Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TỪ THỰC TIỄN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.3. Thực trạng thực hiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội (từ năm 2013 – 2017)
2.3.2. Điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành công chức của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội
Để được làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân, đặc biệt là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, các ứng viên dự tuyển cần những yêu cầu về điều kiện mang tính đặc thù như sau:
Thứ nhất, điều kiện, yêu cầu về cư trú
Trong thông báo tuyển dụng ngành kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội năm 2014 có yêu cầu thí sinh dự tuyển phải là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống tại Việt Nam. Một điều kiện được áp dụng riêng đối với nữ giới, là phải có Hộ khẩu thường trú tại Hà Nội ít nhất từ đủ 01 năm trở lên kể từ ngày ra thông báo thi tuyển. Quy định này có nhiều ý kiến trái chiều vì được cho rằng có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Từ năm 2015, quy định trên đã được bãi bỏ đối với phạm vi của điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển. Quy định về hộ khẩu tại Hà Nội đối với người tham gia dự tuyển nữ giới không còn là biện pháp để từ chối tiếp nhận hồ sơ dự tuyển công chức.
Thứ hai, điều kiện, yêu cầu về phẩm chất và đạo đức
Tất cả các thông báo tuyển dụng của cơ quan nhà nước nói chung và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng đều yêu cầu ứng cử viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Để xác định được tiêu chí này, cơ quan tuyển dụng thường căn cứ vào quá trình học tập và làm việc cũng như lý lịch tư pháp của người đó. Nếu người ứng tuyển là Đảng viên thì việc xem xét tiêu chí này sẽ dễ dàng hơn căn cứ vào hồ sơ kế nạp Đảng và quá trình tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phẩm chất chính trị, đạo đức sẽ được thể hiện qua hành động cũng như lời nói không trái với quan điểm đường lối chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Về nguyên tắc, để xác định được phẩm chất và đạo đức của người tham gia thi tuyển công chức, Hội đồng tuyển dụng cần sử dụng phương pháp điều tra xã hội học tại nơi cư trú, nới làm việc và nơi học tập của ứng cử viên. Tuy
nhiên, trên thực tế, các tiêu chí này thường được xem xét mặc định dựa trên sơ yếu lý lịch tự khai trong hồ sơ ứng tuyển của các ứng viên.
Thứ ba, điều kiện, yêu cầu về đăng k dự tuyển
Người dự tuyển công chức có đơn xin dự tuyển, cụ thể là Phiếu đăng ký dự tuyển công chức. Đây được coi như tài liệu tóm tắt thông tin lý lịch của người dự thi cũng như bản liệt kê danh sách các giấy tờ có trong hồ sơ dự tuyển. Kèm theo đó, người dự thi phải có cam kết làm việc lâu dài, tự nguyện làm việc tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội theo Quyết định phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Việc yêu cầu các thí sinh ứng tuyển phải cam kết nội dung nêu trên, một mặt xác định được định hướng nghề nghiệp và mong muốn làm việc của thí sinh, đồng thời có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như phân bổ số lượng chỉ tiêu công chức cho các đơn vị hành chính trong thành phố Hà Nội.
Thứ tư, điều kiện, yêu cầu về sức khỏe, thể hình và độ tuổi
Trong tất cả các thông báo tuyển dụng công chức của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 2014 đến năm 2017 đều yêu cầu thí sinh dự tuyển phải có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển. Giấy khám sức khỏe thi công chức phải đúng theo mẫu quy định của Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/05/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe. Yêu cầu về điều kiện sức khỏe là yêu cầu cơ bản được áp dụng cho tất cả các thí sinh tham gia thi tuyển công chức vào cơ quan nhà nước, không chỉ riêng đối với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Việc yêu cầu thí sinh có đủ sức khỏe là điều kiện tiên quyết và bắt buộc về mặt thể chất, xác định khả năng thực hiện hiện được hoạt động công vụ hay không.
Đồng thời, ứng cử viên phải đáp ứng các điều kiện về chiều cao, cân nặng và các yếu tố về hình thể khác. Cụ thể là, về chiều cao, nam giới phải cao từ 1,60m trở lên và nữ giới phải cao từ 1,55m trở lên. Về cân nặng, từ 50kg trở lên đối với nam giới và từ 45kg trở lên đối với nữ giới. Ngoài ra, ứng viên dự tuyển không bị dị hình, dị tật, khuyết tật, nói ngọng, nói lắp. Rõ ràng, môi trường làm việc của công chức ngành kiểm sát rất đa dạng, chịu nhiều áp lực cũng như phải tiếp xúc thường với các cơ quan, tổ chức và cá nhân, do đó người thi tuyển công chức làm nghiệp vụ kiểm sát cần phải có thể trạng đạt yêu cầu, ngoại hình ưa nhìn, khả năng thích ứng cao, tác phong nhanh nhẹn và khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tốt là những điều kiện xem xét bắt buộc.
Thêm nữa, người dự tuyển vị trí công chức làm nghiệp vụ kiểm sát có tuổi đời từ đủ 18 tuổi cho đến không quá 30 tuổi, áp dụng đối với cả nam giới và nữ giới.
Việc tuyển dụng công chức của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đang hướng tới xây dựng đội ngũ công chức trẻ vì đây là những đối tượng năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng, đổi mới phong cách làm việc, ứng xử, giao tiếp, biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc. Trong khi đó, đối với vị trí công chức kế toán và công nghệ thông tin cũng quy định tương tự nhưng lại có mở rộng độ tuổi lên đến không quá 35 tuổi, với điều kiện phải có thời gian công tác liên tục trong ngành kiểm sát từ đủ 05 năm trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyển dụng. Việc quy định như vậy cũng phù hợp với thực tế công việc của các công chức kế toán và công nghệ thông tin vì các đối tượng này thuộc nhóm nhân viên văn phòng, không phải di chuyển nhiều nên độ tuổi sẽ được mở rộng hơn. Mặt khác việc yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu 05 năm nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người trúng tuyển sẽ dễ dàng đảm nhiệm được công việc và không mất chi phí đào tạo cho đội ngũ này.
Thứ năm, điều kiện, yêu cầu về lý lịch nhân thân
Người dự tuyển thi công chức phải có lý lịch rõ ràng, được xác định qua Sơ yếu lý lịch ở địa phương và Phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời, ứng viên dự thi không thuộc vào các trường hợp đã có tiền án, tiền sự, trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, người dự tuyển không phải là người đã bị cơ quan khác kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, không vi phạm các quy định của Quy chế về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-BCSĐ ngày 01/04/2008 của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, năm 2017, thông báo tuyển dụng công chức của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội không còn xem xét lý lịch nhân thân của ứng viên theo Quy chế về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân, thay vào đó là quy định thí sinh dự tuyển không vi phạm quy định của Ngành về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Quy định này phù hợp với thực tiễn bởi lẽ người dự tuyển có thể xuất thân từ các đơn vị khác nhau.
Thứ sáu, điều kiện, yêu cầu về bằng cấp
Người thi tuyển công chức làm nghiệp vụ kiểm sát phải đã tốt nghiệp chương trình Cử nhân luật hệ chính quy do các cơ sở đào tạo, cụ thể là Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh hoặc Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến thời điểm ra thông báo tuyển dụng. Đối với xếp loại bằng, năm 2014 và năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu nam giới tốt nghiệp từ loại trung bình trở lên, trong khi đó yêu cầu nữ giới phải tốt nghiệp từ loại khá trở lên, kể cả đã có bằng Thạc sỹ Luật. Tuy nhiên, đến năm 2016 và 2017, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã sửa đổi đối với các trường hợp bằng tốt nghiệp là Cử nhân Luật văn bằng 2 nhưng với điều kiện là bằng tốt nghiệp (cả văn bằng 1 và văn bằng 2) phải thuộc hệ Chính quy công lập và tốt nghiệp từ loại Khá trở lên, áp dụng cho cả nam giới và nữ giới.
Nếu như công tác tuyển dụng công chức năm 2014 và 2015 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chỉ yêu cầu người dự tuyển làm nghiệp vụ kiểm sát có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B và chứng chỉ Tin học văn phòng trình độ B thì việc tuyển dụng công chức năm 2016 và 2017 đã chặt chẽ hơn, quy định phù hợp với các yêu cầu đặt ra của thực tiễn, cụ thể là phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương trình độ A2 hoặc trình độ B trở lên) và có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/03/2014 của Bộ thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (tương đương trình độ B trở lên).
Đối với công chức kế toán, phải tốt nghiệp loại trung bình khá trở lên hệ chính quy công lập về chuyên ngành Kế toán, tài chính; còn đối với công chức công nghệ thông tin phải tốt nghiệp loại trung bình khá trở lên hệ chính quy công lập về chuyên ngành công nghệ thông tin. Trường hợp các ứng viên dự tuyển vào 02 vị trí nêu trên nhưng đã có thời gian công tác liên tục trong ngành kiểm sát từ đủ 05 năm trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyển dụng thì bằng cấp là tốt nghiệp Đại học chính quy, không phân biệt là hệ công lập hay dân lập.