Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC
1.3. Nguyên tắc và nội dung thi tuyển công chức hiện nay
Nguyên tắc là những tư tưởng chủ đạo quy định trong hệ thống pháp luật có vai trò cho người có thẩm quyền, cơ quan căn cứ vào thực hiện đúng quy định trong quá trình tuyển dụng công chức, đảm bảo tuân theo Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo quy định của pháp luật thì tuyển dụng công chức sẽ dựa trên 04 nguyên tắc cơ bản sau:
1.3.1.1. Nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật
Về tính công khai, việc tuyển dụng công chức phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan đó, dán thông báo tại trụ sở và các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến để nhiều người có thể tiếp cận được các thông tin về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng cần tuyển, thời hạn và địa điểm tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển cũng như thông tin về kết quả tuyển dụng. Mục đích của nguyên tắc bảo đảm công khai nhằm hướng tới việc giám sát số lượng, chỉ tiêu, để mọi người nắm rõ và có thể thực hiện đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.
Về tính minh bạch, việc tuyển dụng công chức phải có nội dung rõ ràng, nhất quán, tin cậy tạo ra các cơ hội, sự bình đẳng trong tiếp cận thông tin cũng như sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin về tuyển dụng.
Về tính khách quan, cơ quan tuyển dụng phải bảo đảm mọi người được tuyển dụng tuân theo quy định của pháp luật, dựa trên nhu cầu sử dụng lao động ở cơ
quan, phải bảo đảm tuân thủ quá trình thi tuyển. Nghiêm cấm các hành vi thiên vị, bị chi phối bởi các yếu tố của quan hệ xã hội như gia đình, quan hệ tổ chức làm sai lệch thông tin hoặc các hành vi khác nhằm cản trở ứng viên dự thi công chức, bao gồm từ khâu xem xét hồ sơ dự tuyển cho đến khâu đánh giá kết quả thi tuyển của ứng cử viên.
Về tính đúng pháp luật, mọi hoạt động tuyển dụng công chức phải tuân theo các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan khác như quy chế tuyển dụng của tổ chức cũng như đặc thù của ngành.
Có thể nói, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật là những yêu cầu bắt buộc, có quan hệ biện chứng với nhau, được sử dụng làm kim chỉ nam trong hoạt động thi tuyển công chức. Đây được coi là một yêu cầu không thể thiếu nhằm đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của nhà nước, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và củng cố niềm tin và giúp mọi người tôn trọng pháp luật.
1.3.1.2. Nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh
Muốn tìm được các ứng cử viên sáng giá, có đức, có tài, xứng đáng với trọng trách đảm nhiệm thì việc tuyển dụng công chức phải dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh. Điều đó có nghĩa là, tất cả các công dân, khi đáp ứng được các điều kiện cho phép cũng như yêu cầu của công việc, đều có quyền và cơ hội ngang nhau khi có mong muốn làm việc trong cơ quan, đoàn thể. Nguyên tắc này được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như ở Philippin, từ năm 2011, Ủy ban công vụ đã có sự thay đổi trong việc tuyển dụng công chức khi áp dụng hệ thống quản lý nguồn nhân lực theo năng lực. Ủy ban công vụ Philippin đã xác định tiêu chuẩn về trình độ, năng lực; tiến hành tuyển dụng dựa trên hồ sơ của ứng viên và sử dụng phương pháp thi tuyển cạnh tranh trên máy tính kết hợp với phần thi viết[19]. Trong bối cảnh nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nguyên tắc này có ý nghĩa như một tiêu chí đánh gia về mức độ hoàn thiện pháp luật cũng như tính bình đẳng, minh bạch trong hệ thống quản lý công.
1.3.1.3. Nguyên tắc tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm
Nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì
[19]Phạm Đức Toàn (2017), “Tuyển chọn công chức theo năng lực tại một số quốc gia trên thế giới”, tại địa chỉ: https://www.moha.gov.vn/, truy cập ngày 28/06/2018.
và chịu trách nhiệm chính cũng như thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ hướng tới của Đảng đó là thống nhất các quy định và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh công chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế, phù hợp với đề án xây dựng vị trí việc làm được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Như vậy, đây là nguyên tắc quan trọng trong việc tuyển chọn, sử dụng công chức một cách có hiệu quả và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Mục đích của nguyên tắc này hướng tới đó là thông qua việc cạnh tranh công khai, minh bạch giữa các ứng viên, cơ quan tuyển dụng có thể tìm được những cá nhân giỏi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, vị trí công tác, phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
1.3.1.4. Nguyên tắc ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số
Việc tuyển dụng công chức được thực hiện dựa trên sự bình đẳng giữa các chủ thể cũng như tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh cho các thí sinh ứng tuyển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “cào bằng” và áp dụng một cách máy móc. Chính sách tuyển dụng công chức luôn được đề xướng và xây dựng thông qua việc xem xét các đối tượng ưu tiên, đó là những người có tài năng, những người có công với Nhà nước và những người là dân tộc thiểu số. Các đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức được quy định chi tiết và cụ thể trong Điều 5 của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/03/2010 của Chính Phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, ví dụ như Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động, gười hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, ….
1.3.2. Nội dung thi tuyển công chức
Việc tuyển chọn công chức không chỉ dựa vào khả năng học vấn của họ mà còn đánh giá dựa trên thiên hướng nghề nghiệp, năng lực thực tế và tiềm năng của
thí sinh. Để có thể kiểm tra được kiến thức và kỹ năng của ứng cử viên dự tuyển, Hội đồng tuyển dụng công chức sẽ áp dụng một nội dung thi tuyển thống nhất. Ở mỗi quốc gia, do có lịch sử văn hóa và quan điểm chính trị trị khác nhau do đó nội dung thi tuyển sẽ có tính đặc thù. Tại nước Pháp, nội dung môn thi thường có bốn vấn đề hợp với nghề nghiệp vị trí ứng viên và có tương quan tới việc đào tạo sau khi thí sinh được tuyển dụng. Các môn thi thường để thí sinh tự trình bày nhận định của mình về các vấn đề được hỏi hơn là kiểm tra trí nhớ, cụ thể như (1) các môn thi nhằm đánh giá trình độ nghiệp vụ, (2) các môn thi nhằm đánh giá kiến thức, (3) các môn thi nhằm đánh giá năng khiếu chuyên môn, (4) các môn thi nhằm đánh giá khả năng ứng xử[20]. Do đó, nội dung thi tuyển thường chú trọng về mặt kỹ năng chuyên môn hơn là học thuộc lý thuyết,
Khác với ở Pháp, ở Việt Nam hiện nay cũng thi 04 môn nhưng lại có thiên hướng kiểm tra về kiến thức nhiều hơn. Nội dung thi tuyển được quy định cụ thể trong Điều 8 của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/03/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng quản lý công chức, chi tiết như sau:
1.3.2.1.Về môn kiến thức chung
Kiến thức chung là môn thi cơ sở, đòi hỏi người thi tuyển công chức cần phải nắm được cả về mặt định hướng lẫn nội dung của hệ tư tưởng chính trị được áp dụng trong lĩnh vực làm việc. Do đó, các thí sinh sẽ thi viết 01 bài về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Chẳng hạn như, tuyển dụng công chức thi hành án dân sự thì nội dung kiến thức sẽ hướng tới các vấn đề liên quan tới thi hành án dân sự. Có thể thấy rằng, đây là môn thi cần thiết nhằm kiểm tra kiến thức nền tảng của các ứng cử viên trong lĩnh vực công tác.
1.3.2.2. Về môn nghiệp vụ chuyên ngành
Thí sinh sẽ thi viết 01 bài và thi trắc nghiệm 01 bài về nghiệp vụ chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm. Ví dụ, đối với ngạch chuyên viên làm công nghệ thông tin sẽ thi tuyển về kiến thức về công nghệ thông tin (kỹ thuật máy tính;
khoa học máy tính; kỹ thuật phần mềm – mạng máy tính và truyền thông); Kiến thức về hệ điều hành Window; Kiến thức về quản trị Cơ sở dữ liệu; Sử dụng các ứng dụng của Office. Cũng phải lưu ý, đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn
[20] Trần Thị Minh Châu (2018), “Kinh nghiệm thi tuyển công chức của một số nước trên thế giới”, tại địa chỉ: http://caicachhanhchinh.gov.vn/, truy cập ngày 03/07/2018.
là ngoại ngữ hoặc tin học, môn thi nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định hình thức và nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Trong trường hợp này, người dự tuyển không phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn tin học văn phòng. Thông qua nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, cơ quan tuyển dụng sẽ kiểm tra và đánh giá được mức độ kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ của người thi tuyển thuộc lĩnh vực mà người đó sẽ công tác.
1.3.2.3.Về môn ngoại ngữ
Trong thời điểm hiện nay khi thế giới đang từng bước tiến sâu vào nền kinh tế tri thức, Việt Nam đang vừa phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa từng bước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu thì một điều không thể phủ nhận là năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của công chức đã trở thành một nhu cầu cấp bách. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của ngoại ngữ, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 nhằm giúp Việt Nam đạt được một bước tiến bộ rõ rệt về trình độ và năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhằm biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.
Nhằm mục đích bảo đảm hợp tác quốc tế, quan hệ quốc tếcũng như làm việc trong môi trường quốc tế, công chức cần phải có kỹ năng ngôn ngữ để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Về cách thức, thí sinh thi viết hoặc thi vấn đáp 01 bài một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ nếu có một trong các điều kiện sau: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; hoặc, có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
Đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số, việc thi môn ngoại ngữ được thay thề bằng thi tiếng dân tộc thiểu số. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định hình thức và nội dung thi tiếng dân tộc thiểu số.
1.3.2.4.Về môn tin học văn phòng
Đây là một trong những môn thi bắt buộc, bởi lẽ khoa học công nghệ ngày càng phát triển và bộc lộ nhiều ưu điểm khi ứng dụng vào trong công việc, đòi hỏi các ứng viên phải thành thạo kỹ năng tin học văn phòng. Về cách thức thi, ứng viên sẽ thi thực hành trên máy hoặc thi trắc nghiệm 01 bài theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.
Thí sinh sẽ được miễn thi môn tin học văn phòng trong trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Có thể thấy rằng, các môn thi tuyển công chức là những môn căn bản, yêu cầu người tham gia dự tuyển phải có kiến thức tổng hợp, chuyên môn nghiệp vụ được tích lũy trong quá trình đào tạo và phải biết và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, tin học văn phòng để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
1.3.3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về tuyển dụng công chức:
Mỗi vị trí tuyển dụng có yêu cầu về nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi môn nghiệp vụ dẫn đến đề thi tuyển dụng công chức thường không sát với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Có một số ngành, địa phương yêu cầu tuyển dụng cần có bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá thì đa phần đối tượng dự tuyển tốt nghiệp ở các trường ngoài công lập, hình thức đào tạo không chính quy đủ tiêu chuẩn tham dự; còn các đối tượng có bằng tốt nghiệp loại trung bình ở các trường công lập, hình thức đào tạo chính quy lại không đủ tiêu chuẩn tham dự do cách cho điểm, đánh giá và các hình thức đào tạo ở các trường là khác nhau. Một số địa phương đã có quy định khác với văn bản cấp trên như không tuyển dụng người tốt nghiệp trường dân lập hoặc hệ vừa học vừa làm và ưu tiên người có hộ khẩu thường trú tại địa phương là trái với quy định pháp luật hiện hành.
Nhiều địa phương, bộ, ngành cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế thực sự thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc tại địa phương, đơn vị cơ sở. Điều này dẫn đến chất lượng công chức giữa các tỉnh, thành phố, vùng miền trong cả nước không đồng đều. Đặc biệt đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.