Cán cân vãng lai

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 38)

CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THÂM HỤT KÉP

2.1. Thâm hụt cán cân vãng lai

2.1.1. Cán cân vãng lai

Theo điều 4, khoản 7 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 của Việt Nam, cán cân thanh toán quốc tế là bảng cân đối tổng hợp thống kê một cách có hệ thống toàn bộ các giao dịch kinh tế giữa Việt Nam và các nước khác trong một thời gian nhất định. Trong cán cân thanh toán quốc tế, cán cân vãng lai là một bộ phận quan trọng, phản ánh toàn bộ các giao dịch bằng tiền hoặc tài sản giữa người cư trú và người không cứ trú mà không phát sinh nghĩa vụ nợ trong tương lai.

Như vậy, thứ nhất, cán cân vãng lai là một bộ phận của cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế là một trong những báo cáo thống kê quan trọng của quốc gia vì nó thể hiện toàn bộ giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, phản ánh tất cả các khoản vay mượn của quốc gia với phần còn lại của thế giới và biến động dự trữ ngoại hối của quốc gia trong kỳ. Theo đó cán cân thanh toán quốc tế được cấu thành từ 5 phần chính: cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính, lỗi và sai sót, cán cân dự trữ. Cán cân vãng lai là cán cân cơ bản, quan trọng trong cán cân thanh toán quốc tế của mọi quốc gia, nó phản ánh các giao dịch vãng lai bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu nhập, chuyển giao vãng lai (một chiều).

Thứ hai, trong CCVL, các giao dịch được thực hiện bằng tiền hoặc tài sản.

Các cán cân cơ bản trong cán cân thanh toán quốc tế đều có giao dịch thực hiện bằng tiền hoặc tài sản. Khi hạch toán, ghi chép, tùy theo tình hình thực tế mà các quốc gia lựa chọn đồng tiền sử dụng khác nhau. Với các nước có đồng tiền không được tự do chuyển đổi (như Việt Nam) hoặc thường xuyên biến động, thường sử dụng một ngoại tệ tự do chuyển đổi được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế của quốc gia đó (Việt Nam sử dụng đồng đô la Mỹ để ghi chép). CCVL chỉ phản ánh sự thay đổi giá trị do giao dịch tạo ra (có sự chuyển đổi quyền sử dụng, sở hữu tài sản), mà không ghi nhận sự thay đổi giá trị tài sản do biến động về giá cả, tỷ giá hay do tác động của việc phân tổ thống kê.

Thứ ba, giống như các giao dịch được ghi nhận vào cán cân thanh toán quốc tế, giao dịch trong CCVL là giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú.

Người cư trú của một quốc gia là tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế chủ yếu được hình thành từ quốc gia đó. Để được xem là người cư trú của một quốc gia, tổ chức, cá nhân phải được hình thành, có địa điểm hoạt động, nơi cư trú, nơi sản xuất, hoặc nơi hoạt động mà tại đó tổ chức, cá nhân này thực hiện hoặc dự định thực hiện các hoạt động và giao dịch kinh tế một cách rõ ràng và lâu dài tại quốc gia đó.

Người cư trú của một quốc gia bao gồm: tổ chức kinh doanh, cá nhân, cơ quan chính phủ có trụ sở kinh doanh hoặc nơi cư trú hợp pháp tại quốc gia đó; cơ quan ngoại giao, quân đội, du khách, công nhân và chuyên gia làm việc ngắn hạn tại nước ngoài. (Lê Phan Thị Diệu Thảo, 2015, tr52-53).

Thứ tư, các giao dịch trong CCVL không làm phát sinh nghĩa vụ nợ trong tương lai. Các giao dịch trong CCVL là các giao dịch bằng tiền và tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản đều được chuyển giao ngay tại thời điểm giao dịch, không có bất kỳ nghĩa vụ nợ trong tương lai nào bị phát sinh. Ngược lại với cán cân vốn và cán cân tài chính, các giao dịch bằng tiền và tài sản nhưng chỉ chuyển giao quyền sử dụng tài sản mà không chuyển giao ngay quyền sở hữu tài sản; sau một thời hạn đầu tư nào đó thì người chuyển giao mới thu hồi dòng tiền này, làm hình thành nghĩa vụ nợ đối với nước nhận tài sản.

Thứ năm, kỳ lập báo cáo CCVL thường là một năm. Thực tế, tùy theo nhu cầu mà báo cáo có thể được thống kê và lập thường xuyên hơn, có thể là hàng quý, hàng tháng. Tuy nhiên, bản báo cáo với số liệu chính thức, được sử dụng rộng rãi, được các nước quy định trong luật, được IMF yêu cầu chính thức thực hiện là bản báo cáo năm.

CCVL bao gồm 4 thành tố: cán cân thương mại, cán cân dịch vụ, cán cân thu nhập (thu nhập sơ cấp), cán cân chuyển giao vãng lai một chiều (thu nhập thứ cấp).

Theo IMF (1993), CCVL bao gồm:

- Cán cân thương mại

 Xuất khẩu hàng hóa

 Nhập khẩu hàng hóa - Cán cân dịch vụ

 Vận tải

 Du lịch

 Các dịch vụ khác - Cán cân thu nhập

 Thu nhập từ đầu tư

 Thu nhập của người lao động

- Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều

 Bao gồm các khoản chuyển giao bằng tiền, hiện vật được cho, tặng, biếu, viện trợ… không hoàn lại cho mục đích tiêu dùng giữa người cư trú với người không cư trú và ngược lại.

2.1.1.1. Cán cân thương mại

Cán cân thương mại (CCTM) ghi chép các giao dịch mua bán hàng hóa hữu hình giữa người cư trú và người không cư trú, bao gồm hai hoạt động là xuất khẩu và nhập khẩu. Khi XK hàng hóa, dòng tiền từ ngoài chảy vào quốc gia, tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Ngược lại, khi NK hàng hóa, dòng tiền chảy ra ngoài quốc gia, tăng cầu ngoại tệ trong nền kinh tế.

Trên thực tế, đối với mọi quốc gia, cán cân thương mại đóng vai trò quan trọng nhất trong CCVL, thậm chí trong đa số các nghiên cứu, báo cáo, CCTM được sử dụng thay thế cho CCVL. CCTM thể hiện sức sản xuất, tiêu thụ và cung ứng hàng hóa của một quốc gia cho phần còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, dựa vào CCTM có thể đánh giá được mức độ phụ thuộc kinh tế vào các đối tác thương mại của đất nước. Theo cơ cấu các mặt hàng trong CCTM sẽ chỉ ra được tính bền vững trong hoạt động XNK.

Phụ thuộc vào mối tương quan giữa XK và NK mà CCTM tồn tại dưới 3 trạng thái:

- CCTM thặng dư: XK lớn hơn NK (tình trạng xuất siêu);

- CCTM thâm hụt: XK nhỏ hơn NK (tình trạng nhập siêu);

- CCTM cân bằng: XK bằng NK.

2.1.1.2. Cán cân dịch vụ

Cán cân dịch vụ (CCDV) ghi chép các giao dịch mua bán dịch vụ (hàng hóa vô hình) giữa người cư trú và người không cư trú, bao gồm hai hoạt động là xuất khẩu và nhập khẩu. Khi XK dịch vụ, dòng tiền từ ngoài chảy vào quốc gia, tăng

nguồn cung tiền cho nền kinh tế. Ngược lại, khi NK dịch vụ, dòng tiền chảy ra ngoài quốc gia, tăng cầu tiền trong nền kinh tế.

CCDV ngày càng quan trọng trong CCVL của một quốc gia, nhờ vào xu hướng phát triển thương mại dịch vụ trên thế giới và tại các nước đang phát triển:

- Thương mại dịch vụ ngày càng tăng về cả quy mô và tỷ trọng trong thương mại quốc tế nói chung;

- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng những loại hình dịch vụ sử dụng hàm lượng tri thức cao;

- Càng ngày phương thức cung cấp dịch vụ càng ít đòi hỏi tương tác trực tiếp giữa người cung cấp và người sử dụng.

Khuyến khích XK dịch vụ giúp tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, đồng thời hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu hàng hóa phát triển, đặc biệt là các ngành dịch vụ và sản xuất có mối quan hệ tương hỗ như du lịch và sản phẩm truyền thống, vận tải, bảo hiểm và hàng hóa xuất nhập khẩu…

Dịch vụ có xu hướng hướng đến các ngành sử dụng hàm lượng tri thức cao, vì vậy tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng tạo ra năng suất lao động cũng như hiệu suất kinh tế là rất lớn. Nhờ tốc độ phát triển nhanh mà ngành dịch vụ sẽ giải quyết nhu cầu việc làm ngày càng cao của xã hội, giúp giải quyết một phần nạn thất nghiệp, nâng cao thu nhập và mức sống dân cư.

Tương tự như CCTM, CCDV cũng tồn tại 3 trạng thái: thặng dư, thâm hụt và cân bằng.

2.1.1.3. Cán cân thu nhập

Cán cân thu nhập (CCTN) phản ánh các dòng tiền về khoản thu nhập giữa quốc gia lập báo cáo và phần còn lại của thế giới, bao gồm phần nhận được và phần chi trả. Thu nhập được xác định chủ yếu bao gồm thu nhập về đầu tư, là các khoản lãi suất, lãi cổ phần, lợi tức được chia cho các chủ sở hữu các doanh nghiệp nước ngoài; hoặc thu nhập của người lao động, là các khoản tiền lương, tiền thưởng, nhân công thanh toán cho người lao động nước ngoài đến làm việc ngắn hạn tại nước lập báo cáo.

Phụ thuộc vào chênh lệch giữa khoản nhận được và khoản chi trả thu nhập giữa người cư trú và người không cư trú mà CCTN của một quốc gia tồn tại dưới 3 trạng thái: thặng dư, thâm hụt và cân bằng.

2.1.1.4. Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều

Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều (CCCGVLMC) phản ánh các khoản cho và nhận quà biếu của một quốc gia với phần còn lại của thế giới, vì vậy chuyển giao vãng lai một chiều không mang tính chất có đi có lại. Chuyển giao vãng lai một chiều bao gồm 2 loại: chuyển giao một chiều tư nhân và chuyển giao một chiều chính phủ.

Chuyển giao một chiều tư nhân bao gồm các khoản quà tặng của cá nhân, tổ chức phi chính phủ. Một trong những giao dịch quan trọng là kiều hối, quà tặng mà người cư trú nhận được hoặc chuyển cho người thân, bạn bè ở nước ngoài.

Chuyển giao một chiều chính phủ là quà tặng hoặc trợ cấp một quốc gia nhận được hoặc của quốc gia chuyển cho cá nhân, tổ chức, chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế.

Kiều hối được coi là thành phần chính, chiếm tỷ trọng lớn và có vai trò quan trọng nhất trong CCCGVLMC. Kiều hối được chuyển về nước có thể đi theo hai con đường: chính thức và phi chứng thức. Chuyển tiền thông qua kênh chính thức sẽ thuận tiện, an toàn và người nhận tiền có thể nhận được tiền ngay, không mất thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, người gửi và người nhận phải xuất trình nhiều giấy tờ để nhận tiền, hoặc trong trường hợp cá nhân mang theo ngoại tệ hộ cho kiều bào ở nước ngoài thì phải khai báo với Hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ. Bên cạnh đó, người gửi và người nhận phải chấp nhận giá ngoại tệ mà ngân hàng bán ra cao hơn, mua vào thấp hơn so với thị trường tự do. Ngược lại với kênh chính thức, chuyển tiền qua kênh phi chính thức thì không được đảm bảo an toàn, phí chuyển tiền cao. Nhưng người nhận cũng có thể nhận được tiền ngay mà không phải chờ đợi. Phương thức này không đòi hỏi phải xuất trình nhiều giấy tờ, giá ngoại tệ bán ra thấp hơn, mua vào cao hơn tỷ giá bán ra và mua vào của các ngân hàng thương mại. Các chính phủ đều khuyến khích người dân chuyển tiền qua kênh chính thức vì đây là kênh chuyển tiền minh bạch và hợp pháp, giúp chính phủ thống kê được lượng kiều hối trên thị trường.

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)