Chương 2. CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA
2.1. Kiểu nhân vật trẻ em trong hồi ức về tuổi thơ
2.1.2. Trẻ em với tuổi thơ tinh nghịch, hiếu động
Sự tinh nghịch, hiếu động của các em khi được đưa vào trong truyện thường gắn liền với phẩm chất đạo đức tốt đẹp của những con người bình thường trong cuộc sống. Quyết tâm làm quen với cô bạn cùng lớp, anh chàng Thư đã mượn sách của Việt An đọc, và trước khi trả sách cậu đã nắn nót chép dòng chữ ngay ngắn ở trang đầu cuốn sách là hai câu thơ của tác giả Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Nhưng tấm chân tình của Thư đã không được hồi âm, còn đã làm cho Việt An bực bội: “Giờ ra chơi, tôi cố ý nán lại trong lớp chờ coi Việt An "giải đáp tâm tình" cho tôi như thế nào. Đúng như tôi mong mỏi, Việt An lên tiếng gọi:
- Anh Thư!
Tôi hồi hộp bước lại, trên môi nở sẵn kiểu cười thứ nhất. Nhưng Việt An chẳng thèm dòm tôi. Nó lúi húi lục cặp lấy cuốn Giamilia ra:
- Anh viết bậy bạ gì trong sách tôi vậy?
Tôi ấp úng:
- Thơ Nguyễn Bính ấy mà!
Nó hoạnh họe:
- Ai mượn anh chép thơ Nguyễn Bính vô đây?
Tôi nuốt nước bọt:
- Đâu có ai mượn! Tại tôi thấy hay tôi chép!” [2-tr.24].
Lúc nhỏ đừng hòng có ai “quay” được Thư, phải khiến Thư điên đảo như bây giờ. Mỗi lần khi nhớ lại về những chuyện hồi nhỏ với Tiểu Li lòng Thư lại man mác buồn… Đây có lẽ là câu chuyện đẹp về tuổi học trò giống như một câu chuyện cổ tích hấp dẫn, nó đan xen giữa ký ức quá khứ và cảm xúc hiện tại. Nhờ ngòi bút tài năng, miêu tả chi tiết mà tỉ mỉ, vì vậy mà câu chuyện của các nhân vật chính cứ nhẹ nhàng mà vẫn thu hút người đọc…
Tuổi thơ lúc còn bên nhau, Thư và Tiểu Li luôn nghĩ muôn vàn trò chơi để cùng chơi đùa. Từ trốn tìm đến đào cát xây nhà, bắn chim, lấy hoa phượng ép vào tập viết… Tất cả trò chơi đều thể hiện sự hiếu động luôn tìm tòi của các em. Thư hay tranh phần ăn của Tiểu Li, cậu nói lí do cô không được ăn nhiều kẹo là do bị sún răng, làm cô tin sái cổ. Do vậy, có gì ngon Tiểu Li luôn phần cho Thư hay cả hai cùng chia nhau để ăn. Trong mắt Thư, Tiểu Li luôn dễ dụ, có đôi lúc cậu thấy cô thật dễ thương, nhiều lúc Thư thấy Tiểu Li dễ thương hơn cả cô gái lạnh lùng mà cậu đang cố làm quen là Việt An gấp trăm lần.
Khi chơi trốn tìm, Tiểu Li trốn rất kĩ, Thư tìm tháo cả mồ hôi cũng không thấy, lật tung khắp các ngóc ngách mà vẫn không sao tìm được Tiểu Li. Y như cô bé đã chui xuống dưới đất vậy: “Tôi liền ba chân bốn cẳng chạy vụt vào nhà và dáo dác dòm khắp nơi. Thậm chí tôi còn chui cả xuống gầm giường, bồ hóng dính đầy đầu, nhưng cũng chẳng tìm ra nó.
Chẳng lẽ kêu lên là mình chịu thua, tôi bèn nghĩ ra một mẹo. Tôi làm bộ ngã "oách" một cái giữa nhà và ôm giò hét ầm lên:
- Trời ơi! Gãy cẳng tao rồi!
Tiểu Li trúng kế ngay. Đang nấp trong tủ, nó tung cửa, nhảy ào ra, mặt mày thất sắc:
- Cái gì vậy?
Chỉ đợi có vậy, tôi chỉ tay vô người nó, miệng cười đắc thắng:
- Bắt được mày rồi nghen!” [2-tr.72].
Thư là một cậu bé thông minh, khi tìm cả buổi không thấy Tiểu Li nên đã giả vờ ngã. Tiểu Li đã trúng kế ngay, chạy luôn khỏi chỗ trốn để đỡ cậu dậy và hỏi han. Thư đã chộp lấy tay cô bé và Tiểu Li bị bắt ngon lành sau khi trúng kế mà Thư bày ra.
Đến khi lớn hơn, khi biết suy nghĩ hơn. Thư đã làm đủ mọi cách để có thể làm quen được với Việt An. Thư nhờ sự quân sư đắc lực của anh bạn cùng lớp là Hải gầy. Hai người bàn cách để Thư có thể lấy lòng Việt An. Sau nhiều đợt kiểm tra tình cảm của Việt An đối với mình thế nào, Thư đều buồn bã vì nhiều lần kiểm tra đều thất bại hoàn toàn. Mỗi lần nhìn thấy Việt An, lòng Thư lại có chút giận dỗi vì cô bạn quá lạnh lùng, không cởi mở để tiếp chuyện với cậu.
Đã vậy, anh bạn Hải gầy cứ lẽo đẽo đi sau để hỏi những bước tính tiếp theo của Thư. Hải gầy được mệnh danh là một “cuốn bách khoa toàn thư”, cậu có cả một cuốn sổ chỉ ghi lại những câu nói về tình yêu hay câu nói mà cậu tâm đắc. Khi Thư có chuyện gì là lôi nó ra đọc để trêu tức Thư. Mặc dù Thư biết Hải luôn ba hoa nhưng Hải vẫn luôn nhiệt tình giúp đỡ và sát cánh bên cậu để tìm cách chinh phục cô bạn lạnh lùng Việt An nên vẫn nghe theo sự quân sư của cậu bạn. Hải hào hứng lên sẵn cả một kế hoạch tác chiến, chỉ để giúp Thư làm quen và bắt chuyện với Việt An. Ví dụ như lúc Thư lên bảng trả bài, Hải sẽ ngồi dưới lớp để quan sát ánh mắt, nụ cười của Việt An dành cho Thư như thế nào, đến lúc nói chuyện với Thư thái độ của An sẽ ra sao hay sẽ coi xem cô có cười với Thư không… Căn cứ vào những điều đó, Hải sẽ
thay đổi kế hoạch để mang đến thành công cho cậu bạn của mình: “Hải gầy phẩy tay:
- Cái gì chứ tình yêu không thể đoán mò được! Phải dựa trên cơ sở khoa học đàng hoàng!
Tôi gãi tai:
- Cơ sở khoa học ở đâu mà dựa?
Nó hùng hồn:
- Mình phải tạo ra!
Tôi đi từ thắc mắc này đến thắc mắc khác:
- Tạo ra bằng gì?
- Bằng thư.
Tôi chợt hiểu ra:
- Bộ mày xúi tao viết thư cho Việt An hả?
- Chớ sao nữa! Mày viết đi, tao góp ý cho!” [2-tr.46-47].
Như vậy, nhóm nhân vật thiếu nhi đã mang đến cho người đọc những tiếng cười rộn rã, đưa bạn đọc trở về một thế giới trẻ thơ hồn nhiên, giải tỏa tâm hồn sau những ngày làm việc vất vả. Thế giới của các em luôn có những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, ngây ngô mà vẫn giữ được nét con nít đúng với lứa tuổi.
Những đứa trẻ trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tuy có vẻ “siêu quậy”
nhưng vẫn khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái khi chứng kiến những trò nghịch ngợm của mình. Ngoài ra, tác phẩm đã để lại cho người đọc những bài học sống quý báu, những kĩ năng sống cơ bản mà tác giả đã đan cài vào tác phẩm của mình. Thông qua tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh cũng ít nhiều giáo dục cách sống, bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Để phát triển nhân cách tốt đẹp, dần lớn lên và trở thành công dân tốt có ích cho xã hội.