Chương 1 NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH PHÁT
1.2. Tài nguyên du lịch Ninh Bình
Tài nguyên là “tất cả những gì thuộc về tự nhiên và tất cả những sản phẩm do con người tạo ra có thể được con người sử dụng vào phát triển kinh tế và xã hội để tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường trong quá trình lịch sử phát triển của loài người”[73, tr.17].
Theo khoản 4, điều 3, chương 1 Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 quy định “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch”. Tác giả Trần Đức Thanh và cộng sự cho rằng “Tài nguyên du lịch là những thành tạo tự nhiên, những tính chất của thiên nhiên, các công trình, sản phẩm do bàn tay hay trí tuệ của con người làm nên, cùng các giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, tâm linh, giải trí, kinh tế…của chúng có sức hấp dẫn với khách du lịch và hoặc được khai thác đáp ứng cầu du lịch” [40, tr.72].
Như vậy, tài nguyên du lịch chính là những tiền đề phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch càng phong phú, đặc sắc, có mức độ tập trung cao thì càng có sức hấp dẫn với du khách và hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao.Tài nguyên du lịch là một phạm trù lịch sử, việc khai thác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, chính trị. Có nhiều cách phân loại tài nguyên du lịch khác nhau như tài nguyên hữu hạn và vô hạn, tài nguyên tự nhiên và văn hóa, tài nguyên vật thể và phi vật thể… Trong giới hạn của luận
18
văn, tác giả chọn cách phân loại tài nguyên du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch tự nhiên.
1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch tự nhiên là những thành tạo hay tính chất của tự nhiên cùng các giá trị thẩm mỹ, khoa học, môi trường…có sức hấp dẫn khách du lịch hay được khai thác đáp ứng cầu du lịch. Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm phong cảnh, khí hậu, tài nguyên nước và sinh vật.
Ninh Bình là một vùng đất cổ, là nơi xuất hiện loài người từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra xương, răng của động vật thuộc thời kỳ Cánh Tân cách ngày nay 30-40 vạn năm tại di chỉ khảo cổ học Thung Lang, Núi Ba (Tam Điệp). Tiếp đó là những dấu vết của loài người từ thời kỳ văn hóa Hòa Bình cách ngày nay 1 vạn năm (di chỉ khảo cổ học Hang Sáo – Tam Điệp) đến văn hóa Phùng Nguyên (Mán Bạc – Yên Mô)… Trải qua hàng nghìn năm với sự tác tạo ưu ái của tự nhiên, Ninh Bình đã có rất nhiều cảnh đẹp với loại hình phong phú tiêu biểu như rừng nguyên sinh Cúc Phương, các dãy núi đá vôi ở Tam Điệp, hệ thống hang động Tràng An, biển Kim Sơn…tiêu biểu là một số địa danh sau:
Quần thể danh thắng Tràng An: Đây có thể xếp đồng thời vào tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh Ninh Bình. Tổng diện tích khoảng 12.252 ha, quần thể danh thắng Tràng An chứa đựng hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động. Nơi đây có các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa hình sông, thế núi, các hang động ngập nước và các thảm động, thực vật hoang sơ, nguyên vẹn hòa quyện với các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống qua hệ thống các di tích và lễ hội văn hóa đặc sắc. Ngày 25/6/2014, UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An
19
vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên các tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Rừng nguyên sinh quốc gia Cúc Phương: Nằm ở huyện Nho Quan, là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá hệ thống động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp và tham gia các chương trình du lịch với các loại hình: Du lịch sinh thái, môi trường, nghiên cứu khoa học, khảo cổ học, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh… Với diện tích 22.200 ha, đây là Vườn Quốc gia đầu tiên và cũng là nơi bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Lợi thế về cảnh quan, sự đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, lịch sử…đã khiến Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái lớn đầy sức hấp dẫn. Cúc Phương có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loai động thực vật quý hiếm. Cúc Phương cùng với các trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng, vườn thực vật, nhà nghỉ, công trình vui chơi, giải trí, công trình nghiên cứu khoa học, đã thu hút một số lượng lớn du khách đến đây.
Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long là một trong những khu đất ngập nước lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ và cũng là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nội địa đầu tiên của Việt Nam. Vân Long trải rộng trên địa bàn của 7 xã thuộc huyện Gia Viễn với diện tích khoảng 3.000 ha. Hệ sinh thái ở Vân Long rất phong phú và đa dạng với 457 loài thực vật, 39 loài động vật, 32 loài bò sát, 62 loài chim…cùng với hệ thống 32 hang động đẹp có chiều dài từ 100-250m, có giá trị văn hóa du lịch như hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh…đặc biệt là hang Cá với chiều dài 250m, cao 8m, rộng 10m xuyên qua lòng núi tạo nên một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp đầy tiềm năng du lịch. Ngoài ra, Vân Long không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước mà còn là khu bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
20
Suối nước nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà, huyện Gia Viễn, là ngã ba của 3 con sông: sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long, vào mùa nước lớn, Kênh Gà nổi lên như một hòn đảo nhỏ xung quanh chân núi Cánh Gà và bên bờ nhánh sông Hoàng Long. Cảnh quan ở đây còn rất hoang sơ nên vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên. Đặc biệt nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng dòng nước khoáng nóng tinh khiết chảy ra từ lòng núi với nhiệt độ ổn định từ 45-500C có thể khai thác làm địa điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Các ngọn núi
Núi Ngọc Mỹ Nhân (còn có tên gọi khác là núi Cánh Diều) thuộc thành phố Ninh Bình, có 3 đỉnh: đỉnh giữa cao, hai đỉnh tả hữu chĩa ra như hai cánh chim, trên núi có chùa, xung quanh núi có nhiều hang động u minh, tạo hình giống người con gái đang nằm nên gọi là Ngọc Mỹ Nhân.
Núi Non Nước (còn gọi là núi Dục Thúy, núi Thúy) là ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân Sàng với sông Đáy như một khối ngọc nổi lên giữa thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc chia làm 5 cấp, đỉnh núi tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho khách du lịch nghỉ ngơi, giải trí. Trên núi có chùa Non Nước, dưới chân núi có đền thời danh sỹ Trương Hán Siêu. Đặc biệt, trên các vách đá của núi có khắc hàng trăm bài thơ của các Nho sỹ đương thời như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà…Không những thế, đây còn là nơi ghi dấu những chiến công vĩ đại của nhân dân Ninh Bình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đèo Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội) thuộc thành phố Tam Điệp. Nơi đây có 3 dãy núi đá vôi chạy suốt từ Hòa Bình về, ăn ra biển Đông theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, chỗ núi đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Vì có 3 đèo liền nhau nên gọi là Tam Điệp. Điều độc đáo ở đây là đèo Tam Điệp có đất đỏ, không chỉ có cảnh đẹp mà còn một di tích lịch sử nổi tiếng vì đã từng là một phòng tuyến phòng ngự rất lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân
21
sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường thiên lý Bắc Nam. Vì vậy, từ xa xưa, nơi đây đã được chọn làm cửa ải (quận Cửu Chân – Thanh Hóa và quận Giao Chỉ - Bắc Bộ).
Hang động
Động Sinh Dược (thôn Xuân Trì, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn). Đây là một động xuyên thủy dài gần 2 km. Khi tham quan động, du khách sẽ ngồi thuyền hơn một giờ đồng hồ, có thời gian ngắm nhìn những dải nhũ đá thiên nhiên muôn hình vạn trạng thỏa sức tưởng tượng của mình.
Động Vân Trình là một động khô lớn có thể được xếp vào loại đẹp nhất của Ninh Bình. Động nằm ở xã Thượng Hòa huyện Nho Quan, diện tích khoảng 3.500m2 nằm trong một quả núi cao hơn 100m, cửa vào động ở lưng chừng núi cao khoảng 40m so với mặt đất. Vòm động chỗ cao nhất trên 100m, sàn động có nhiều hoa văn độc đáo, sâu vào trong động là Giếng Rồng có nước tuôn từ dưới lên. Động có cấu trúc thành hai hang liền nhau, chia làm 2 khu ngăn cách với nhau bởi một “bức bình phong” bằng nhũ đá. Trong động có nhiều nhũ đá lấp lánh với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau.
Động Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn được nhân dân phát hiện từ năm 1739, còn có tên gọi khác là động Nham Sơn. Trong động có một nhũ đá giống tượng Phật nên nhân dân đã lập bàn thờ Phật ở đây. Đến năm 1740 động được nhân dân trong vùng tu bổ thành một ngôi chùa để thờ Phật. Động gồm 3 hang nối liền với nhau, hang ngoài thờ Phật, rồi đến hang Tối, hang Sáng. Trong động có nhiều nhũ đá mang hình dáng như voi uống nước, voi chầu, hổ phục, phượng múa, rồng uống nước, khỉ cõng con…Điều độc đáo ở đây là các hang động thông nhau nên khi có gió thổi âm thanh phát ra nghe như tiếng sáo của một cây sáo khổng lồ, tên Địch Lộng có nghĩa là như thế. Cảnh đẹp của Địch Lộng được vua Minh Mạng ban tặng 5 chữ “nam thiên đệ tam động” (động đẹp thứ ba trời nam).
Động Hoa Lư: còn có tên gọi khác là Thung Lau thuộc thôn Mai Phương, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn. Nơi đây có địa hình hiểm trở, chỉ có
22
một con đường độc đạo nên từng là căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh khi theo mẹ về quê và cũng từng là nơi Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn bè thời thơ ấu lấy hoa lau làm cờ tập trận.
Động Tiên (còn gọi là động Móc) ở thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cách Bích Động gần 1km. Động gồm có 3 hang lớn, rộng và cao, đường vào động phải đi qua một khe hang nhỏ, mấp mô. Trần động là vân đá, nhũ đá rủ xuống lấp lánh nhiều màu sắc, được đặt tên như cây Tiền, cây Thóc, ông Tiên, cô Tiên, con Voi, con Hổ, Kỳ Đà…Những nhũ đá được thiên nhiêm chạm trổ vừa phóng khoáng vừa tinh xảo mà sống động.
Động Am Tiên (Tuyệt tình cốc) xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, cách khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư khoảng 3km, nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn gồm có 5 ngọn chầu về lăng vua Đinh Tiên Hoàng và lăng vua Lê Đại Hành ở núi Mã Yên. Phần lớn khu vực động Am Tiên là thung lũng ngập nước, được bao bọc bởi vách núi đá, không gian tĩnh mịch. Tương truyền nơi đây là nơi từng nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội dưới triều vua Đinh, vua Lê.Trong động có chùa thờ Phật và thờ thiền sư Nguyễn Minh Không.
Các hồ nước tự nhiên
Hồ Đồng Chương nằm giáp ranh giữa 2 xã Phú Lộc và Phú Long huyện Nho Quan rộng 45ha được bao bọc bởi các dải đồi thông xanh ngát. Khung cảnh hồ khá hoang sơ và tĩnh lặng, xung quanh hồ là những vạt đồi thông soi bóng tạo nên một không gian thoáng mát và thơ mộng giữa rừng núi đại ngàn.Gần hồ Đồng Chương có thác Ba Tua và dòng suối, ven hồ là đồi thông và ao trời.Phong cảnh đẹp, không khí trong lành thoáng mát, nơi đây chính là điểm du lịch cuối tuần lý tưởng cho du khách.
Hồ Đồng Thái thuộc địa bàn 2 xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) và Yên Đồng (huyện Yên Mô) có diện tích rộng hơn 380 ha, được bao bọc bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ và con đê trải dài hơn 10km. Bờ hồ uốn lượn tạo ra những bán đảo với nhiều thung lũng đẹp, thơ mộng. Hồ có trữ lượng hơn
23
8.000.000 m3, nước không chỉ phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thùy sản mà còn là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Ngoài các điểm danh lam thắng cảnh trên, Ninh Bình còn có nhiều cảnh quan khác có giá trị đối với ngành du lịch như động Mã Tiên, động Hang Mát, động Trà Tu, động chùa Hang, hang Dơi, hang Bụt…ở khu vực Yên Mô, Tam Điệp, cùng với hệ thống các hồ thủy lợi như hồ Yên Thắng…
Hệ sinh thái vùng ven biển: Với 18km đường bờ biển nơi có cửa sông đổ ra biển với sự hình thành 2 cồn nổi (Cồn Thoi và Hòn Nẹ) với thảm thực vật ngập mặn tạo thành nơi cư trú của nhiều loài sinh vật đặc biệt là một số loài chim di cư quý hiếm như cò thìa…Đây cũng là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên có ý nghĩa đối với sự phát triển du lịch của Ninh Bình.
Được sự ưu ái của thiên nhiên, vùng biển Kim Sơn sở hữu tới 18km bờ biển với một vùng sinh thái ven biển rộng lớn, sinh động gồm những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi, cửa sông, là nơi hội tụ của hơn 500 loài động thực vật thủy sinh, 200 loài chim, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông. Cách bờ biển Kim Sơn khoảng 5km là Cồn Nổi. Đây là một cồn cát thoải nông nổi lên giữa vùng sông nước. Phong cảnh đẹp và không khí trong lành có thể khai thác là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần cho du khách.
1.2.2. Tài nguyên du lịch văn hóa
Tài nguyên du lịch văn hóa là các sản phẩm do con người tạo ra cùng các giá trị của chúng có sức hấp dẫn đối với khách du lịch hoặc được khai thác đáp ứng cầu du lịch [39, tr.110]. Tài nguyên du lịch văn hóa gồm nhiều loại hình như di tích lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc đương đại, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán…
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1499 di tích trong đó có 346 di tích đã được xếp hạng, gồm có 79 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 01 di sản thế giới) và 267 di tích cấp tỉnh. Con số đó phản ánh sự
24
phong phú của di sản văn hóa, là tiềm năng, là tài nguyên du lịch to lớn của Ninh Bình. Có thể kể đến một số điểm di tích văn hóa lịch sử như:
Nhóm các di tích lịch sử văn hóa
Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư: Đây là kinh đô đầu tiên của nền phong kiến tập quyền ở Việt Nam, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nằm trên diện tích trải rộng khoảng 400ha, được công nhận là di tích đặc biệt quan trọng quốc gia với 47 di tích trong đó nổi bật là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, lăng mộ vua Đinh, đền thờ và lăng mộ vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, đền thờ công chúa Phất Kim, miếu thờ công chúa Phù Dung, đền Trần Quý Minh, động Hoa Sơn, động Hoa Lư, núi Mã Yên, sông Sào Khê, đền Vực Vông, phủ Đông Vương, phủ Kính Thiên…Đền vua Đinh (làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trên khuôn viên với diện tích chừng 5ha, là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ đá của các nghệ sỹ dân gian Việt Nam ở thế kỷ XVII-XIX. Đền vua Lê (làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) cách đền vua Đinh chừng 300m, trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa, đền có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh, được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với vị vua đã có công lao trong việc xây dựng đất nước ở thế kỷ thứ X.
Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính có diện tích 700ha nằm ở xã Gia Sinh huyện Gia Viễn với chùa Bái Đính cổ (có đền thánh Nguyễn Minh Không, các hang động thờ Mẫu, thờ Phật, thờ Thần Núi…) và khu chùa Bái Đính mới với 5 tòa lớn dọc theo sườn núi gồm các hạng mục: Tam Quan Nội, Tháp chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa Pháp Chủ, điện Tam Thế, hành lang La Hán, giếng Ngọc…Đây là nơi những kỷ lục bậc nhất đã được xác lập như chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán lớn nhất, chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất, chuông đồng lớn nhất, Giếng Ngọc lớn nhất….Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 6 viên ngọc xá lợi, bảo vật quý của Phật.