Đặc điểm đời sống xúc cảm – tình cảm

Một phần của tài liệu HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS (Trang 37 - 40)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ

2. LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS

2.2. Một số vấn đề tâm lý của lứa tuổi học sinh THCS

2.2.2. Đặc điểm đời sống xúc cảm – tình cảm

Bước sang tuổi thiếu niên, đời sống xúc cảm – tình cảm của các em phát triển mạnh, dần hình thành nên những loại tình cảm cấp cao đa dạng, phong phú, có chiều sâu. Xúc cảm – tình cảm mang tính bồng bột giảm dần đi, nhường chỗ cho các loại xúc cảm – tình cảm biết phục tùng ý chí. Xúc cảm – tình cảm có nhiều thay đổi về nội dung và các hình thức biểu hiện.

Về nội dung: các mức độ của đời sống xúc cảm – tình cảm phát triển mạnh, dần hình thành các loại tình cảm cấp cao, được củng cố và phát triển sâu sắc theo năm tháng.

Các loại tình cảm đạo đức: tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè (tình bạn cùng giới, tình bạn khác giới), tình cảm tập thể… phát triển mạnh. Trong tình cảm gia đình, các em hiểu được công lao cha mẹ, có ý thức phụ giúp cha mẹ. Đối với anh em của mình, trẻ có ý thức nhường nhịn, yêu thương nhau [20].

Trong tình cảm đối với bạn bè, trẻ biết giúp đỡ nhau, chia sẻ những tâm tình. Hoạt động giao tiếp với bạn bè là hoạt động mang tính chủ đạo ở lứa tuổi này. Do đó giao tiếp với bạn bè và sự phát triển của tình bạn ở thiếu niên có giá trị rất lớn, nhiều khi giá trị này chiếm hết vị trí của học tập, của quan hệ đối với người thân, ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập và những mối quan hệ khác. Các em có nhu cầu kết bạn rất cao và những mối quan hệ tình bạn dần trở nên sâu sắc, gắn bó với nhau hơn, hình thành những nhóm bạn thân. Người mẹ sẽ cảm nhận sớm nhất cái cảm giác con mình đang tách xa dần khỏi vòng tay của mình. Và chính ở đây dễ xảy ra những thắc mắc, những mâu thuẫn trong giao tiếp giữa mẹ con. Một điều rất đáng quan lâm là quan hệ của thiếu niên và người lớn càng không suôn sẻ thì sự giao tiếp với bạn bè càng lớn và sự ảnh hưởng đến thiếu niên càng mạnh mẽ. Thiếu niên một mặt biểu hiện rất rõ khát vọng được giao tiếp được hoạt động

38

chung với hạn cùng tuổi, với tình đồng chí và bạn bè thân thiết, mặt khác một khát vọng không kém mạnh mẽ nữa là được bạn bè tôn trọng, công nhận. Sự bất hòa trong quan hệ bạn bè cùng tuổi, sự thiếu bạn thân hoặc tình bạn bị phá vỡ đều sinh ra những cảm xúc nặng nề, được đánh giá như một bi kịch của cá nhân. Sự khó chịu nhất đối với tuổi thiếu niên là sự phê phán của tập thể, của bạn bè. Sự đơn độc là trải nghiệm nặng nề và hầu như không chịu đựng nổi đối với tuổi thiếu niên. Tất cả những tình huống đó đẩy thiếu niên đến chỗ đi tìm những đồng chí, những bạn mới ngoài lớp học, ngoài nhà trường và một số em đã bị lôi kéo bởi những "nhóm" những "bè đảng" tự phát dưới nhiều hình thức chính, ở đây các em có thể phải trải nghiệm những bi kịch thực sự của cuộc đời [8].

Những chuẩn mực quan trọng nhất trong "bộ luật tình bạn" của thiếu niên là: sự tôn trọng, bình đẳng, trung thành, giúp đỡ bạn, trung thực. Trong mỗi lớp, mỗi trường, những hành vi của tuổi thiếu niên đều được đánh giá xem những hành vi đó có phù hợp hay không với những chuẩn mực đã đề ra. Thiếu niên lên án sự "thay lòng đổi dạ" với bạn bè, đồng chí, từ chối sự giúp đỡ, ích kỷ và tham lam, khát vọng làm chỉ huy, tự phụ, phô trương ưu điểm của mình, dùng sức mạnh và lời nói để hạ thấp ưu điểm của bạn trước mặt và sau lưng... Các em thường phê phán những kẻ thiếu tự trọng, xu nịnh, đạo đức giả... Những phẩm chất kể trên là cơ sở của lý tưởng, đạo đức đang hình thành ở thiếu niên, ảnh hưởng rất rõ rệt đến sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này [20].

Nhìn chung tình cảm của thiếu niên rất trong sáng và mãnh liệt, các em yêu kính cha mẹ, yêu bạn bè, thần tượng, yêu bản thân, yêu con người… hết lòng với người mình thương, sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ họ. Tình yêu đất nước, tình yêu thương con người cũng được phát triển. Nhiều thiếu niên đã không quản ngại khó khăn, sẵn lòng giúp đỡ mọi người mọi nơi mọi lúc, các em còn thích tham gia những hoạt động cộng đồng, hoạt động tình nguyện để giúp ích cho xã hội.

Trong tình cảm trí tuệ, những rung động liên quan đến nhu cầu nhận thức, nhu cầu khám phá, phát hiện cái mới được phát triển, vượt ra khỏi lĩnh vực học tập và trường học, đem lại cho thiếu niên nhiều trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Nếu ở tuổi nhi đồng, các em

39

đa số chỉ thích đọc truyện, xem hình thì đến tuổi thiếu niên, các em bắt đầu biết tìm đến thư viện để đọc những loại sách khoa học về những vấn đề mà các em quan tâm, hay tìm kiếm thông tin trên báo chí, trên mạng internet để thỏa mãn nhu cầu khám phá của mình [17].

Trong tình cảm thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp của thiếu niên phong phú, sâu sắc hơn tuổi nhi đồng. Nhiều em đã có những sáng tác về thơ văn, hội họa, âm nhạc có giá trị, bộc lộ tình cảm với cái đẹp trong cuộc sống [20].

Về hình thức biểu hiện

Điểm đặc trưng trong biểu hiện của đời sống tình cảm trên các phương diện sinh lý, nhận thức, hành vi là tính mâu thuẫn, chưa ổn định, dễ thay đổi. Các trạng thái xúc cảm – tình cảm thường có cường độ khá mạnh, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, cảm xúc tích cực và tiêu cực nhanh chóng thay thế nhau.

Biểu hiện sinh lý: Thiếu niên dễ mất cân bằng, dễ bị kích động, hay xúc động…

Những biểu hiện sinh lý thường theo hướng xung động, quyết liệt khi không được đáp ứng nhu cầu.

Biểu hiện trên phương diện nhận thức: Thiếu niên nhận biết được các xúc cảm – tình cảm của bản thân, có thái độ nhất định đối với tình cảm của bản thân, biết kiềm chế bản thân. Thiếu niên đã có thể ý thức được các tình cảm của mình và dùng ngôn ngữ mô tả lại các trải nghiệm đó một cách khá chính xác. Đây cũng là một nét mới trong tình cảm của thiếu niên, giúp các nhà giáo dục có thể phân tích được tình cảm của thiếu niên đang ở mức độ nào. Tất nhiên, trong nhận thức của thiếu niên cũng có nhiều mâu thuẫn, dễ thay đổi.

Biểu hiện hành vi, cử chỉ, điệu bộ: Tất nhiên, xúc cảm – tình cảm còn nhiều mâu thuẫn thì biểu hiện của xúc cảm – tình cảm trên phương diện hành vi, cử chỉ, điệu bộ cũng

40

hay thay đổi. Thiếu niên vừa vui đó, rồi buồn đó, khi vui thì ổn ào náo nhiệt, khi buồn thì ủ rũ, lặng thinh. Đối với cha mẹ, vừa mới biểu hiện “ngoan” đó, rồi lại “hư” đó [8].

Tóm lại, đời sống xúc cảm – tình cảm của lứa tuổi thiếu niên chính là sự phát triển mạnh mẽ của các loại tình cảm cấp cao như như tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, do sự phát triển quá mạnh mẽ nên xúc cảm – tình cảm của thiếu niên khi biểu hiện ra thường có cường độ khá mạnh, chưa ổn định, còn chứa nhiều mâu thuẫn và dễ thay đổi. Vì vậy, trong quá trình giáo dục cần chú ý tác động đến xúc cảm – tình cảm của các em một cách có chừng mực, tránh tạo ra những cơn xúc động mạnh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe hoặc gây ra những hành vi tiêu cực cho bản thân các em và người khác. Muốn được như vậy người giáo dục cần phải biết tôn trọng những nhu cầu và mong muốn chính đáng của thiếu niên, tôn trọng những xúc cảm – tình cảm của các em, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ để nâng cao đời sống xúc cảm – tình cảm được lành mạnh và phong phú hơn.

Một phần của tài liệu HÀNH VI GIAN LẬN TRONG THI CỬ CỦA HỌC SINH THCS (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)