NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM
3.2. Tác động của du lịch đối với kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Ninh Bình
Du lịch phát triển đã có tác động không nhỏ tới nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của tỉnh Ninh Bình.
3.2.1. Tác động đối với kinh tế
Du lịch là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao nhất trong nền kinh tế bởi nó là ngành “xuất khẩu tại chỗ” những hàng hóa tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ phục chế…theo giá bán lẻ cao hơn. Từ đó, du lịch đóng góp tích cực vào thu nhập bình quân của địa phương hay của cả nước. Thu nhập bình quân của người dân Ninh Bình tăng. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 5,3 triệu đồng gấp 2,1 lần năm 2000. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 41,5 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng GDP/năm (giá cố định năm 1994) giai đoạn 2010-2015 đạt 11,7%.
Du lịch thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển đặc biệt là ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ khác. Hệ
95
quả trực tiếp từ việc phát triển đó là cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Những năm mới tái lập tỉnh, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 77%
GDP toàn tỉnh. Sau 20 năm, tỷ trọng của ngành nông nghiệp chỉ còn 12,5%, công nghiệp – xây dựng đạt 48,6% và dịch vụ đạt 38,9% trong cơ cấu kinh tế Ninh Bình. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Ninh Bình diễn ra khá nhanh và theo đúng quy luật công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế thế giới nói chung. Điều đó có cơ sở trực tiếp từ đóng góp của du lịch trong khối ngành dịch vụ của tỉnh ngày càng tăng.
Đặc thù của du lịch là một ngành kinh tế không thể cơ giới hóa nên đòi hỏi nhiều lao động. Du lịch phát triển góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Từ năm 2003 đến năm 2015, trung bình mỗi năm ngành du lịch thu hút 282 lao động trực tiếp và 625 lao động gián tiếp. Năm 2015, trong tổng số 615,3 nghìn lao động cả tỉnh, lao động trong ngành du lịch chiếm 16,5 nghìn người.
Giải quyết việc làm cho lao động là điều kiện tiên quyết để cải thiện những vấn đề xã hội như thất nghiệp, tệ nạn xã hội, nghèo đói, mù chữ… Đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 3,35%, không có hộ đói.
Bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế đó, du lịch Ninh Bình cũng để lại một số hệ quả tiêu cực. Nhu cầu sử dụng đất đai để phục vụ cho các dự án quy hoạch du lịch là rất lớn khiến cho diện tích đất canh tác, diện tích đất rừng bị suy giảm, hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp của người dân bị đình trệ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm của chính người dân địa phương bởi hầu hết lao động trong ngành du lịch thường mang tính thời vụ.
Khách du lịch đến Ninh Bình mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho cư dân địa phương nhưng cũng khiến cho giá cả tăng cao, đặc biệt là giá bất động sản tại những khu, điểm du lịch nổi tiếng trong toàn tỉnh. Tình hình này khiến cho
96
người dân gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở chưa kể đến việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ trong du lịch cũng gây sức ép tài chính lên cư dân trong vùng.
Vì hoạt động du lịch chỉ diễn ra ở một số khu, điểm trong tỉnh nên có sự mất cân bằng giữa những vùng du lịch phát triển với những vùng khác. Nếu Ninh Bình không có chiến lược kết nối các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch trong tỉnh trong thời gian dài sẽ khiến cho việc bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo là những vấn đề nhãn tiền đối với các nhà quản lý.
3.2.2. Tác động đối với văn hóa - xã hội
Không chỉ có những tác động tích cực về mặt kinh tế, phát triển du lịch còn mang lại những biến đổi đáng ghi nhận về mặt văn hóa, môi trường và con người. Hiện nay trên toàn tỉnh có 1499 di tích phân bố khắp cả tỉnh trong đó 346 di tích lịch sử đã được xếp hạng trong đó có 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia 267 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Rất nhiều trong số những di tích này được khai thác làm địa điểm du lịch tiêu biểu như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trần, đền Thái Vi…Khi trở thành địa điểm du lịch, những di tích này được quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể một cách tốt nhất.
Hiện nay, Ninh Bình có 74 lễ hội truyền thống mang đậm yếu tố dân gian và văn hóa vùng châu thổ sông Hồng như các lễ hội Trường Yên, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội báo bản Nộn Khê… Các lễ hội này là những hoạt động văn hóa tín ngưỡng nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, mang giá trị văn hóa và tâm linh lớn. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Phần lễ được duy trì theo nghi thức truyền thống, phần hội được bổ sung các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, tạo chuyển biến tích cực từ suy nghĩ đến hành động của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản phi vật thể của họ. Ở một số lễ hội còn có
97
nghi lễ cầu an, thả chim bồ câu, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ… cùng nhiều hoạt động văn nghệ đã hướng người dân địa phương đến những giá trị văn hóa tốt đẹp, sống chân, thiện, mỹ hơn.
Du lịch còn góp phần phát triển trình độ dân trí, tăng cường giao lưu, trao đổi văn hóa giữa du khách và người dân địa phương. Việc giao lưu trực tiếp với khách du lịch đòi hỏi cư dân Ninh Bình đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch lớn phải có trình độ ngoại ngữ, trình độ dân trí và hiểu biết về di sản nhất định. Mô hình thuyết minh viên tại chỗ ở chùa Bái Đính, Ninh Bình là một trong những điển hình về việc người dân tham gia vào hoạt động du lịch khiến cho họ vừa được tăng thu nhập mà đời sống văn hóa tinh thần và trình độ của họ cũng được tăng đáng kể. Bên cạnh đó, việc giao lưu, tiếp xúc với khách ngoại quốc cũng là cơ hội để người dân Ninh Bình tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếp cận những tiến bộ của văn minh thế giới và làm phong phú thêm văn hóa địa phương.
Việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng có tác động mạnh mẽ tới lối sống, phong tục tập quán của người dân Ninh Bình. Thay vì bị ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp trước kia, người dân Ninh Bình hiện nay dần quen với cuộc sống của nền văn minh công nghiệp hiện đại, chú ý đến tác phong và nề nếp làm việc, coi trọng việc phục vụ du khách với phương châm nhanh nhẹn, hiệu quả, lịch sự khi ứng xử với khách du lịch.
Ninh Bình hiện có những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy bao gồm hát xẩm, hát chèo và hát văn. Du lịch phát triển vừa là tiền đề vừa là mục đích để những loại hình di sản này được quan tâm đúng mức.
Từ năm 2011, Ninh Bình đã có những đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm, hát chèo bằng cách mời các nghệ nhân, nghệ sỹ ở địa phương và trung ương sưu tầm, biên soạn và truyền dạy các làn điệu này cho thế hệ trẻ để biểu diễn phục vụ khách du lịch và nhân dân, gián tiếp bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa dân gian của tỉnh.
98
Tuy nhiên, bên cạnh những hệ quả tích cực mà du lịch mang lại đối với Ninh Bình, về mặt xã hội, việc du khách đến Ninh Bình ngày một đông dẫn đến việc phát triển quá nhanh hệ thống các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, các hộ kinh doanh nhà nghỉ… vượt qua năng lực quản lý đã tạo thêm sức mạnh cho xã hội về những tiêu cực nảy sinh như hiện tượng phá giá, hỗn loạn trong kinh doanh, các tệ nạn xã hội…
gây khó khăn cho các nhà quản lý ở Ninh Bình.
Đối với các di sản văn hóa, ranh giới giữa “phát huy” và “biến đổi” các giá trị này rất mong manh. Bản thân các lễ hội truyền thống có thể bị mai một và phát triển theo hướng phục vụ nhu cầu của khách du lịch chứ không phải phát triển theo đúng bản chất mà nó vốn có. Mặt khác, cùng với việc lấy đất đai canh tác nông nghiệp phục vụ cho quy hoạch du lịch khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân không có việc làm đi đôi với việc xuất hiện một bộ phận cư dân tự nhiên trở nên giàu có dẫn đến hệ quả là cư dân từ nông thôn chuyển đến thành thị của Ninh Bình là những vấn đề gây sức ép về mặt xã hội trong tương lai đối với địa phương này.
3.2.3. Tác động đối với môi trường
Môi trường tự nhiên luôn luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đời sống của con người mà còn đối với phát triển du lịch. Ninh Bình có về điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường sinh thái rất thuận lợi để phát triển du lịch với các danh lam thắng cảnh như Tam Cốc – Bích Động, hang động Tràng An, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương… Việc phát triển du lịch Ninh Bình từ năm 1995 đến năm 2015 đã tạo những điều kiện thuận lợi để bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn này. Không chỉ trực tiếp tăng nguồn thu để có kinh phí cho hoạt động bảo tồn, chính sự hấp dẫn nguyên sơ của cảnh quan sinh thái đối với khách du lịch là một trong những điều kiện cơ bản để các nhà quản lý, kinh doanh du lịch cũng như người dân có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tại những nơi này.
99
Việc bảo vệ môi trường, nhất là ở những khu du lịch sinh thái đều được các cơ quan, đơn vị quản lý du lịch thực hiện khá nghiêm túc đặc biệt ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc Bích Động, chùa Bái Đính… đã làm thay đổi hình ảnh Ninh Bình trong nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế từ một hình ảnh Ninh Bình với những dãy núi đá vôi và hoạt động khai thác đá vôi bụi bặm trở thành một địa phương đầy tiềm năng du lịch và xanh - sạch - đẹp. Ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ban quản lý đã tích cực chăm sóc, quản lý rừng, vận động người dân không khai thác, phá rừng cũng như săn bắn các động vật trong rừng. Ở khu du lịch sinh thái Tràng An, doanh nghiệp quản lý đã tổ chức cho những người lái đò thu gom rác thải từ các hoạt động du lịch và đào tạo họ trở thành những người tuyên truyền cho du khách về ý thức bảo vệ môi trường tại chính điểm du lịch này. Đó là những mô hình cần được phát huy trong toàn tỉnh.
Cũng giống như vấn đề kinh tế và xã hội, không phải du lịch lúc nào cũng mang lại những hệ quả tốt đẹp. Sức ép về dân số theo tính mùa vụ từ khách du lịch đã làm mất đi các tiện nghi môi trường dành cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, rác thải từ hoạt động du lịch cũng là một yếu tố tác động lên chất lượng môi trường. Đối với các khu di tích lịch sử văn hóa, những điểm tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, lượng rác thải do du lịch tăng đột biến vào những mùa cao điểm như ở chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư…
cũng là một sức ép đối với môi trường trong việc phát triển du lịch Ninh Bình. Nguyên nhân do ý thức của người dân về bảo vệ cảnh quan và môi trường còn thấp, nguồn tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu, các quy định điều chỉnh nhằm giảm tác hại và kiểm soát các hoạt động của môi trường còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và tính hiệu lực thấp.