Chương 1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LUẬT SHARI'AH TẠI TRUNG ĐÔNG
1.3. Các nguồn của luật Shari'ah
Không giống như các hệ thống luật pháp khác trên thế giới, luật Shari'ah có nguồn gốc thần thánh, thể hiện mệnh lệnh của đấng tối cao, chứ không phải quyền lực của nhà nước. Bản chất thần thánh này thể hiện ở chỗ pháp luật là ý chí của Thượng đế, không có gì có thể thay đổi được, và các tín đồ phải tuân thủ chúng. Theo nguyên tắc, luật Shari'ah bao trùm toàn bộ khía cạnh đời sống Islam giáo, cả công và tư, cả cộng đồng và cá nhân [16, tr.
255]. Shari'ah điều chỉnh và quy định hành vi của các tín đồ, hoạt động của các cơ quan tổ chức, đưa ra các quy phạm để áp dụng trong đời sống của một con người như: ăn kiêng, cách phục sức, cách ứng xử trong gia đình, cách nuôi dạy con cái... Ở phạm vi rộng hơn, luật Shari'ah được áp dụng để giải quyết những tranh chấp trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, đồng thời giải quyết những tranh chấp, xung đột quốc tế và vấn đề chiến tranh [8].
Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên Islam giáo, giáo luật chủ yếu dựa vào kinh Qur'an, nhưng trong quá trình phát triển, các quy định và luật lệ mới được bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử. Từ đó, luật Shari'ah ra đời, được soản thảo từ thế kỷ VII đến thế kỷ X và là một sáng tác tập thể [22, tr. 43].
Về mặt ngôn ngữ, Shari'ah)خعٌزشنا( có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là
"nguồn nước chảy có thể uống được", nghĩa thứ hai là "con đường ngay thẳng và kiên định", như Allah đã nói “Và TA đặt Ngươi (Mohammed) trên con đường
(luật pháp) của công việc (tôn giáo). Bởi thế, hãy tuân theo nó và chớ tuân theo những điều ước muốn của những kẻ không biết gì" (Chương 45, câu 18)11.
Luật Shari'ah bao gồm bốn nguồn như sau: nguồn luật chính bao gồm kinh Qur'an và Sunnah; nguồn phát sinh bao gồm Ijma và Qias, trong đó kinh Qur'an và Sunnah có giá trị pháp lý cao nhất đồng thời thể hiện tính chất thần thánh của Shari'ah, còn Ijma và Qias đóng vai trò là nguồn luật bổ trợ cho hai nguồn luật trên nhưng không thể thiếu được trong hệ thống pháp luật của các quốc gia chịu sự chi phối của luật Shari'ah [8].
Kinh Qur'an )ميركلا نآرقلا(
Kinh Qur'an là nguồn luật cao nhất của Shari'ah, được coi là những lời của Thượng đế thần khải qua Mohammed khi Người thuyết giảng cho các tín đồ. Kinh Qur'an gồm 114 chương (gọi là surah), chia thành các tiết (gọi là ayat) với 6.237 đoạn thơ. Các chương trong kinh Qur'an có độ dài không tương xứng với nhau, có chương rất dài nhưng lại có những chương rất ngắn, vì chúng được Mohammed đọc ra dần dần trong quãng thời gian hơn 20 năm.
Nội dung của kinh Qur'an không được phân loại theo chủ đề. Các ayat về những chủ đề khác nhau xuất hiện không theo trật tự và thứ tự cụ thể nào.
Ví dụ, các quy định liên quan đến cầu nguyện (salah) xuất hiện trong sura thứ hai, và ở giữa ayat khác liên quan đến chủ đề ly hôn (al-Baqarah, 228-248).
Cũng vẫn trong sura al-Baqarah đó, có thể thấy các quy tắc liên quan đến việc uống rượu và chiến tranh, tiếp theo là những đoạn liên quan đến việc đối xử với trẻ mồ côi và hôn nhân của những phụ nữ không có niềm tin (al-Baqarah, 216- 211) Tương tự như vậy, ayat liên quan đến hành hương Hajj xuất hiện cả trong sura al-Baqarah (196-203) và sura al-Hajj (22: 26-27). Các quy định về ly hôn và hủy bỏ hôn nhân (rij'ah) được tìm thấy trong các sura al-Baqarah, al-Talaq, và al-Nisa. Từ những ví dụ nêu trên có thể rút ra rằng Qur'an là một tổng thể
11 - Các câu trong kinh Qur'an được dẫn trong luận văn được trích dẫn từ cuốn "Thiên kinh Qur'an và Bản dịch ý nghĩa nội dung bằng Việt ngữ", Trung tâm Ấn loát Quốc vương Fahad về việc xuất bản Thiên Kinh Qur'an.
không tách rời và là một hướng dẫn cho niềm tin và hành động phải được chấp nhận và tuân theo toàn bộ. Do đó bất kỳ nỗ lực làm theo một số bộ phận của kinh Qur'an và từ bỏ những bộ phận khác sẽ hoàn toàn không hợp lệ.
Khác với Cựu Ước và Tân Ước chỉ đề cập đến những vấn đề thiêng liêng hoặc lịch sử, kinh Qur'an đồng thời cũng là bộ luật đầu tiên và cao nhất của Islam giáo. Chỉ có khoảng 3% các câu trong kinh Qur'an liên quan đến pháp luật [22, tr. 45], trong đó có những điều cấm đối với một số loại thức ăn nhất định (thịt heo, xác động vật đã mục rữa, rượu, súc vật bị giết trong những nghi lễ thờ đa thần), một số nguyên tắc pháp lý liên quan đến luật gia đình (hôn nhân, ly dị, thừa kế), luật hình (các tội như cướp giật, tà dâm, vu khống, uống rượu), những nguyên tắc về làm chứng, những quy chế buôn bán như cấm riba (cho vay nặng lãi) và các hình thức giao kèo, các điều chỉnh quan hệ quốc tế... Hầu hết chúng xuất hiện trong những mặc khải từ thời ở Medina khi Nhà tiên tri đang tích cực xây dựng luật cho cộng đồng tín đồ tại đó. Kinh Qur'an nêu ra rất nhiều các luật lệ mà các Muslim bắt buộc phải tuân thủ, từ những quy tắc ứng xử cá nhân, quan hệ trong gia đình, với hàng xóm, với cộng đồng cho đến đời sống kinh thánh, chính trị của quốc gia, từ hôn nhân, bố thí cho đến quan hệ những người không theo đạo và trừng phạt tội lỗi.
Sunnah (ةنسلا(
Sunnah có nghĩa là con đường đúng đắn, là lối sống, cách hành xử trong cuộc đời của Nhà tiên tri Mohammed. Nội dung của Sunnah bao gồm 3 loại: các lời nói của Mohammed về tôn giáo, những hành động, hoạt động và hành vi của Người và sự chấp nhận của Người về những lời nói, hành vi nhất định của các bạn đồng hành. Vì kinh Qur'an chỉ đề cập đến các vấn đề tôn giáo, nghi lễ, nghi thức và pháp luật một cách nguyên tắc, ngắn gọn nên vẫn cần phải có những hành động, lời nói của Mohammed để giải thích chi tiết cho những quy định được đề cập đến trong Qur'an. Như vậy, Sunnah được coi
là nguồn luật quan trọng thứ hai sau kinh Qur'an. Những quy định trong Sunnah có thể được khái quát thành các loại sau:
- Các quy định giống hoặc nhấn mạnh các quy định đã được nêu tại Qur'an, ví dụ như hadith liên quan đến Anas b. Malik, một bằng hữu của Nhà tiên tri Mohammed, khi ông thuật lại rằng Nhà tiên tri đã nói "Của cải của một Muslim không được phép chia sẻ cho người khác trừ khi được sự đồng ý và cho phép của anh ta". Điều này phù hợp với câu trong Qur'an "Chớ ăn không tài sản của các người lẫn nhau bằng sự gian lận trừ phi do sự đồng ý mua bán giữa các người với nhau" (Chương 4, câu 29) [26, tr.161].
- Các quy định làm sáng tỏ và giải thích các yêu cầu chung trong Qur'an. Một ví dụ về điều này là quy định làm rõ số tiền dành cho cho zakat.
- Các quy định hạn chế hoặc chỉ rõ về các yêu cầu chung trong Qur'an, ví dụ Qur'an chỉ nêu nếu ăn trộm thì sẽ bị chặt cụt tay, còn Sunnah quy định kẻ trộm sẽ bị chặt cụt ở cổ tay.
- Các quy định mới không được đề cập trong Qur'an, bởi vì Sunnah là một nguồn pháp luật độc lập.
Nhìn chung, có thể phân loại các quy định được đề cập đến trong Qur'an và Sunnah thành các vấn đề như sau:
1. Học thuyết: Niềm tin nơi Thượng đế, và các thiên sứ, các thánh thư, các nhà tiên tri; niềm tin vào Ngày Phán quyết, vào Số phận, và vào tất cả những điều có liên quan đến những niềm tin đó, chẳng hạn như niềm tin vào những điều bí ẩn, những điều không tồn tại, sự phán xét của Thượng đế, Thiên đường và Địa ngục.
2. Nghi lễ: Các quy định về mối quan hệ giữa Thượng đế và những đầy tớ của Ngài, về sự thờ phụng duy nhất đối với Thượng đế. Những quy định này bao gồm các vấn đề về cầu nguyện, bố thí, thuế, ăn chay, hành hương, và tất cả các điều kiện, các bộ phận cấu thành, nghĩa vụ và những điều khuyến khích liên quan đến những vấn đề kể trên.
3. Hôn nhân gia đình: Các quy định liên quan đến việc điều tiết các vấn đề gia đình, bao gồm hôn nhân, hồi môn, ly dị, quyền và nghĩa vụ của đời sống hôn nhân, nghĩa vụ duy trì hôn nhân, luật thừa kế và những vấn đề khác có liên quan.
4. Giao dịch: Các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa người với người và các giao dịch tài chính của họ như bán hàng, lãi suất, cho vay, cầm đồ, bảo hiểm, đại diện/ủy quyền, đối tác và hợp đồng nông nghiệp; cũng như các nguyên tắc kinh tế của Islam giáo nói chung.
5. Chính trị: Các quy định liên quan đến hệ thống cai trị, và chính sách của lãnh đạo đối với các thành viên trong cộng đồng; cũng như các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Những quy định này bao gồm trạng thái của người cai trị, thống đốc, và hệ thống tư pháp.
6. Luật trừng phạt: Các quy định về trừng phạt tội phạm, bao gồm cả luật trả thù, nộp tiền phạt chuộc tội, và các hình phạt bắt buộc tùy theo mức độ nặng nhẹ khác.
7. Luật quốc tế: Các quy định về mối quan hệ giữa quốc gia Islam giáo và các quốc gia khác liên quan đến chiến tranh, hòa bình, an ninh và các điều ước quốc tế.
8. Các quy định liên quan đến việc ăn uống, và trang phục: những đồ ăn thức uống được cho phép và bị cấm, những loại trang phục được mặc và không được phép mặc.
9. Đạo đức, đức hạnh, và nghi thức xã hội: Bao gồm các nghi thức xã hội, thăm viếng nhau, chào hỏi, tìm kiếm sự cho phép trong một số vấn đề, ăn uống trong các cuộc tụ tập, cũng như khuyến khích các đức tính như khiêm nhường, nhẫn nhịn và kiên nhẫn.
Ijma (عامجلاا)
Theo thuật ngữ của các luật gia, Ijma là sự "thỏa thuận của umma về vấn đề tôn giáo". Thỏa thuận này loại bỏ bất kỳ sự nghi ngờ hoặc các khả năng thay thế có thể phát sinh thông qua sự phụ thuộc duy nhất vào bản thân
bằng chứng. Vì lý do này, không thể phản đối sự đồng thuận về một vấn đề và cần phải thực hiện sự đồng thuận đó. Sự đồng thuận phải dựa trên bằng chứng, vì việc chấp nhận một ý kiến không có bằng chứng về các vấn đề của Shari'ah là điều sai trái. Ijma ra đời dựa trên sự thống nhất về quan điểm pháp luật của các ulema ( ءبًهع: các học giả Islam giáo) về các giải pháp pháp lý cho những tình huống mới do các ulema đưa ra, trên cơ sở các nguyên tắc chung của nguồn luật cơ bản và được những người có thẩm quyền chấp nhận.
Thông thường đây là các giải pháp hỗ những tình huống mới nhưng vẫn gắn bó mật thiết với các nguyên tắc chung của nguồn luật cơ bản (Qur'an và Sunnah). Trong thực tiễn áp dụng, các thẩm phán có thể xem xét, kiểm tra trong Ijma để tìm kiếm những giải pháp khả thi áp dụng cho các vấn đề phát sinh trong thời hiện đại.
Cơ sở của Ijma có thể là một văn bản từ Qur'an và Sunnah, hoặc có thể là một lập luận tương tự, phong tục hoặc các loại ijtihad (tiếng Ả rập دبهتجإ có nghĩa là "nỗ lực"). Ijtihad trong luật Shari'ah được hiểu là diễn giải độc lập hoặc nguyên bản về các vấn đề không được Qur'an, Hadith hay Ijma đề cập đến. Trong cộng đồng Islam thời sơ khai, mỗi luật gia đủ điều kiện đều có quyền thực hiện sự diễn giải như vậy, chủ yếu ở dạng ý kiến, phán đoán cá nhân hoặc lý luận tương tự. Những luật gia thực hiện sự diễn giải như vậy được gọi là mujtahids.
Ngày nay, chỉ có một số nhà bác học lớn nghiên cứu trực tiếp hai nguồn cơ bản của Shari'ah, còn đa số các luật gia phải sử dụng Ijma để đưa ra giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Do đó, Ijma có tầm quan trọng đặc biệt trong thực tiễn.
Ijma được chia thành hai loại:
- Thể hiện sự đồng thuận, đó là khi tất cả mujtahids đồng ý về một vấn đề một cách rõ ràng; mỗi người trong số họ nêu rõ ý kiến của mình, và tất cả họ đều có ý kiến trùng hợp nhau.
- Sự đồng thuận ngầm, đó là khi một số mujtahids đưa ra ý kiến về một vấn đề, tất cả những người khác đều biết về vấn đề đó và họ giữ im lặng, không phản đối cũng như không ủng hộ ý kiến đó.
Trong thời đại hiện nay, Ijma có vị trí quan trọng trong việc đưa ra các phán quyết không được nêu trong Qur'an và Sunnah. Ijma là một nguồn pháp lý hợp pháp, từ đó chúng ta có thể biết được các phán quyết pháp lý về những vấn đề mới trong thời đại hiện nay. Việc này chỉ có thể xảy ra thông qua thành lập các hội đồng chuyên nghiên cứu về giáo lý thực hành bao gồm tất cả mujtahids từ khắp nơi trong thế giới Muslim. Các hội đồng này có trách nhiệm nghiên cứu cẩn thận những vấn đề mới phát sinh, đưa ra những phán quyết thích hợp và phổ biến chúng trong các tạp chí định kỳ hoặc các ấn phẩm chuyên ngành để mọi người có thể tham khảo và để các học giả khác có thể đưa ra ý kiến của họ về những vấn đề đó..
Qias (سايقلا )
Qias là việc áp dụng một trường hợp này cho một trường hợp khác vì một yếu tố chung giữa chúng với mục đích xác nhận hoặc từ chối một phán xét về cả hai trường hợp. Qias có thể hiểu như là án lệ, thực chất là phương pháp suy luận tương tự để giải thích luật. Các thẩm phán có thể sử dụng tiền lệ pháp trước đó để giải quyết một vụ việc mới phát sinh mà hướng giải quyết vụ việc đó không được đề cập đến trong kinh Qur'an và Sunnah. Qias được cộng đồng Islam tuân thủ nhờ dựa trên kinh Qur'an và Sunnah. Các học giả đã chứng minh tính xác thực của Qias thông qua nhiều bằng chứng, bao gồm câu trong kinh Qur'an "Bởi thế, hãy tiếp thu (bài học) cảnh cáo, hỡi những kẻ có đôi mắt biết
nhìn!" (Chương 59, câu 2), theo đó "tiếp thu bài học" có nghĩa là chuyển từ một thứ này sang thứ khác giống như nó nếu chúng có chung ý nghĩa.
Khởi đầu, mỗi luật gia nếu không tìm thấy hướng dẫn trong kinh Qur'an và Sunnah có thể tự đưa ra quyết định về bất kì vấn đề nào. Vì các luật gia thường ở cách xa nhau và các quyết định của họ dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống, mức độ phát triển và phong tục địa phương, dẫn đến việc luật Shari'ah có nguy cơ bị giằng xé bởi rất nhiều ý kiến, quyết định cho cùng một vấn đề.
Học giả Islam giáo nổi tiếng As Saphia đã đưa ra học thuyết "bốn gốc rễ" của luật Shari'ah, nhờ đó các luật gia có phương pháp duy nhất và được công nhận thống nhất để giải thích luật.
Ngoài bốn nguồn của Shari'ah như đã nêu trên, còn có những nguồn bổ sung khác được một số người chấp nhận và những người khác không tán thành, bao gồm sự quyết định của pháp luật (istihsan), giả định liên tục (istishab), ngăn chặn các phương tiện pháp lý được sử dụng để đạt được những điều bất hợp pháp (sadd al-dhara'i), phúc lợi công cộng (al-masalih al- mursala), và những nguồn khác.
Shari'ah đã phát triển vài trăm năm sau cái chết của Nhà tiên tri Mohammed vào năm 632 khi đế quốc Islam giáo mở rộng đến rìa Bắc Phi ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Vì Mohammed được coi là người đạo đức nhất của tất cả các tín hữu, cuộc sống và cách thức hành động của ông đã trở thành một mô hình cho tất cả những Muslim khác và được thu thập bởi các học giả vào trong các sách được gọi là hadith. Khi mỗi địa phương cố gắng hài hòa phong tục địa phương với Islam giáo, văn học hadith đã phát triển thành các trường phái tư tưởng Islam giáo riêng biệt trong việc diễn giải Shari'ah: Hanbali, Maliki, Shafi'i, Hanafi (dòng Sunni) và Ja'fari (dòng Shia).
Những trường phái này được đặt tên theo các học giả truyền cảm hứng cho chúng. Tất cả các trường phái trên đều dựa vào các văn bản của kinh Qur'an và Sunnah, tuy nhiên sự khác biệt chính giữa các trường phái này xuất phát từ