Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát rủi ro trong công tác quản lý thuế nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 20 - 24)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.2. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan

2.2.1. Khái niệm rủi ro trong lĩnh vực hải quan:

Theo công ước Kyoto (sửa đổi năm 1990): “Rủi ro hải quan là “nguy cơ tiềm ẩn của việc không tuân thủ pháp luật hải quan” – Tài liệu hướng dẫn Phụ lục tổng quát Công ước sửa đổi về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan.

Theo quan điểm của Hải quan thế giới (WCO, 2010): “Rủi ro là những tác động không mong muốn, không đoán trước được đối với một đối tượng và rủi ro trong lĩnh vực hải quan là sự không tuân thủ pháp luật về hải quan.

Theo Thông tư 175/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 của Bộ Tài chính Quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, rủi ro là “nguy cơ tiềm ẩn việc không tuân thủ pháp luật về hải quan trong thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải”.

Rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là các hạn chế, sơ hở trong tổ chức thục hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan, chính sách thuế và các quy trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu dẫn tới nguy cơ, khả năng có thể bị lợi dụng vi phạm pháp luật về hải quan.

2.2.2. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan 2.2.2.1. Khái niệm quản lý rủi ro

Theo Tổ chức Hải quan thế giới WCO năm 2010 (cẩm nang về quản lý rủi ro): “Quản lý rủi ro hải quan được hiểu là việc áp dụng có hệ thống các thủ tục quản lý và thông lệ mang đến cho Hải quan những thông tin cần thiết để giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa hoặc lô hàng đặt ra vấn đề rủi ro”. Khi áp dụng quản lý rủi ro như một nguyên lý quản lý thì có thế chỉ giúp Hải quan không chỉ thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả mà còn giúp cho cơ quan hải quan tổ chức và triển khai nguồn lực theo hướng cải thiện toàn bộ hoạt động của mình.

Quản lý rủi ro chính là công cụ then chốt giúp cơ quan Hải quan giải quyết những vấn đề đó bằng việc áp dụng một cách có hệ thống các quy trình, biện pháp nhằm hướng các nguồn lực vào các lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra qua đó hỗ trợ tối đa tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý.

Kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm xác định, đánh giá và phân loại mức

độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các nghiệp vụ hải quan khác có hiệu quả.

Kiểm soát rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.

2.2.2.2. Quy trình quản lý rủi ro

Quy trình quản lý rủi ro cần đảm bảo tính hệ thống, liên tục và thống nhất chung để từ đó nhằm tiếp cận và thực hiện phương pháp luận đúng chuẩn mực về thực hiện hóa quy trình quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro áp dụng trong hoạt động nghiệp vụ hải quan được thực hiện theo trình tự sau đây (Theo thông tư 175/2013/TT-BTC của Bộ tài chính v/v áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, Bộ Tài chính ngày 29/11/2013):

- Xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ; thu thập, phân tích thông tin dữ liệu hải quan; quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan.

- Xác định, phân tích, đánh giá mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các đối tượng trọng điểm vi phạm pháp Luật Hải quan, pháp luật thuế.

- Kiến nghị, áp dụng chính sách ưu tiên hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

- Theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin phản hồi về kết quả thực hiện; đo lường, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

- Quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro để đảm bảo hiệu quả quản lý hải quan, quản lý thuế.

2.2.2.3. Quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế nhập khẩu Để thực hiện yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế, nội dung đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan được cơ quan hải quan thực hiện bao gồm đánh giá về các điều kiện sau:

- Điều kiện áp dụng miễn thuế đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất xuất khẩu;

- Điều kiện cho phép bảo lãnh số thuế phải nộp;

- Điều kiện cho phép đưa hàng hóa nhập khẩu về bảo quản

- Cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động thu thập, xử lý thông tin, phân tích và đánh giá rủi ro đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu; trong hoạt động miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các hoạt động khác căn cứ từng điều kiện và yêu cầu quản lý cụ thể.

Việc thực hiện đo lường, đánh giá tuân thủ được thực hiện dựa trên bộ tiêu chí quản lý rủi ro và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin quản lý rủi ro.

2.2.2.4. Nguyên tắc áp dụng kiểm soát rủi ro trong quản lý thuế Thứ nhất: Cơ quan hải quan áp dụng kiểm soát rủi ro nhằm tạo thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật về hải quan; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các đối tượng không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thứ hai: Cơ quan hải quan thực hiện thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro ở các giai đoạn trước, trong và sau thông quan theo các tiêu chí được xác định trong từng thời điểm, phù hợp với quy định của pháp luật về hải quan, điều kiện và khả năng thực tế để ra quyết định việc kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo các trường hợp dưới đây:

- Không tuân thủ pháp luật hải quan;

- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;

- Kết quả phân tích, đánh giá xác định mức độ rủi ro cao;

- Lựa chọn ngẫu nhiên.

Thứ ba: Cơ quan hải quan áp dụng miễn kiểm tra đối với các đối tượng không thuộc các trường hợp quy nêu trên.

Thứ tư: Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro theo quy trình và các quy định về quyền hạn, trách nhiệm tại quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Thứ năm: Các quy trình nghiệp vụ hải quan phải được xây dựng, áp dụng dựa trên các quy định về áp dụng quản lý rủi ro. Các hoạt động tác nghiệp phải thực hiện trên hệ thống, đảm bảo cập nhật trạng thái quản lý thường xuyên, liên tục.

2.2.3. Hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro

Trên thế giới, quản lý rủi ro đã được áp dụng và kết quả không chỉ thành công tại “khu vực tư nhân” khi mà các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, thương mại, công nghiệp…tìm ra khả năng nắm bắt, tạo ra cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh của mình mà việc áp dụng quản lý rủi ro còn có thể giúp cho “khu vực công”

xác định được những lĩnh vực có rủi ro với mức độ, thang độ nhất định để từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định xử lý rủi ro trong điều kiện phân bổ nguồn nhân lực hợp lý.

Một số quốc gia phát triển, như Mỹ, Úc, Niu-di-lân đã đi đầu trong việc nghiên cứu tìm ra phương pháp quản lý rủi ro dựa trên áp dụng các kỹ thuật phân tích, đánh giá khả năng vi phạm pháp luật hải quan để xác định và tập trung kiểm soát đối với các đối tượng trọng điểm.

Đến nay, việc áp dụng QLRR trong hoạt động hải quan nói chung và trong công tác quản lý thuế nói riêng đã trở thành phổ biến trong các thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới. Nhìn chung việc áp dụng này đã đem lại những lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan Hải quan mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan.

Các công cụ then chốt của WCO như Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999 về đơn giản và hài hoà thủ tục hải quan, Khung tiêu chuẩn an toàn và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) trong chiến lược thế kỷ 21, đã khuyến nghị các nước áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cách tiếp cận có tính hệ thống; điều này đã trở thành nền tảng ứng dụng tốt nhất của Hải quan hiện đại.

Hải quan Việt Nam chính thức áp dụng quy trình QLRR trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu từ năm 2005 để đáp ứng xu hướng cải cách, phát triển và hiện đại hoá (Quyết định số 2148/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2005 của Tổng cục

Trưởng Tổng cục Hải quan về Quy chế áp dụng QLRR trong quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại).

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế nhập khẩu mang lại những lợi ích to lớn cho cơ quan hải quan:

- Phương pháp quản lý rủi ro cung cấp cho cơ quan Hải quan một phương pháp quản lý khoa học mang tính logic và hệ thống. Qua việc xác định đối tượng có rủi ro cao, ưu tiên tập trung nguồn lực vào quản lý đối với số đối tượng này đã giúp cho công tác quản lý không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, đồng thời tạo được sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật.

- Áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro là một bộ phận và cũng là điều kiện cho việc triển khai thực hiện chương trình phát triển, hiện đại hoá Ngành Hải quan.

- Phương pháp quản lý rủi ro làm giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm bớt vai trò can thiệp của cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điều này giúp cho doanh nghiệp không bị lệ thuộc vào thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh; đặc biệt loại trừ các tệ nạn gây phiền hà sách nhiễu có thể nảy sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan.

- Quản lý rủi ro tạo ra môi trường minh bạch trên nền tảng của tuân thủ pháp luật, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quản lý rủi ro với những đặc tính riêng biệt luôn chứng tỏ là giải pháp hữu hiệu cho cơ quan hải quan trong việc giải quyết áp lực của xã hội hiện đại – đảm bảo sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát rủi ro trong công tác quản lý thuế nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)