kịch

34

Thủy hử. Từ đầu thế kỷ XX, các tác phẩm dựa trên nền truyện Thủy hử mới chỉ có một vài phim hý khúc (ca kịch) như Diễm Dương lâu (1906) và Thu quan thắng (1907). Những thước phim hý kịch ngắn này được xem là bước đi đầu tiên của nền điện ảnh Trung Quốc. Sau thập kỷ 20, phim điện ảnh lấy đề tài từ truyện Thủy hử dần nhiều lên, nội dung ngày càng phong phú. Năm 1927, Công ty Trường Thành họa phiến (Thượng Hải) đã dựng các bộ phim Nhất tiễn thù, Thạch Tú sát tẩu. Năm 1928, Công ty Đại Đông ảnh phiến quay bộ phim Võ Tòng đại náo lầu Sư Tử; năm 1929, Công ty Phúc Đán ảnh phiến quay bộ phim Đại náo Ngũ Đài sơn, v.v… đều là phim câm, sau đó mới dần xuất hiện loại phim có âm thanh, nhưng vẫn là phim đen trắng. Phải đến thập kỷ 60 - 70 khi mà kỹ thuật làm phim phát triển mới xuất hiện phim màu, rất nhiều câu chuyện trong Thủy hử được đưa lên màn bạc, trở thành lối thưởng thức nghệ thuật phù hợp với mọi lứa tuổi. Năm 1963 xưởng phim Phúc Đán sản xuất tiếp bộ phim màu hý khúc Võ Tòng gồm 6 tập: Đả hổ trên đồi Cảnh Dương, Lầu Sư Tử, Dốc Thập Tự, Rừng Khoái Hoạt, Phố Phi Vân, Lầu Uyên Ương. Đặc biệt bộ phim Thủy hử của đoàn làm phim tỉnh Sơn Đông (1980) đã thành công vang dội và được trình chiếu rộng rãi ở Việt Nam.

Đầu năm 1992, phim Bản sắc anh hùng Thủy hử dựa theo truyện Thủy hử được khởi quay. Phim cơ bản trung thành với nguyên tác, chỉ có thay đổi chút ít tình tiết. Nội dung bộ phim nói về Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm và đủ các cảnh giết Lục Khiêm, rừng Dã Trư, Bạch Hổ đường... Các cảnh quay đấu võ sử dụng kỹ xảo quay phim điêu luyện, có tác dụng hỗ trợ khắc họa tính cách nhân vật chân thực, sống động. Tóm lại, cùng với sự phát triển của kỹ thuật và tiến bộ của nghệ thuật điện ảnh, phim lấy đề tài từ truyện Thủy hử phát triển từ phim câm đến phim lồng tiếng, từ phim đen trắng đến phim màu, trình độ nghệ thuật cũng dần được nâng cao.

Một phần của tài liệu Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy hử ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX đến nay (Trang 33 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)