Thực trạng du lịch Ninh Bình trước năm 1995

Một phần của tài liệu Du lịch Ninh Bình từ năm 1995 đến năm 2015 (Trang 34 - 41)

Chương 1 NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH PHÁT

1.3. Thực trạng du lịch Ninh Bình trước năm 1995

Thế giới từ những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng về kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Sự tăng trưởng này là một trong những điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ nhất kể từ khi ra đời. Phương tiện đi lại dễ dàng, thông tin liên lạc thuận tiện,

31

dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác đều dễ tiếp cận khiến cho khách du lịch yên tâm đi đến cả những vùng kinh tế kém phát triển.

Du lịch ở Việt Nam là một ngành kinh tế khá mới mẻ. Từ khi Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, Pháp đã đưa vào khai thác một số nơi có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ như Hạ Long, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Đồ Sơn, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu…Không chỉ khai thác tiềm năng du lịch, Pháp còn biến những địa điểm này thành nơi thu hút đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam.

Hoạt động kinh tế du lịch thời gian này do Pháp nắm mọi quyền từ đầu tư đến sử dụng và phát triển.

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ra đời.Kể từ đó, Việt Nam là nước trong phe XHCN với hệ thống chính trị gồm Đảng Cộng sản là hạt nhân, Nhà nước là cơ quan hành chính và các tổ chức chính trị xã hội là nền tảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Từ năm 1945 đến năm 1960, ngành du lịch chưa được quan tâm và phát triển do điều kiện đất nước phải tập trung vào cuộc kháng chiến chống Pháp trên phạm vi toàn lãnh thổ. Từ năm 1954, khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc cải tạo XHCN, Đảng và Nhà nước Việt Nam mới có điều kiện quan tâm đến ngành du lịch.

Ngày 9/7/1960, Hội đồng chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, ngành du lịch Việt Nam chính thức ra đời. Ngày 27/6/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namh ra Nghị quyết số 262-NQ/QHK6 thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đánh dấu sự ra đời của một cơ quan quản lý nhà nước chuyên biệt về du lịch và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện một bước thay đổi quan trọng về tư duy kinh tế của Đảng, trong đó xác định phát triển kinh tế cần phải dựa vào tiềm năng của đất nước chứ

32

không phải theo ý muốn chủ quan, theo mô hình đã định sẵn của các nước khác. Với tiềm năng to lớn về du lịch, Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ về ngành kinh tế này và đây chính là bước khởi đầu cho việc xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước vào những giai đoạn tiếp theo. Đại hội đã mở đường cho ngành du lịch trở thành ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành đóng góp mạnh mẽ vào thu nhập quốc dân.

Năm 1990 Bộ Văn hóa – Thông tin - Thể thao – Du lịch thành lập, năm 1991 thành lập Bộ Thương mại – Du lịch, năm 1992 thành lập Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ cùng 17 Sở Du lịch, 01 Sở Ngoại vụ và Du lịch, 44 sở Thương mại – Du lịch trên cả nước đã đảm bảo chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Năm 1992 là năm bản Hiến pháp lần thứ hai của Việt Nam ra đời.Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định “Du lịch được khuyến khích và tổ chức chu đáo…Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế” [33].Việc phát triển du lịch được ghi vào Hiến pháp - bộ luật có giá trị cao nhất của Việt Nam cho thấy sự quan tâm của Đảng cũng như Chính phủ đối với ngành kinh tế còn mới mẻ này.

Tiếp nối sự ghi nhận phát triển du lịch trong Hiến pháp Việt Nam, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể việc phát triển du lịch như Nghị quyết 45/CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ về

“Đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch”; Chỉ thị số 46/CT-TW ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”… Những văn vản này bước đầu đã mở đường cho sự phát triển du lịch Việt Nam và tạo điều kiện, cơ sở pháp lý để ngành này có những bước đi đúng đắn, phù hợp.

Trên cơ sở đó, cơ sở hạ tầng du lịch của cả nước có sự đầu tư và tăng lên đáng kể. Năm 1992 cả nước có 26.939 buồng phòng thì đến năm 1994 con số

33

này đã tăng lên 45.825 buồng phòng [17, tr.125]. Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở lưu trú cũng có sự thay đổi đáng kể nhờ việc đầu tư, nâng cấp, tự xây hoặc liên doanh xây dựng mới. Nhiều khách sạn đạt chuẩn 4-5 sao quốc tế. Các loại hình dịch vụ trong khách sạn được mở rộng và đa dạng về chủng loại.

Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống như ở thời kỳ trước còn có các dịch vụ tổ chức hội nghị, bán hàng lưu niệm, tắm hơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ hỗ trợ hàng không, y tế, bưu điện, ngân hàng, dịch vụ vui chơi giải trí như bowlling, trò chơi điện tử…

Nguồn nhân lực từ năm 1986 đến năm 1995 đã có bước phát triển về số lượng so với thời điểm trước năm 1986 thông qua việc hệ thống cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch đã tăng lên đòi hỏi số lượng người lao động làm việc trong ngành này tăng lên. Chất lượng nguồn nhân lực cũng được cải thiện rõ rệt bởi có sự phát triển của các khách sạn quốc tế, khách quốc tế đến Việt Nam thời kỳ này cũng tăng, do đó, nhân lực du lịch cần phải có sự chuyển biến về chất lượng, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.

Nhờ những sự thay đổi tích cực trên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1351,3 nghìn lượt vào năm 1995 tạo nguồn doanh thu 6.400 tỷ đồng cho ngành du lịch [17, tr. 267]. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng những thành tựu của ngành du lịch trước năm 1995 đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam những năm tiếp theo.

Trong bức tranh du lịch chung của cả nước, sau năm 1975, tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, phân định lại địa giới một số tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Ngày 7/1/1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra các quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo chia tách tỉnh. Ngày 13/1/1992, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Nghị quyết số 32-NQ/TU lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2

34

tỉnh Nam Hà và Ninh Bình dựa trên những khác biệt về điều kiện tự nhiên và văn hóa. Năm 1992 được coi là mốc đánh dấu sự kiện tái lập tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh Ninh Bình được tái lập trên cơ sở giữ nguyên trạng vụ trí địa lý, địa giới hành chính trước thời điểm hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh tháng 2/1976. Diện tích tự nhiên của Ninh Bình là 1.387 km2, gồm 7 huyện thị xã (5 huyện Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Kim Sơn và 2 thị xã: Ninh Bình, Tam Điệp) với tổng số 121 xã, 11 phường, thị trấn, dân số 819.550 người với 351.200 lao động [7, tr. 127].

Khi tái lập tỉnh, Ninh Bình đứng trước nhiều khó khăn như việc tổ chức bộ máy cán bộ trong hệ thống chính trị, cơ quan đoàn thể thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đời sống và sản xuất trong tình trạng thấp kém, xuống cấp nghiêm trọng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn…Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống nhân dân.

Quán triệt đường lối và chủ trương của Trung ương Đảng, kế thừa những thành tựu của Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), Đảng bộ Ninh Bình tích cực bố trí lại cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như thế mạnh của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XII (tháng 8/1992) đã xác định Ninh Bình “có tiềm năng lớn về du lịch, dịch vụ do có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phong phú và đang dạng, tiện đường giao thông và gần Thủ đô Hà Nội” [45, tr.26]. Từ đó, đề ra giải pháp mở mang du lịch “Du lịch là một thế mạnh của tỉnh ra phải tập trung chỉ đạo, đầu tư, giải quyết các vấn đề tổ chức, cán bộ, kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ, hình thành các tuyến du lịch và ngành kinh tế du lịch của tỉnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước” [45, tr. 39]. Như vậy, ngay từ những ngày đầu sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã nhận thức rõ thế mạnh du lịch của tỉnh và xác định phải phát huy vai trò đó.

35

Ngày 7/5/1992, UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 56/QĐ-UB thành lập Công ty du lịch tỉnh Ninh Bình trên cơ sở tổ chức bộ máy và cán bộ hiện có của khách sạn Hoa Lư trực thuộc Công ty Du lịch Hà Nam Ninh Cũ chia tách bàn giao sang. Công ty Du lịch là đơn vị kinh tế cơ sở thuộc UBND tỉnh có chức năng khai thác tiềm năng về du lịch để kinh doanh dịch vụ công tác du lịch, đáp ứng mọi nhu cầu về ăn nghỉ, tham quan, vui chơi giải trí thưởng thức văn hóa, học tập, nghiên cứu khoa học của tất cả các đối tượng du khách và nhân dân trong tỉnh [59].

Về công tác quy hoạch du lịch, ngày 1/10/1992, UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 332/QĐ-UB về việc Quy định các điểm du lịch trong tỉnh.

Theo đó, các công ty du lịch được đưa khách đến tham quan phong cảnh những điểm sau:

1. Cố đô Hoa Lư (Đền Vua Đinh, Vua Lê, Hang quàn, Hang muối, Động An Tiêm).

2. Động Thiên Tôn

3. Núi non nước (Dục Thuý) 4. Núi Ngọc Mỹ nhân (cánh diều)

5. Phòng tuyến Tam Điệp - Bỉm Sơn, Động Tam Giao (thị xã Tam Điệp) 6. Nhà thờ Đá Phát Diệm Kim Sơn

7. Chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu 8. Động Địch Lộng - Chùa Địch Lộng

9. Tam Cốc, Bích Động, Xuyên Thủy Động, Động Cô Tiên, Điện Thái Vi 10. Vườn Quốc Gia Cúc Phương

11. Chùa Bàn Long

12. Động Hoa Lư, Gia Hưng Gia Viễn 13. Đền Vua Đinh (Gia Phong)

14. Suối nước khoáng Kênh Gà

15. Vùng rừng núi Đầm cút Đá Hàn (Gia Viễn) 16. Vùng Gềnh (thị xã Tam Điệp)

36

Và một số khu du lịch khác do tỉnh xác định [59].

Ngày 18/11/1992, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 448/Đ- UB về việc thành lập doanh nghiệp nhà nước Công ty Du lịch Ninh Bình (Ninh Bình TOURISM). Công ty hoạt động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp và doanh nghiệp tự bổ sung. Ngành nghề kinh doan chủ yếu của công ty là phụ vụ, hướng dẫn khách du lịch, tham quan, ăn nghỉ, giải trí, vận chuyển đưa đón khách, kinh doanh hàng hóa, bán hàng lưu niệm.

Ngày 23/10/1993, Xí nghiệp Du lịch Ninh Bình được thành lập theoQuyết định số 718/QĐ-UB của UBND tỉnh. Xí nghiệp Du lịch Ninh Bình do công ty Du lịch Ninh Bình quản lý. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là hướng dẫn du lịch và lữ hành, kinh doanh buồng ngủ và ăn uống, vui chơi giải trí, kinh doanh một số mặt hàng lưu niệm.

Có thể thấy, Ninh Bình đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của tình hình trong nước, nguồn vốn đầu tư cho ngành du lịch vô cùng eo hẹp, đầu tư cho ngành khách sạn, nhà hàng là 479 triệu đồng chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số 45.359 triệu đồng để phát triển toàn tỉnh [7]. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ngành du lịch còn yếu kém.Ngoài khách sạn Hoa Lư chỉ có một xí nghiệp sản xuất dịch vụ du lịch và 2 nhà hàng thuộc công ty. Khách sạn Hoa Lư có 32 phòng ngủ, trong đó có 5 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế, 3 phòng ăn, 1 quầy bar và 1 phòng lễ tân. Dịch vụ ăn uống cũng chưa khai thác được yếu tố đặc trưng của địa phương. Dịch vụ mua sắm chỉ có hàng thêu ren của Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) và các sản phẩm từ cói ở Phát Diệm (Kim Sơn).

Trước năm 1995, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, du lịch Ninh Bình còn là một ngành kinh tế khá mới mẻ, vừa mới chuyển từ hình thức quản lý tập trung bao cấp sang hình thức kinh tế thị trường. Tài nguyên du lịch phần lớn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hoặc ở dạng quy hoạch mà chưa triển khai thành các dự án đầu tư cụ thể, hoặc đã lập tự án nhưng công tác triển khai còn chậm…Bên cạnh đó, những yếu tố tự nhiên (thiên tai) hay xã hội (chặt phá rừng, khai thác đá) đã ảnh hưởng không nhỏ

37

đến những tài nguyên du lịch của tỉnh Ninh Bình. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển ngành du lịch.Hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh du lịch còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành.

Tuy vậy, so với các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình vẫn là tỉnh khai thác tài nguyên du lịch tốt hơn cả và cũng là nơi các dịch vụ du lịch được hình thành và bán chạy hơn [23]. Số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 1 cơ sở vào năm 1994, số khách sạn nhà hàng tăng từ 1.574 cơ sở năm 1992 lên 1.832 cơ sở năm 1994. Năm 1992 chỉ có 127 người tham gia kinh doanh du lịch, đến năm 1993 có tới 305 người nhưng đến năm 1994 con số này lại giảm xuống còn 123 người. Số người kinh doanh khách sạn, nhà hàng đạt 3.790 người cùng năm này [7, tr. 271, 278].

Tuy còn nhiều hạn chế và bất cập, ngành du lịch Ninh Bình cũng đã có những bước phát triển đầu tiên. Kết quả là, số khách du lịch đến Ninh Bình đã tăng từ 6.308 người năm 1992 lên 29.958 người năm 1994 (tăng gần 5 lần sau 3 năm) trong đó có hơn 9000 khách quốc tế. Doanh thu từ ngành du lịch cũng tăng hơn 8 lần từ 904 triệu đồng năm 1992 lên 7.445 triệu đồng năm 1994.

Các đơn vị kinh doanh du lịch thời điểm này hoàn toàn thuộc khu vực kinh tế nhà nước, chưa có sự tham gia của các công ty tư nhân, cá thể [7, tr. 306].

Một phần của tài liệu Du lịch Ninh Bình từ năm 1995 đến năm 2015 (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)