Ý nghĩa lý luận của tư tưởng giáo dục Khổng Tử

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của khổng tử và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 97 - 104)

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC KHỔNG TỬ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ

2.2. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC KHỔNG TỬ

2.2.1. Ý nghĩa lý luận của tư tưởng giáo dục Khổng Tử

Văn hóa nói chung và giáo dục nói riêng có sự tiếp thu và kế thừa trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, là kết quả của sự phản ánh tâm lý xã hội cũng như tâm tư tình cảm của nhân dân lao động trong xã hội. Khổng Tử là người đầu tiên đã có công tập hợp chúng lại, Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, còn được gọi là Nho học, đã trở thành những viên gạc đầu tiên xây dựng lên lý luận giáo dục cho nhân loại nói chung. Ông đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng và lâu dài đối với giáo dục của Trung Quốc. Dưới tác động của nó, giáo dục Trung Quốc đã hình thành và phát triển theo hướng nhân cách hóa, đặt con người vào trung tâm của quá trình giáo dục. Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử tôn vinh nhân cách con người và đặt sự tự trọng lên cao. Ông khuyến khích việc tự tìm hiểu, tự rèn luyện và xây dựng tinh thần độc lập và tự tin trong mỗi cá nhân.

Người đời sau của Khổng Tử đã áp dụng tư duy giáo dục của ông theo nhiều cách khác nhau, từ đó tư duy giáo dục của Khổng Tử hưởng đến phương pháp giảng dạy và quy trình học tập trong giáo dục, nó cũng bám rễ trong đời sống xã hội Trung Quốc cổ đại. Quan niệm giáo dục của Khổng Tử còn ảnh hưởng đến triết lý và quy tắc quản lý trong giáo dục Trung Quốc sau này, Nó đề

cao tinh thần tôn trọng người thầy, sự kính trọng truyền thống, và sự đoàn kết trong xã hội.

Khổng Tử là người thầy vĩ đại thời Xuân Thu, được đông đảo học trò các nơi theo học tập, kính cẩn gọi ông là “Tiên Sư”. Học trò của ông đông đến ba ngàn người, trong đó có bảy mươi hai người nổi tiếng trong lịch sử (thất thập nhị hiền), đây là một con số hiếm thấy trong lịch sử giáo dục, tác giả Đỗ Uy đã so sánh đạo hạnh của Khổng Tử với một trường đại học ngày nay “với sức lực của một người, hoàn thành được một nhiệm vụ dạy học của trường Đại học với khóa bốn năm quy mô loại vừa, trong đó bồi dưỡng được bẩy mươi hai nghiên cứu sinh”, học trò của Khổng Tử từ mọi nơi tề tựu về:

“Sau tốt nghiệp lại phân tán đến các địa phương một cách tự nguyện, không đợi phân phối. Song những đệ tử của Khổng Tử không vì nền chính trị đương thời mà cống hiến, mà còn làm một cơ sở văn hóa truyền thống Trung Quốc là tôn trọng người thầy” (Lý Tường Hải, 2007, tr.359).

Sở dĩ Khổng Tử làm được điều “vô tiền khoáng hậu” trong giáo dục như vậy, vì ông luôn ý thức được sứ mệnh cũng như thiên chức cao quý của một người thầy, sứ mệnh cạo cả đó là truyền bá cho người học đạo làm người và chuẩn bị lực lượng trí thức cho xã hội. Với những cống hiến không ngừng, Khổng Tử được coi một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không chỉ riêng của Trung Hoa mà còn cả thế giới.

Trong sự nghiệp giáo dục của Khổng Tử đã xác lập được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, từ đó tư tưởng giáo dục của Khổng Tử làm tiền đề cho thế hệ sau của ông kế thừa và phát huy. Hệ thống hoàn chỉnh đó bao gồm: cơ sở giáo dục là trường học tư nhân do Khổng Tử tự mình thành lập để dạy học; tài liệu dành cho giảng dạy cũng được Khổng Tử tự mình biên soạn và chỉnh lý cho phù hợp với phong cách dạy học của mình, đó là các kinh sách: Kinh dịch, kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh nhạc, Kinh thi, bộ sách Xuân Thu, về các môn học có lục nghệ

(lễ nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thơ (viết chữ), số (toán pháp), về đối tượng giảng dạy thì có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng.

Về vai trò của giáo dục: Ông cho rằng học rất quan trọng đối với cá nhân và xã hội, là cứu cánh cho xã hội tốt đẹp hơn, học giúp mở mang kiến thức, cải tạo xã hội tốt hơn, và để làm quan, ông không dạy các môn như: nông nghiệp, quân sự, võ nghệ.

Về mục tiêu của giáo dục: ông mong muốn truyền bá đạo của tiên vương, và tông pháp nhà Chu, ông hướng đến giáo dục toàn dân, và đào tạo ra lớp người quân tử làm nòng cốt xây dựng nên xã hội tốt đẹp.

Đối với người dạy học: Khổng Tử đặt ra yêu cầu về người dạy học không biết chán, không biết mệt mỏi; giữ cái tâm nghề giáo trong sáng, kiên nhẫn chỉ dạy từng chút một, coi học trò như con cháu trong nhà. Tư tưởng giáo dục về người học và thái độ học tập: Phải giữ được tinh thần học tập đúng đắn; phải có tinh thần cầu tiến trong học tập và thái độ yêu mến kiến thức coi nó như sinh mạng; phải giữ tư tưởng kiên trì trong việc học tập và theo đuổi tri thức.

Về hương pháp giáo dục: Khổng Tử đề ra phương pháp giáo dục tùy theo năng lực nhận thức, sở trường của người học mà dạy, linh hoạt phát huy thế mạnh của học trò; nêu gương tốt cho học trò noi theo, bản thân người thầy phải trung thực; thường xuyên ôn luyên, ôn tập kiến thức cũ để biết điều mới; lập chí kiên trì học tập, chú trọng thực hành; học phải chuyên tâm suy ngẫm, chú tâm vào học tập; học hỏi người xung quanh, có thể được những bài học bổ ích.

Dựa trên cơ sở hệ thống giáo tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, các thế hệ sau của ông đã lấy đó làm tiền đề cho mình mà mở trường dạy học, có thể thấy nhờ hệ thống về giáo dục của Khổng Tử mà Nho giáo đã nhanh chóng được lưu truyền đi khắp lãnh thổ Hoa Hạ và trở thành quốc giáo của các thời kỳ phong kiến Trung Quốc. Với sự phát triển mạnh mẽ của Nho giáo ở Trung Hoa thời phong kiến, từ đó Nho giáo và tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đã du nhập Sang các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Khổng Tử đã cho người đời sau thấy tư tưởng cống hiến của mình, biết không làm được mà vẫn làm, với mong muốn lấy giáo dục để sửa đổi đạo đức xã hội qua đó khiến xã hội thịnh trị. Từ khi làm quan ở nước Lỗ, Khổng Tử đã kiến quyết thực hành đức trị và lễ trị. Ông thẳng tay trừng trị những hành vi không chính danh của quan lại trong nước, thi hành chính đạo khiến cả nước thái bình.

Khi phải bôn ba tìm chốn thi hành chính trị của mình, Khổng Tử vẫn lấy phương châm tuân theo lý thuyết mình đặt ra mà sống hiên ngang. Cũng vì có phần cá tính và cứng nhắc nên ông không được các nước chư hầu trọng dụng, một vài lý do khiến Khổng Tử không được trọng dụng đó là:

Thứ nhất, bị các thế lực trong nước phản đối và nước khác ly gián: Thời Khổng Tử sống, quyền lực được tập trung vào các thế lực địa phương có tính chất chuyên quyền, các nhóm danh gia thế tộc không muốn bị chia sẻ quyền lực và quyền lợi ra bên ngoài, ví như tại nước Lỗ các thế lực chính trị lớn mạnh, lấn át cả vua Lỗ. Họ không muốn dùng Khổng Tử vì ông xâm phạm đến lợi ích của họ, ông đã từng triệt hạ thành trì của Tam Hoàng nước Lỗ vì xây dựng cao hơn quy định. Khi Khổng Tử từng đến nước Tề, Vua Tề Cảnh Công muốn dùng Khổng Tử làm trung khanh và lấy đất Ni Khê phong cho ông, nhưng bị Án Anh phản đối và đưa ra lý do: “Bọn nhà Nho ngạo mạn, tự cho mình là phải, nên không thể cho họ làm bề tôi” (Nguyễn Khuê, 2012, tr.699).

Hai là, bị nước khác ly gián: Một trong những thủ đoạn chính trị thường thấy ở thời Xuân Thu là ly gián nhằm phá hoại sức mạnh và sự ổn định nước khác. Nước Tề thấy Khổng Tử làm chính sự hiệu quả khiến nước Lỗ trở nên mạnh hơn, Tề cho rằng khi Lỗ mạnh lên sẽ xâm chiếm Tề đầu tiên, vua Tề bèn ly gián Khổng Tử với vua tôi nước Lỗ, bằng cách tặng nước Lỗ nữ nhạc và ngựa tốt, “Họ đem lễ nhạc và ngựa tốt tặng vua Lỗ. Vua Lỗ và Quý Hoàng Tử nhận nữ nhạc của Tề, ba ngày không nghe chính sự. Khổng Tử bỏ đi” (Nguyễn Khuê, 2012, tr.701).

Thứ ba, tư tưởng của Khổng Tử không phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại: Tư tưởng chính trị của ông quá cao xa: Án Anh nước Tề nói “Khổng Tử bày ra những lễ tiết phiền phức, học mấy đời cũng không xong, mất nhiều thời gian mà không thể biết hết lễ” (Nguyễn Khuê, 2012, tr.699). Trong khi xã hội đang kỳ phân giã của hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội loạn lạc chiến tranh thôn tính và sát nhập liên miên, tư tưởng chính trị, kế sách trị nước và binh pháp quân sự mới là học thuyết các chư hầu thời Xuân Thu cần, chứ không phải lễ nghĩa nhà Chu như Khổng Tử truyền bá.

Quan lệnh doãn nước Sở là Tử Tây đưa ra hai lý do không thể sử dụng chính trị của Khổng Tử: một là, nếu dùng Khổng Tử thì ông và môn sinh (đông đến hơn ba ngàn người, nhân tài vô số, không khác gì một nước nhỏ) của ông sẽ là hậu hoạn của sở; hai là, nếu dùng Khổng Tử thì Sở không thể bành trướng.

Tử Tây nói:

“Tổ tiên nước Sở (quan chăn ngựa của nhà Chu) cũng chỉ được nhà Chu phong chức Tử Nam và năm mươi dặm đất… Nếu nhà vua dùng ông ta thì nước Sở làm thế nào mà được đời đời có đất vuông mấy ngàn dặm”

(Nguyễn Khuê, 2012, tr.703).

Tuy vậy, sự nghiệp của Khổng Tử lại rực rỡ sau khi ông tạ thế. Có người, coi triết học giáo dục của Khổng Tử là cuộc cách mạng trong giáo dục. Ông là người đầu tiên mở trường dạy học, từ đây về sau học vấn được phổ biến trong xã hội Trung Hoa. Khổng Tử đã góp phần nâng địa vị của tầng lớp nhân dân lao động lên được tầng lớp sĩ nếu họ học vấn cao và đỗ đạc thi cử.

Khổng Tử được xem là hình tượng đại diện cho nhà giáo: Khổng Tử lấy đạo đức và đức tính làm trọng tâm của giáo dục. Ông coi việc nuôi dưỡng con người trở thành người tốt là mục tiêu cao nhất của giáo dục. Qua việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như hiếu thảo, nhân ái, chính trực, và tôn trọng, người ta có thể đạt đến sự hoàn thiện và đóng góp tích cực cho xã hội.

Ở Việt Nam, nghề giáo luôn được xã hội trân trọng và tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Giáo viên được coi là người có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức, hình thành nhân cách và định hướng tương lai của thế hệ trẻ, người dạy học được coi như là “kỹ sư tâm hồn”. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của họ trong việc tạo dựng, bồi dưỡng và phát triển nhân cách của học sinh. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học, càng đòi hỏi rất cao năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Do tính chất đặc biệt của nhà giáo nên xã hội luôn mong muốn và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp của họ. Nhà giáo được xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh "trồng người" cao cả. Các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn xưa và nay đều đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục.

Phẩm chất đạo đức của nhà giáo được coi đó là thành tố cơ bản, nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Ở phương Đông cổ đại, Nho giáo coi mối quan hệ thầy trò là một trong ba mối quan hệ then chốt của xã hội: quân - thần, sư - đệ, phụ - Tử và yêu cầu “thầy ra thầy”, “trò ra trò”. Triết gia Hy Lạp cổ đại Platon cho rằng: người thợ giày tồi thì quốc gia không quá lo lắm, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày xấu. Nhưng người thầy mà dốt nát, vô luân thì đất nước sẽ xuất hiện những người kém cỏi xấu xa. Nghề dạy học lấy con người làm đối tượng để tác động, làm biến đổi và phát triển nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người học. Các giá trị văn hóa của nhân loại qua bàn tay của người thầy được kết tinh và truyền thụ cho các thế hệ kế tiếp để đào tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Thành quả của quá trình lao động sư phạm là đào tạo ra những con người mới với nhân cách hoàn chỉnh. Đạt được mục tiêu đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng, họ vừa là người thiết kế, vừa là người thi công trong quá trình dạy học. Đạo đức của họ là tấm gương sống để người học noi theo. Đối với người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung, một tấm gương sáng còn hơn trăm bài diễn thuyết.

Hoạt động dạy học được tiến hành bằng nhiều phương thức, trong đó có một phương thức rất đặc biệt là lấy nhân cách tác động đến nhân cách, dùng nhân cách người thầy để cảm hóa học trò. Do vậy, nhà giáo phải là tấm gương mẫu mực, luôn nêu gương về đạo đức để những giá trị tốt đẹp của người thầy được nhân lên trở thành phổ biến ở người học. Đạo đức của họ gắn với đặc trưng của nghề dạy học mang tính chuẩn hóa rất cao, vừa dạy người, vừa dạy chữ, dạy nghề.

Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của họ được duy trì thành nền nếp trong nhà trường dựa trên hệ thống các khuôn phép, quy tắc đạo đức nhằm định hướng, điều chỉnh nhận thức, đánh giá thái độ, hành vi của nhà giáo phù hợp với yêu cầu mô phạm của nghề dạy học.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua ngành giáo dục và xã hội không khỏi bận tâm trước hiện tượng có những giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như bạo hành, lăng mạ học sinh, nhất là những vụ việc bạo hành trẻ em ở một số trường học, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm. Xã hội nhìn nhận, đánh giá không khách quan con người họ, chuyện thị phy đúng sai khó nhìn nhận gây những thương tổn tâm hồn. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là bằng cách nào có thể khơi gợi tinh thần nhà giáo, đó là sử dụng phương pháp nêu gương.

Hình tượng người thầy giáo chân chính của Khổng Tử có tác dụng làm gương trong giáo dục, ông có đức hạnh và phẩm chất đạo đức cao, làm chuẩn mực đạo đức nghề giáo. Từ đó giúp cho mỗi cá nhân nhà giáo soi chiếu vào, qua đó tìm thấy những hạt nhân quý báu nhỏ bé bên trong mình, đó là lý tưởng nghề giáo, từ đó phát huy nó, nuôi dưỡng nó lớn lên, giữ gìn hình tượng nhà giáo như giữ gìn chính tâm hồn mình. Tinh thần nhà giáo dục của Khổng Tử trong sáng và mát lành như dòng suối lành, có tác dụng thanh tẩy những vụn vặt nhỏ nhặt của cuộc sống hiện thực, góp sức cho nhà giáo nói chung đủ sức vượt qua những khó khăn trong con đường nghề nghiệp.

Nhờ Khổng Tử, địa vị của người thầy được xã hội nâng cao, hơn cả địa vị của người cha. Người cha có công dưỡng dục, dạy dỗ con cái, nhưng trong xã hội người dạy đứa trẻ nhiều nhất, người có công vun xới kiến thức, đạo đức của đứa trẻ, đó chính là người thầy, người mang trong mình trọng trách “mười năm trồng cây – trăm năm trồng người”. Khổng Tử là người ý thức rõ sứ mệnh, thiên chức cao quý của một người thầy. Hậu thế đã tôn sùng ông như bậc thầy của muôn đời, bậc “vạn thế sư biểu”, bởi chủ trương, đường lối, mục tiêu, phương pháp giáo dục của ông chứa đựng nhiều giá trị mà người đời sau phải công nhận và học hỏi.

Có thể thấy những đóng góp của Khổng Tử cho lịch sử tư tưởng giáo dục Á Đông nói riêng và nhân loại nói chung là vô cùng to lớn. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế mang tính lịch sử - thời đại nhất định, nhưng đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cho muôn đời sau.

Trên thực tế truyền thống và tinh hoa văn hóa của một dân tộc đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc đó. Qua việc kế thừa, phát huy và sáng tạo từ truyền thống, người ta có thể xây dựng nền văn hóa, kiến thức và giá trị dân tộc độc đáo.

Việc coi trọng và học tập từ các dân tộc khác cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển. Bằng cách học tập và tiếp thu từ kinh nghiệm, thành tựu của các dân tộc khác, một dân tộc có thể mở rộng kiến thức, trau dồi kỹ năng và phát triển một cách sáng tạo. Việc học hỏi và chia sẻ giữa các dân tộc khác nhau giúp tạo ra sự giao thoa và làm giàu cho văn hóa nhân loại.

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của khổng tử và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 97 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)