Thâm hụt kép trong các cuộc khủng hoảng tài chính

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 71 - 74)

CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THÂM HỤT KÉP

2.5. Thâm hụt kép tại một số quốc gia trên thế giới

2.5.3. Thâm hụt kép trong các cuộc khủng hoảng tài chính

Các quốc gia trải qua khủng hoảng tài chính thường được biểu hiện qua việc THCCVL ở mức rất lớn, vượt ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế. Nhằm đối phó với khủng hoảng, các nước này phải thực hiện các chính sách tài khóa thúc đẩy hoạt động tinh kế, đảm bảo an toàn và lập lại ổn định xã hội, làm NSNN trở nên xấu đi.

Sau khủng hoảng, chi tiêu công lại tăng cao để phục hồi các nhân tố tài chính, cải

thiện hệ thống quản trị, giảm tác động tiêu cực của cuộc suy thoái, điều này dẫn đến NSNN càng thâm hụt trầm trọng hơn.

2.5.3.1. Khủng hoảng tài chính Mexico năm 1994

Đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, Mexico thực hiện chế độ tỷ giá cố định, neo đồng Peso theo đồng đô la Mỹ giúp kiềm chế lạm phát, thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp dồi dào. Sự bùng nổ của đầu tư nước ngoài cùng với việc NK tăng mạnh hơn XK do đồng Peso tăng giá đã dẫn đến THCCVL. Lúc này, THCCVL được tài trợ bởi dòng vốn tư nhân. Nền kinh tế Mexico phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn nước ngoài ngắn hạn, nhưng các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng sự phụ thuộc này sẽ giảm dần nhờ vào chênh lệch giữa XK và NK được thu hẹp trong dài hạn.

Tuy nhiên, năm 1994 Mexico gặp các biến động chính trị lớn, trong đó có vụ ám sát ứng viên tổng thống đảng cầm quyền làm suy thoái niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, Hoa Kỳ tăng lãi suất làm các dòng vốn ngắn hạn quay đầu từ Mexico chuyển về Hoa Kỳ. Mexico buộc phải tài trợ THCCVL bằng sụt giảm dự trữ ngoại hối. Cán cân thanh toán quốc tế bị mất cân đối trầm trọng, Mexico đứng trước hai lựa chọn: phá giá đồng nội tệ hoặc tăng lãi suất để duy trì tỷ giá. Ban đầu, Mexico tăng lãi suất nhưng không làm dòng vốn nước ngoài quay trở lại cho nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, dự trữ ngoại hối không còn đủ tài trợ cho các khoản nợ. Mexico tiếp tục phá giá đồng Peso. Tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng buộc Mexico thả nổi đồng nội tệ. Đồng Peso bị giảm giá sâu làm tăng áp lực trả nợ bằng đồng đô la Mỹ, Mexico đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia. Mexico đã nhận được trợ giúp từ Hoa Kỳ và IMF để thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.

2.5.3.2. Khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997

Nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, lãi suất cao, tỷ giá ổn định theo đồng đô la Mỹ nên Thái Lan đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên phần lớn là các khoản đầu tư gián tiếp. Do đó, Thái Lan phải trả mức lãi cao, thường xuyên và trả bằng đồng ngoại tệ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế là sự tăng vọt trong nợ nước ngoài và CCVL ngày càng thâm hụt trầm trọng.

Cuối năm 1996, hàng loạt công ty XK của Thái Lan tuyên bố phá sản, một loạt khoản nợ ngắn hạn đến kỳ đáo hạn và THCCVL lớn làm cho thị trường Thái Lan có dấu hiệu rơi vào khủng hoảng. Đầu năm 1997, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi ngân hàng và các tổ chức tín dụng, chuyển sang mua bán ngoại tệ với các quỹ đầu cơ buộc chính phủ phải đóng cửa thị trường chứng khoán và hàng loạt công ty tài chính phá sản. NHTW đã sử dụng dự trữ ngoại hối để bơm tiền vào hệ thống nhằm giữ ổn định tỷ giá, tuy nhiên lượng dự trữ ngoại hối bị sụt giảm nhanh chóng. Đến giữa năm 1997, tỷ giá hối đoái không ngừng tăng do người dân rút tiền khỏi các tổ chức tài chính, hơn 60% công ty tài chính phá sản. Lúc này Thái Lan thả nổi hoàn toàn đồng Baht.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính Thái Lan đến từ sự yếu kém của hệ thống tài chính cùng với tự do hóa tài chính nên Thái Lan đã phải vay mượn quá nhiều vốn đầu tư quốc tế ngắn hạn. Cũng tương tự trường hợp của Mexico, luồng vốn này rất dễ đổi chiều và tạo ra rủi ro lớn cho thị trường.

2.5.3.3. Khủng hoảng tài chính Argentina năm 2002

Từ năm 1991, Argentina ấn định tỷ giá cố định 1 Peso / 1 USD, chính phủ hạn chế in tiền và cho phép sử dụng hai đồng tiền cùng lúc. Vì thế NK trở nên rẻ hơn, XK thiếu tính cạnh tranh, CCVL bị thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm sút, sản xuất trong nước trì trệ, thất nghiệp gia tăng. Argentina bắt buộc bù đắp TH CCVL bằng vay nợ nước ngoài. Tỷ giá cố định đã giúp chính phủ kiềm chế được lạm phát, tuy nhiên với tình hình THNSNN ngày càng gia tăng, Argentina không thể in thêm tiền. Argentina ổn định tỷ giá thông qua đảm bảo nguồn dự trữ ngoại tệ bằng việc vay nợ nước ngoài.

Khủng hoảng làm phá giá đồng Peso Mexico năm 1994 khiến cho XK của Argentina gặp khó khăn. Năm 1995 – 1999 đồng đô la Mỹ lại lên giá nên đồng Peso Argentina cũng lên giá do neo tỷ giá cố định, vì vậy XK của Argentina lại càng trở nên khó khăn. Mặc dù kinh tế vẫn phát triển nhưng THNSNN ngày càng trầm trọng, tình hình chính trị trong nước phức tạp do tình hình tham nhũng phức tạp, kết hợp với việc chịu tác động lan tryền từ khủng hoảng tài chính Thái Lan 1997 nên Argentina rơi vào suy thoái năm 1998.

Đến năm 1999, đồng đô la Mỹ tiếp tục lên giá, đồng Real của Braxin bị phá giá, hàng hóa của Argentina trở nên đắt đỏ, XK giảm, NK tăng, CCVL và NSNN thâm hụt nghiêm trọng. Năm 2001, chính phủ yêu cầu NSNN quý IV phải cân bằng thông qua luật “THNSNN bằng 0”. Chính phủ thực hiện hoán đổi nợ bằng việc bán trái phiếu lãi suất cao đổi lấy việc kéo dài thời hạn vay nợ các khoản vay lãi suất thấp.

Trước nguy cơ đồng Peso mất giá, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, người dân rút Peso và chuyển sang gửi đô la Mỹ ở các ngân hàng nước ngoài. Chính phủ phải đóng băng các tài khoản ngân hàng trong 12 tháng và giới hạn lượng tiền gửi mỗi người được rút là 1.000USD/tháng. Đầu năm 2002, Argentina tuyên bố hủy bỏ chế độ tỷ giá cố định neo đồng Peso theo đồng đô la Mỹ. Argentina lâm vào khủng hoảng thực sự với tệ nạn và bạo loạn khắp nơi, thất nghiệp và lạm phát tăng cao.

Khủng hoảng tại Argentina năm 2002 xuất phát từ việc chính phủ vay mượn quá nhiều, tích lũy từ những năm 1990 gây THNSNN trầm trọng. Chính sách tỷ giá cố định làm cho nền kinh tế kém linh hoạt, mất lợi thế cạnh tranh, CCVL bị thâm hụt sâu.

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)