NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM
3.1. Những thành công và hạn chế của du lịch Ninh Bình từ năm
3.1.1. Thành công
Du lịch ở Việt Nam mặc dù là một ngành kinh tế còn khá mới mẻ và mới được quan tâm khoảng trên 30 năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng khẳng định mình là một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó không chỉ được thể hiện ở việc nó sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có và vô tận, có tiềm năng phát triển cao, thị trường khách không giới hạn mà nó còn có đóng góp tích cực vào tổng thu nhập quốc dân và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Ninh Bình là một tỉnh có tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, kết hợp với những yếu tố về địa hình, có thể coi Ninh Bình giống như một Việt Nam thu nhỏ. Do đó, Ninh Bình là một trong những địa phương thành lập Sở Du lịch sớm của cả nước. Chỉ 3 năm sau khi tái lập tỉnh, năm 1995, Sở Du lịch đã được thành lập và đi vào hoạt động, nhanh chóng đảm đương vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thống nhất trên địa bàn tỉnh. Hai mươi năm kể từ năm 1995, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, UBND tỉnh, du lịch Ninh Bình đã đạt được những kết quả sau:
Một là, Ninh Bình đã quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng vào điều kiện thực tiễn để đề ra chủ trương chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển du lịch
Nhận thức được thế mạnh của tỉnh là du lịch, ngay từ sớm, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (1996) đã lần đầu tiên xác định du lịch phải tạo được những bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, có hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí của một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
81
Trên cơ sở đó, các Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII (2001), XIX (2006), XX (2011) và XXI (2016) đều tái khẳng định vấn đề này một cách chắc chắn và cụ thể hơn. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã có 2 nghị quyết chuyên đề về du lịch đó là Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/12/2001 Về phát triển du lịch từ nay đến năm 2010 và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 Về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Có thể nói, Ninh Bình là một trong những tỉnh có nghị quyết chuyên đề sớm nhất về du lịch và liên tục điều chỉnh chủ trương, chính sách để phù hợp với tình hình mới. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đúng mức của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đối với vấn đề du lịch. So sánh với tỉnh Thanh Hóa, tuy là tỉnh rộng lớn hơn và có nhiều tài nguyên phát triển du lịch hơn, nhưng cho đến năm 2010, tỉnh này chưa có nghị quyết chuyên đề nào về phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh liên tục sát sao chỉ đạo UBND tỉnh, các cấp các ngành thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước về du lịch, kiểm tra nghiêm túc quá trình thực hiện Nghị quyết và kịp thời khen thưởng các thành tích cũng như kỷ luật những vi phạm xảy ra. Tháng 8 năm 1996, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND Thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2000.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã xác định loại hình du lịch mang tính đặc thù của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh. Dựa trên lợi thế của tỉnh, những khu du lịch được coi là trọng điểm ở Ninh Bình là Khu di tích núi chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Quần thể di tích và danh thắng Tràng An…Những điểm du lịch này không chỉ được đặt dưới sự quản lý chung của Sở Du lịch hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn có những Ban quản lý riêng như Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động…đặc biệt Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An thành lập năm 2012 trực thuộc UBND tỉnh Ninh Bình. Động thái đó thể hiện sự quan tâm thực sự tới những khu du lịch trọng điểm của tỉnh và sự quản lý chặt chẽ đối với hoạt động du lịch tại các
82
khu đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại địa phương, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, chỉ quan tâm đến số lượng.
Không chỉ coi trọng việc khai thác tiềm năng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng đã quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững du lịch, có nghĩa là “sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”[35]. Năm 2005, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định số 106/QĐ-UB Về việc thành lập văn phòng phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh giúp UBND đề ra những giải pháp phát triển bền vững tất cả các hoạt động trong đó có du lịch.
Những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý đó là điều kiện tối quan trọng để ngành du lịch Ninh Bình phát triển đúng hướng và đạt được mục tiêu đã đề ra, từng bước đưa Ninh Bình trở thành thành phố du lịch trong tương lai không xa.
Hai là, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức và quản lý hoạt động du lịch chặt chẽ, có hiệu quả.
Công tác tổ chức và quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được thống nhất từ rất sớm. Chỉ sau 3 năm tái lập tỉnh, năm 1995, Sở Du lịch Ninh Bình đã được thành lập và trở thành cơ quan quản lý nhà nước, giúp việc cho UBND tỉnh đề ra những chính sách, giải pháp phát triển du lịch trên toàn tỉnh.
Đến năm 2008, để phù hợp với bối cảnh mới về du lịch trên cả nước, Sở Du lịch Ninh Bình được sáp nhập với một phần Sở Văn hóa Thông tin và Sở Thể dục thể thao, thành lập Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Trực thuộc Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình có các phòng trực thuộc sở, đơn vị sự nghiệp phụ trách du lịch, di tích như Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Bảo tàng tỉnh.
Đây là những cơ quan giúp công tác tổ chức hoạt động du lịch cũng như quản lý các hoạt động đó được diễn ra hiệu quả, chặt chẽ, thống nhất.
83
Không chỉ thành lập cơ quan chuyên môn phụ trách vấn đề du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình còn ban hành các quyết định liên quan đến hoạt động này tiêu biểu như Quyết định số 1119/QĐ-UB ngày 22/9/1997 Về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 02/2008/CT-UBND ngày 28/5/2008 Về việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình… Những văn bản này là cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra quy củ, nề nếp và hiệu quả hơn.
Mặt khác, ngoài Sở du lịch hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập các đơn vị sự nghiệp để tham mưu, giúp việc cho mình như Ban Chỉ đạo về du lịch tỉnh Ninh Bình (năm 2000), Ban chỉ đạo dự án xây dựng khu du lịch Tràng An - cố đô Hoa Lư (năm 2004), Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (năm 2012)…Các đơn vị này đặt dưới sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh và được thành lập tùy vào những điều kiện cụ thể trong những thời điểm nhất định và đã góp phần tích cực vào việc quản lý du lịch ở Ninh Bình tiến hành có hiệu quả hơn.
Mô hình tổ chức quản lý du lịch ở Ninh Bình đang tiến hành áp dụng hiện nay là mô hình GICE (government, industry, community, environment) tức là chính quyền địa phương quản lý hoạt động du lịch, các doanh nghiệp du lịch cung ứng dịch vụ cho khách tham quan và cộng đồng cư dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa tại các điểm du lịch [5].
Việc Hiệp hội du lịch Ninh Bình ra đời vào năm 2009 là một trong những động thái tích cực của việc nhận thức được vai trò của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong sự phát triển của tỉnh. Mô hình này được thực hiện có hiệu quả tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là Quần thể di tích và danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính. Không những mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp mà còn đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch hợp lý, có trách nhiệm với môi trường và với di sản văn hóa.
Ba là, hoạt động du lịch của Ninh Bình có quy hoạch rõ ràng và tổ chức thực hiện quy hoạch một cách nghiêm túc.
84
Công tác quy hoạch luôn được coi trọng ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực trong chiến lược phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hoạt động này phải dựa trên cơ sở những điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương, thể hiện được sự hài hòa giữa lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội cũng như phải nhìn thấy trước những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Quy hoạch phải mang tính khả thi và nó thể hiện rõ nhất tầm nhìn của những nhà lãnh đạo một ngành, một địa phương hay một quốc gia, khu vực. Quy hoạch đúng sẽ giúp cho ngành nghề, địa phương phát triển đúng hướng, ngược lại, quy hoạch không khả thi sẽ khiến cho ngành nghề, địa phương đó gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, loay hoay, lúng túng không tìm được đường ra.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp bởi nó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, chính trị… nhiều ngành nghề khác như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, thông tin liên lạc…Do đó, quy hoạch phát triển du lịch cũng là một dạng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của một khu vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 được lập năm 1995 của Chính phủ, Ninh Bình sớm đưa ra Quy hoạch tổng thể du lịch Ninh Bình giai đoạn 1995-2010. Đây là bản quy hoạch tổng thể về du lịch đầu tiên của tỉnh. Năm 2007, UBND tỉnh Ninh Bình đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2010, định hướng đến năm 2015. Bản quy hoạch lần thứ hai này đã được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới của tỉnh cũng như của cả nước.
So sánh với tỉnh Thanh Hóa, năm 2000, tỉnh này cũng thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1997 – 2010 và đến năm 2009 tỉnh cũng có Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 có thể thấy Ninh Bình là tỉnh sớm có sự quan tâm tới vấn đề quy hoạch du lịch.
85
Không chỉ lập các quy hoạch tổng thể, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nói chung, ngành du lịch nói riêng đã có những bản quy hoạch chi tiết từng vùng, từng khu du lịch cụ thể, hợp lý. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động là địa điểm đầu tiên được tiến hành quy hoạch năm 1997, tiếp theo là Khu Di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư năm 2003…Đến năm 2015, hầu hết các khu du lịch, điểm du lịch đã được lập quy hoạch như Khu Du lịch sinh thái Vân Long, Khu du lịch Tràng An…
Các bản quy hoạch này đều dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước cũng như của cả tỉnh, tập trung vào điều kiện thực tế của từng vùng, chú ý đến yếu tố bảo vệ môi trường và giải quyết những vấn đề xã hội. Cho đến năm 2015, hầu hết các nơi được quy hoạch đềuthực hiện một cách nghiêm túc, có sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Thực trạng đó góp phần giúp du lịch Ninh Bình phát triển đúng hướng và có hiệu quả.
Bốn là, Ninh Bình đã đầu tư phát triển du lịch hiệu quả và hợp lý.
Du lịch là một lĩnh vực có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Du lịch muốn phát triển thì cơ sở vật chất của toàn xã hội nói chung, cơ sở hạ tầng đặc thù ngành du lịch nói riêng đều phải có những bước phát triển nhất định.
Nhận thức được điều đó, Ninh Bình đã chú trọng đến công tác đầu tư đối với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Từ năm 1995 đến năm 2015, Ninh Bình đã đầu tư khá mạnh mẽ vào công tác cải thiện cơ sở hạ tầng của toàn tỉnh nhằm mục đích phục vụ đời sống nhân dân cũng như phục vụ phát triển du lịch. Vượt qua khó khăn từ những ngày đầu tái lập tỉnh, đến năm 2015, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo của Ninh Bình đều đã có những bước phát triển vượt bậc.
Đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực du lịch cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng.Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư để huy động vốn của các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước.
86
Năm 2002, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2006, HĐND tỉnh lại ban hành Nghị quyết về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Xác định khu vực trung tâm của tỉnh là thành phố Ninh Bình, năm 2008, HĐND tiếp tục ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình…Được tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ thuê đất, thuê nhân công, đào tạo lao động, các doanh nghiệp đã đầu tư khá mạnh mẽ vào lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cùng đầu tư phát triển du lịch sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp cải thiện, nâng cao dần chất lượng dịch vụ du lịch.
Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở vật chất, ngành du lịch Ninh Bình cũng xác định được tầm quan trọng của yếu tố con người - nguồn nhân lực du lịch và có định hướng đầu tư đúng mức. Kết quả là nhân lực du lịch Ninh Bình từ năm 1995 đến năm 2015 tăng đều cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1995 cả tỉnh chỉ có 2000 lao động làm trong ngành du lịch thì đến năm 2015 con số này tăng lên 16.500 người, tăng gấp hơn 8 lần sau 20 năm. Số lao động có trình độ cao ngày một tăng, đặc biệt là những lao động làm trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về du lịch. Hình thức đào tạo lao động du lịch cũng được đa dạng hóa từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học, sau đại học, từ chính quy đến tại chức, từ xa...phù hợp với điều kiện của các cá nhân muốn đào tạo về du lịch.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ. Năm 2001, Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được thành lập, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Du lịch Ninh Bình với, thực hiện nhiệm vụ chính là quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình rộng rãi và hiệu quả. Hoạt động xúc tiến, quảng bá được tiến hành dưới nhiều hình thức từ tin tức đến báo chí, từ phim ảnh đến hội chợ, từ internet đến các trang mạng xã hội…với
87
mục đích chung là để nhiều người biết tới Ninh Bình và đưa lượng khách đến Ninh Bình ngày một tăng.
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch của Ninh Bình không chỉ bao gồm vốn nhà nước mà còn sử dụng các nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn xã hội hóa. Đến năm 2015, tỉnh đã khuyến khích, kêu gọi, tư vấn cho các nhà đầu tư, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án với tổng vốn trên 11.513,26 tỷ đồng [53]. Ở Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường, Xuân Thành là những đơn vị đầu tư nhiều nhất vào xây dựng hạ tầng cơ sở các khu du lịch, đặc biệt là khu du lịch Tràng An và chùa Bái Đính. Những doanh nghiệp này, ngoài việc đầu tư vào xây dựng du lịch, họ còn đứng ra tổ chức khai thác các hoạt động du lịch. Doanh nghiệp tổ chức kinh doanh du lịch là một điểm độc đáo của du lịch Ninh Bình. Điều đó đã góp phần cải thiện tình trạng ỉ nại, trông chờ vào nguồn vốn nhà nước, hoạt động kinh doanh diễn ra chủ động, sáng tạo và có hiệu quả.
Năm là, hoạt động kinh doanh du lịch Ninh Bình đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Nhờ có chính sách đúng đắn, quản lý chặt chẽ, quy hoạch hợp lý và sự đầu tư hiệu quả, hoạt động kinh doanh du lịch Ninh Bình đã có bước khởi sắc.Lượng khách tới Ninh Bình ngày một tăng. Nếu như năm 1995 số khách du lịch đến Ninh Bình là 240.302 lượt người thì sau 20 năm, số khách đến Ninh Bình là 5.993.208 lượt người tăng gấp 25 lần. Tỷ lệ tăng bình quân 19%/năm. Số ngày lưu trú của khách cũng tăng từ 194.171 ngày vào năm 1995 lên 557.875 ngày vào năm 2015. Nhờ đó, doanh thu từ du lịch năm 2015 của Ninh Bình đạt hơn 1.420 tỷ đồng.
Nguyên nhân của thành công
Có được những thành công trên là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau: Về mặt khách quan, Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến tài nguyên du lịch