Chương 2. THỰC TRẠNG, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BIỆN CHỨNG GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO ĐẢM
2.1. THỰC TRẠNG BIỆN CHỨNG GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO ĐẢM
2.1.1. Đặc điểm điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội ở tỉnh Long An
(C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995, Toàn tập, tập 13, tr.275).
Đặc điểm về địa lý tự nhiên. Long An nằm ở cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi kết nối giữa Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 4.494,79 km², dân số khoảng 1.725.752 người (Cục Thống kê tỉnh Long An, 2021). Trong đó, người dân sống ở thành thị có 316.456 người chiếm tỷ lệ 18,34%, sống ở nông thôn có 1.409.296 người chiếm tỷ lệ 81,66%. Mật độ dân số của tỉnh là 383 người/km². Phía Đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, phía Bắc giáp tỉnh Svay Rieng (Vương Quốc Campuchia), phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp và phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang.
“Tính đến thời điểm năm 2021, Long An là tỉnh có 15 đơn vị hành chính, bao gồm 1 thành phố Tân An, 1 thị xã Kiến Tường và 13 huyện (Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc
Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng), với 188 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 15 thị trấn và 161 xã”. (Cục thống kê tỉnh Long An, 2022, tr.57).
Nhiệt độ không khí trung bình năm 2021 tại trạm quan trắc Tân An đạt 26,5 độ C, lượng mưa đạt 1331mm. Nhìn chung, khí hậu ở Long An tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan hơn so với các tỉnh khác.
Ngoài vị trí chiến lược đã đề cập, Long An còn có lợi thế về nguồn lực:
tiềm năng đất đai dồi dào; nguồn nhân lực được chú trọng đào tạo lành nghề;
môi trường đầu tư thân thiện, thủ tục nhanh chóng, ưu đãi hấp dẫn và chi phí cạnh tranh; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông liên hoàn; các khu, cụm công nghiệp đáp ứng cả về số lượng cũng như được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng; khí hậu ôn hòa, môi trường sống gần gũi thiên nhiên, an toàn; môi trường sinh thái đặc sắc, độc đáo,... Do vậy, từ những yếu tố trên có thể thấy tỉnh Long An hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội một cách toàn diện nhờ vào vị trí địa lý sẵn có.
Đặc điểm về lịch sử. Long An là cửa ngõ từ thành phố Hồ Chí Minh về miền tây, dải đất trải dài theo hai triền sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông.
Với lịch sử hình thành từ rất sớm, là nơi hội ngộ của hai nền văn hóa cổ:
Đồng Nai, Ốc Eo và trên 90 di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, thắng cảnh, đã tô thắm lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Long An là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử, theo ngành khảo cổ học cho biết, từ hàng ngàn năm đã có nền văn hóa cổ; từ thế kỷ thứ V sau công nguyên, nơi đây đã hiện diện nền văn minh Óc Eo. Hơn 300 năm khai cơ mở cõi (nếu tính từ năm 1705 – đi mở xứ Vũng Gù), đây là địa bàn có sự thay đổi về địa danh nhiều nhất so với tất cả các tỉnh Nam bộ. Quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội, con người ở đây sớm phát huy truyền thống thượng võ, dũng cảm và nghĩa hiệp, cần cù và lạc quan, nhạy bén, sáng
tạo trong tiếp thu cái mới. Nhìn tổng quan, Long An là một tỉnh đầu mối, luôn có sự giao thoa về nhiều mặt…
Các thế hệ kế tục có quyền tự hào về quá khứ. Trong bề dày lịch sử, từ thế kỷ XVII, đất Long An nay đã là chiến trường, có nhân vật tài danh cả nước như Huỳnh Tường Đức (từng làm Tổng trấn Bắc Thành, Tổng trấn Nam Thành, đứng đầu Phủ Quy Nhơn).
Nửa cuối thế kỷ XIX trong cuộc đụng đầu với tư bản phương Tây xâm lược, đất Long An hội tụ 4 phong trào đấu tranh võ trang lớn nhất Nam kỳ:
khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương; có gương yêu nước trung liệt như Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng; có chiến công Nhựt Tảo “Oanh thiên địa” của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; là nơi Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trên nền trời văn học Việt Nam thời cận đại góp mặt với “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” bất hủ; là quê hương Nguyễn Thông – nhà văn hóa lớn của miền Nam, của Cao Văn Lầu – ông tổ bài Vọng cổ, của Nguyễn An Ninh – “nhà yêu nước vĩ đại” , của Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ và bao người con ưu tú khác. Đặc biệt, Đảng bộ Long An ra đời sớm, sớm vận dụng sáng tạo nguyên lý Mác – Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cùng với phát huy truyền thống dân tộc tốt đẹp ở địa phương. “Nêu cao gương tiên phong của người Cộng sản Châu Văn Liêm, năm 1930, Đảng lãnh đạo nhân dân nơi đây làm nên cuộc biểu tình vang dội khắp Nam Kỳ, khiến thực dân Pháp và tay sai phải gọi đây là “khu vực đỏ” của Sài Gòn – Chợ Lớn”. (Tỉnh ủy Long An, 2005, tr.15).
Năm 1940, Chợ Lớn anh hùng bất khuất với khởi nghĩa Nam kỳ, xứng danh cùng Võ Văn Tần bất tử. Năm 1945, Tân An đi tiên phong trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền ở Nam bộ, lưu dấu son vào lịch sử đấu tranh cách mạng và yêu nước. Thời kì chống Pháp và đánh Mỹ, đặc sắc của Long An là phát huy thế trận toàn dân của chiến tranh nhân dân. Đảng xây dựng được căn cứ vững chắc cả trong lòng đất và lòng người, nhờ đó
vượt muôn trùng khủng bố và đạn bom khốc liệt, giáng lên đầu thù hàng trăm trận lớn nhỏ, được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nêu gương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, tr.17)
Đảng bộ và quân dân Long An dùng trí tuệ, máu xương viết nên sử tích.
“Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nếu tính cả chiến tranh biên giới Tây Nam, quê hương Long An có trên 30.000 liệt sĩ, có hơn 70.000 cán bộ, chiến sĩ nhân dân được Chính phủ khen thưởng, 112 tập thể và 83 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và đến nay có 4.151 Bà mẹ chính thức được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vẻ vang Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, tr.18), đây từng là con số cao nhất trong các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long điều đó nói lên vị trí, tiềm năng, sự hy sinh to lớn và nhân tố con người cách mạng quyết định công cuộc kháng chiến. Những năm mới giải phóng, Long An tuy là tỉnh giàu tiềm năng nông nghiệp, nhân lực dồi dào nhưng gặp nhiều khó khăn do thiên tai liên tiếp, cơ sở hạ tầng xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề. Nhân dân Long An liên tiếp vượt bão lũ thiên tai, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pôn–pốt. Đảng bộ và nhân dân phải không ngừng tự cường vươn lên trong xây dựng chính quyền, chế độ xã hội mới.
Ở thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Long An đi tiên phong hành động và tư duy – đó là lãnh đạo và thực hiện cuộc tiến quân khai mở tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười đạt thành tựu to lớn, đồng thời lãnh đạo đi đầu thực hiện mô hình “một giá” đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu cao cấp.
Những sự kiện này của Long An được xem như “ngòi nổ” của công cuộc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, những đột phá chưa từng có ở một tỉnh nông nghiệp…
Thực hiện đường lối của Đảng trong tình hình có nhiều khó khăn về chủ quan và khách quan: “Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch ra sức bao vây, cấm vận, cô lập ta, thực hiện phá hoại về nhiều mặt đưa nước ta đi chệch con đường XHCN, đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”, đất nước đang đứng trước những nguy cơ, thử thách lớn. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong nhiều năm đã kìm hãm sản xuất và kìm hãm tư duy trong cán bộ và nhân dân rất nặng nề. Riêng ở một số nơi trong tỉnh còn bị thiên tai đe dọa, lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra, thế nhưng, đường lối đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo hợp lòng dân, phù hợp với quy luật kinh tế và xu thế của thời đại, được các tầng lớp nhân dân nhất trí, quyết tâm phấn đấu thực hiện đã từng bước khắc phục được khủng hoảng kinh tế - xã hội, và đi vào thế ổn định, tạo thế phát triển, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phấn khởi”. (Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1995, tr.301-302).
Đi lên từ nghèo nàn lạc hậu, từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, Long An năm 1992 trở thành thành viên Câu lạc bộ 11 tỉnh cả nước đạt trên 1 triệu tấn lương thực và đã xuất hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn, những tập thể, những cá nhân Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tỉnh có bước tiến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch phân vùng, mở rộng hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng, không ngừng xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đấu tranh chống tụt hậu và các nguy cơ.
Với nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ IX (2011- 2015), Long An tiếp tục thực hiện thắng lợi 4 chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015 (phát triển đồng bộ nguồn nhân lực – giải quyết việc làm – giảm nghèo;
đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững); hoàn thành cơ bản 9 công trình trọng điểm. Đến ngưỡng cửa năm
2015, Long An đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,25%, GDP bình quân 50 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực đạt 2.856.162 tấn, lần đầu tiên xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo; đến cuối nhiệm kỳ có 36/40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Truyền thống lịch sử và đấu tranh yêu nước, đủ cho thấy Long An là vùng đất giàu nội lực tiềm năng và là địa bàn tư liệu lịch sử trọng yếu ở phía Nam, phong phú cả bề rộng và chiều sâu, rất cần sự tìm hiểu, nghiên cứu, kế thừa và phát huy.
Trong chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có biết bao vấn đề cần tổng kết, mổ xẻ bằng phương pháp sử học và khoa học liên ngành. Đó cũng chính là lý do để hoạt động khoa học lịch sử ở Long An ra đời, trong đó có lịch sử khảo cổ, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử chuyên ngành… nhằm tiến tới xây dựng những công trình lịch sử – văn hóa thiết thực, những ấn phẩm sử mang tính giáo dục, có tầm tư tưởng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân trên chặng đường đổi mới phát triển đất nước.
Những yếu tố về đặc điểm lịch sử trên có thể thấy Long An là tỉnh có truyền thống lịch sử hào hùng với quá trình phát triển của đất nước, đây là một nhân tố không thể thiếu để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội hiện nay.
Đặc điểm về kinh tế. Bằng nhiều chính sách hợp lý, cùng với chiến lược thu hút đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đưa địa phương vươn lên, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Long An đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ và đường thuỷ, phân bố hợp lý, trong đó tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những vị trí thuận lợi. Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Long An luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Long An, lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 nhận định: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá cố định năm 1994) bình quân hàng năm đạt 11,25%, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá so sánh năm 2010 do Tổng cục Thống kê tính và công bố bình quân đạt 9,18%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. GDP bình quân đầu người đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đề ra (50,4 triệu đồng/người/năm)” (Đảng bộ tỉnh Long An, 2015, tr.22).
Trong 11 tháng đầu năm 2021, Long An dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 3,43 tỷ USD, chiếm 12,95% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với 2,82 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hà Nội, Cần Thơ… Nếu tính riêng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm thì Long An vẫn đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư; Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 2,8 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư là 1, 7 tỷ USD chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ninh…
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 1,02% so với năm 2020, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,91%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực công nghiệp xây dựng
tăng 1,16%, đóng góp 0,58 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ giảm 0,47%, kéo giảm 0,13 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,22% đóng góp 0,08 điểm phần trăm (Cục thống kê tỉnh Long An, 2022, tr.7). Bên cạnh đó, Long An chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Với đặc điểm về kinh tế cùng với các chủ trương hiện nay đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Long An có thể đẩy nhanh thực hiện phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.
Đặc điểm về văn hóa - xã hội. Long An là cửa ngõ từ thành phố Hồ Chí Minh về miền tây, được sự bồi đắp phù sa hằng năm từ hai con sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Với lịch sử hình thành từ rất sớm, nghệ thuật kiến trúc, thắng cảnh, đã làm nên lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Long An còn là địa danh du lịch hấp dẫn với hệ sinh thái Đồng Tháp Mười phong phú hệ động thực vật; các di tích lịch sử - văn hóa hào hùng, nghệ thuật kiến trúc độc đáo (đền thờ quận công Nguyễn Trung Trực, chùa Tôn Thạnh, nhà Trăm Cột...); các lễ hội, làng nghề truyền thống (lễ hội Làm Chay, làng nghề dệt chiếu, đờn ca tài tử…); cùng với các món ăn đặc sản vùng quê (thanh long, dưa hấu, gạo đặc sản…); người dân cần cù, chịu khó, sáng tạo và mến khách.
Từ thế kỷ XVIII, đây là nơi sớm phát triển nghề nông, mảnh đất phèn chua nước mặn dưới bàn tay con người đã sản sinh ra hạt gạo Nàng Thơm danh tiếng. Là địa bàn cửa ngõ thành Gia Định - vùng giao lưu kinh tế - xã hội của Lục tỉnh từ thời Minh Mạng, thông thương với Cao Miên, Long An từng là nơi có trạm thu thuế Lật Giang (Bến Lức) lớn nhất Nam Kỳ; nơi có nhiều chứng tích về phương thức sản xuất phong kiến và phân hóa xã hội sâu sắc.
Ngoài ra, cũng như cả nước, tỉnh Long An đang chịu tác động của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với quá trình toàn