II. CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ HIỆN TRẠNG
2.6. Đặc điểm hiện trạng
2.6.12. Hiện trạng môi trường
a. Hiện trạng môi trường nước:
- Theo tài liệu của công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa: quy hoạch chỉ giới bờ sông Cái Nha Trang và dự án kè bờ sông
+ Mực nước triều cao nhất: hmax: + 1,2m + Mực nước triều trung bình: htb:+ 0,1m.
+ Mực nước triều nhỏ nhất: hmin: -1,37m.
+ Mực nước lũ tại đường sắt với tần suất 1% = 2,02m.
- Với đặc điểm hải văn nói trên, điều quan trọng là cần phải có giải pháp chống xói mòn ở một số điểm như khu vực quân cảng, khu vực bãi biển phường Vĩnh Thọ phía bắc sông Cái, khu vực Bãi tiên, Rusalka.
- Thủy triều trong khu vực mang tính chất nhật triều không đều. Mực nước cao nhất là 235cm, mực nước thấp nhất là 4cm, mực nước trung bình là 124cm. Biên độ dao động mực nước lớn nhất trong năm là 222cm, trung bình là 212cm.
- Bãi tắm Nha Trang có độ dốc lớn. Vào các thời điểm thời tiết xấu, biển bị biến động mạnh do bão hoặc gió mùa Đông Bắc, sóng với độ cao lớn đã từng đợt đổ dồn dập vào bờ một lượng nước lớn, với lượng nước đó sau khi rút ra biển đã tạo thành dòng Rip; Ở những khu vực có khả năng xảy ra dòng Rip mạnh khi có sóng lớn, với độ dốc bãi lớn, khi sóng lớn tràn vào bờ sẽ tác động làm cho địa hình bãi biển bị xói lở và bồi tụ không đều, tạo thành các đỉnh nhọn nhô lên và các rãnh lõm xuống nối tiếp nhau trên bãi, đây là điều kiện địa hình rất thuận lợi để hình thành dòng Rip. Dòng Rip ở những khu vực bãi biển có độ dốc lớn thường có tốc độ mạnh của dòng chảy ở tầng sát đáy, do đó rất nguy hiểm trong điều kiện sóng lớn tràn bờ kết hợp với thuỷ triều đang lên.
- Thời kỳ các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10 hằng năm các bãi tắm nghiên cứu có sóng yếu, không có dòng rip, bãi tắm an toàn. Tháng 11 đến tháng 4 hằng năm biển động do gió mùa Đông Bắc, bão và áp thấp nhiệt đới. Tháng 11 dòng rip bắt đầu hình thành (bãi bị xói lở để tạo bar ngầm bên ngoài) nhưng chưa mạnh, tháng 12 (đã hình thành các bar) dòng rip xuất hiện nhiều nhất, mạnh nhất. Từ tháng 01 đến tháng 4 cùng với sự suy yếu của trường sóng, dòng rip cũng suy yếu dần. Các tháng nguy hiểm nhất cho người tắm biển do dòng rip là tháng 11, 12, 1. Thời kỳ biển lặng các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10 sóng biển với chu kỳ dài sẽ đem vật liệu từ các bar vào bồi lấp bãi bị xói trước đó và phần lớn các “Ao xoáy” bị san bằng.
- - Tại bãi Hòn Chồng trong thời gian biển động (tháng 11, 12, 1) có 02 vị trí nguy hiểm cho người tắm biển: đầu kè Ba Làng, lạch nước sâu ngoài rìa bãi Hòn Chồng. Tại bãi Nha Trang, tuy cường độ Rip không lớn nhưng do độ dốc lớn và phần phía Bắc (UBND Tỉnh - Cầu Trần Phú) đã xây kè bảo vệ nên khi biển động toàn bộ chiều dài bãi đều nguy hiểm cho người tắm biển..
b. Hiện trạng môi trường không khí:
- Thông qua kết quả quan trắc môi trường không khí tại Tp Nha Trang đo tại các điểm như Đồng Đế, Khu Liên cơ…, so sánh với Quy chuẩn QCVN 05:2009/BTNMT, hiện trạng tại hầu hết các khu vực được quan trắc, nồng độ bụi lơ lửng tổng số (TSP) trong môi trường không khí xung quanh đều không đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, ô nhiễm bụi có xu hướng giảm tại hầu hết các khu vực được quan trắc.
- Hiện trạng khí NO2, SO2 trong môi trường không khí xung quanh tại tất cả các trạm quan trắc còn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2009/BTNMT và phần lớn trong trạng thái ổn định, ít biến động.
- Tuy nhiên, trong những ngày diễn ra lễ hội tại khu vực đường Trần Phú, các nút giao thông đến đường Trần Phú...môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ do tập trung đông phương tiện giao thông (tháp Trầm Hương, quảng trường 2/4...).
c. Hiện trạng môi trường đất:
- Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng ven biển có lớp mặt phủ hầu hết là cát, có nơi dày 3m, tiếp đến là lớp sét, cường độ chịu lực khá tốt R>1kg/cm2. Nền đất này có thể xây dựng được các công trình ngầm trong khu vực này.
- Vùng thấp trũng, ngập úng có cấu tạo đặc trưng:
+ Lớp bùn và sét pha: Màu xám đến xám đen, trạng thái dẻo, nhão, bề dày từ 0,5÷1,5m, cường độ chịu tải R < 0,8kg/cm2.
+ Lớp sét pha màu vàng đến vàng nhạt, xen lẫn nâu đỏ, đen, trạng thái dẻo mềm, chiều dày 2,5÷4,2m, cường độ chịu tải R > 1,0 /cm2.
+ Thấu kính cát pha màu vàng nhạt, lốm đốm nâu đỏ, trạng thái dẻo.
- Vùng đất đồi có cấu tạo đặc trưng:
+ Lớp đất màu sét pha lẫn sỏi sạn, cường độ chịu tải R > 2kg/cm2.
+ Lớp sét pha lẫn đá phong hóa nâu đỏ, nâu sẫm, cường độ chịu tải R> 4kg/cm2.
+ Lớp đá gốc, R > 4,5kg/cm2.
d. Hiện trạng hệ sinh thái:
- Về mặt sinh thái, dải đất ven biển Vịnh Nha Trang là hệ sinh thái bãi đá, bãi cát ven bờ.
- Hòn Chồng một quần thể khối đá lớn với đủ loại hình thù, xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển. Một nhóm đá nhỏ hơn nằm phía dưới phái chân đồi phía Đông gọi là Hòn Vợ. Nơi đây là một trong những điểm ngắm được thành phố biển đẹp nhất.
- Hệ sinh thái điển hình tại khu vực mũi Kê Gà là bãi đá dưới biển.