Kết quả hoà giải thành

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật về phương thức hòa giải các tranh chấp thương mại ở Việt Nam (Trang 49 - 53)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ HOÀ GIẢI NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ HOÀ GIẢI

1.3. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại của một số nước trên thế giới

2.1.6. Kết quả hoà giải thành

Theo Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, nếu các bên hoà giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hoà giải thành. Văn bản này có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Trong văn bản phải ghi rõ một số nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ- CP như căn cứ tiến hành hòa giải, thông tin cơ bản về các bên, nội dung chủ yếu của vụ việc, thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện, các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật và phải có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại.

Ngoài ra, một trong các nghĩa vụ của các bên là phải thi hành kết quả hoà giải thành (Điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Về nguyên tắc, theo Điều 16 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, văn bản hoà giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để được công nhận kết quả hoà giải thành, ít nhất một trong các bên phải có đơn yêu cầu Toà án công nhận thoả thuận, yêu cầu phải được gửi đến Toà án trong vòng 06 tháng kể từ ngày hoà giải thành (Khoản 1 Điều 418 BLTTDS 2015).

Quyết định công nhận hoà giải thành ngoài Toà án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự (Khoản 8, 9 Điều 419 BLTTDS 2015).

Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án (Khoản 6 Điều 419 BLTTDS 2015).

Nếu không hoà giải được, các bên có quyền tiếp tục hoà giải hoặc đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án (Khoản 4 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Đối với quy định về xem xét công nhận hoà giải thành, pháp luật chỉ quy định trường hợp các bên tiến hành hoà giải theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP, văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đồng thời, kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận. Hiện tại pháp luật chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về khái niệm “xem xét” trong trường hợp này. Câu hỏi được đặt ra là “xem xét” có nghĩa là có bắt buộc hay không, các bên với sự trợ giúp của hoà giải viên thương mại và đạt được thoả thuận, các bên có bắt buộc phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án theo quy định mới của BLTTDS 2015 hay không.

Với sự ra đời quy định mới của BLTTDS 2015, ngày 05/5/2017, Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản số 1503/BTP-PBGDPL hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở, theo đó thì việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu. Tuy nhiên, các tranh chấp về thương mại không thuộc phạm vi áp dụng của Luật hoà giải ở cơ sở và do vậy, không thuộc đối tượng điều chỉnh của công văn nói trên.

Về góc độ cá nhân, tôi cho rằng, dựa trên tinh thần của BLTTDS 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về việc chuyên nghiệp hoá hoà giải khi mà hòa giải thương mại đã được coi là một biện pháp hiệu quả được ưa chuộng và phổ biến ở nhiều nước và đều đã có khung pháp lý điều chỉnh loại hình này, BLTTDS 2015 cũng như Nghị định 22/2017/NĐ-CP vẫn giữ bản chất cốt yếu của hoà giải là “sự tự nguyện, tự do” trong thoả thuận và đã phát huy ưu điểm của phương thức hoà giải nhằm tối đa hoá hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu nhất, hướng xã hội đến một thông lệ tiên tiến hơn,

thuận tiện hơn. Do vậy có thể hiểu “xem xét” có nghĩa là các bên có quyền nhưng không có nghĩa vụ. Các bên nếu đạt được thoả thuận và có văn bản về kết quả hoà giải thành, có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu Toà án công nhận.

Nếu yêu cầu và được công nhận, kết quả này sẽ được thi hành ngay thông qua quyết định công nhận kết quả hoà giải thành và không thể kháng cáo, kháng nghị. Nếu không yêu cầu công nhận hay quá thời hiệu, thời hiệu để yêu cầu Toà án công nhận là 6 tháng kể từ ngày các bên đạt được thoả thuận, vậy nếu quá thời hiệu nói trên, các bên có được tiến hành hoà giải lại để yêu cầu công nhận lại hay không. Nghị định 22/2017/NĐ-CP không có quy định về vấn đề này mà chỉ có quy định với trường hợp không thoả thuận được các bên có quyền tiếp tục hoà giải hoặc đưa vụ tranh chấp đến giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Đối với quy định về vấn đề trùng lặp phạm vi xem xét khi công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án, một trong những nguyên tắc của hoà giải quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP là nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba, nói cách khác, một kết quả hoà giải thành theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP là kết quả mà nội dung của kết quả đó không vi phạm các điều cấm nói trên và hoà giải viên là người sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các bên thoả thuận để đảm bảo nguyên tắc này. Tuy nhiên, khi đưa kết quả hoà giải công nhận tại Toà án, theo quy định của BLTTDS 2015, Toà án sẽ có thời gian xét đơn yêu cầu, cụ thể, Toà án sẽ xem xét thoả thuận đó có đáp ứng đủ các điều kiện để được công nhận hay không, trong đó bao gồm điều kiện nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Có thể thấy việc xem xét nội dung này của Toà án đã trùng lặp phạm vi khi

hoà giải thương mại bởi hoà giải viên, có nghĩa là nội dung của thoả thuận được xem xét hai lần, lần đầu được đảm bảo bởi hoà giải viên, lần thứ hai được kiểm chứng lại bởi Toà án. Trên tinh thần hỗ trợ Toà án và với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, việc xem xét này vô hình chung trở nên không cần thiết khi quá trình hoà giải viên hoà giải cho các bên đã phải đảm bảo nguyên tắc này, đồng thời cũng gây mất thêm thời gian cho Toà án. Mặt khác, quy định này cũng khiến hoà giải viên không tích cực, không có tinh thần trách nhiệm trong việc hoà giải mà ỷ lại rằng Toà án sẽ xem xét lại thoả thuận và nếu có nội dung nào chưa ổn hay không đúng, Toà án sẽ không ra quyết định công nhận và do đó mà có suy nghĩ “chỉ làm cho xong” và kết quả là lại dồn khối lượng công việc lên Toà án, trong khi một trong những hiệu quả tích cực mang lại mà chúng ta hướng đến khi luật hoá hoạt động hoà giải thương mại và công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án đó là giảm thiểu áp lực lên Toà án.

Đối với quy định về thời hiệu khởi kiện khi Toà án không công nhận kết quả hoà giải thành, nếu các bên khởi kiện theo nội dung kết quả hoà giải thì áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định BLTTDS 2015. Nếu các bên khởi kiện theo nội dung tranh chấp ban đầu thì thời gian từ thời điểm hoà giải bởi hoà giải viên cho đến thời điểm Toà án có quyết định không công nhận kết quả hoà giải có được trừ khi tính thời hiệu khởi kiện hay không.

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật về phương thức hòa giải các tranh chấp thương mại ở Việt Nam (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)