CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1 Tổng quan về dịch vụ ngân hàng điện tử
1.1.4 Quá trình phát triển của dịch vụ Ngân hàng điện tử
1.1.4.1 Các giai đoạn phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử
Năm 1989 Ngân hàng tại Mỹ (WellFargo), lần đầu tiên cung cấp dịch vụ Ngân hàng qua mạng, đến nay có rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm xây dựng hệ thống Ngân hàng điện tử hoàn hảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, nhìn chung hệ thống Ngân hàng điện tử trải qua những giai đoạn sau:
a. Website quảng cáo (Brochure – Ware)
Là hình thái đơn giản nhất của ngân hàng điện tử, hầu hết các Ngân hàng đều bắt đầu xây dựng Ngân hàng điện tử theo hình thái này. Thực chất là các Ngân hàng xây dựng một Website quảng cáo, trên đó đăng tải các thông tin về Ngân hàng mình, các sản phẩm, dịch vụ mà Ngân hàng cung cấp cũng như các thông tin chỉ dẫn, liên lạc...Mọi giao dịch Ngân hàng vẫn được thực hiện qua kênh phân phối truyền thống đó là các chi nhánh và phòng giao dịch.
b. Thương mại điện tử ( E- Commerce)
Ngân hàng sử dụng internet như một kênh phân phối mới cho những dịch vụ truyền thống như xem thông tin tài khoản, nhận giao dịch chứng khoán,...internet đóng vai trò là dịch vụ cộng thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc kiểm tra các giao dịch tài chính đã thực hiện.
c. Quản lý điện tử (E- Business)
Trong hình thái này các xử lý cơ bản của Ngân hàng ở cả khía cạnh khách hàng và người quản lý đều đuợc tích hợp trên internet và các kênh phân phối khác. Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển về sản phẩm dịch vụ cũng như chức năng của Ngân hàng. Các sản phẩm được phân biệt theo nhu cầu và quan hệ với khách hàng. Đồng thời sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa hội sở chính của các Ngân hàng và chi nhánh cũng được thực hiện thông qua internet, mạng không dây giúp cho việc xử lý các yêu cầu của khách hàng nhanh chóng và chính xác hơn.
d. Ngân hàng điện tử (E-banking)
Đây chính là mô hình lý tưởng của một Ngân hàng trực tuyến trong nền kinh tế điện tử. Thông qua sức mạnh của mạng toàn cầu cung cấp đến cho khách hàng những dịch vụ Ngân hàng tiện ích nhất bằng các kênh phân phối riêng biệt, đưa ra các giải pháp tài chính hiệu quả, khách hàng có thể thực hiện tất cả các giao dịch tài chính mà không cần đến quầy giao dịch của Ngân hàng.
1.1.4.2 Sự phát triển của dịch vụ Ngân hàng điện tử trên thế giới và tại các NHTM Việt Nam.
Sự phát triển của khoa học công nghệ có ảnh hưởng to lớn cho ngành ngân hàng, là nền tảng cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiên tiến.
Ngân hàng điện tử ra đời giúp cho ngành ngân hàng vượt qua những hạn chế mà hình thức cung cấp sản phẩm mang tính chất truyền thống không đáp ứng được. Đây chính là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, là cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng. Hiện nay tại các nước công nghiệp phát triển, dịch vụ NHĐT được sử dụng rộng rãi, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này chiếm đến 70% dân số và con số này vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm.
(Nguồn: Ban thương mại điện tử, Bộ thương mại) Biểu đồ 1.1 Mức độ sử dụng E-banking hiện nay
Tại các nước đi đầu như Mỹ, Châu Âu, Australia và tiếp đó là các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...Các ngân hàng không chỉ mở rộng hệ thống thanh toán điện tử mà còn phát triển các kênh giao dịch điện tử như: Các loại thẻ ghi nợ, thẻ ghi có, dịch vụ Ngân hàng trực tuyến internet -banking, home -banking, mobile-banking...
Ở khu cực Châu Á – Thái Bình Dương, Singapore và Hồng Kông phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử từ rất sớm. Tại Hồng Kông dịch vụ ngân hàng điện tử có từ năm 1990, còn tại Singapore dịch vụ ngân hàng cung cấp qua internet có từ năm 1997. Trung Quốc mới tham gia ngân hàng trực tuyến từ năm 2000 nhưng cũng đã có rất nhiều cải tiến chiến lược trong lĩnh vực này.
Ngân hàng điện tử, đặc biệt là internet-banking, sản phẩm ngân hàng trực tuyến đã tạo một bộ mặt mới cho ngành ngân hàng và có những ảnh hưởng đáng kể trong thị trường tài chính, ngân hàng. Theo thống kê trong báo cáo mới đây của Hiệp hội viễn thông quốc tế có khoảng 2,4 tỷ người sử dụng internet tương đương với 34.3% dân số (hơn 1/3 dân số thế giới), trong đó có hơn 1 tỷ người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại, một thế giới mà đồng tiền điện tử thống trị và mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Hiện nay, Ngân hàng điện tử tồn tại dưới hai hình thức: Hình thức Ngân hàng trực tuyến, chỉ tồn tại dựa trên môi trường Intetnet, cung cấp dịch vụ 100% thông qua môi trường mạng và mô hình kết hợp giữa hệ thống Ngân hàng thương mại truyền thống và điện tử hóa các dịch vụ truyền thống, tức là phân phối những sản phẩm dịch vụ cũ trên những kênh phân phối mới. Ngân hàng điện tử Việt Nam chủ yếu phát triển theo mô hình này.
Từ năm 1994, NH Ngoại Thương đã triển khai dịch vụ Home- Banking. Đến năm 1999, NH Ngoại Thương Việt Nam thực hiện dịch vụ Ngân hàng bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam với hệ thống VCB Vision 2010. Đến tháng 11/ 2002, NH Công Thương Việt Nam khai trương dịch vụ này. Hiện nay, đối với dịch vụ PC- Banking, trên thị trường có vài NHTM cung cấp dịch vụ Ngân hàng tại nhà “ Home Banking”
(Vietcombank, Techcombank,ACB,….) và 2 Ngân hàng nước ngoài là ANZ và Citibank. Dịch vụ Phone- Banking có các Ngân hàng cung cấp là VCB, ACB, Techcombank,… Dịch vụ Mobile Banking thì có các Ngân hàng cung cấp như:
Agribank, Đông Á, ACB,…Hiện nay có một số Ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet- Banking nhưng mới chỉ áp dụng cho phép truy cập về thông tin tài khoản, chưa thực hiện được giao dịch chuyển tiền với các tài khoản khác hoặc thanh toán qua tài khoản. Ngoài ra, các Ngân hàng khác chỉ mới dừng lại ở việc thiết lập các trang wed chủ yếu để giới thiệu Ngân hàng và cung cấp thông tin dịch vụ.