Ảnh hưởng của Shari'ah trong hôn nhân gia đình

Một phần của tài liệu Shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân Ả rập khu vực Trung Đông (Trang 72 - 78)

Chương 2. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA LUẬT SHARI'AH TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA CƢ DÂN Ả RẬP KHU VỰC

3.2. Ảnh hưởng của Shari'ah trong hôn nhân gia đình

Luật Shari'ah có ảnh hưởng rất lớn đến luật hôn nhân gia đình tại các nước Trung Đông nói riêng và các quốc gia có phần đông dân số là các Muslim. Hai nguồn luật chính của Shari'ah, kinh Qur'an và Sunnah, đã có những quan điểm tiến bộ đáng kể về vị thế của phụ nữ. Ở thời kỳ tiền Islam, phụ nữ bị coi như nô lệ, không có tư cách pháp lý và được coi là hàng hóa mua bán - việc mua bán phụ nữ được tiến hành bởi các trưởng lão bộ tộc.

Trong quá trình kết hôn, việc bán vợ được thực hiện thông qua của hồi môn (mahar) do người chồng tặng cho vợ. Sau khi cưới, người vợ là tài sản của người chồng và của cả bộ lạc lớn hơn. Phụ nữ không có bất kỳ quyền pháp lý nào hoặc khả năng đưa ra yêu cầu thay đổi tình trạng của họ. Việc ly hôn ngay lập tức (triple Talaq), theo đó người chồng có quyền ly hôn vợ sau khi thốt ra ba lần từ Talaq (ly hôn), là một tập quán thông thường và được thực hiện thường xuyên. Vào thời kỳ tiền Islam, có những tập quán đáng kinh ngạc khác như giết trẻ em gái hay chế độ đa thê không giới hạn số vợ.

Một trong những điểm tiến bộ về mặt pháp lý lớn được kinh Qur'an và Sunnah đưa ra là trao cho phụ nữ địa vị pháp lý hợp pháp. Theo luật Shari'ah, phụ nữ có quyền tự quyết định hôn nhân của mình, một hợp đồng dân sự hợp pháp hoá quan hệ tình dục và sinh sản. Là một hợp đồng dân sự, các thủ tục duy nhất gắn liền với hôn nhân là lời đề nghị kết hôn của người chồng và sự chấp nhận của người vợ bởi sự hiện diện của hai nhân chứng [40].

Kết hôn

Theo quan điểm của Islam giáo, kết hôn là việc làm cần thiết để xây dựng, gắn kết gia đình, trao đổi yêu thương, cân bằng nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người một cách hợp lý và đạo đức. Ngoài ra, kết hôn là cách tốt nhất để sinh con, duy trì nòi giống, để giữ gìn, bảo vệ dòng tộc và huyết thống.

Như vậy, kết hôn đối với mỗi Muslim vừa là trách nhiệm vừa là một hành vi thiêng liêng không thể thoái thác vì bất kỳ lý do nào.

Shari'ah có những quy định cụ thể đối với vấn đề kết hôn giữa các Muslim nam và nữ. Về mặt tôn giáo, nam Muslim chỉ được phép kết hôn với nữ Muslim, phụ nữ theo Ki-tô giáo và Do thái giáo, trong khi đó nữ Muslim chỉ được phép kết hôn với nam Muslim. Sở dĩ có điều này là do Islam giáo cho rằng trong gia đình, đàn ông luôn là trụ cột, là người chịu trách nhiệm và điều hành mọi công việc. Người chồng không phải Muslim có thể ngăn cản vợ thực hiện những nghĩa vụ tôn giáo của mình, vì vậy cuộc sống vợ chồng có thể trở nên bất hòa hoặc người vợ vì nghe lời chồng sẽ lơ là thực hiện những nghĩa vụ tôn giáo của mình và rơi vào trọng tội khi vi phạm những quy định của Islam giáo.

Về mặt đạo đức, nữ Muslim chỉ được phép kết hôn với đàn ông ngay thẳng, có phẩm chất, nhân cách tốt còn nam Muslim chỉ được phép kết hôn với phụ nữ có đức hạnh, không được phép kết hôn với phụ nữ lẳng lơ không đoan chính. Islam giáo quan niệm phụ nữ lăng loàn, gian dâm là loại phụ nữ xấu xa, thấp kém, không thể xứng đáng với tình yêu của người đàn ông chân chính.

Về mặt huyết thống, nam Muslim bị cấm kết hôn với mẹ ruột; bà (bà nội, bà ngoại); con gái ruột; cháu gái ruột (cháu nội, cháu ngoại); chị, em ruột hoặc chị, em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ; bác gái, cô, dì ruột (chị, em của cha ruột hay mẹ ruột dù đó chị, em ruột của cha, mẹ hay chị, em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ với cha mẹ); cháu gái (con của anh, chị, em ruột hay con của anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha); chắt gái (con của cháu gái); con dâu, cháu dâu, chắt dâu (vợ của con, cháu, chắt ruột); mẹ vợ (dù còn chung sống với vợ hay đã ly dị); bà vợ (mẹ của mẹ vợ); chị em vợ; con gái riêng của vợ (do cuộc hôn nhân trước, trừ trường hợp ly dị vợ trước khi có quan hệ gần gũi vợ chồng); vợ của cha đẻ (mẹ kế dù đã li dị chồng hay đã trở thành góa phụ). Bên cạnh đó nam Muslim cũng không được phép kết hôn với vú nuôi; con, cháu, chắt, chị, em của vú

Mặc dù việc hỏi cưới là việc của người đàn ông nhưng quyết định kết hôn với anh ta hay không lại là quyền của cô gái và không một ai, kể cả cha hay người giám hộ, có quyền ép buộc cô gái phải kết hôn nếu cô ta không đồng ý. Ngược lại, người cha cũng không được phép trì hoãn cuộc hôn nhân của con gái khi có người đàn ông có đạo đức và xứng đáng hỏi cưới cô gái.

Vì mục đích duy trì và giữ vững cuộc hôn nhân, Shari'ah có đưa ra những quy định bắt buộc về quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi người vợ, người chồng, khuyến khích họ cải thiện và phát triển mối quan hệ vợ chồng cũng như duy trì và đảm bảo trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi bên, đồng thời cả hai không được yêu cầu và đòi hỏi đối phương điều gì ngoài khả năng của họ.

Một khía cạnh còn đang gây nhiều tranh cãi là chế độ đa thê trong Islam giáo. Shari'ah cho phép các Muslim lấy tối đa bốn vợ với điều kiện phải đối xử công bằng với các bà vợ về mọi mặt (đồ ăn, thức uống, áo quần, nhà ở, chi tiêu cũng như phân chia thời gian dành cho mỗi người...). Điều này được giải thích là nhằm đáp ứng nhu cầu và đảm bảo lợi ích của tất cả mọi người như chồng muốn có con mà vợ bị vô sinh hay bệnh tật; nhu cầu tình dục của chồng lớn nhưng vợ lại ốm đau không thể đáp ứng; vợ mắc những chứng bệnh không thể chữa trị nên không thể thực hiện bổn phận của mình; sau chiến tranh, nhiều người phụ nữ trở thành góa phụ do chồng chết và họ cần có người chăm sóc.... Hiện tượng đa thê thực ra đã tồn tại từ rất lâu trước khi Islam giáo ra đời. Vào thời kỳ đó, cư dân Ả rập có thể lấy đến hàng chục thậm chí hàng trăm bà vợ. Sau khi ra đời, Islam giáo chỉ cho phép đàn ông lấy đến bốn vợ với điều kiện phải đảm bảo sự công bằng và một cuộc sống đầy đủ cho tất cả các bà vợ và con cái của mỗi gia đình. Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng Islam khuyến khích đàn ông lấy nhiều vợ vì thật khó để có thể đối xử công bằng với tất cả các bà vợ vì thế kinh Qur'an viết: "...nhưng nếu các người sợ không thể (ăn ở) công bằng với họ (vợ) thì hãy cưới một bà thôi..."

(Chương 4, câu 3).

Như vậy, cần phải hiểu đúng rằng Islam giáo cho phép nhưng không khuyến khích nam giới lấy đến bốn vợ và đa thê vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, thậm chí tại các quốc gia Islam giáo. Không phải quốc gia Islam giáo nào cũng cho phép công dân của mình lấy đến bốn vợ. Điều 28, luật dân sự Tuy- ni-di quy định chế độ một vợ, một chồng, ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt tù một năm và phải trả tiền phạt 240.000 dinar Tuy-ni-di. Thổ Nhĩ Kỳ, từ đầu thế kỷ XX, cũng quy định chế độ một vợ, một chồng. Hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng trên 50 quốc gia châu Á và châu Phi cho phép thực hiện chế độ đa thê như Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Cô-oét, Y-ê- men, Ca-ta, Ba-ranh….[24].

Ly hôn

Islam giáo coi gia đình hạnh phúc là một trong những nhân tố chủ yếu của sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, khi tình cảm vợ chồng đã rạn nứt, hai bên được phép ly hôn nhưng đây là giải pháp cuối cùng, bởi một số học giả Islam giáo quan niệm rằng ly hôn là một trong những sự việc đáng ghét nhất dưới cái nhìn của Allah. Luật Shari'ah đưa ra một số quy định nhằm giảm thiểu tối đa các vụ ly hôn như không được phép ly hôn khi chưa sử dụng tất cả các biện pháp hòa giải, không được phép ly hôn khi người phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, đang trong thời kỳ sinh đẻ...[19, tr. 202].

Những người phụ nữ không muốn tiếp tục chung sống với chồng cũng có quyền được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân bằng cách đề nghị ly hôn với lý do chính đáng dựa trên những cơ sở như: người chồng không chu cấp nổi tài chính để nuôi sống vợ con, người chồng đối xử quá tồi tệ với vợ con, người chồng bị điên, người chống vắng mặt không có lý do trong thời gian hơn sáu tháng và người chồng vô sinh sau năm năm [7]. Trong trường hợp người vợ đòi ly hôn thì phải trả lại cho chồng tiền sính lễ hoặc các tặng vật đã được chồng tặng trước đó. Người chồng không được phép đòi nhiều hơn những thứ đã tặng cho vợ hoặc ép vợ phải đề nghị ly hôn để lấy lại toàn bộ hoặc một

phần tiền sính lễ hay tặng vật đã tặng cho vợ. Như vậy, có thể thấy, các rào cản văn hóa, xã hội kết hợp với truyền thống và phong tục tập quán Islam giáo cùng với những quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình đã góp phần làm giảm tỉ lệ ly hôn tại các quốc gia Islam giáo.

Một vấn đề khác còn đang gây nhiều tranh cãi là tục "ly hôn tức thì"

(instant triple Talaq) khi người chồng có thể ly hôn vợ ngay lập tức khi ba lần thốt ra từ Talaq (ly hôn). Các học giả Islam giáo cho biết kinh Qur'an rõ ràng diễn giải quá trình xử lý một vụ ly hôn phải kéo dài trong 3 tháng để các cặp đôi có thời gian suy nghĩ và hòa giải. Trong khi đó, Talaq đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua dù không được đề cập trong Luật Shari‟ah cũng như kinh Qur'an. Hầu hết quốc gia Islam giáo như An-giê-ri, I-rắc, Gioóc-đa-ni, Cô-oét, Li-băng, Li-bi, Ma-rốc, Xu-đăng, Xi-ri, Tuy-ni-di, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Y-ê-men, In-đô-nê-si-a, Ma-lay-si-a, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét and Sri Lanka đã cấm tục Talaq.

Chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ trong gia đình

Islam giáo quy định phụ nữ phải khiêm tốn, đứng đắn, trung thực, giản dị, không phù phiếm, không lẳng lơ trong nét mặt, dáng điệu, không cố tình thu hút sự chú ý của người khác giới. Phụ nữ Muslim được phép tiếp khách của chồng khi có mặt chồng với điều kiện trang phục, lời nói, cách hành xử phù hợp với qui định của Islam giáo.

Islam giáo có những quy định rất khắt khe đối với trang phục nữ giới.

Theo đó, trang phục phải rộng, dày, che phủ toàn bộ cơ thể trừ những bộ phận được phép để hở như khuôn mặt, bàn tay. Phụ nữ cũng không được mặc trang phục bó sát làm nổi bật đường cong cơ thể, trang phục không được may bằng chất liệu mỏng có thể nhìn thấy phần cơ thể phía sau lớp vải, không được bắt chước trang phục nam giới.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Shari'ah cũng có những quy định về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ nên luôn tạo cơ hội để dành cho con cái những tình cảm trìu mến,

âu yếm, và thể hiện rằng họ rất yêu con cái. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn, vững tin vào gia đình và nhận thức được rằng chúng có một chỗ đứng thật sự.

Không chỉ người mẹ mà Islam quy định người cha cũng phải có trách nhiệm nuôi dạy con trẻ. Người cha đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển một cách hài hòa của trẻ. Cả hai cùng phải bày tỏ tình yêu thương và lòng nhân từ đối con cái, không được phân biệt trong cách đối xử giữa con trai và con gái. Người cha cũng như người mẹ phải quan tâm tới con cái, lắng nghe chúng , nói chuyện với chúng, kể chuyện cho chúng nghe, chơi với chúng, làm cho chúng cười ….

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải giáo dục cho trẻ về nền tảng cơ bản và khía cạnh đạo đức của Islam. Điều này rất quan trọng để đứa trẻ có thể được đắm mình trong những đức tính như lòng chân thành, sự thành thật, phép lịch sự, tính hào phóng, lòng tôn trọng đối với cha mẹ, người lớn tuổi và thậm chí đối với những người bạn cùng lứa tuổi.

Trong giáo lý Islam vấn đề hiếu thảo với cha mẹ là điều bắt buộc, vì Allah đã phán:

"Và Rabb của Ngươi quyết định rằng, các người chỉ thờ phụng riêng Ngài, và ăn ở tử tế với cha mẹ. Nếu một trong hai người (cha mẹ) hoặc cả hai người (cha mẹ) sống với ngươi đến tuổi già, chớ nói tiếng vô lễ với hai người (cha mẹ), và chớ xua đuổi hai người (cha mẹ), mà phải ăn nói với hai người (cha mẹ) lời lẽ tôn kính."

"Và hãy nhân từ đối xử khiêm nhường với cha mẹ và (cầu nguyện) thưa : - Lạy Rabb của bề tôi! Xin Ngài rủ lòng thương cha mẹ của bề tôi giống như hai người đã thương yêu, chăm sóc bề tôi lúc hãy còn bé"

(Chương 17, câu 23-24) [26, tr.551].

Có thể nói, Islam giáo có những quy định rất cụ thể, chi tiết về điều kiện kết hôn, cách thức xây dựng gia đình, quyền lợi, nghĩa vụ của hai vợ

chồng, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái… Tất cả những quy định này đều nhằm mục đích duy trì cuộc hôn nhân, cùng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình một cách liên tục, góp phần hình thành một gia đình hạnh phúc, thành công, trong đó trẻ em được chăm sóc và nuôi dạy một cách đúng đắn và trọn vẹn.

Một phần của tài liệu Shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân Ả rập khu vực Trung Đông (Trang 72 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)