Lý luận chung về an sinh xã hội

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh long an hiện nay (Trang 24 - 37)

Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ BIỆN CHỨNG GIỮA PHÁT TRIỂN

1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ AN SINH XÃ HỘI

1.1.2. Lý luận chung về an sinh xã hội

Thuật ngữ “an sinh xã hội” đã có quá trình phát triển lâu dài ở Việt Nam. Tuy nhiên rõ nét nhất là sự đề cập của một số học giả ở Sài Gòn nghiên cứu về vấn đề này vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Sau năm 1975, thuật ngữ này được dùng phổ biến hơn trong xã hội và trong các văn bản chính thức vào những năm 90 của thế kỷ XX, được sử dụng phổ biến.

Quan điểm về an sinh xã hội đến nay vẫn còn nhiều yếu tố chưa thống nhất, có nhiều cách hiểu khác nhau, không chỉ ở nước ta, mà còn trên thế giới.

Hiện nay, có hai cách hiểu về an sinh xã hội. Qua nghiên cứu các quan niệm khác nhau của các tổ chức và các nhà khoa học về an sinh xã hội, tác giả luận văn đồng ý với khái niệm của Tổ chức Lao động Quốc tế về an sinh xã hội.

Để tồn tại và phát triển, mỗi con người phải lao động để sản xuất ra của cải vật chất thỏa mãn nhu cầu của bản thân và gia đình, theo C.Mác thì đứa trẻ nào cũng biết rằng bất kể dân tộc nào cũng sẽ diệt vong, nếu như nó ngừng lao động, không phải là một năm, mà chỉ mấy tuần thôi, tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng gặp thuận lợi trong quá trình lao động, những nguy cơ như ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, mất khả năng lao động… luôn có thể tác

động đến con người bất cứ lúc nào. Vì thế, sự cần thiết phải có các biện pháp phòng tránh và khắc phục rủi ro trong sản xuất đã trở thành một nhu cầu khách quan; đặc biệt trong nền sản xuất công nghiệp, thu nhập của người lao động chủ yếu dùng để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và khi vấp phải những rủi ro hoặc khi không còn khả năng lao động càng trở thành mối đe dọa đối với cuộc sống của người lao động.

Như vậy, cần phải có những giải pháp để đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên trong xã hội và quản lý rủi ro cho mọi người trong quá trình lao động sản xuất, mà ngày nay gọi là an sinh xã hội.

Ở thế kỷ XIX, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện, tiền công do bán sức lao động đem lại luôn gắn liền với những rủi ro dẫn đến mất hay giảm thu nhập ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người lao động thì thuật ngữ an sinh xã hội (Social Security) xuất hiện như một lời giải để khuyến khích các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau, kêu gọi tiết kiệm phòng ngừa để tránh những rủi ro khi có những biến cố hoặc thực hiện việc trợ cấp với những người làm công ăn lương. Như vậy, đây là một trong những cột mốc để thuật ngữ an sinh xã hội ra đời.

Trong Đạo luật Hoa Kỳ năm 1935 hay Đạo luật an sinh xã hội có đề cập đến nội dung “đảm bảo của xã hội nhằm bảo tồn nhân cách cùng giá trị cá nhân, đồng thời tạo lập cho con người cuộc sống sung mãn và hữu ích để phát triển con người” (Mai Ngọc Cường, 2009, tr.11). Như vậy thuật ngữ an sinh xã hội và được đưa vào sử dụng trong các văn bản chính thức với bao gồm các chế độ trợ cấp hưu trí, trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho những người già thoát khỏi nghèo khổ khi hết tuổi lao động, bên cạnh đó là bảo vệ người nghèo, người tàn tật, người già cô đơn.

Quan điểm về an sinh xã hội đó là: “An sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất

hoặc suy giảm nghiêm trọng nguồn thu do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho gia đình nạn nhân có trẻ em” (Vũ Văn Phúc, 2012, tr.61) được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra năm 1946 và được nhiều quốc gia sử dụng.

Bên cạnh đó Công ước số 102 đã được thông qua trong Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 25-6-1952 với quan điểm về an sinh xã hội là:

“Sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con” (Đinh Công Tuấn, 2013, tr.19).

Chủ nghĩa Mác cũng đưa ra luận điểm về việc phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội, cụ thể trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta (1875) như sau:

“Trong tổng sản phẩm đó, phải khấu đi: Một là, phần để thay thế những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng. Hai là, một phần phụ thêm để mở rộng sản xuất. Ba là, một quỹ dự trữ hoặc quỹ bảo hiểm đề phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra... còn lại phần kia của tổng sản phẩm thì dành làm vật phẩm tiêu dùng. Trước khi tiến hành phân phối cho cá nhân, lại còn phải khấu trừ những chi phí quản lý chung, không trực tiếp thuộc về sản xuất.” (C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995, Toàn tập, tập 13, tr.31-32).

Như vậy, đây cũng là quan điểm khá rõ về an sinh xã hội của chủ nghĩa Mác.

Ở Việt Nam, khái niệm về an sinh xã hội được biết đến muộn hơn so với ở phương tây, tuy nhiên quan điểm về an sinh xã hội cũng đã chớm nở từ thời phong kiến, với những chính sách của các vị minh quân dành cho

người tàn tật, cô nhi, quả phụ, phát chẩn cho người dân khi gặp thiên tai...

Những giải pháp này đều có ý nghĩa sâu sắc là nhằm mục đích bảo đảm cuộc sống của nhân dân gặp khó khăn và đóng góp vào việc trị an, bảo vệ vững chắc chế độ phong kiến.

Quan điểm về an sinh xã hội cũng được chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận về tiến bộ xã hội cùng với việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta và các nước trên thế giới, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cùng với sự hiểu biết hết sức sâu sắc về con người đã tiếp cận khá sớm và sâu rộng về an sinh xã hội.

Đến tháng 5 năm 1945, trong Chương trình Việt Minh đã công bố 10 chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Thể hiện quan điểm của cách mạng Việt Nam đến quần chúng nhân dân, trong đó có những chính sách về an sinh xã hội, như sau:

“Công nhân ngày làm 8 giờ, công việc như nhau, nhận tiền lương như nhau, cứu tế xã hội, xã hội bảo hiểm, thủ tiêu các giấy giao kèo nô lệ, lập các giấy giao kèo chung chủ - thợ… người già và kẻ tàn tật được chính phủ chăm nom và cấp dưỡng và cần phải thực hiện ngay khi nhân dân giành được chính quyền” (Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 3, tr.631).

Với quan điểm về an sinh xã hội như vậy đã thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách an sinh xã hội của Bác. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người nói “Chúng ta phải thực hiện ngay:

Làm cho dân có ăn.

Làm cho dân có mặc.

Làm cho dân có chỗ ở.

Làm cho dân có học hành” (Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 4, tr.175).

Quan điểm này thể hiện rõ Hồ Chí Minh đề cao yếu tố con người trong quá trình thực hiện mọi mục tiêu của cách mạng, Bác viết: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng

không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 4, tr.175). Và trong tác phẩm Di Chúc, Người cũng đã thể hiện tính nhân sinh sâu sắc khi căn dặn ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, Đảng phải thực hiện an sinh xã hội đối với những đối tượng có công với đất nước để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

“Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng thời phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng bào phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ đói rét” (Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 15, tr.616).

Như vậy, những quan điểm này của Hồ Chủ tịch đã thể hiện rõ mục tiêu của Người là bảo đảm an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân và là nhiệm vụ của toàn Đảng và Chính phủ, là động lực của phát triển đất nước vì con người và cho con người.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo đất nước cũng đã đề cập quan điểm về an sinh xã hội tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX:

“Tiến tới áp dụng chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân. Kết hợp sự trợ giúp của Nhà nước với việc phát triển các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhằm giúp đỡ có hiệu quả người được hưởng chính sách xã hội, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, trẻ

em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật và người già không nơi nương tựa” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001, tr.212-213).

Như vậy, an sinh xã hội được xem là phương thức thực hiện công bằng xã hội, trợ giúp cho các tầng lớp nhân dân, các nhóm dân cư khác nhau có điều kiện sống và phát triển tốt hơn. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là:

“Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.47).

Như vậy, an sinh xã hội đã được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới. Mặc dù việc triển khai chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra, đó là: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.86).

Đối với quan điểm về an sinh xã hội, hiện nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo:

“An sinh xã hội là sự an toàn của cuộc sống con người từ cá nhân đến cộng đồng, tạo tiền đề và động lực cho sự phát triển con người và xã hội.

Có bốn phương diện hợp thành chính sách an sinh xã hội: xóa đói giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ cấp và ưu đãi; phúc lợi xã hội” (Hoàng Chí

Bảo, 2008, tr.38).

Theo tác giả Mai Ngọc Cường, để thấy hết được bản chất của an sinh xã hội, thì phải tiếp cận khái niệm này theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp:

“An sinh xã hội theo nghĩa rộng là sự đảm bảo thực hiện các quyền để con người được an bình, đảm bảo an ninh, an toàn trong xã hội, còn theo nghĩa hẹp thì an sinh xã hội là sự đảm bảo thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị thiên tai địch họa” (Mai Ngọc Cường, 2009, tr.11).

Cùng với cách hiểu trên, cũng có quan điểm:

“Theo nghĩa rộng, an sinh xã hội là toàn bộ các biện pháp của nhà nước, cộng đồng, cá nhân hướng tới toàn dân. Đối tượng bao phủ theo nghĩa này bao gồm toàn bộ xã hội. Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội hướng tới đảm bảo tối thiểu cho mục tiêu mưu sinh của nhóm đối tượng yếu thế, rủi ro hay thiệt thòi” (Phạm Văn Sáng, 2009, tr.19).

Như vậy, hiện nay cũng có nhiều quan điểm về an sinh xã hội được hiểu theo những cách hiểu khác nhau, tuy nhiên vẫn có sự thống nhất chung ở điểm:

Thứ nhất, an sinh xã hội là cơ chế đảm bảo kinh tế và xã hội để cung cấp cho người dân thỏa mãn nhu cầu tối thiểu thông qua các chính sách can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập của các thành viên trong xã hội; thứ hai: an sinh xã hội là phương tiện để hiện chức năng tái phân phối thu nhập đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội; thứ ba: an sinh xã hội là chính sách phổ biến của các quốc gia, do Nhà nước thực hiện cho tất cả các thành viên trong xã hội, đặc biệt là người già, người cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, những người tàn tật…

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu về an sinh xã hội, tác giả đưa ra quan niệm: An sinh xã hội là hệ thống các chính sách của Nhà nước và

các nguồn lực xã hội nhằm phòng ngừa, hạn chế, khắc phục những rủi ro do tác động bất thường về kinh tế - xã hội, môi trường, đảm bảo ổn định, phát triển, công bằng và tiến bộ xã hội.

Có thể thấy an sinh xã hội có những đặc điểm cơ bản:

Thứ nhất, đặc điểm về xã hội như: quyền được sống khỏe mạnh, quyền làm việc, quyền cư trú và quyền mưu cầu hạnh phúc cùng với việc hướng tới giải quyết các nhu cầu của con người trong xã hội. Vì vậy, khi thực hiện an sinh xã hội nhà nước phải tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để mọi người có thể yên tâm phát triển và hòa nhập vào cộng đồng một cách nhanh nhất khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Thứ hai, đặc điểm nhân văn, nhân đạo sâu sắc: vì được hình thành trên một nền tảng truyền thống lịch sử của dân tộc: tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, bão lụt và chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống, để cá nhân có thể hòa nhập vào xã hội, cộng đồng. Vì vậy, an sinh xã hội là công cụ, phương tiện nhà nước dùng điều chỉnh các quan hệ xã hội, xây dựng những chuẩn mực xã hội, định hướng giá trị mới, hướng vào cái chân, thiện, mỹ và hạn chế cái xấu, cái ác, cái lạc hậu.

Thứ ba, điều hòa lợi ích xã hội: với mục tiêu cuối cùng là vì con người và hướng tới người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, đặc biệt do khác nhau về văn hóa, về địa bàn cư trú, về cơ hội được hưởng thành quả của sự phát triển, về địa bàn cư trú.

Vì vậy an sinh xã hội phải là bệ đỡ cho mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro, biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Về cấu trúc an sinh xã hội

Theo quan niệm của Liên hợp quốc, an sinh xã hội bao gồm các bộ phận cấu thành (các trụ cột) sau:

- Hệ thống bảo hiểm xã hội (hưu trí, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp, bảo hiểm xã hội ngắn hạn)

Một phần của tài liệu Biện chứng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh long an hiện nay (Trang 24 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)