Lựa chọn mô hình

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 116 - 121)

CHƯƠNG 4: MÔ HÌNH KIỂM ĐỊNH MỐI QUAN HỆ GIỮA THÂM HỤT CÁN CÂN VÃNG LAI VÀ THÂM HỤT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM

4.1. Lựa chọn mô hình

Luận án sử dụng mô hình Mundell – Fleming làm cơ sở để xây dựng mô hình kiểm định mối quan hệ giữa THCCVL và THNSNN. Như phân tích tại chương I, mô hình của Keynes tập trung phân tích mối quan hệ trực tiếp giữa CCVL và NSNN, ủng hộ cho trường hợp THNSNN là nguyên nhân gây nên THCCVL. Tuy nhiên, theo phân tích lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới, THK không chỉ dừng lại ở mối quan hệ một chiều từ NSNN đến CCVL, mà tồn tại 4 mối quan hệ khác nhau. Bên cạnh đó, giữa 2 nhân tố này có thể có tác động trực tiếp, nhưng cũng có thể sử dụng các nhân tố trung gian truyền dẫn tác động, đó là lãi suất và tỷ giá.

Mô hình Mundell – Fleming giải thích mối quan hệ thâm hụt kép trong nền kinh tế có chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi như sau: thâm hụt ngân sách Nhà nước của một nền kinh tế tăng lãi suất sẽ liên quan đến phần còn lại của thế giới, khuyến khích dòng vốn vào, tăng tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái cao hơn làm giảm xuất khẩu ròng và làm thâm hụt cán cân vãng lai có nguy cơ trầm trọng hơn.

Mô hình Mundell – Fleming sử dụng đầy đủ các biến này để giải thích được các mối quan hệ giữa CCVL và NSNN, vì vậy đây là mô hình phù hợp làm cơ sở lý thuyết cho phần kiểm định. Theo đó, 4 biến có mối quan hệ nhân quả với nhau được đưa vào mô hình: CCVL, NSNN, tỷ giá hối đoái và lãi suất.

Trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học sử dụng mô hình Mundell – Fleming trong nghiên cứu thực nghiệm mối quan hệ thâm hụt kép. Một số nghiên cứu sử dụng mô hình Mundell – Fleming để chứng minh thâm hụt ngân sách Nhà nước dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai như Volcker (1984) và Abell (1990) nghiên cứu về Hoa Kỳ những năm cuối 1980; Hutchinson và Pigott (1984), Zietz và Pemberton

(1990), Bacham (1992), Erceg (2005), Bartolini và Larhiri (2006) nghiên cứu về các nước OECD. Chinn và Prasad (2003) cho rằng Mundell – Fleming phù hợp để áp dụng cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Một số nghiên cứu khác với mô hình này lại chỉ ra rằng thâm hụt cán cân vãng lai là nguyên nhân làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách Nhà nước, như nghiên cứu của Summers (1988), Reisen (1998), Khalid và Teo (1999), Alkswani (2000). Một số nghiên cứu khác cho kết quả có mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa cán cân vãng lai và ngân sác Nhà nước, như nghiên cứu của Darrat (1988), Hatemi và Shukur (2002) trong nghiên cứu về Hoa Kỳ; Islam (1998) khi nghiên cứu về Brazil; Normandin (1999) trong nghiên cứu về Canada; Baharumshah (2006) khi nghiên cứu về Malaysia và Philippines.

Cũng có những nghiên cứu sử dụng mô hình Mundell – Fleming chứng minh rằng cán cân vãng lai và ngân sách Nhà nước không có mối quan hệ nhân quả, như nghiên cứu của Miller và Russek (1989), Rahman và Mishra (1992). Như vậy, mô hình Mundell – Fleming là một mô hình đã được các nhà khoa học sử dụng phổ biến để nghiên cứu về thâm hụt kép, cụ thể là tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa thâm hụt ngân sách Nhà nước và thâm hụt cán cân vãng lai thông qua 4 biến. Mô hình này có thể giúp các nhà khoa học đánh giá được mối quan hệ giữa 2 nhân tố kinh tế vĩ mô để xác định loại thâm hụt kép mà một nền kinh tế đã gặp phải.

4.1.2. Mô hình kinh tế lượng

Luận án nghiên cứu đến vấn đề thâm hụt kép với các biến số kinh tế vĩ mô dạng chuỗi thời gian: TH CCVL, TH NSNN, tỷ giá và lãi suất. Mối quan hệ giữa các biến số kinh tế vĩ mô này không chỉ đơn thuần là mối quan hệ một chiều. Trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn tại các nền kinh tế trên thế giới, biến số này có thể ảnh hưởng đến biến số kia và ngược lại, mỗi biến số có thể chịu ảnh hưởng từ độ trễ của chính nó và của các biến khác. Chính vì thế, luận án cần sử dụng mô hình kinh tế lượng có thể đánh giá được ảnh hưởng qua lại đồng thời giữa các biến, tức là phải xem xét hệ phương trình đồng thời.

Trong mô hình với các biến có mối quan hệ tác động qua lại nhiều chiều, việc xác định hoặc đặt giả thuyết biến nào là nội sinh, biến nào là ngoại sinh có thể mang tính chủ quan và không đưa ra được kết quả phản ánh đúng mối quan hệ thực

tế giữa các biến số kinh tế. Vì vậy, mô hình kinh tế lượng cần xem xét các biến có vai trò như nhau và đều là biến nội sinh của mô hình.

Với các đặc điểm trên, luận án lựa chọn mô hình tự hồi quy vector VAR (1980) của nhà khoa học Christopher Albert Sims (nhà khoa học người Mỹ được nhận giải Nobel Kinh tế năm 2011). VAR thỏa mãn các yêu cầu của luận án khi kết hợp được cả 2 phương pháp: tự hồi quy đơn chiều và hệ phương trình ngẫu nhiên.

VAR dễ dàng ước lượng bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất OLS và cho phép ước lượng đồng thời nhiều biến trong cùng một hệ thống mà không quan tâm đến tính nội sinh của các biến số kinh tế.

Để có thể tìm ra được mối quan hệ tác động giữa các biến đưa vào mô hình, luận án sử dụng kiểm định nhân quả Granger (Granger Causality Test) của nhà khoa học Cliver Granger (nhà khoa học Anh được nhận giải Nobel Kinh tế năm 2003) trong mô hình VAR để đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa 4 biến, nhằm xác định được loại THK của Việt Nam. Luận án phân tích hồi quy liên quan đến số liệu chuỗi thời gian vừa là mô hình phân phối trễ, đồng thời là mô hình tự hồi quy, khi đó kiểm định nhân quả Granger sẽ chỉ ra sự tồn tại các mối quan hệ giữa các biến.

Khi đưa vào mô hình 4 biến, luận án cần xem xét đến tính nhân quả đa phương thông qua kỹ thuật tự hồi quy vector VAR.

4.1.3. Số liệu nghiên cứu

4.1.3.1. Thâm hụt cán cân vãng lai

Số liệu về TH CCVL được tác giả truy xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về tài chính và kinh tế vĩ mô của IMF. Số liệu được lấy từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015. CCVL được ghi nhận bằng đồng đô la Mỹ theo giá hiện hành.

Số liệu về tỷ giá cuối kỳ được tác giả truy xuất từ cùng nguồn thống kê với số liệu CCVL.

Trong mô hình, biến CCVL được ký hiệu là CA. Luận án sử dụng biến GCA là tốc độ thay đổi của CCVL, được xác định theo công thức:

GCAt = CAt – CAt-1 CAt-1

Trong đó: GCAt: tốc độ thay đổi của CCVL thời kỳ t CAt: CCVL thời kỳ t

4.1.3.2. Thâm hụt ngân sách Nhà nước

Cách xác định thu, chi NSNN để xác định thâm hụt của Việt Nam hiện nay và thông lệ quốc tế có sự khác biệt:

- Chi NSNN để xác định thâm hụt của Việt Nam tính cả các khoản trả nợ gốc và trả lãi tiền vay nhưng không bao gồm các khoản vay về cho vay lại. Chi trả nợ gốc và lãi các khoản vay của Chính phủ đều thuộc chi NSNN.

- Chi NSNN để xác định thâm hụt theo thông lệ quốc tế chỉ bao gồm trả nợ lãi, không bao gồm trả nợ gốc. Các khoản trả nợ lãi được phân loại vào chi thường xuyên, còn các khoản trả nợ gốc được hạch toán riêng nhưng vẫn đảm bảo theo dõi và phản ánh đầy đủ trong cân đối NSNN để Chính phủ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Bội chi NSNN sẽ bao gồm toàn bộ các khoản vay để bù đắp chênh lệch thu, chi NSNN. Như vậy, với cách xác định của Việt Nam, phần vay sẽ được phản ánh 2 lần trong chi ngân sách: (1) sử dụng nguồn vay để chi bù đắp, (2) chi trả nợ gốc khi đến hạn. Cách tính này cho kết quả số THNSNN lớn hơn xấp xỉ 2 lần so với cách tính của quốc tế, điển hình là IMF. Theo Hệ thống thống kê tài chính Chính phủ (GFS) của IMF quy định các khoản vay không nằm trong thu ngân sách và chi trả nợ gốc không nằm trong chi ngân sách. Nguồn thu ngân sách bao gồm các khoản thu vào quỹ ngân sách mà khoản thu đó không phát sinh, không tạo ra, không kèm theo nghĩa vụ hoàn trả trực tiếp. Khoản vay trong và ngoài nước gắn liền với nghĩa vụ trả nợ nên không được xếp vào nguồn thu ngân sách trong trường hợp này. Chi trong cân đối NSNN được đảm bảo bằng các nguồn thu trong cân đối NSNN. Vì thu ngân sách không bao gồm khoản vay nên chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc tiền vay.

Luật Ngân sách Nhà nước 2015 ban hành (và có hiệu lực từ năm 2017) đã quy định cách xác định bội chi ngân sách mới, theo đó chi NSNN sẽ không bao gồm chi trả nợ gốc. Như vậy, từ năm 2017 Việt Nam sẽ có cách tính THNSNN mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, các báo cáo của Việt Nam đều sử dụng

cách tính cũ theo luật hiện hành. Để đồng nhất phương pháp thống kê, luận án sử dụng số liệu từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015.

Luận án sử dụng số liệu về THNSNN theo báo cáo thường kỳ của Bộ Tài chính, sử dụng phương pháp thống kê theo quy định Luật ngân sách 2002 hiện hành của Việt Nam. Số liệu được lấy từ quý 1 năm 2005 đến quý 4 năm 2015 theo quy tắc:

- Số liệu quý 1: lấy từ báo cáo ước tính NSNN quý 1 hàng năm

- Số liệu quý 2: lấy từ báo cáo ước tính NSNN 6 tháng đầu năm trừ đi số liệu của quý 1

- Số liệu quý 3: lấy từ báo cáo ước tính NSNN 9 tháng đầu năm trừ đi số liệu 6 tháng đầu năm

- Số liệu quý 4: lấy từ báo cáo quyết toán NSNN cả năm trừ đi số liệu 9 tháng đầu năm

Số ước tính quý 1, 6 tháng, 9 tháng đầu năm được báo cáo ngay vào tháng tiếp theo khi kết thúc kỳ cân đối, còn số liệu quyết toán hàng năm được báo cáo sau kỳ cân đối 2 năm. Vì số ước tính lần 1, lần 2 và số quyết toán luôn có sự chênh lệch lớn do có nhiều khoản mục không thống kê được ngay khi kết thúc kỳ cần đối, mà cần có thời gian để kiểm kê lại, nên số liệu trong các ước tính quý 1, 6 tháng, 9 tháng đầu năm cũng mang tính chính xác tương đối so với số quyết toán cuối năm.

Điều này làm cho số liệu NSNN có tính chu kỳ, cứ 4 kỳ (tính theo quý) số liệu lại có xu hướng phát triển tương đồng. Các số liệu từ năm 2000 đến 2004 được tác giả lấy theo cùng quy tắc trên từ báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội hàng kỳ của Chính phủ do không tìm được nguồn số liệu tương ứng từ Bộ Tài chính. Một số số liệu bị bỏ trống do không tìm được thông tin báo cáo chính thống. NSNN được ghi nhận bằng Việt Nam đồng theo giá hiện hành.

Tác giả sử dụng chuỗi số liệu bị khuyết một vài điểm xuất phát mà không sử dụng phương pháp nội suy để ước lượng các số liệu khuyết thiếu. Do các số liệu kinh tế vĩ mô thể hiện kết quả của các chính sách, tác động nền kinh tế… mà việc

sử dụng phương pháp nội suy không mang lại kết quả có ý nghĩa về xu hướng cũng như hàm lượng thông tin nên không phù hợp với chuỗi số liệu này.

Trong mô hình, biến NSNN được ký hiệu là BD. Luận án sử dụng biến GBD là tốc độ thay đổi của NSNN, được xác định theo công thức:

GBDt = BDt – BDt-1 BDt-1

Trong đó: GBDt: tốc độ thay đổi của NSNN thời kỳ t BDt: NSNN thời kỳ t

4.1.3.3. Tỷ giá

Số liệu về tỷ giá được tác giả truy xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về tài chính và kinh tế vĩ mô của IMF. Số liệu được lấy từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015. Loại tỷ giá đưa vào mô hình là tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ, lấy giá trị cuối của kỳ báo cáo theo quý.

Trong mô hình, biến tỷ giá được ký hiệu là ER.

4.1.3.4. Lãi suất

Số liệu về lãi suất được tác giả truy xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về tài chính và kinh tế vĩ mô của IMF. Số liệu được lấy từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015. Lãi suất được ghi nhận là lãi suất cho vay.

Trong mô hình, biến lãi suất được ký hiệu là IR.

Một phần của tài liệu Thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 116 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)