Trẻ em của hiện tại với những tình cảm, rung động đầu đời

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong cô gái đến từ hôm qua của nguyễn nhật ánh (Trang 36 - 43)

Chương 2. CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA

2.2. Kiểu nhân vật trẻ em của hiện tại

2.2.1. Trẻ em của hiện tại với những tình cảm, rung động đầu đời

Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ: “Tuổi mới lớn, như tên gọi của nó, là lứa tuổi đã không còn là trẻ con nhưng lại chưa thực sự trở thành người lớn.

Chính vì vậy mà tâm lý và tính cách của lứa tuổi này rất đặc biệt, nói rõ hơn là chưa định hình, nên rất khó nắm bắt. Bên cạnh những thao tác văn chương thuần kỹ thuật, nhà văn viết truyện cho tuổi mới lớn có lẽ cần nhiều hơn sự đồng cảm về mặt tâm hồn với đối tượng đặc biệt này mới có thể tạo ra trước hết là sự tin cậy, và kéo theo nó là sự chấp nhận của bạn đọc.” [13].

Những tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh đã viết cho tuổi mới lớn là những tác phẩm thành công mà trong đó người đọc thấy rõ nhà văn thực sự đã hòa mình trong dòng sông tuổi thơ, chứ không đơn thuần là “kẻ đứng trên bờ để nhìn ngắm và miêu tả”.

Ở thực tại, Thư luôn dành hết tình cảm cho cô bạn cùng lớp là Việt An.

Tuy vậy trong tâm trí cậu, dù cậu có đang đơn phương cô bạn cùng lớp, nhưng những kỉ niệm ấu thơ bên cô bạn nhỏ Tiểu Li làm cậu nhớ mãi. Hai

dòng thời gian quá khứ và hiện tại đan xen - hai hướng tình cảm trái ngược với hai con người tưởng như khác nhau hoàn toàn. Nhưng rồi định mệnh sắp đặt lại chính là một người. Tất cả điều trên bạn đọc có người muốn Thư dành hết tình cảm cho Việt An ở thời điểm hiện tại, có người thì muốn Thư hãy cất giấu những kỉ niệm đẹp đẽ khi ở bên cô bạn ấu thơ là Tiểu Li. Bởi có lẽ, sự ra đi nhanh chóng của Tiểu Li vẫn để lại trong lòng Thư nỗi buồn của sự hụt hẫng và nuối tiếc…

Khi lên cấp ba, lớp Thư có cô bạn Việt An chuyển về lớp. Ngay từ lúc nhìn thấy Việt An, Anh Thư đã biết trái tim mình có chủ. Đó là những xúc cảm của lứa tuổi mực tím với rung động đầu đời. Chuyện tình yêu đơn phương của tuổi học trò cũng được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả vô cùng nhẹ nhàng, nhưng vẫn giữ được những cảm xúc thật của các nhân vật. Bạn sẽ không thể quên được cô bạn cùng lớp với những lần bẽn lẽn nhìn trộm cô ấy.

Để rồi lại ngượng chín mặt khi bị người ta phát hiện mình đang nhìn trộm. Và cả những ảo tưởng ngây thơ về việc đối phương thích mình, những bức thư tình “sến sẩm”, những chiêu trò “tình ái tuổi học trò”… đều khiến bạn bồi hồi không quên. Bạn sẽ bắt gặp lại hình ảnh mình thời cắp sách đến trường với những cảm xúc khó nói của một mối quan hệ không rõ ràng, sự khó hiểu đầy bí ẩn của bọn con gái, hay những ngày buồn man mác như những kẻ thất tình khi biết người ta không thích mình.

Bạn đọc sẽ không khỏi giật mình khi nhìn thấy hình ảnh bản thân mình ngày xưa trong câu chuyện này. Và không khỏi bật cười trước những trò đùa rất con nít. Việt An trong câu chuyện là một cô gái thông minh và lém lỉnh.

Cách ứng xử của Việt An trước những lần “thả thính” của Thư khiến bạn đọc phải bật cười sảng khoái. Cười cho sự khéo léo, thông minh khi từ chối của Việt An. Việt An đã mang đến hình tượng một người con gái trong tuổi học trò của bất kì ai trong chúng ta: “con gái thật sự rất khó hiểu”. Và tưởng chừng như đây chỉ là những câu chuyện về mối tình tuổi học trò, nhưng đặc biệt là cách kể chuyện lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại đã dẫn người đọc từ “nước mắt” của sự chia ly đến cái kết viên mãn “có hậu”, và pha cả chút bất ngờ.

Chính vì vậy, khi nhắc đến thời điểm của hiện tại. Cô bạn xinh xắn tên là Viện An chuyển đến học chung lớp với Thư. Cậu trở lên lóng nga long

ngóng trước vẻ xinh đẹp và sự lạnh lùng của cô bạn. Không chỉ riêng mình Thư có cảm xúc đó, mà tất cả con trai trong lớp của Thư đều chết mê chết mệt trước vẻ đẹp mà Việt An có. Phải nói là Việt An là người con gái đẹp nhất lớp của Thư.

Thái độ của Việt An như vậy bởi lẽ cũng là do tính cách của cô, Việt An luôn có thái độ kiêu kỳ với tất cả đám con trai trong lớp. Mà có lần nhân vật Thư đã nghĩ trong đầu: “Việt An trông thật dễ ghét!”. Nhưng khi ngồi ngẩn ngơ nghĩ lại hình bóng Việt An thì anh chàng “thơ thẩn” Anh Thư thấy con gái nhìn càng dễ ghét bao nhiêu thì lại có vẻ rất dễ thương bấy nhiêu.

Định mệnh gặp gỡ mà lần đầu tiên Thư trông thấy Việt An, Thư thấy bản thân sẽ không còn được “tự do” nữa. Thư cảm thấy trái tim mình đã dành hết cho cô gái này. Lúc nào, trong tâm trí Anh Thư cũng nghĩ đến Việt An, từ ánh mắt, nụ cười, đến mái tóc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của anh chàng thơ thẩn này: “Có những lúc ngồi một mình, nghĩ đến Việt An tôi bất giác gọi thầm tên nó và cái âm vang ngọt ngào ấy bao giờ cũng gợi nơi tôi một cảm giác nhớ nhung trìu mến lẫn một nỗi hân hoan khó tả.” [2-tr.13].

Việt An là cô gái chuyển từ Nha Trang về nơi sinh sống của Thư hiện tại để theo học. Vì vậy, tính cách của Việt An còn là một ẩn số lớn đối với anh chàng Thư này. Ngay từ khi bước vào lớp học, Việt An như một ánh sao sáng xuất hiện, đã mảy may làm “quấy nhiễu” cuộc sống vốn êm đềm trôi của bọn con trai trong lớp Thư đang học.

Tình yêu mà Thư đối với Việt An là tình cảm đơn phương giống như con đường một chiều vậy, chỉ có thể tiến lên mà không thể quay đầu lại được.

Bởi tình yêu Thư dành cho Việt An là tình yêu đơn phương, cậu không có cách nào để tiếp xúc với Việt An. Vì vậy, cậu đã nảy ra một ý tưởng thật điên rồ: “Việt An còn đang mải mê viết, chưa tỏ vẻ gì là sắp kết thúc. Thế là tôi cứ ngồi cắn viết nhẩn nha chờ.

Cho tới khi tiếng trống hết giờ vang lên, Việt An viết lia viết lịa mấy dòng cuối và hối hả mang bài lên nộp. Xong, nó ôm cặp bước ra cửa.

Việt An ngồi bàn đầu dãy bên kia, tôi ngồi bàn đầu dãy bên này, gần cửa ra vào, nên muốn ra ngoài nó phải đi ngang qua trước mặt tôi.

Lúc này, lớp học chỉ còn lèo tèo dăm ba đứa. Đứa nào đứa nấy đang chúi đầu vô bài làm viết lấy viết để, chẳng để ý gì đến chung quanh. Cô Hường thì đang lui cui đếm bài. Khung cảnh rất thuận lợi cho việc thực hiện

"ý đồ đen tối" của tôi.

Đợi cho Việt An vừa đi qua trước mặt, tôi cầm cây viết máy vẩy vào lưng nó. Trong nháy mắt, vạt áo phía sau của Việt An dính đầy những vết mực lốm đốm. Nó chẳng hay biết gì, cứ cắm đầu đi thẳng.” [2-tr.15].

Với tình tiết Thư đã vảy mực bút lên áo Việt An để có cớ làm quen cô bạn cùng lớp, dường như đó là một suy nghĩ của học trò thời rất xa. Qua ngòi bút tài năng của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả tỉ mỉ và rõ nét tâm trạng bối rối của Thư. Một Anh Thư trước kia luôn là tâm điểm thu hút ánh nhìn của đám con gái, vậy mà giờ đã bối rối không biết làm thế nào để có cớ làm quen với Việt An. Vậy mà đối với giới trẻ hiện nay, muốn làm quen để tìm bạn trai, bạn gái chỉ cần chat chít hay bình luận ảnh trên Facebook, Zalo là có thể tìm được người yêu. Họ chỉ nói chuyện chán chê trên các trang mạng xã hội xong rồi có thể gặp hoặc không. Những câu chuyện tình yêu hiện đại như vậy, không bao giờ xuất hiện trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn cho rằng đó không phải thứ tình yêu đẹp mà người ta thường gọi là “tình yêu học trò”, mà là một tình yêu mang tính chất vui đùa, thử yêu, học đòi làm người lớn.

Vì vậy khi đọc đến chi tiết, Thư “vẩy mực lên áo bạn gái để làm quen”, chi tiết đắt giá đã được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả khá ngọt trong tác phẩm gái đến từ hôm qua, giống như một thứ tình yêu đầu đời trong sáng khiến người đọc phải ngưỡng mộ. Chỉ với một chi tiết như vậy, đã làm nổi bật lên sự trong sáng của những đứa trẻ trong truyện của ông.

Bây giờ anh chàng Thư khác hồi nhỏ đã không khóc, nhưng lòng đang nặng nỗi buồn khi gửi thư cho Việt An mà không được chấp nhận. Lá thư tình lần đầu tiên cậu cố lấy cam đảm viết và gửi đi. Nhưng không được Việt An hồi âm. Cô còn tỏ ra khó chịu với cậu hơn.

Với cậu lúc này, Việt An chỉ còn mờ mờ ảo ảo như một cái bóng vì cậu đã quá đau buồn sau nhiều lần làm quen với cô mà không được. Cậu hăm hở một cách vô vọng, nhưng cuối cùng chả nhận được kết quả tốt đẹp gì. Qua

nhiều lần dưới sự giúp đỡ của quân sư đắc lực Hải gầy, những lần “thả thính”

Việt An không thành. Thư đã tự nguyện rút khỏi chiến trường chinh phục Việt An trong sự im lặng: “Tôi không thèm nghe lời Hải gầy nữa, tôi "tẩy chay" danh ngôn. Tôi nhất định trở về với... cội nguồn dân tộc, chỉ làm theo ca dao "cây nhà lá vườn":

Có thương thì thương cho chắc

Còn như trục trặc thì trục trặc cho luôn!

Tôi trục trặc cho luôn bằng cách lờ hẳn Việt An, lần này lờ thực sự chứ không phải lờ "chiến thuật" như hôm trước. Sau một "tai họa" như thế, chỉ có muối mặt mới dám gặp nó.” [2-tr.195-196].

Mỗi khi đến lớp, Thư chỉ nói chuyện với cậu bạn Hải gầy. Trong lớp, thầy cô giảng bài, cậu chăm chú nghe giảng và ghi chép bài. Ngoài bảng và lời giảng bài của thầy cô ra, cậu không nhìn ngang nhìn dọc, cậu thấy như chả có gì để đáng nhìn nữa.

Tiếng trống kết thúc giờ học, là lúc cậu cất sách vở thật nhanh và chạy bay ra ngoài cửa lớp, giờ cậu chả thèm đi đến chỗ Việt An để cố bắt chuyện như trước. Khổ mỗi Hải gầy, không thấy Thư đâu, cứ ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh để tìm cậu bạn mình. Cậu chỉ muốn biến mất, biến mất trước tất cả mọi người trong lớp, trước khi Việt An thấy cậu đang cố lẩn tránh cô. Cậu không muốn Việt An nhìn thấy cậu đáng thương như một chú thỏ tội nghiệp đang chạy trốn.

Tuy nhiên, việc chạy trốn trước người mình thích quả không thoải mái.

Việt An cứ bay nhảy trong suy nghĩ của Thư, làm cậu không thể tập trung học: “Có một giọng nói thì thầm trong tôi: "Chỉ nhìn một cái thôi! Nhìn chứ đâu phải chuyện gì ghê gớm!". Nhưng một giọng nói khác vang lên đầy phẫn nộ: "Nhìn cũng không được! Nó đã thẳng tay từ khước tình cảm của mày, mày còn nghĩ tới nó làm chi?" - "Nghĩ tới hồi nào? Chỉ nhìn thôi! Nhìn nhưng không... nghĩ!" - "Đã không nghĩ thì nhìn làm quái gì? Dẹp đi!". Cái giọng nói sau dữ dằn quá chừng, tôi đành phải "dẹp đi". Dẹp mà trong lòng buồn thỉu buồn thiu!” [2-tr.197].

Sau nhiều ngày cậu chạy trốn Việt An, cô đã chủ động tìm gặp Thư.

Thư thấy rằng tụi con gái trên trái đất này hình như tất cả đều giống nhau. Có một câu hỏi dù biết là không hay những hình như đứa con gái nào cũng đang

“mắc phải”. Nhiều ngày, cô không thấy cậu còn lượn quanh cô nữa, Việt An nghĩ Thư đã có người khác. Vì vậy đã muốn thăm dò cậu: “Trước khi quen tôi, anh đã quen mấy người rồi?” [2-tr.211]. Cậu rất thắc mắc tại sao, cô hỏi câu đấy để làm gì, trong khi cậu đã cố lẩn tránh và rút đi trong im lặng. Vì đã là con trai khi nghe câu hỏi đó, sẽ phải tỏ ra là người có “lý lịch trong sạch”

nhất trước người con gái mình thích: “Tôi mỉm cười, tự hào:

- Không có ai cả!

Riêng với tôi, điều đó hoàn toàn đúng sự thật.

- Xạo.

- Thật.

Việt An nheo mắt:

- Thật trăm phần trăm chứ?

Tôi quả quyết:

- Trăm phần trăm!” [2-tr.212].

Nói xong, cậu chợt nghĩ đến Tiểu Li, cô bạn ấu thơ của mình. Mỗi lần nhớ về cô bé, lòng cậu lại thấy buồn, rất lâu rồi cậu không còn được gặp lại.

Thư nhớ tất cả về cô, từ lần đầu gặp cho đến lúc cô chuyển nhà đi. Nỗi nhớ và niềm mong mỏi cô sẽ quay về bên cậu dường như nó chỉ có trong giấc mơ.

Trong trạng thái cảm xúc không còn làm chủ được nữa, cậu bất giác kể cho Việt An nghe tất cả những chuyện hồi nhỏ có liên quan đến Tiểu Li, vừa kể cậu càng cảm thấy thoải mái, như những nỗi buồn đang dần được giải tỏa mà cậu đã chôn sâu từ lâu... Nhưng rồi sau đó, không biết nên vui hay buồn, như một định mệnh sắp đặt, sự trớ trêu của ông trời, thì ra Việt An cô gái mà cậu đang theo đuổi, đang cố gắng làm quen đó chính là Tiểu Li người bạn ấu thơ của cậu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt An ngồi trước mắt cậu bây giờ lại chính là Tiểu Li. Như vậy, cuốn sách như khẳng định thêm cho câu “những người yêu nhau, đi một vòng lại quay về với nhau”. Tâm trạng của Thư lúc

này rất bối rối: “Phải một lúc lâu, tôi mới thoát ra khỏi nỗi sững sờ tê dại.

Nhưng hàng trăm những cảm giác khác nhau lại tràn ngập và xô đẩy trong người khiến tôi mở miệng một cách khó khăn:

- Chẳng lẽ... Việt An là...

Tôi chỉ thốt được vài tiếng rồi lại im bặt. Một niềm vui rộng lớn và cùng với nó, một nỗi băn khoăn ngờ vực cũng xâm chiếm lấy tôi và nén chặt tôi dưới tâm trạng hoang mang thảng thốt.

Việt An như hiểu tâm trạng của tôi. Nó thở dài:

- Anh chẳng nhớ gì hết! Hồi đi học tôi vẫn tên là Việt An nhưng gia đình, bạn bè và ngay cả cô giáo đều gọi tôi là Tiểu Li. Đó là tên hồi nhỏ của tôi. Cả anh nữa, anh cũng gọi tôi bằng cái tên thời thơ ấu...

Vâng, cả tôi nữa... và tôi bắt đầu mang máng nhớ ra, giữa màn khói sương hư ảo, dường như hồi đó Tiểu Li quả có một tên gọi khác, nhưng đó là tên gì thì tôi không tài nào nhớ nổi. Phải chăng tên đó là Việt An? Lẽ nào cuộc sống lại có những bất ngờ kỳ diệu như vậy? Hèn gì hồi đầu năm, vừa nghe thấy tên Việt An tôi đã cảm thấy một cái gì đó gần gũi, thân thiết vô cùng mà không tự cắt nghĩa được. Vậy mà suốt thời gian dài chúng tôi đã không nhận ra nhau. Có lẽ trong mười năm qua, hai đứa tôi đã thay đổi đi nhiều.” [2-tr.216-217].

Cậu ngẩn ngơ theo từng câu nói mà Việt An nói với cậu. Cảm xúc giống hệt như lần hai đứa mới gặp nhau, cậu đã cố gắng đào một đường hầm trong đống cát rất dài, để có cơ hội vô tình cầm tay lấy Tiểu Li, để làm quen với cô bé: “Bây giờ, tôi chẳng cần tới đống cát nữa. Tôi nhẹ nhàng cầm tay Việt An - lần đầu tiên tôi cầm tay nó - và xúc động nói:

- Tôi cũng nhớ cả đến...

Việt An thật thông minh (đúng là càng lớn nó càng khôn!). Tôi chưa kịp nói dứt câu, nó đã nhẹ nhàng vén tóc lên và tôi sững sờ nhận ra trên vầng trán đáng yêu kia cái vệt sẹo quen thuộc thuở nào, quen thuộc đến nỗi vừa nhìn thấy tôi đã nhận ra nó ngay. Đã mười năm qua, nó vẫn thế, không đậm hơn, không nhạt đi, vẫn là một vệt thẫm nhờ nhờ nằm lặng lẽ và bình yên sau mái tóc, cái mái tóc ngày xưa Tiểu Li vẫn mong ngóng từng ngày.

Tôi thẫn thờ chạm tay vào vết sẹo trên trán Việt An và cảm thấy bàng hoàng như chạm vào kỷ niệm, cứ sợ nó tan đi như một giấc mơ.

Và tôi bồi hồi nói, âu yếm, thì thầm, với Việt An và với cả chính tôi:

- Chào Tiểu Li, cô bạn nhỏ!” [2-tr.220-221].

Như vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự dùng ngòi bút tài năng của mình khi luôn dành sự ưu ái nhất cho nhân vật Thư. Đã “tặng” cho Thư trong suốt cả câu chuyện là một chữ “duyên”. Đâu có ai biết rằng cô bạn Việt An xinh xắn, cá tính đó chính là con bé Tiểu Li hàng xóm ngốc nghếch ngày nào.

Đó thực sự là một tình huống trớ trêu bao trùm lên cả câu chuyện. Khi mà thời gian khắc nghiệt đã khiến Thư dần quên đi Tiểu Li, quên cả cái tên thật của cô bé năm xưa. Có lẽ đối với rất nhiều bạn đọc, luôn bất giác thầm cảm ơn nhà văn đã xây dựng lên chi tiết Tiểu Li cùng gia đình chuyển nhà đi. Để rồi đến khi học cấp ba, mười năm sau, họ gặp lại nhau. Tất cả đều vỡ òa trong hạnh phúc, Thư đã có được tình yêu đẹp ở tuổi mới lớn, rồi lại tìm được hồi ức quá khứ có lẽ đã dần quên.

Phong cách của viết văn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn thế. Nhà văn vẫn hướng về việc mô tả những kỉ niệm nhẹ nhàng thuở xưa, những giá trị nhân văn ngày nào và cuộc sống giản dị của quá khứ. Nhờ có những cuốn sách như thế này, mà tâm hồn người đọc lại được gột rửa, sau bao nhiêu là bụi bẩn từ sự phát triển quá nhanh của cuộc sống hiện đại. Người đọc sẽ bắt đầu tìm lại được những cảm xúc mà rất lâu mình đã mất đi với tình yêu. Mặc dù biết rằng càng lớn con người ta sẽ càng yêu theo cách “trưởng thành” hơn.

Cuộc sống ngày càng thực dụng, khiến cho không ít người mất đi những điều rung cảm mà đáng lẽ ra không nên để nó mất. Người ta vẫn hay đổ lỗi cho việc họ đã “chai lỳ” cảm xúc. Nhưng ở đâu đó, vẫn có những người sẽ thương yêu nhau một cách chân thật như tình yêu của “ông” và “bà” thuở trước, hay Anh Thư yêu Việt An.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong cô gái đến từ hôm qua của nguyễn nhật ánh (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)