Hành vi lệch chuẩn xã hội

Một phần của tài liệu HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS (Trang 23 - 30)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ

2. LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS

2.1. Lý luận về hành vi gian lận trong thi cử

2.1.2. Hành vi lệch chuẩn xã hội

2.1.2.1. Chuẩn mực xã hội a. Khái niệm

Xét về mặt ngữ nghĩa thì “chuẩn” là “cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để làm mẫu; tiêu chuẩn được định ra; cái được công nhận là đúng và phổ biến nhất trong việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, hành vi ứng xử” [18].

Theo từ điển tâm lý học: chuẩn mực xã hội là tập hợp những quy tắc hành vi, phương thức ứng xử cho các cá nhân trong xã hội (hay trong nhóm), mà việc tuân thủ những chuẩn mực đó được những thành viên khác của xã hội trông đợi và thừa nhận.

Như vậy chuẩn mực xã hội là những phép tắc, quy phạm phải tuân theo của con người, được biểu hiện cụ thể thông qua hệ thống những quy định, những quy tắc đạo đức, điều luật, nội quy…về việc quy định mọi người phải làm như thế nào hay mọi người không được làm những gì. Những chuẩn mực này được tạo nên để đảm bảo tính thống nhất cho xã hội, đảm bảo mọi người đều tuân theo dựa trên sự tán thành tự nguyện của các cá nhân và sự trừng phạt đối với các cá nhân vi phạm. Ở một mức độ nào đó, chuẩn mực tạo nên những giá trị đạo đức của nhóm (hay của xã hội), tuy rằng chuẩn mực xã hội không đồng nhất với đạo đức xã hội.

b. Vai trò

Chuẩn mực xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý xã hội, là một trong những phương tiện định hướng hành vi, kiểm tra hành vi xã hội của cá nhân hay nhóm người. Chuẩn mực xã hội còn góp phần điều chỉnh hành vi liên quan đến mối quan hệ giữa các cá nhân, các tập thể… có liên quan đến xã hội nói chung.

Bên cạnh đó chuẩn mực xã hội cũng quy định những mục tiêu cơ bản, những giới hạn, điều kiện và các hình thức ứng xử trong lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống con người.

24

Có thể coi chuẩn mực xã hội là những mẫu mực, mô hình của hành vi thực tế của con người trước một tình huống cụ thể. Những mẫu mực, mô hình hành vi dần trở thành những quy tắc, yêu cầu của xã hội với cá nhân và được ghi thành văn bản (đạo luật, điều lệ, văn bản pháp quy,…) hoặc yêu cầu có tính ước lệ trong một cộng đồng mà mọi người đều thừa nhận.

c. Các thuộc tính của chuẩn mực xã hội

- Tính lợi ích (tính tất yếu xã hội): Những chuẩn mực xã hội được đặt ra phải dựa trên lợi ích của số đông các thành viên trong xã hội, đem lại lợi ích cho xã hội. Góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo nên sự thống nhất, kỷ luật và đảm bảo tính công bằng cho xã hội đó. Tuy nhiên tính lợi ích thường chỉ mang tính tương đối vì có thể một chuẩn mực xã hội được đặt ra mang lại nhiều lợi ích đối với nhóm xã hội này (giai cấp này) nhưng lại là trung tính hoặc thậm chí là gây hại đối với nhóm xã hội khác, giai cấp khác. Bên cạnh đó, tính lợi ích của chuẩn mực xã hội cũng không bất biến mà thay đổi linh loạt theo không gian và thời gian.

- Tính bắt buộc: Tính bắt buộc có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nên chuẩn mực xã hội. Nhờ có tính bắt buộc mà chuẩn mực xã hội được thực hiện hoặc được tuân thủ một cách đồng đều. Nếu một chuẩn mực xã hội mất đi tính bắt buộc thì cho dù là kết quả tốt đến đâu đi chăng nữa (tính lợi ích) chưa chắc tất cả mọi người đều thực hiện theo. Tuy nhiên nếu một chuẩn mực xã hội dù cho mất đi tính lợi ích nhưng bù lại tính bắt buộc được củng cố thì vẫn có thể tạo nên sự thống nhất và được mọi người thực hiện theo chuẩn mực xã hội đó.

- Tính khả thi: Cuối cùng, dù cho một chuẩn mực xã hội có mang lại lợi ích đến đâu hay mang tính bắt buộc nhiều đến mức nào, thế nhưng lại không có tính khả thi thì chuẩn mực xã hội đó cũng sẽ không được hình thành hoặc không tồn tại được lâu.

Tính khả thi phải dựa trên điều kiện thực tế và sự thực hành trong hành vi của con người trong các hoạt động tập thể.

d. Các loại chuẩn mực xã hội

25

- Chuẩn mực pháp luật: là một dạng chuẩn mực xã hội mang tính tổng hợp và phổ cập; là hệ thống các quy tắc chỉ đạo hành vi cá nhân có tính khách quan được ghi thành văn bản; miêu tả rõ ràng, khúc chiết các cách ứng xử hoặc giới hạn của hành vi.

Mang tính kỷ luật cao Chuẩn mực pháp luật nếu bị vi phạm sẽ bị trừng phạt bởi các cơ quan chuyên trách.

- Chuẩn mực đạo đức: chuẩn mực này được phần lớn mọi người thừa nhận, nhưng không ghi thành văn bản và linh động hơn pháp luật. Cá nhân vi phạm sẽ bị lên án nhưng không bị trừng phạt như các vi phạm pháp luật. Chuẩn mực đạo đức thường tác động thông qua cơ chế tâm lý bên trong của con người.

- Phong tục và truyền thống: Là những chuẩn mực nói lên tính chất văn hóa của cộng đồng. Góp phần củng cố những mẫu mực ứng xử, là những quy tắc sinh hoạt công cộng của con người được hình thành trong lịch sử, mang tính rõ rệt và nhất quán.

- Chuẩn mực chính trị: Là loại chuẩn mực điều tiết hành vi của các chủ thể trong đời sống chính trị; điều tiết các mối quan hệ giữa các giai cấp, đảng phái, giữa các cộng đồng xã hội lớn; thường được thể hiện trong các chuẩn mực khác: luật pháp, tổ chức, một phần trong chuẩn mực đạo đức…

- Chuẩn mực thẩm mỹ:

Góp phần củng cố quan niệm về cái đẹp, xấu trong sáng tạo nghệ thuật, trong hành vi đạo đức, trong sinh hoạt …; ít nhiều mang tính chủ quan. Nói cách khác, chuẩn mực thẩm mỹ là phương tiện, thước đo đánh giá các giá trị văn hóa thẩm mỹ.

Chuẩn mực thẩm mỹ đóng vai trò định hướng cho tất cả các hoạt động và quan hệ xã hội ở mọi lĩnh vực cuộc sống theo quy chuẩn của những quan niệm tiến tiến, nhân văn của xã hội và thời đại về cái đẹp. Đồng thời tạo cơ sở cho hoạt động đánh giá, giúp khám phá, khẳng định, sáng tạo các giá trị thẩm mỹ, làm phong phú, phát triển đời sống văn hóa thẩm mỹ xã hội. Song song đó, chuẩn mực thẩm mỹ còn là căn cứ giúp nhận diện, sàng lọc và loại bỏ những cái xấu, phản giá trị thẩm mỹ.

26

Do đó, chuẩn mực thẩm mỹ có vị trí quan trọng trong giáo dục giá trị, định hướng giá trị nhân cách, góp phần phát triển hài hòa, toàn vẹn và phong phú nhân cách của các cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của sự phát triển xã hội.

2.1.2.2. Hành vi lệch chuẩn xã hội a. Hành vi lệch chuẩn

Từ điển tiếng Việt định nghĩa lệch lạc: không đúng đắn, sai lệch hẳn đi”. Như vậy, hiểu theo nghĩa thông thường thìHành vi lệch chuẩn là những hành vi không phù hợp, không thích ứng với quy tắc, giá trị, chuẩn mực xã hội, nhóm, cộng đồng [18].

Từ điển Tâm lý học cho rằng hành vi lệch chuẩn là “Hệ thống hành vi hoặc những hành vi riêng lẻ đối lập với các chuẩn mực đạo đức hoặc pháp luật đã được xã hội thừa nhận”. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó ta có thể thấy hai định nghĩa trên có điểm tương đồng khi cho rằng hành vi lệch chuẩn đều là những hành vi không phù hợp, đối lập với những quy tắc, chuẩn mực xã hội [6].

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Hành vi lệch chuẩn là toàn bộ hành vi có tính chất chống đối xã hội, xâm phạm hay khiêu khích được lặp lại và kéo dài.

Một hành vi như vậy trong hình thái cực độ sẽ đưa đối tượng đến chỗ vi phạm các quy tắc xã hội chủ yếu tương ứng với lứa tuổi của trẻ, điều này vượt quá các hành vi ranh mãnh thông thường và các thái độ nổi loạn của thanh thiếu niên [23].

Trong cuốn DSM – IV “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần”, bảng phân loại bệnh của Hoa Kỳ do bác sĩ Nguyễn Văn Xiêm dịch đã đưa ra định nghĩa về hành vi lệch chuẩn: Hành vi lệch chuẩn là kiểu hành vi lặp đi lặp lại và kéo dài trong đó các quyền cơ bản của người khác hay các chuẩn mực xã hội hoặc luật lệ phù hợp với lứa tuổi bị vi phạm [23].

Tác giả V.A.Giliarovxki cho rằng: thực chất hành vi lệch chuẩn ở trẻ em là ở chỗ khả năng của nhân cách không tương xứng với những yêu cầu xuất phát từ những mối quan hệ xã hội nhất định.

27

Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung đều cho rằng hành vi lệch chuẩn chính là những hành vi vi phạm, không phù hợp với các chuẩn mực, quy tắc, yêu cầu từ phía xã hội. Như vậy ta có thể thấy yếu tố xã hội có tác động đặc biệt quan trọng đối với hành vi của con người thông qua những chuẩn mực xã hội nơi mà người đó sinh sống. Chuẩn mực xã hội sẽ là cơ sở để nhận định một hành vi có là lệch chuẩn hay bình thường, từ đó định hướng hành vi mọi người trong cộng đồng để làm những điều đúng đắn, phù hợp hơn.

b. Hành vi lệch chuẩn xã hội

Trên cơ sở những định nghĩa về hành vi lệch chuẩn, theo người nghiên cứu hành vi lệch chuẩn xã hội là những dạng hành vi vi phạm khác nhau trong hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội, tức là sự sai khác cách ứng xử và hành động so với những chuẩn mực đã được xác định, những chuẩn mực này do xã hội thừa nhận và ấn định.

Hành vi lệch chuẩn xã hội có thể được xem xét dưới hai cấp độ là cá nhân và cộng đồng. Trong đó sự sai lệch hành vi xã hội của cá nhân được các nhà Tâm lý học quan tâm nhiều hơn. Sự sai lệch hành vi của nhiều người trong cộng đồng thuộc lĩnh vực xã hội học nghiên cứu. Tuy nhiên, dù ở cấp độ nào thì hành vi lệch chuẩn xã hội cũng đều gây nên những hậu quả tiêu cực đến cá nhân và cộng đồng. Hậu quả có thể là thiệt hại về kinh tế, mất trật tự xã hội, tổn thương tâm lý, tinh thần và thể xác, suy thoái về nhân cách. Do đó đòi hỏi cần có những biện pháp giáo dục, uốn nắn và phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn xã hội một cách hiệu quả hơn.

c. Phân loại hành vi lệch chuẩn xã hội

Dựa vào phạm vi hoạt động, có thể chia hành vi lệch chuẩn xã hội thành các loại:

hành vi lệch chuẩn ở gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội.

Căn cứ vào mức độ nhận thức và sự chấp nhận chuẩn mực đạo đức, có thể phân biệt sự sai lệch hành vi thành hai loại:

28

- Hành vi lệch chuẩn xã hội dạng chủ động: là những sai lệch do cá nhân cố ý làm khác đi so với người khác và so với chuẩn mực đạo đức xã hội. Dạng sai lệch này bao gồm: hung tính, giận dữ, nói dối, trộm cắp, trốn nhà, tự sát.

- Hành vi lệch chuẩn xã hội dạng thụ động: là những sai lệch hành vi do cá nhân không nhận thức được đầy đủ hoặc nhận thức sai lệch chuẩn mực đạo đức xã hội nên có những hành vi không bình thường so với chuẩn mực chung của cộng đồng. Sai lệch dạng thụ động bao gồm: sự từ chối học, sự chán học, sự lười biếng, sự co mình lại, sự ức chế, đau cơ thể, chứng câm.

Trong đề tài này, người nghiên cứu lựa chọn cách phân loại hành vi lệch chuẩn xã hội căn cứ vào mức độ nhận thức và sự chấp nhận chuẩn mực đạo đức. Phân biệt sự sai lệch hành vi thành hai loại: hành vi lệch chuẩn xã hội dạng chủ động và hành vi lệch chuẩn xã hội dạng thụ động. Hành vi gian lận trong thi cử là hành vi lệch chuẩn xã hội dạng chủ động do học sinh dù ý thức được hành vi này là sai trái, khác biệt với những chuẩn mực xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện.

2.1.2.3. Chuẩn mực xã hội trong vấn đề thi cử ở Việt Nam

Chuẩn mực xã hội trong vấn đề thi cử ở Việt Nam đã hình thành từ rất sớm và nghiêm ngặt, thành thật trong thi cử chính là biểu hiện cho lòng tự trọng của một con người. Nhìn lại lịch sử khoa cử Việt Nam chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng trong thi cử thời nào cũng có những tiêu cực luôn ẩn hiện bên cạnh những mặt tích cực. Vì vậy mà ngày xưa các thầy đồ khi dạy cho các môn sinh của mình luôn răn đe cấm kỵ về những thói gian lận trong thi cử. Các sĩ tử có lòng tự trọng cũng không để mình vi phạm điều này.

Luật lệ khoa cử thời xưa cũng xử lý rất nặng những gian lận trong thi cử. Sĩ tử khi thi mà chép bài người khác, đem theo sách vở lén lút ghi chép bị phát hiện thì vi phạm

trường quy bị ghép tội là “huề hiệp văn tự” và bị xử lý rất nặng “chung thân bất khả ứng thí” tức là một đời không được đi thi nữa. Một số quan lại coi thi nếu có thông đồng, gian lận hoặc thiếu trách nhiệm trong thi cử cũng bị xử lý rất nặng: giáng chức, lưu đày…như dưới triều Lê, triều Nguyễn.

29

Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh rất quan tâm tới khoa cử. Nhà vua thường tự mình hoặc cử ra những vị quan cao cấp, liêm khiết làm chủ khảo các kỳ thi tổ chức tại kinh đô. Các kỳ thi đó thật sự là phương thức lựa chọn hiền tài cho đất nước. Ngược lại, nhiều kỳ thi dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh tổ chức lỏng lẻo đầy rẫy gian lận đã biến tướng thành nơi mua quan bán chức “sinh đồ ba quan”. Hậu quả là tạo ra nhiều quan lại sâu dân mọt nước [15].

Ngày nay, vấn đề thi cử cũng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì tính trung thực thể hiện ở việc “Dạy thực chất, học thực chất và thi thực chất”

[3]. Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khóa XI đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới thi đua trong giáo dục, khắc phục bệnh thành tích chủ nghĩa.

Tiếp đó Luật Giáo dục năm 2005 đã quy định nhà giáo và người học không được có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh, giảng dạy và học tập. Đến năm 2006 Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra chỉ thị số 33/2006/CT-TTG về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây được xem là khâu đột phá trong giai đoạn 2006 – 2010 để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục [5]

Như vậy, so với thời xưa thì những chuẩn mực xã hội trong vấn đề thi cử ngày nay đã trở nên đỡ khắt khe và linh hoạt hơn. Đa phần chỉ kêu gọi nhận thức của người học phải trung thực trong thi cử bằng những cuộc vận động, đường lối chỉ đạo. Chuẩn mực pháp luật được thể hiện rõ ràng qua Luật giáo dục thế nhưng không còn mang nặng tính răn đe như trước. Chuẩn mực đạo đức trong thi cử dần ít nhận được sự quan tâm, nhiều người còn cho rằng trẻ có hành vi gian lận trong thi cử cũng chỉ là điều bình thường theo kiểu

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” và không ảnh hưởng gì đến đạo đức của trẻ. Tuy nhiên nhìn chung thì gian lận trong thi cử từ trước đến nay đều là hành vi không phù hợp với

30

chuẩn mực xã hội. Đây là những vi phạm về mặt đạo đức cũng như những quy định pháp luật do xã hội đặt ra.

Một phần của tài liệu HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS (Trang 23 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)