Chương 2. CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA
2.1. Kiểu nhân vật trẻ em trong hồi ức về tuổi thơ
2.1.1. Trẻ em với tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp
Tuổi thơ luôn là những kỉ niệm khó quên nhất của đời người, đó là một bầu trời thương nhớ cất giữ một phần ký ức của tâm hồn mà bạn không bao giờ muốn đánh mất đi. Là nguồn sức mạnh nhỏ bé mà mãnh liệt, đủ sức nâng đỡ ta vượt qua bao thử thách cam go của cuộc sống. Bởi vậy, Cô gái đến từ hôm qua sẽ là một chiếc cầu nối vững chắc, giúp người đọc xuôi dòng từ hiện tại trở về quá khứ, rồi từ quá khứ trở về hiện tại, nó cứ xen kẽ tạo thành một
dòng chảy dài. Cũng giống như ta có thể tìm về một nỗi niềm cổ tích ngày xưa, rời bỏ bộn bề cuộc sống ta có thể nhẹ nhàng thả trôi mình xuôi theo dòng sông ký ức trở về với những kỉ niệm ấu thơ.
Cô gái đến từ hôm qua kể về một cậu học trò tên Anh Thư thầm thương trộm nhớ cô bạn cùng lớp. Khi Việt An mới chuyển vào lớp, Thư biết trái tim mình không còn được “tự do” nữa. Sự rung động tình cảm đầu đời của tuổi mực tím thật đẹp. Cậu ra sức quyết tâm làm quen với cô bạn mới nhưng trong lòng thì luôn nhớ về cô bạn thời ấu thơ tên Tiểu Li. Nếu ngày xưa, cậu luôn tự hào mình là người luôn sai khiến và bắt nạt các bạn nữ, thì lớn lên cậu luôn khổ sở vì bị con gái “xỏ mũi” đặc biệt là Việt An. Trớ trêu thay như một định mệnh sắp đặt, Thư đã nhận ra Việt An, cô bạn cùng lớp thông minh, lém lỉnh ấy lại chính là cô bé Tiểu Li năm xưa, cô bé hàng xóm từng hứng chịu sự bắt nạt của Thư. Cô gái đến từ hôm qua là một câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng và trong sáng về chàng trai Thư và cô bé Tiểu Li của Nguyễn Nhật Ánh. Gia đình Anh Thư dọn nhà đến một nơi ở mới - ngay cạnh nhà Tiểu Li. Đó cũng là lúc cậu tình cờ gặp được cô bé Tiểu Li ngây thơ, hồn nhiên và dễ dụ. Cả hai chơi với nhau rất thân thiết, cho đến một ngày nọ, Tiểu Li phải dọn đi nơi khác... Đặc biệt hơn, Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh còn trở nên hot hơn bao giờ hết khi đã được đưa lên màn ảnh rộng và tạo được nhiều tiếng vang.
Mở đầu tác phẩm là câu nhận xét của nam chính - cậu học trò Anh Thư:
“Con gái càng lớn càng khôn, con trai càng lớn càng ngu!”. Để rồi nội dung của toàn bộ câu chuyện là quá trình “chứng minh” cho cái “luận điểm” đó của Anh Thư. Mạch kể của câu chuyện được lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại.
Từ thuở thơ ấu cho đến thời thiếu niên của Anh Thư. Tất cả như để củng cố thêm cho tính đúng đắn của cái luận điểm mà Thư đưa ra. Truyện của ông luôn sử dụng văn phong nhẹ nhàng mà thấm thía sâu sắc. Với ngôn từ dễ hiểu, mạch truyện thẳng tắp, khiến người đọc cảm thấy thư thái, thoải mái khi đọc truyện. Trong truyện dài Cô gái đến từ hôm qua, Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả song song hai hình ảnh của cùng một cô gái. Một hình ảnh ở quá khứ và một hình ảnh ở hiện tại. Đồng thời tác giả cũng miêu tả hai con người, với hai cá tính trái ngược hẳn nhau của nhân vật nam chính. Vì thế, đây là một trong
những câu chuyện dài đặc sắc nhất của cây bút Nguyễn Nhật Ánh. Nam chính trong truyện của ông vẫn vậy, vẫn là kiểu người con trai ngây thơ, si tình và tự nguyện để con gái “dắt mũi”. Còn nhân vật nữ chính, là kiểu con gái cá tính và hay bắt nạt nam chính như những bộ phim Hàn ăn khách. Trong số những tác phẩm viết về tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh, thì có vẻ như truyện dài này có cốt truyện mang không khí tươi sáng hơn cả. Kết thúc truyện nhẹ nhàng, tác giả đã làm cho bạn đọc cảm thấy cái kết rất có hậu. Gấp lại trang sách của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thoải mái.
Câu chuyện là dòng cảm xúc cứ hồi tưởng về quá khứ rồi lại nhắc đến hiện tại. Dòng hồi tưởng về quá khứ: “Hồi nhỏ tôi khác xa bây giờ.
Nói một cách khác, hồi nhỏ tôi ngon lành hơn bây giờ nhiều.
Hồi đó, muốn chơi với đứa con gái nào, tôi làm quen một cái “rụp”, gọn ơ. Chỉ có sau này khi lớn lên, tôi mới mắc cái tật long nga long ngóng trước phụ nữ.
Chính vì vậy mà thỉnh thoảng tôi thường ngồi mơ màng hồi tưởng cái thời huy hoàng xa xửa xa xưa với nỗi them muốn và ghen tị không giấu giếm.” [2-tr.5-6].
Hay đôi khi là Thư nói về hiện tại: “Nhưng đó là kết luận hồi nhỏ. Bây giờ tôi rút ra một kết luận khác, kém phấn khởi hơn: con gái càng lớn càng khôn, con trai càng lớn càng ngu!
Chính vì vậy mà bây giờ làm quen với một đứa con gái, đối với tôi là chuyện khó tày trời. Với Việt An, chẳng hạn.
Lớp tôi có tất cả bốn mươi mống, trong đó hết ba phần tư là con trai.
Con gái chỉ có một nhóm lèo tèo, ngồi túm tụm ở hai bàn trên.
Ỷ mình là "của hiếm", tụi con gái kiêu căng, hợm hĩnh tợn! Suốt ngày, tụi nó chỉ chụm đầu vào với nhau trò chuyện thì thầm rồi cười rúc ra rúc rích, chả thèm để ý đến bọn con trai chúng tôi lấy một chút. Trong số tụi nó, con nhỏ Việt An là "làm cao" nhất.
Việt An đẹp nhất lớp tôi. Điều đó ai cũng thừa nhận. Chính Việt An...
cũng thừa nhận điều đó cho nên nó càng tỏ ra "lạnh lùng, băng giá" trước những cặp mắt ngưỡng mộ của tụi tôi.” [2-tr.12-13].
Lúc nhỏ, cậu luôn cho rằng mình muốn chơi với đứa con gái nào là
“ngon lành”, cậu rất tự tin vào bản thân. Vì vậy, khi đó cậu luôn có kết luận rằng dễ dàng rằng: “con gái ngu thấy mồ!”. Bây giờ khi cậu đã qua cái tuổi trẻ con, cậu có một kết luận khác, kém vui hơn hồi nhỏ đó là: “con gái càng lớn càng khôn, con trai càng lớn càng ngu!”.
Và khi Thư thấy mình đang yêu, nhưng có lẽ chưa thể gọi là yêu. Đây chỉ là một thứ tình cảm đơn phương của cậu dành cho cô bạn Việt An. Tình cảm đó không hề có lối thoát. Tình cảm này cũng rất giống thứ tình cảm mà Thư dành cho cô bạn thời thơ ấu Tiểu Li. “Chuyện đang xảy ra là gì? Làm tôi buồn thêm nữa đi. Giờ tiếp tục hay rút lui hay là lặng im”, một thứ tình cảm mơ hồ, thực ảo mà Thư không biết lòng mình ra sao, chỉ thấy khi nhắc về cái tên Tiểu Li lòng cậu luôn gợi về một nỗi buồn man mác…
Sự vui đùa của tuổi thơ còn được thể hiện qua các trò chơi dân gian mà Thư và Tiểu Li chơi chung hồi còn nhỏ: trò bới cát xây nhà, bắn chim, trốn tìm... Bên cạnh chúng luôn là những người bạn thân thiết, vì vậy các em không bao giờ có cảm giác thấy cô đơn. Những người bạn luôn sẻ chia, biết giúp đỡ và đưa ra những lời khuyên chân thành để giúp các em có thêm nghị lực trong cuộc sống. Lứa tuổi này chưa hoàn thiện về mặt tâm sinh lí, sự mộng mơ về một thế giới giống như truyện cổ tích hay còn ngây dại vẫn là đặc điểm nổi bật của nhiều đứa trẻ. Tuổi thơ của các em luôn được hòa mình với thiên nhiên, vô tư không âu lo, không vướng bận những nỗi buồn, mà thay vào đó là cảm xúc vui tươi len lỏi từng ngóc ngách tâm hồn. Những trò chơi mà hằng ngày các em cùng vui đùa hay những khoảng thời gian các em ở bên nhau đều được nhà văn miêu tả rất chi tiết. Những đứa trẻ này lớn lên ở vùng quê, nhưng không hề thấy bản thân mình thiệt thòi: “Để Tiểu Li khỏi hỏi dò lôi thôi, tôi lảng sang chuyện khác:
- Ngày mai tao sẽ làm một chiếc vợt.
Tiểu Li trố mắt:
- Chi vậy?
- Để bắt bướm.
Tiểu Li reo lên:
- Hay quá hén! Em thích những con bướm lắm! Cánh nó đủ màu, đẹp ghê!
Tôi lên giọng hào hiệp:
- Tao sẽ bắt bướm cho mày ép vào tập.
Tiểu Li mừng lắm:
- Ừ, anh bắt cho em đi!
Đang nói, bỗng nó rụt cổ:
- Eo ôi, không được! Ép vào tập, những con bướm sẽ chết mất!
Tôi bật cười:
- Thì chết chứ sao! Bị đè bẹp dí làm sao sống được!
Tiểu Li chớp mắt:
- Vậy em không ép nó đâu! Chỉ bắt chơi thôi. Chơi xong thả ra.” [2-tr.183].
Hay là ý kiến của Tiểu Li, khi cô bé đề nghị Thư lấy hoa cúc trước cửa nhà để ép hoa: “Tôi quay phắt lại:
- Thật không?
Tiểu Li lộ vẻ lúng túng:
- Thật! Nhưng không ép bướm mà ép hoa!
Tôi thở dài chán nản:
- Tao nói ép bướm, mày lại nói ép hoa. Lãng xẹt!” [2-tr.185].
Mùa hè đến, hoa phượng trước sân trường nở rộ cả góc sân, cũng là thời điểm các em học sinh vui đùa dưới những bóng mát của cây hoa phượng vĩ.
Đặc biệt là lời hứa lấy cánh hoa phượng ép vào tập và lấy nhụy hoa phượng để ăn thử cho Tiểu Li của Thư: “Bị “phỏng vấn” thình lình, tôi nhíu mày:
- Tao hả? Tao thích… hoa phượng.
- Hoa phượng hả?
- Ừ, hoa phượng. Hoa phượng ép trong tập trông đẹp lắm!
Tiểu Li quên mất nỗi buồn hoa cúc, nó gật gù:
- Em cũng thích hoa phượng.
Tôi khoe:
- Nhuỵ hoa phượng ăn ngon lắm. Nó chua chua, ngọt ngọt. Khi nào đến hè, cây phượng trước sân trường mình trổ hoa, tao sẽ hái xuống cho mày ăn.”
[2-tr.186].
Rồi những lần chơi nhảy dây mà Tiểu Li nghĩ ra: “Nói xong, tôi giật sợi dây thừng trên tay Tiểu Li.
Nó la lên:
- Anh để em nhảy trước cho anh coi.
Tôi hừ mũi:
- Cần gì coi! Mày làm như tao là... con nít vậy!
Tôi cầm sợi dây thừng vung lên khỏi đầu, dặn Tiểu Li:
- Mày đếm thử xem tao nhảy được mấy trăm cái nghen!
Tiểu Li cười khúc khích:
- Anh chỉ nói dóc! Anh nhảy được năm chục cái là giỏi lắm rồi!
Tôi "xì" một tiếng, giọng khi dể:
- Nhảy năm chục cái thì nhảy làm gì?
Nhưng tôi chỉ nhảy được bảy cái. Tới cái thứ tám, sợi thừng bất ngờ vướng vào chân khiến tôi té sấp, mặt đập xuống đất một cú như trời giáng.”
[2-tr.28-29].
Ngày nay, người đọc chắc hẳn không ít người đã quên các trò chơi mà họ từng chơi hồi nhỏ, Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc xuôi dòng ký ức, trở về là những cô bé cậu bé thời còn là lứa tuổi học trò với biết bao sự khờ dại và ngây ngô. Đọc Cô gái đến từ hôm qua chúng ta dần theo bước chân của anh chàng Thư và cô bé Tiểu Li, rồi sau này khi đi học cấp ba là sự xuất hiện của cô bạn cùng lớp Việt An, đã làm sống lại những ký ức đẹp đẽ. Ký ức ngọt ngào ấy khiến Thư có cảm giác mất đi điều gì quý giá lắm, mà không thể nào lí giải nổi khi cô bé cùng gia đình chuyển đi nơi khác. Lòng luôn nhớ đến Tiểu Li, một hôm cậu đã nằm mơ thấy cô bé trở lại, và nói sẽ không chuyển nhà đi nữa. Thư vui sướng: “Tiểu Li mỉm cười:
- Mẹ em lại đi rồi. Chỉ có em ở lại thôi. Em ở lại em đi học.
Tôi lắc lắc tay nó:
- Mày nói thật chứ?
- Thật.
Tiểu Li vừa đáp vừa cười. Miệng nó cười thật tươi. Về đây đi học với tôi, chắc nó vui lắm!” [2-tr.205].
Thư giật mình mở mắt, thì ra cậu đang mơ và mất một lúc lâu sau cậu mới chợt nhận ra mình vừa nằm mơ. Dù có thế nào, cô bé vẫn không thể quay lại đây nữa, sẽ không có bất cứ một ngày nào mà cậu còn được chơi đùa cùng Tiểu Li. Nghĩ vậy, lòng cậu càng buồn. Tiểu Li đã để mặc Thư mà đi, để cậu một mình chiến đấu giữa cuộc đời này. Buồn nhất là lời hứa đợi đến mùa hè để cùng vui đùa đã không còn nữa. Lòng Thư vẫn rất buồn trong nhiều ngày sau đó, cây hoa phượng chưa kịp ra hoa mà cô bé đã đi rồi. Thư sẽ không còn được nhìn thấy mái tóc mà Tiểu Li mong mỏi cho nó dài ra để che đi vết sẹo trên trán. Nỗi buồn cứ vây quanh Thư, lòng cậu ngổn ngang những kỉ niệm về Tiểu Li.
Sự hồn nhiên của tuổi thơ còn được thể hiện qua sự đố kị nhau. Ở độ tuổi của các em còn nhỏ, chưa suy nghĩ được sâu, nên con người các em còn bộc lộ sự ngây thơ, ghen tị. Trong lớp Thư và Tiểu Li có bạn Lợi sứt, sau khi Thư dùng chung mực của Lợi mà không mua lại trả. Lợi đã tỏ thái độ khó chịu với Thư và nhất quyết “ăn thua” bắt Thư trả hai viên mực. Sau đó, Thư không trả mực cho Lợi nên hai đứa đã đánh nhau. Kết quả Thư đã vô tình xô ngã Tiểu Li: “Thấy tôi và Lợi sứt chuẩn bị đánh nhau, Tiểu Li hoảng hồn. Nó xô tôi ra, miệng năn nỉ:
- Đừng, đừng, anh đừng đánh nhau! Em sợ lắm! Để ngày mai em đem viên mực trả cho nó.
Tôi xẵng giọng:
- Không có trả gì hết! Để coi nó làm gì được tao! Mày dang ra đi!
Nhưng mặc cho tôi hét, Tiểu Li không chịu buông. Nó nắm chặt hai cánh tay tôi.
Đang hăng máu, tôi gạt mạnh Tiểu Li ra.
Cái hất tay thô bạo của tôi khiến Tiểu Li té chổng gọng. Trước khi nằm thẳng cẳng dưới đất, trán nó đã kịp đập vô cạnh bàn, máu chảy tèm lem.” [2- tr.139].
Mấy ngày sau trận đánh đó, Tiểu Li đã trở lại và đi học bình thường.
Vết ngã bị xô vào bàn trên trán đã chóng lành, nhưng nó đã để lại một vết sẹo nhỏ và dài trên trán. Tiểu Li quyết để tóc dài để che vết sẹo đấy. Điều đó làm Thư áy náy vô cùng, mỗi khi gặp Tiểu Li, Thư không kìm được lòng mình, luôn cố nhìn nén vết sẹo ấy. Lâu dần, thời gian trôi qua, vết sẹo chỉ còn một vệt mờ mờ, nếu người đối diện không nhìn kĩ thì rất khó có thể nhận ra. Mặc dù Thư đã được cô bé tha lỗi, nhưng vẫn luôn làm Thư thôi không nguôi cảm thấy ân hận. Từ lần đó, tình cảm mà Thư dành cho Tiểu Li đã khác. Đó là một cảm xúc khó nói, đem lại cho cậu một cảm giác chỉ muốn Tiểu Li mãi ở bên mình, vui đùa cùng cậu mãi. Dần dần, Thư không còn muốn bắt nạt hay sai khiến Tiểu Li nữa. Không còn cảm thấy những thú vui trước kia vui vẻ nữa, không muốn “làm khổ” Tiểu Li như trước.
Còn Lợi sứt vẫn căm chuyện vụ Thư không trả mực cho mình. Nên luôn tìm cách chọc Thư và Tiểu Li. Một hôm, khi hai đứa đang đi trên đường, Lợi sứt ở đâu chạy ra và trêu: “Con gái chơi với con trai/ Thế nào cũng đẻ ra vài đứa con!”. Câu nói đó làm Thư bực tức rồi liền co giò chạy đuổi theo. Lợi sứt chạy nhanh như một cơn gió, đuổi mãi mà Thư không thể theo kịp. Rồi sau lần đó, Tiểu Li ngại không dám đi cùng Thư, luôn tìm cách trốn cậu.