CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.1. TỔNG QUAN VỀ DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.1.2. Đặc điểm ngành du lịch
Du lịch là ngành kinh tế đặc thù, nên có đặc điểm riêng như sau:
a. Tính nhạy cảm
Tính bình đẳng trong kinh doanh, trước hết là minh bạch về đất đai, các nguồn lực tài chính. Đất đai phục vụ cho đầu tư du lịch là vấn đề hàng đầu mà nhà đầu tư nào cũng muốn chọn cho mình những khu đất tốt như vị trí, lợi thế, diện tích, giá thành. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả đều minh bạch, công bằng, có những khu đất bán cho doanh nghiệp không qua đấu giá, thường là những khu đất đẹp, còn gọi là “đất vàng” thường vào tay một số
người đặc biệt. Vấn đề tài chính đầu tư, quảng bá hoặc hỗ trợ cho du lịch cần được đối xử công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, các tổ chức liên quan đến tài chính cần xã hội hóa, cần để tư nhân tham gia, quản lý điều hành; Vệ sinh môi trường cũng được xem là yếu tố rất nhạy cảm, như rác thải, nước thải không được thu gom, xử lý đúng quy trình làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến du khách, như nước thải đỗ trực tiếp ra biển, gây phản cảm cho du khách; Phát huy vấn đề hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch; Công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng cần có sự liên kết, cần có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, không để doanh nghiệp phải gánh chịu cảnh đón tiếp hết đoàn này đến đoàn khác, thậm chí trong cùng một đơn vị phải cử hai đoàn đến thanh tra, kiểm tra một doanh nghiệp trong một thời gian ngắn.
Mặc khác, trong kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp những cái mà thị trường cần, nhưng nhu cầu thị trường thì đa dạng, phong phú, trong đó có những nhu cầu thiết thực hợp lý, bên cạnh đó cũng có những nhu cầu thuộc về sở thích cá nhân, thậm chí pháp luật không cho phép, nhưng thiếu những dịch vụ đó là mất đi một phần khách du lịch, như vậy các dịch vụ đó mặc nhiên hoạt động ngầm, hoạt động chui, vẫn tồn tại mà không công khai.
b. Tính thời vụ
Thời vụ du lịch được hiểu là những biến động lặp đi lặp lại hàng năm của cung và cầu các dịch vụ và hàng hóa du lịch dưới tác động của một số nhân tố xác định. Lượng du khách không đều giữa các tháng trong năm mà biến động mạnh theo mùa, sự biến thiên này diễn ra theo một trật tự phổ biến và tương đối ổn định.
Đặc điểm tính thời vụ trong du lịch: Tính thời vụ trong du lịch mang tính phổ biến ở tất cả các nước và các vùng có hoạt động du lịch, nếu một vùng kinh doanh nhiều thể loại du lịch và đảm bảo hoạt động đều đặn trong các
tháng của năm thì không tồn tại tính thời vụ trong du lịch tại vùng đó, tuy nhiên trên thực tế thì rất khó xảy ra khả năng đó; Mỗi vùng, khu vực có thể có một hoặc nhiều thời vụ du lịch, tùy thể loại mỗi nơi; Thời gian, cường độ thời vụ du lịch không giống nhau đối với các thể loại du lịch khác nhau, du lịch chữa bệnh thường có mùa dài hơn du lịch biển (mùa hè), du lịch nghỉ núi (trượt tuyết) có mùa ngắn hơn và cường độ mạnh hơn do phụ thuộc thời tiết;
Thời gian cũng như cường độ du lịch phụ thuộc mức độ phát triển, kinh nghiệm kinh doanh du lịch của các quốc gia, các điểm du lịch, phụ thuộc vào cơ cấu của khách và cơ sở lưu trú.
Quy luật thời vụ du lịch có vai trò quan trọng để các nhà hoạch định chiến lược cũng như doanh nghiệp lên kế hoạch phục vụ, cung ứng vật tư, hàng hóa dịch vụ, bố trí lực lượng lao động, kế hoạch đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tổ chức và doanh nghiệp du lịch.
Để hạn chế bất lợi của thời vụ du lịch cần phải xây dựng chương trình toàn diện trong cả nước, ở các vùng du lịch, cụ thể: Xác định khả năng kéo dài thời vụ du lịch; Nghiên cứu thị trường để xác định số lượng và thành phần du khách triển vọng ngoài mùa du lịch chính; Nâng cao sự sẵn sàng đón tiếp du khách quanh năm cho cả nước, vùng và khu du lịch; Sử dụng linh hoạt, tích cực các động lực kinh tế như giảm giá, khuyến mãi, tính chủ động của các tổ chức kinh doanh du lịch.
Tính thời vụ du lịch tại Đà Nẵng rất rõ rệt, từ tháng 9 đến tháng 12 thường ít khách trong khi mùa này là mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, do đó để “kéo” khách đến với mình trong thời gian này bằng việc điều chỉnh các sự kiện phù hợp với thời tiết để thu hút du khách như du lịch tâm linh, du lịch hội thảo… đòi hỏi phải nghiên cứu những đối tượng nào thường đi du lịch vào thời gian nào để có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.
c. Tính tổng hợp
Biểu hiện rõ của tính tổng hợp trong du lịch ở chỗ nó kết hợp các loại dịch vụ do nhiều đơn vị cá nhân thuộc các ngành khác nhau cung cấp nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của du khách; Không những sản phẩm vật chất mà còn sản phẩm tinh thần, vừa bao gồm sản phẩm phi lao động, tài nguyên tự nhiên và hạ tầng phát triển, phục vụ du lịch.
Khi nói đến du lịch ta thường nhắc tới những địa danh nổi tiếng, các tài nguyên du lịch, khu chơi giải trí, nói cách khác là nhắc tới việc tu bổ, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở đó, do vậy ngành du lịch cũng cần có sự tham gia của tín dụng ngân hàng; Ngành giao thông vận tải, lưu chuyển khách cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành du lịch, nếu các công ty lữ hành đảm bảo rút ngắn thời gian đi lại, tăng các điểm đến cho du khách bao nhiêu thì càng tăng tính hấp dẫn cho người dân đi du lịch bấy nhiêu; Vấn đề an toàn cho khách tham quan không chỉ ở các công ty vận tải mà còn do cả các công ty bảo hiểm, y tế, an ninh chịu trách nhiệm. Một khu du lịch tốt quan trọng là phải đảm bảo an ninh, không có dịch bệnh hay đại dịch nguy hiểm;
Sản phẩm phục vụ khách du lịch là yếu tố tổng hợp thể hiện rõ nhất, khách đi du lịch thường tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực, đặc sản của vùng miền, bên cạnh đó còn tham quan mua sắm các sản phẩm đặc trưng làm quà hoặc sử dụng, để có được chuỗi sản phẩm phục vụ du khách đòi hỏi tổng hợp các yếu tố liên quan, cấu thành nhằm tạo ra sản phẩm cuối cùng phục vụ du khách.
d. Tính đa ngành, tính liên vùng
Để thu hút khách du lịch, việc tăng cường khả năng liên kết ngành, vùng ngày càng trở nên nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của du lịch trong thời kỳ mới. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên khi du lịch phát triển thì phát sinh nhu cầu đi lại, ăn ở, mua sắm, vui chơi giải trí… làm cho các ngành giao thông, hải quan, nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm, thủ công mỹ
nghệ, xây dựng… phát triển theo. Mặt khác giữa các vùng, địa phương cần có sự kết nối với nhau, tránh đầu tư trùng lặp các sản phẩm dịch vụ du lịch, với sự liên kết sẽ phát huy sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho du khách, việc này Tổng Cục du lịch cần định hướng quy hoạch phát triển loại hình, sản phẩm du lịch cho từng khu vực, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của từng địa phương. Sự liên kết sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ đa dạng phong phú, hấp dẫn hơn. Sự liên kết không những hạn chế ở phạm vi quốc gia mà vượt ra cả quốc tế.
Để hoạt động lữ hành triển khai hiệu quả, ngoài việc liên kết chặc chẽ giữa các ngành nêu trên, một số lĩnh vực khác cũng cần quan tâm như văn hóa, bảo hiểm, y tế, giáo dục, quốc phòng… việc phối hợp giữa các ngành muốn đạt hiệu quả cao, cần phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, chặc chẽ, và hợp lý.