Điều kiện để phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Biên Hòa: luận văn thạc sĩ (Trang 31 - 34)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1 Tổng quan về dịch vụ ngân hàng điện tử

1.1.7 Điều kiện để phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử

Nguyễn Minh Kiều cho rằng điều kiện Phát triển dịch vụ NHĐT được thể hiện như sau:

1.1.7.1 Điều kiện pháp lý

Ngân hàng điện tử với việc sử dụng công nghệ mới đòi hỏi khuôn khổ pháp lý mới. Các dịch vụ của NHĐT chỉ có thể triển khai hiệu quả và an toàn khi chúng được công nhận về mặt pháp lý. Các quy định khung có ảnh hưởng tới các thành viên tham gia dịch vụ từ đó quyết định sự phát triển nhanh và đúng hướng của dịch vụ này. Nhà nước cần phải bảo vệ pháp lý đối với các thanh toán điện tử, mạng thông tin thể hiện trong các chính sách, đạo luật cụ thể phản ánh trong toàn bộ chỉnh thể của hệ thống pháp luật.

Ngày 29/11/2005 Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thông qua luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và chính thức áp dụng vào ngày 01/03/2006. Tiếp đó, chính phủ đã ban hành một số nghị định nhằm hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật giao dịch điện tử.

Ngày 09/06/2006 chính phủ ban hành nghị định số 57/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử.

Ngày 15/02/2007 chính phủ ban hành nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Ngày 23/02/2007 chính phủ ban hành nghị định số 27/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Ngày 08/03/2007 chính phủ ban hành nghị định số 35/2007/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong Ngân hàng.

1.1.7.2 Điều kiện công nghệ

- Cơ sở hạ tầng và trình độ khoa học công nghệ thông tin.

Ngân hàng điện tử phát triển dựa trên cơ sở kỹ thuật số hoá, công nghệ thông tin, mà trước hết là kỹ thuật máy tính điện tử. Vì vậy chỉ có thể phát triển Ngân hàng điện tử khi có hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc.

Hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: Máy tính, máy chủ, mordem, điện thoại, mạng nội bộ, mạng liên kết khách hàng, thiết bị thanh toán điện tử ( POS, ATM,...) và các thiết bị truyền thông...

Máy rút tiền tự động ATM

Trong tiếng Anh, ATM nghĩa là Automatic Teller Machine, là một thiết bị Ngân hàng giao dịch tự động với khách hàng, thực hiện việc nhận dạng khách hàng thông qua thẻ ATM (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng) hay các thiết bị tương thích, và giúp khách hàng kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.

Ngoài những chức năng cơ bản trên, hiện nay máy ATM đã bổ sung thêm nhiều dịch vụ mới như: Nộp tiền mặt, bỏ ngân phiếu vào tài khoản, thanh toán tiền điện thoại, nước, điện, mua thẻ cào điện thoại di động, bán vé hay các giao dịch điện tử trực tiếp khác cho các máy rút tiền tự động.

Máy ATM đã đem lại sự thuận tiện cho cả Ngân hàng và khách hàng. Mặc dù để lắp đặt một máy ATM tốn rất nhiều chi phí nhưng nó giúp Ngân hàng thực hiện được nhiều giao dịch hơn, phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm được chi phí giao dịch hơn so với phục vụ khách hàng trực tiếp tại quầy giao dịch. Về phía khách hàng, có thể tiết kiệm thời gian, thuận lợi về địa điểm giao dịch, thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn. Vì vậy số lượng máy ATM càng ngày càng tăng nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Máy thanh toán tại các điểm bán hàng POS

POS (Point of Sale) là các máy chấp nhận thanh toán thẻ. Hiện nay trên khắp thế giới thẻ ATM cũng không phải chỉ để giao dịch trên các máy ATM thuần tuý, nó còn được giao dịch tại rất nhiều các thiết bị POS mà Ngân hàng phát hành triển khai tại các điểm chấp nhận thanh toán nó thông qua hợp đồng chấp nhận thẻ đó. Các điểm chấp nhận thanh toán này có thể đặt tại khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, sân bay ...

Việc thực hiện các giao dịch này tại điểm chấp nhận thanh toán phải có hai điều kiện:

Thứ nhất, điểm chấp nhận này đã có hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với Ngân hàng phát hành hoặc đại lý thanh toán của ngân hàng phát hành, và được Ngân hàng trang bị loại máy thanh toán phù hợp.

Thứ hai, Khách hàng khi thực hiện giao dịch phải nhập mã số cá nhân của mình (mã PIN).

Ngoài ra cơ sở hạ tầng thông tin này chỉ có thể có và hoạt động dựa trên nền tảng một nền công nghiệp điện năng, bưu chính viễn thông đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng hoạt động và thông tin liên lạc đầy đủ, ổn định. Thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng như vậy nằm ngoài tầm kiểm soát của các Ngân hàng mà điều này phụ thuộc vào sự đầu tư và phát triển lâu dài của nhà nước.

- Hệ thống tập trung hoá tài khoản kế toán (Core - Banking)

Core banking (Ngân hàng lõi) là một hệ thống phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng như: Tiền gửi, tiền vay, khách hàng... qua đó ngân hàng có thể phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ, quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đây là một hệ thống phần mềm tích hợp các ứng dụng tin học trong quản lý thông tin, tài sản, giao dịch, quản trị rủi ro, là hạt nhân của toàn bộ hệ thống thông tin ngân hàng

Một core banking hiện đại cho phép khai thác các sản phẩm, dịch vụ cả về số lượng và chất lượng. Có thể thấy, nhiều phần mềm mới còn chứa tham số rất lớn để mỗi khi ngân hàng muốn phát triển một dịch vụ, sản phẩm sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần định nghĩa tham số là có thể tạo sản phẩm mới mà không phải sửa thẳng vào code của chương trình.

Với một core banking hiện đại, khách hàng chỉ cần có một mã duy nhất ở ngân hàng là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm, và ở bất cứ điểm giao dịch trong cùng hoặc không trong cùng một hệ thống. Core banking hiện đại phải đáp ứng việc quản lý chặt chẽ, đầy đủ, vận hành nhanh và đáp ứng tính “mở” khi ngân hàng muốn triển khai thêm một số dịch vụ khác nữa (Mobile Banking, Internet Banking, ATM

…) chính vì vậy để xây dựng hệ thống ngân hàng điện tử hoàn hảo thì đầu tư tạo dựng một core banking hiện đại là điều kiện vô cùng cần thiết.

1.1.7.3 Điều kiện con người - Mức sống của người dân

Mức sống người dân là nhân tố quan trọng trong phát triển Ngân hàng điện tử.

Nếu người dân có thu nhập thấp thì họ sẽ không quan tâm đến các dịch vụ Ngân hàng, họ dùng tiền mặt thay vì thanh toán điện tử. Vì vậy để có một hệ thống thanh toán điện tử tới các tầng lớp xã hội thì cải thiện mức sống, phát triển kinh tế luôn là điều kiện tiên quyết đối với ngân hàng điện tử.

- Nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Việc đưa một sản phẩm vào thị trường đòi hỏi phải nghiên cứu hành vi ứng xử của người tiêu dùng từ chỗ nhận thức về sản phẩm tới việc sử dụng sản phẩm và chấp nhận sản phẩm đó. NHĐT là một khái niệm tương đối mới với đại bộ phận người tiêu dùng, một trong những cản trở lớn nhất cho sự phát triển dịch vụ chính là thái độ hoài nghi, lưỡng lự của người tiêu dùng khi chuyển đổi từ hình thức giao dịch truyền thống sang hình thức giao dịch mới. Đứng về phía các ngân hàng thì cần phải có hình thức giới thiệu, tuyên truyền về dịch vụ để khách hàng nắm bắt và thấy những tiện ích mang lại từ dịch vụ, hình thành nhu cầu sử dụng và chấp nhận ngân hàng điện tử.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Biên Hòa: luận văn thạc sĩ (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)