Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TỪ THỰC TIỄN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.2. Những quy định pháp luật đối với việc tuyển dụng công chức của Viện kiểm sát nhân dân
Việc tuyển dụng công chức của Viện kiểm sát nhân dân, một mặt phải tuân thủ các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 13/11/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng quản lý công chức và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/03/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;đồng thời, trong quá trình tuyển dụng công chức Viện kiếm sát nhân dân phải thực hiện theo các quy định của ngành.
Ngày 05/04/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy định về tuyển dụng công chức trong ngành kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 136/QĐ-VKSTC-V9. Văn bản này đã quy định nhiều điểm mới về công tác tuyển dụng công chức trong Ngành như quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng; quy định về việc tuyển dụng theo từng kì trong năm, quy định về việc kiểm tra,
sát hạch và tính điểm trong xét tuyển công chức; quy định về Ban giám sát tuyển dụng và những vấn đề liên quan khác.
Trong quá trình áp dụng quy định nêu trên, đã bộc lộ một số bất cập trong công tác tuyển dụng công chức ngành kiểm sát. Để khắc phục kịp thời những hạn chế này, ngày 25/08/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 494/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/09/2016 (gọi tắt là Quy chế năm 2016). Quyết định nay thế Quy định về tuyển dụng công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 136/QĐ-VKSTC-V9 ngày 05/04/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy định năm 2013).
Theo đó, Quy chế năm 2016 có những điểm mới so với Quy định năm 2013, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về mục đích và yêu cầu
Theo quy chế năm 2016, mục đích cốt lõi của công tác tuyển dụng công chức là nhằm tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, sức khỏe, lý lịch rõ ràng vào làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân. Để thực hiện được mục đích nêu trên, Quy chế năm 2016 cũng nhấn mạnh các yêu cầu trong công tác tuyển dụng công chức phải bảo đảm khách quan, công bằng, khoa học, phù hợp vị trí việc làm theo đúng quy định.
Thứ hai, về nguyên tắc tuyển dụng
Bên cạnh 04 nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Điều 5 Quy chế năm 2016 còn quy định nguyên tắc trong tuyển dụng công chức của ngành Kiểm sát là: Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển phải có sự giám sát của Ban giám sát. Điều này cho ta thấy sự cần thiết và vai trò của Ban giám sát nhằm góp phần đảm bảo công tác tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật. Quy định năm 2013 cũng đã quy định việc thi tuyển, xét tuyển có sự giám sát của Ban giám sát. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định thành nguyên tắc mà chỉ quy định ở các nội dung cụ thể của công tác tuyển dụng và trong Phụ lục kèm theo (Điều 22, Điều 23 Quy định và Điều 18, Điều 26 Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Quy định năm 2013). Như vậy, có thể thấy rằng Quy chế năm 2016 đã hướng tới sự hoàn thiện trong việc tuyển dụng công chức, hướng tới cơ chế đảm bảo việc thực thi pháp luật tuyển dụng công chức ngành Kiểm sát có hiệu quả hơn.
Thứ ba, về hồ sơ đăng k dự tuyển
Điều 8 của Quy chế năm 2016 quy định thành phần hồ sơ đăng ký dự tuyển không có phiếu lý lịch tư pháp, mà Phiếu lý lịch tư pháp chỉ đặt ra đối với những người được công nhận kết quả trúng tuyển. Khoản 1 Điều 24 Quy chế năm 2016 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo công nhận kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải đến Viện kiểm sát nhân dân nơi đăng k tuyển dụng để bổ sung phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp và hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh, tiết kiệm thời gian và cắt giảm các chi phí cho việc làm hồ sơ thi tuyển. Đây cũng là một trong những hoạt động giảm thiểu thủ tục hành chính góp phần cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chễ về các yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyển dụng công chức của ngành.
Thứ tư, về sự ưu tiên trong tuyển dụng
Điều 9 của Quy chế năm 2016 bỏ đối tượng ưu tiên là Con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa. Đây là quyết định khá phù hợp với thực tiễn vì tính đến thời điểm này, các đối tượng nêu trên cũng đã đến hoặc qua tuổi nghỉ hưutheo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Quy chế năm 2016 còn bổ sung đối tượng ưu tiên là: Người có Bố nuôi, Mẹ nuôi (được pháp luật công nhận) là công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân (kể cả những người đã nghỉ việc hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội hoặc đã chết). Đây là một trong những quy định mới nhằm khuyến khích những đối tượng này bởi vì họ được nuôi dưỡng và giáo dục trong một môi trường pháp lý, có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng và đạo đức của cán bộ ngành kiểm sát.
Thứ năm, về thẩm quyền tuyển dụng
Điều 10 của Quy chế năm 2016 bổ sung quy định thẩm quyền tuyển dụng của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để phù hợp với cơ cấu tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và bỏ nội dung quy định về thẩm quyền của Phòng Tổ chức cán bộ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Việc bỏ nội dung nay phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tổ chức cán bộ với vị trí, vai trò là đơn vị tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng.
Thứ sáu, về hình thức tuyển dụng
Mục 1 Điều 11 của Quy chế năm 2016 quy định: Việc tuyển dụng được thực hiện không quá 02 kỳ trong một năm. Trong khi đó, theo Quy định năm 2013 thì việc tổ chức tuyển dụng phải được thực hiện theo từng kỳ, mỗi Viện kiểm sát nhân
dân cấp tỉnh tuyển dụng tối đa 03 kỳ trong một năm, mỗi kỳ cách nhau ít nhất 3 tháng. Quy chế năm 2016 không quy định khoảng cách giữa các kỳ tuyển dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp có thẩm quyền tuyển dụng chủ động được thời gian tổ chức tuyển dụng phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị mình.
Thứ bảy, về Hội đồng tuyển dụng công chức
Nếu như ở Quy định năm 2013 quy định chung về thành phần cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển dụng các cấp, thì Quy chế năm 2016 đã quy định riêng phù hợp với thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác tuyển dụng, cụ thể: Tại Điều 12 Quy chế, Mục 1 quy định về Hội đồng tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mục 2 quy định về Hội đồng tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Quy chế năm 2016 cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển dụng công chức là Tổ chức sơ tuyển, quy định này đã khắc phục được bất cập của Quy định năm 2013. Quy định năm 2013 không quy định về nội dung sơ tuyển trong công tác tuyển dụng, điều này là không hợp lý, bởi, một trong những điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển là hình thức của người dự tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với vị trí được tuyển dụng trong ngành kiểm sát như (chiều cao, cân nặng, giọng nói, không bị dị hình, dị tật,...). Vì vậy, thông qua sơ tuyển giúp Hội đồng tuyển dụng bước đầu xem xét, đánh giá và lựa chọn được những ứng viên tham gia dự tuyển. Việc không quy định công tác sơ tuyển thành nội dung chính thức trong Quy định năm 2013 đã dẫn đến sự lúng túng trong việc tổ chức sơ tuyển trong công tác tuyển dụng, thực hiện không thống nhất, có đơn vị thì do Hội đồng tuyển dụng công chức tiến hành trong quá trình tổ chức tuyển dụng, có đơn vị lại giao cho Phòng Tổ chức cán bộ thực hiện ngay trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đảm nhiệm việc sơ tuyển.
Thứ tám, về các môn thi, hình thức thi, đề thi và đáp án
Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ hoặc tin học, môn thi nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định hình thức và nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Trong khi, theo Quy định năm 2013 thì do người có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.
Ngoài các ngoại ngữ là tiếng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc và ngoại ngữ khác theo yêu cầu của Quy định năm 2013 thì Quy chế năm 2016 bổ sung thêm tiếng dân tộc thiểu số. Nội dung này phù hợp và thống nhất với Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 13/11/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng quản lý công chức cũng như nhằm hướng tới việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, bảo đảm thực thi có hiệu quả trong quá trình thực hiện công vụ.
Điều chỉnh điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ đối với người có bằng tốt nghiệp về ngoại ngữ là phải có bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ trở lên. Điều chỉnh điều kiện miễn thi môn tin học trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là môn tin học đối với người có bằng tốt nghiệp về tin học là người đăng ký dự tuyển công chức có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Thứ chín, về tổ chức xét tuyển và thông báo kết quả
Trong khi Quy định năm 2013, việc xây dựng đề phỏng vấn do Ban kiểm tra sát hạch xây dựng và Chủ tịch Hội đồng xét tuyển xem xét, lựa chọn theo Điều 18 của Quy chế năm 2016 thì câu hỏi và đáp án dùng trong xét tuyển do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp. Do đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm tra sát hạch theo Quy chế năm 2016 cũng có sự thay đổi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của Hội đồng tuyển dụng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao niêm yết công khai kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển, danh sách dự kiến người trúng tuyển tại trụ sở làm việc và trên trang thông tin điện tử của Ngành; gửi thông báo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển bằng văn bản tới Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để niêm yết công khai tại trụ sở làm việc và thông báo đến người dự tuyển. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân cần tuyển dụng, người dự tuyển có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển.
Việc niêm yết công khai kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển không chỉ được niêm yết tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân cần tuyển dụng mà còn phải niêm yết tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chỉ quy định việc công khai trên trang thông tin điện tử của Ngành.
Thứ mười, về thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch và Ban giám sát
Điều 27 của Quy chế năm 2016 chỉ rõ, Hội đồng kiểm tra, sát hạch do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập, bao gồm 05 07 thành viên, trong
đó Chủ tịch Hội đồng là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công chức thuộc Vụ Tổ chức cán bộ.
Điều 18 của Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quy chế năm 2016 quy định thành phần Ban giám sát tuyển dụng công chức tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có 05 thành viên, bao gồm Trưởng Ban là đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Phó Trưởng Ban là đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
Các thành viên khác gồm 01 công chức của Vụ Tổ chức cán bộ, 01 đại diện lãnh đạo công đoàn và 01 công chức làm công tác Thanh tra của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hoặc cấp tỉnh.
Như vậy, Quy chế năm 2016 quy định cụ thể hơn về thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch cũng như Ban giám sát và có thay đổi về cơ cấu thành viên tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh so với Quy định năm 2013.
Qua các điểm mới nêu trên có thể thấy rằng, Quy chế tuyển dụng công chức năm 2016 đã có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, không chỉ về mặt bố cục mà còn chú trọng hơn đến cả nội dung. Về mặt bố cục, Quy chế năm 2016 đã bổ sung thêm Phụ lục số 2 liên quan đến Cách tính điểm tín chỉ. Quy định năm 2013 chưa đề cập đến vấn đề này, do đó, việc tính điểm xét tuyển đối với các thí sinh được đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong quá trình tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị tổ chức tuyển dụng phải tự tìm hiểu các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan để áp dụng, do vậy khó tránh khỏi việc áp dụng không đúng hoặc không thống nhất. Việc quy định thêm Phụ lục này trong Quy chế năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho trong công tác xét tuyển, đồng thời, tạo sự áp dụng một cách thống nhất trong công tác tuyển dụng trong toàn Ngành. Ngoài ra, Quy chế năm 2016 cũng đã bổ sung thêm mẫu lý lịch tự khai đăng ký dự tuyển công chức, giúp thí sinh dự thi sử dụng mẫu đăng ký một cách thống nhất. Về mặt nội dung, Quy chế năm 2016 đã quy định đầy đủ và bổ sung nhiều nội dung chi tiết hơn nhằm khắc phục được những điểm còn bất cập trong Quy định năm 2013, cụ thể như nguyên tắc tuyển dụng, hồ sơ đăng ký dự tuyển, ưu tiên trong tuyển dụng, thẩm quyền tuyển dụng, hội đồng tuyển dụng công chức, nội dung và hình thức thi tuyển,tổ chức xét tuyển và thông báo kết quả, thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch và Ban giám sát,…Quy chế năm 2016 có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn chi tiết
cũng như thi hành và áp dụng các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức một cách thống nhất, khả thi và hiệu quả, giúp nâng cao việc triển khai công tác tuyển dụng được nhanh chóng và giảm thiểu chi phí tuyển dụng.