IV. QUY HOẠCH KHÔNG GIAN – THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
4.3. Tổ chức không gian và hướng dẫn thiết kế đô thị cho các khu vực đặc trưng
4.3.1. Khu vực trung tâm – phía Đông đường Trần Phú
4.3.1.1. Khu 1 và khu 2: Khu vực từ phía Nam cầu Trần Phú đến phía Nam đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Khu công viên vui chơi giải trí, trung tâm dịch vụ, công trình điểm nhấn và Khu vườn dịch vụ, công viên đá
- Khu vực phía Nam cầu Trần Phú đến đường Lê Lợi, về phía biển hiện có Nhà nghỉ bộ Nội vụ, Công viên Yersin và dải công viên ven biển với bãi cát rất mỏng. Hiệu quả sử dụng của công viên hiện nay rất thấp. Về phía Tây đường hiện có khách sạn Mường Thanh, khu đô thị mới cồn Tân Lập và các công trình hành chính (được dự kiến được di chuyển và điều chỉnh chức năng thành trung tâm đô thị dịch vụ du lịch).
- Đường Trần Phú qua đoạn này vẫn sẽ tổ chức là đường 2 chiều - khó giảm thiểu lưu lượng giao thông, do đó vẫn sẽ chia cắt dải đô thị phía Tây với không gian ven biển.
Đề xuất giải pháp quy hoạch cho khu vực này như sau:
Hình: Giải pháp tổ chức không gian khu vực phía Nam cầu Trần Phú – Phương án 1
Hình: Phối cảnh minh họa tổ chức không gian khu vực phía Nam cầu Trần Phú – Phương án 1 - Kết nối không gian đô thị phía Tây với công viên ven biển bằng hệ thống đường đi
bộ trên cao kết hợp với vườn treo. Các đường đi bộ này vừa kết nối với các tầng cao của công trình vừa kết nối với không gian công cộng, vỉa hè trên mặt đất, ở phía Tây; Hệ thống đường cảnh quan – vườn treo này sẽ là yếu tố cảnh quan mới, cũng là công trình điểm nhấn và nơi thu hút du khách đế trải nghiệm cảm nhận những tầng bậc cảnh quan khác nhau tại khu vực này.
- Thiết kế không gian mở công cộng bao gồm công viên đá, thềm, bậc ngồi ngắm cảnh ven mặt nước, các sân chơi – quảng trường công cộng có phủ cây bóng mát (chủ yếu là cây dừa), vườn dừa gắn với các dịch vụ bãi tắm, chòi nghỉ…
- Tổ chức công trình điểm nhấn là trung tâm vui chơi giải trí - trung tâm tổ chức sự kiện và điểm vọng cảnh tại vị trí giao thoa giữa sông Cái và Biển và cũng là điểm có tầm nhìn đẹp dọc biển phía Đông đường Trần Phú;
- Nhà nghỉ bộ nội vụ cần chuyển đổi thành công trình dịch vụ với các hướng mở kết nối với cảnh quan công cộng lân cận và thu nhỏ quy mô so với quy mô công trình hiện nay, vị trí cũng được điều chỉnh cho phù hợp với tổ chức không gian chung và đảm bảo không gian đi bộ công cộng gắn với bãi đá tại vị trí ven mặt nước.
Hình: Mặt bằng chi tiết tổ chức không gian khu vực phía Nam cầu Trần Phú – Phương án 2 Phương án 2 có ý tưởng thiết kế giống phương án 1, nhưng khác về hình thức thiết kế các đường dạo trên cao và tổ chức không gian công viên.
Hình: Phối cảnh minh họa tổ chức không gian khu vực phía Nam cầu Trần Phú – Phương án 2
4.3.1.2. Khu 3: Khu công viên, Dịch vụ cộng đồng – Khu vực đối diện trung tâm hành chính và các cơ quan hiện nay
Hiện trạng khu vực này chủ yếu là các công trình hành chính, đa số có vườn đẹp, nhưng đóng kín bởi hàng rào nên không thể sử dụng công cộng. Trong tương lai, đa số các công trình hành chính này được dự kiến di dời sang trung tâm hành chính mới. Bờ biển tại đây rất mỏng, dải công viên mỏng và ít được sử dụng.
Các giải pháp quy hoạch đề xuất cho khu vực này như sau:
- Do bãi cát và công viên hiện nay rất hẹp, nước biển khá sâu, nên cần có giải pháp mở rộng bãi cát (gợi ý sử dụng tay đòn vươn ra biển);
- Thu hẹp một đoạn đường Trần phú và trồng thêm dừa về phía bãi cát để mở rộng công viên;
- Trong vườn dừa ven biển, tạo những ốc đảo cho các hoạt động vui chơi, thể dục, dịch vụ biển và các tiện ích như:
vòi uống nước công cộng, vòi tắm nước ngọt, nhà vệ sinh (gắn với công trình dịch vụ) và các tiện ích.
- Khi di dời trung tâm hành chính, xây dựng khu đô thị mới dạng tổ hợp được kết nối bằng vườn và quảng trường công cộng và kết nối với công viên ven biển bằng đường cảnh quan đi bộ trên cao.
- Các điểm dịch vụ được bố trí đan xen trong công viên được thiết kế không gian mở công cộng, hài hòa và thuận lợi cho các sinh hoạt cộng đồng của người dân và du khách.
Hình: Minh họa hoạt động tại các ốc đảo trong vườn dừa