CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN HÒA VANG
3.2. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN HÒA VANG
3.2.2. Giải pháp phát triển mới sản phẩm, loại hình du lịch
Hiện nay, khách du lịch đến với Hòa Vang chỉ với mục đích nghỉ dưỡng vào cuối tuần, thưởng thức sản vật từ rừng núi, sông suối và ẩm thực địa phương… vì chưa có nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Vì vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian tới mà huyện Hòa Vang chủ động triển khai hoặc đề xuất các đơn vị chức năng, kêu gọi doanh nghiệp phối hợp thực hiện.
- Với những thay đổi cơ bản về xu hướng và tâm lý của khách du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của Hòa Vang cần tạo ra sự khác biệt so với các điểm đến khác. Sản phẩm du lịch của huyện cần thoát khỏi xu
hướng du lịch đại chúng của những thập kỷ cuối thế kỷ 20. Hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, có sức cạnh tranh cao. Khi đã nắm được xu hướng của khách cần sự khác biệt thì phải phát triển các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, giúp du khách phát triển những kỹ năng cá nhân, khám phá nền văn hóa đặc trưng địa phương, thỏa mãn nhu cầu đam mê, sở thích cá nhân của du khách.
- Với xu hướng khách du lịch “ít thời gian, nhiều tiền”, các sản phẩm du lịch của huyện không cần phải dàn trải trên một địa bàn rộng, khiến du khách phải mất nhiều thời gian di chuyển mà lại thiếu thời gian để tiêu tiền, nên cần những sản phẩm có chọn lựa, mang lại giá trị kinh tế cao như công viên giải trí, cảm giác mạnh, hoặc các mặt hàng lưu niệm giá trị cao, các câu lạc bộ vui chơi đẳng cấp quốc tế.
- Phát triển du lịch xanh khi loại hình du lịch này ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn cầu, đây là thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Du lịch xanh đồng nghĩa phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn thiên nhiên, không phá hủy môi trường và có những sản phẩm du lịch sạch, chẳng hạn như phát triển du lịch sinh thái ở các khu du lịch sinh thái Hòa Ninh, Hòa Bắc, du lịch Nhà - Vườn tại các xã vùng núi, có sông, ao hồ, du lịch đường sông, du lịch tín ngưỡng, phát triển mô hình làng nghề truyền thống phục vụ du lịch… Khái niệm “xanh” ở đây còn được hiểu là không bụi bặm, ít tiếng ồn, giảm rác thải, có khoảng không gian xanh cho nghỉ ngơi thư giãn.
- Du lịch khám phá: hình thành tour khám phá đường rừng, đường suối dưới chân núi Bà Nà - Suối Mơ dọc theo khe lớn tham quan giếng trời, nơi đây có rất nhiều cá Niên, ốc đá, ếch và nghe tiếng chim hót ven rừng đặc biệt là chim Hồng Tước với màu sắc cực kỳ đẹp được mệnh danh nữ hoàng của loài chim. Nơi đây có thể hình thành hai tour du lịch, tour dọc suối cắm trại ven rừng qua đêm rồi quay lại điểm xuất phát và tour dọc suối, băng rừng
không quay lại điểm ban đầu mà có thể kết thúc tại điểm ra khác. Hiện nay có không ít người dân địa phương rất rõ địa bàn, có thể kết hợp dẫn khách tham quan, khám phá dễ dàng.
- Du lịch mạo hiểm: Zipline, đu dây mạo hiểm buộc người chơi phải vượt lên nỗi sợ độ cao. Trong trò chơi này, đáng sợ nhất là giây phút lao mình xuống từ đỉnh núi. Còn khi đã bay trên không trung với sợi cáp phía trên, cảm giác còn lại chỉ là phấn khích. Zipline hiện có ở Huế và khu du lịch rừng Madagui (Lâm Đồng) với giá khoảng 500.000 đồng. Với Hòa Vang có thể phát triển loại hình du lịch này ở các khu rừng như Bà Nà - Núi Chúa, Núi Thần Tài hoặc các điểm có hồ nước như hồ Hòa Trung, hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ. Chèo thuyền Kayak không nằm trong bản chất phiêu lưu mạo hiểm, mà là hành trình của lòng can đảm, sự bình tĩnh, tính kiên trì, xử lý tình huống của con người trước những thách thức, trở ngại. Phần thưởng cho người vượt qua là sự tự tin, cảm giác chiến thắng và những kinh nghiệm không dễ có. Giá thuê 100.000- 200.000 đồng/giờ, tùy loại thuyền 1-2 hay 3 chỗ. Loại hình này mức đầu tư không cao, dễ đầu tư nơi có hồ nước và cũng là thế mạnh sẵn có của huyện.
- Du lịch nghĩ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe: một số điểm đã khai thác nhưng chưa thật sự hấp dẫn du khách do sản phẩm còn đơn điệu, cần cải tạo nâng cấp như suối nước nóng Phước Nhơn. Nghiên cứu hình thành khu rừng bách thảo khu vực Bà Nà - Suối Mơ bởi khí hậu ở đây mát mẻ phù hợp với nhiều loài thực vật. Việc này rất có ý nghĩa, không những phục vụ du lịch mà còn lưu giữ nguồn gen quý có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân giống và kết hợp bán sản phẩm cho du khách. Nơi đây có thể trồng rừng cây bao báp (tiếng Pháp baobab) phục vụ tham quan, đây là loài cây có nguồn gốc từ Châu Phi, phổ biến ở Madagascar, Việt Nam nhiều nơi đã trồng được, gần nhất là Huế. Tác giả đã có nghiên cứu sơ bộ và có bài viết trồng cây bao
báp ở Bà Nà đăng tải website thành phố Đà Nẵng và cũng được người đọc quan tâm sếp thứ 3.
- Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa:
Hòa Vang có 02 xã có dân tộc thiểu số Cơtu sinh sống là Hòa Bắc và Hòa Phú, cả hai nơi này đều còn giữ được nét hoang sơ của núi rừng và đều chưa chính thức phát triển du lịch. Du khách đến đây có thể tham gia lửa trại, tắm suối, tham dự các lễ hội truyền thống, kết hợp tổ chức cho đồng bào bán các sản phẩm sạch do địa phương sản xuất và khai thác từ thiên nhiên như gạo hương, nếp thơm trồng trên núi, các loại đậu, khoai, sắn, rượu cần, gà ta, lá rừng sơ chế làm nước uống mát gan, các loại cây thuốc dân gian.
- Đề xuất Thành phố quy hoạch phát triển các khu nhà vườn, trồng cây ăn trái tại xã Hòa Ninh, Hòa Bắc, hiện tại xã Hòa Phú đã có khu du lịch sinh thái Lái Thiêu tại thôn Phú Túc và các xã khác của huyện. Điểm thuận lợi nhất là huyện nông nghiệp, có thể trồng được nhiều loại cây ăn trái như bưởi da xanh, bưởi năm roi, tranh trà, các loại cam, mít, chôm chôm, đặc biệt sầu riêng trồng tại xã Hòa Ninh rất ngon. Từ đó nhà đầu tư có thể kết hợp nông dân nơi đây hình thành vườn cây ăn trái phục vụ du khách nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương.
- Một loại hình mới cũng có thể phát triển nơi đây, đó là trồng cây sim trên các dãy đồi, ở đây rất phù hợp loại cây này, trồng hoa như hoa cúc, hướng dương. Xây đường bê tông dùng xe trượt 3 bánh làm phương tiện đi dạo quanh vườn hoa, đồi sim hoặc nuôi đà điểu cho du khách cởi. Loại hình này phục vụ đối tượng khách trẻ đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, các cặp tình nhân chụp ảnh cưới, đến mùa sim chín có thể bán trái hoặc làm rượu sim.
- Xa hơn nữa nơi đây có thể đầu tư mô hình đua ngựa, xây dựng đường đua mô tô, ô tô F1.
- Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu phát triển loại hình du lịch golf, du
lịch vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện, trình diễn nghệ thuật, phát triển sản phẩm du lịch kết hợp giải trí và giáo dục. Chẳng hạn, tổ chức chiếu phim cơ động khi bắt đầu một tour du lịch cho du khách, giới thiệu cho du khách những loại động vật, thực vật quý hiếm, đa dạng trên địa bàn huyện. Tại các làng nghề thủ công truyền thống như làng chiếu Cẩm Nê, bánh tráng, mỳ quảng Túy Loan… việc kết hợp giữa tổ chức các tour đến tham quan và hướng dẫn du khách cùng học nghề, giải trí chắc chắn sẽ mang lại niềm hứng khởi cho du khách, vừa đáp ứng nhu cầu học tập, mở mang kiến thức của du khách, vừa mang lại cảm giác thú vị, ấn tượng.
Để có được nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn huyện Hòa Vang cần chủ động đứng ra tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch là thế mạnh, đặc thù của huyện nhằm huy động tính sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của Hòa Vang, có thể áp dụng để phát triển tại các khu du lịch trên địa bàn huyện.