Chương 2. THỰC TRẠNG, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BIỆN CHỨNG GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO ĐẢM
2.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THỰC HIỆN BIỆN CHỨNG GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI Ở TỈNH LONG AN HIỆN NAY
2.3.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện tiến bộ, công bằng, dân chủ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội
Long An trong thời gian qua đã thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, Tuy nhiên, lao động có tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp, chưa chú trọng vào giải quyết việc làm bền vững dẫn đến tình trạng người lao động làm việc một cách thời vụ.
Chính vì vậy, chủ động thích ứng và hóa giải các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nâng cao tay nghề là hết sức cần thiết. Cơ chế, chính sách không chỉ có vai trò định hướng, tạo điều kiện để phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực và tạo hành lang pháp lý để đồng bộ giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Nếu cơ chế chính sách lỗi thời với thực tiễn phát triển của nền kinh tế thì nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế. Để phát huy tốt và hoàn thiện cơ chế chính sách Long An nên thực hiện những giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện công tác giải quyết tốt chính sách việc làm và xóa đói giảm nghèo kết hợp với thu hút đầu tư và phát triển thị trường lao động, chú trọng đào tạo những lĩnh vực mà thị trường cần. Kết hợp giữa cơ sở giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và đầu tư vào cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ tự động hóa vật liệu mới, công nghệ sinh học, kỹ năng mềm và tận dụng thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, các dự án nước sạch, năng lượng sạch, điện khí hóa lỏng; phấn đấu thành lập một khu công nghiệp chuyên thu hút đầu tư các ngành nghề công nghiệp hỗ trợ. Để thực hiện có hiệu quả Long An nên thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Vận động các nguồn vốn hỗ trợ sẵn có, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm và các loại quỹ của tổ chức phi chính phủ, tổ chức đoàn thanh niên. Để thực hiện được điều này Long An cần công khai minh bạch thông tin đến người dân và các tổ chức
chính trị xã hội để họ biết và thực hiện, tránh tình trạng lạm dụng, bưng bít thông tin, vì lợi ích cá nhân và chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn.
Công tác xóa đói giảm nghèo và thoát nghèo bền vững thời gian qua đã được thực hiện có hiệu quả và cần tiếp tục được đẩy mạnh. Long An đã chú trọng đầu tư và có những chính sách hỗ trợ kịp thời như miễn giảm học phí, tặng học bổng, vận động các tổ chức chính trị xã hội và mạnh thường quân đóng góp quần áo, sách vở, phương tiện đi lại,…cho học sinh nghèo. Đồng thời có chính sách hỗ trợ học nghề và nguồn vốn vay ưu đãi để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm công việc làm và thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra vai trò của việc thực hiện tín dụng cho người nghèo là điều kiện hết sức quan trọng để họ đầu tư sản xuất, tạo việc làm có thu nhập ổn định. Vì vậy Long An cần tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn và hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn có hiệu quả. Cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc tìm hiểu nguyên nhân và gặp mặt với các hộ nghèo, khó khăn để có giải pháp thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Hai là, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Long An cần đa dạng hóa và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có cơ chế hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đối với bảo hiểm y tế cần đáp ứng tốt hơn đến quyền lợi của người tham gia và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hoàn thiện các quy định của luật bảo hiểm y tế, đồng thời bổ sung những phát sinh để kịp thời điều chỉnh hoàn thiện. Chú trọng khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng để phục vụ ngày càng tốt hơn, bên cạnh đó là cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí, áp dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng trợ giúp xã hội để họ được thụ hưởng công tác chăm sóc sức khỏe. Thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp cho người lao động và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định đối với người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các doanh nghiệp và kịp thời điều chỉnh.
Ba là, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ kinh tế tư nhân bằng những chính sách cụ thể gắn với nhu cầu của doanh nghiệp như: Đất đai, thuế, công nghệ quản lý và đào tạo, các nguồn vốn vay linh hoạt và ưu đãi. Đảng bộ tỉnh Long An khẳng định:
“Chú trọng phát triển các thành phần kinh tế, trong đó tập trung khắc phục các yếu kém của kinh tế tập thể, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô, giữ vai trò nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy vai trò kinh tế tư nhân theo hướng là động lực quan trọng của nền kinh tế.” (Đảng bộ tỉnh Long An, 2020, tr.50).
Bốn là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. “Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, chương trình đột phá, hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp với cảng quốc tế Long An tạo liên kết nội vùng trong tỉnh, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Cơ bản hoàn thành nhựa hóa các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm các xã, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông tại các vùng có truyền thống cách mạng, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Long An với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là với thành phố Hồ Chí Minh.” (Đảng bộ tỉnh Long An, 2020, tr.48-49). Quan tâm kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm triển khai
dự án. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Phát triển hình thức giao dịch giải quyết việc làm tạo điều kiện thực hiện sàn giao dịch trực tiếp giữa người lao động với chủ sử dụng lao động.
Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đề ra các giải pháp hỗ trợ việc làm tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Chú trọng xúc tiến, đẩy mạnh cho lao động đi nước ngoài làm việc một cách đảm bảo an toàn và minh bạch: “Triển khai có hiệu quả “Đề án đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” và tiếp tục phát huy sau khi về nước. Quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.