Nguồn nước và chế độ thủy văn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN BÁO CÁO THIẾT KẾ CẢNH QUẢN MÔI TRƯỜNG ĐAI HỌC NÔNG LÂM 2008 (Trang 21 - 24)

2. TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

2.1. Tổng quan về tỉnh Bình Dương

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

2.1.1.4. Nguồn nước và chế độ thủy văn

Tài nguyên nước mặt: Các nguồn nước mặt (sông, suối, hồ đập…) trên lãnh thổ Bình Dương có:

Sông Bé:

- Là một chi lưu lớn của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Nam Tây Nguyên, tổng chiều dài khoảng 350 km, diện tích lưu vực 7.650 km2, chảy vào địa phận tỉnh Bình Dương từ xã An Linh, qua các xã An Long, Tân Long, Tân Hiệp, Phước Hòa, Vĩnh Hòa huyện Phú Giáo rồi đổ ra sông Đồng Nai tại xã Tân Định huyện Tân Uyên; chiều dài đoạn chạy trong phạm vi tỉnh Bình Dương là 120 km.

- Phần thượng nguồn của sông Bé thuộc tỉnh Bình Phước, đã xây dựng công trình thủy điện tại Thác Mơ: dung tích hồ chứa 1,47 tỷ m3, công suất phát điện 150.000 KW, lưu lượng xả mùa khô dưới tua - bin là 60 m3/s. Theo Quyết định số:

1122/QĐCP-NN của Chính phủ phê duyệt dự án khả thi hệ thống thuỷ lợi Phước Hòa với tổng vốn đầu tư 2.602,489 tỷ đồng. Đây là dự án vay vốn của ngân hàng Châu Á; dự án dự kiến thi công vào đầu năm 2004, Dự án sau khi hoàn thành, nước sẽ được chuyển qua hồ Dầu Tiếng để phục vụ các công trình tưới ở tỉnh Tây Ninh, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh; một phần phục vụ cho công nghiệp Bình Dương.

- Như vậy, với việc xây dựng công trình thủy lợi Phước Hòa, giai đoạn từ nay đến năm 2010, ngành nông nghiệp Bình Dương không được hưởng lợi nhiều ngoài việc tăng mực nước ngầm khu vực ven hồ và tưới cho khu vực ven sông Bé, ven suối Cái thuộc các huyện Phú Giáo và Tân Uyên.

Sông Sài Gòn:

- Cũng là một trong bốn chi lưu lớn của hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ vùng đồi núi Lộc Ninh; đoạn đầu chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, sau khi đổ vào hồ Dầu Tiếng sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam cho đến khi hợp lưu với sông Đồng Nai tại nhà Bè. Tổng chiều dài sông Sài Gòn là 280 km, diện tích lưu vực 4.500 km2; Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, ngành thủy lợi

đã xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng với dung tích chứa 1,1 tỷ m3, cấp nước chủ yếu cho các tỉnh Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương.

- Phía hạ lưu, đoạn từ hồ Dầu Tiếng đến xã Vĩnh Phú huyện Thuận An có chiều dài 140 km; đoạn này, sông Sài Gòn chính là ranh giới của tỉnh Bình Dương.

Hàng năm, nước hồ Dầu Tiếng vẫn xả xuống sông Sài Gòn với đặc điểm như sau:

+ Nước xả trong mùa khô sẽ góp phần đẩy mặn ở hạ lưu, gia tăng lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; do phía hạ lưu còn chịu ảnh hưởng của thủy triều nên có thể tận dụng chênh lệch giữa đỉnh triều và chân triều để tưới tiêu tự chảy cho sản xuất nông nghiệp.

+ Khó khăn lớn nhất cho sản xuất nông nghiệp ở các xã ven sông Sài Gòn của Bình Dương là lượng xả từ hồ Dầu Tiếng trong mùa mưa sẽ gây úng ngập diện tích đất thấp ven sông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Tuy không được hưởng lợi nhiều từ nguồn nước nhưng sông Sài Gòn đã tạo cho Bình Dương một cảnh quan sông nước hết sức thơ mộng để hình thành tuyến du lịch trên sông Sài Gòn từ Vĩnh Phú qua Cầu Ngang, lên Thanh An, Núi Cậu và hồ Dầu Tiếng; tạo cho nông nghiệp Bình Dương một hướng sản xuất mới phục vụ du lịch sinh thái mà dự án xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Phú, dự án khu du lịch Cầu Ngang, dự án rừng sinh thái Núi Cậu là những mô hình điển hình cần nhân ra diện rộng.

Sông Đồng Nai:

Sông Đồng Nai được lấy làm ranh giới của tỉnh Bình Dương về phía Đông, chiều dài sông thuộc địa phận Bình Dương là 58 km; trong đoạn này, lượng nước dồi dào, chất lượng nước tốt có thể khai thác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hoa kiểng nói riêng.

Các sông suối khác:

Ngoài 3 sông chính kể trên, nguồn nước mặt ở Bình Dương còn được cung cấp bởi sông Thị Tính, suối Giai, suối Cái, suối Sâu, suối Giữa, suối Cần Nôm…Các suối này do không có nguồn sinh thủy, lòng suối dốc, nhỏ nên thường chỉ có nước trong mùa mưa; đến mùa khô các dòng suối trên cũng cạn. Để khai thác

nguồn nước này, ngành thủy lợi đã xây dựng những hồ, đập, cản vừa và nhỏ theo từng bậc thanh như các hồ Cần Nôm, đập Thị Tính…Tuy nhiên, lợi ích đem lại thường không lớn do ít nước và tỷ lệ thất thoát nhiều.

Tóm lại, tổng nguồn nước mặt ở 3 sông chính và hệ thống sông suối, hồ đập của Bình Dương là khá lớn. Song phân bố không đều nên khả năng khai thác, phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế; đặc biệt trong nông nghiệp do địa hình dốc, mặt ruộng cao hơn mức nước sông, đất xám có thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ thất thoát lớn nên rất khó khai thác hoặc phải đầu tư lớn và đồng bộ.

Tài nguyên nước ngầm:

Kết quả khảo sát về nước ngầm ở Bình Dương của đoàn 801 (Liên đoàn Địa chất 8), cho thấy: trữ lượng nước ngầm ở Bình Dương được đánh giá ở mức từ trung bình đến nghèo, chất lượng khá tốt; phần lớn nguồn nước ngầm thuộc hai tầng trầm tích Pliocen và Miocen với các đặc tính như sau:

- Các tầng chứa nước lổ hổng thuộc trầm tích Holocen (QIV) Pleistocen (giữa QII – QIII) và Pleistocen (QI) có lưa lượng nhỏ 0,4 – 0,5 l/s; chất lượng nước hầu hết bị nhiễm phèn.

- Các tầng trầm tích Pliocen trên (N2), dưới (N21) và trầm tích Miocen (N23);

có khả năng trữ nước trung bình, chất lượng nước tốt; có thể sử dụng cho công nghiệp và sinh hoạt; tuy nhiên, chi phí khai thác khá tốn kém.

Phân vùng nước ngầm ở Bình Dương có thể chia thành 3 khu vực như sau:

- Khu vực giàu nước ngầm: Phân bố ở các xã ven sông Sài Gòn thuộc huyện Dầu Tiếng, một phần thuộc huyện Bến cát. Khảo sát các giếng đào thấy lưu lượng nước từ 0,1 – 1,1 lít/s, cá biệt, gặp mạch nước có thể đạt 5 – 30 l/s. Bề dày tầng nước 15 – 20 m. Đây là một lợi thế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hoa kiểng nói riêng.

- Khu vực nước ngầm có trữ lượng trung bình: Phân bố ở các huyện Thuận An, Dĩ An, Thị xã Thủ Dầu Một và phía Nam huyện Tân Uyên. Các giếng đào có lưu lượng 0,05 – 0,6 lít/s; những nơi gặp mạch nước, lưu lượng có thể đạt 1.3 – 5,0 lít/s, bề dày tầng nước 10- 12 m. Khu vực này là nơi phát triển mạnh ngành công

nghiệp và dịch vụ nên nước ngầm chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.

- Khu vực nghèo nước ngầm: Phân bố các huyện Bến Cát, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Lưu lượng các giếng đào từ 0,05 – 4,0 lít/s; song do bề dày tầng chứa nước mỏng lại phân bố khá sâu, khó khai thác nên được xếp vào khu vực nghèo nước ngầm.

Ngoài ra, ở các vùng thấp, triền đồi, thường xuất hiện những mạch lộ có áp;

từ dưới ngầm trào lên mạch ruộng (gọi là nước mọi). Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Chế độ thủy văn:

Chế độ thủy văn ở tỉnh Bình Dương khá ổn định. Do vị trí của Bình Dương ở xa cửa sông nên chế độ thủy văn các sông Sài Gòn và Đồng Nai không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp; ngoại trừ việc tận dụng sự chênh lệch giữa chân triều và đỉnh triều để tưới tiêu cho các vùng đất thấp ven sông. Tuy nhiên, nếu đồng thời kết hợp đỉnh triều và hai yếu tố khác là mưa lớn và xả lũ từ hồ Trị An, Dầu Tiếng sẽ làm cho phần lớn diện tích đất thấp ven sông bị ngập nước, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngừơi dân nơi đây. Tình trạng này sẽ phải khắc phục bằng hệ thống đê bao.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN BÁO CÁO THIẾT KẾ CẢNH QUẢN MÔI TRƯỜNG ĐAI HỌC NÔNG LÂM 2008 (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)