NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của bưu điện tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 1: LÝ THUYẾT VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

1.3 NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tốt đẹp như doanh nghiệp mong đợi. Cũng như bao chỉ tiêu khác, hiệu quả sản xuất kinh doanh chỉ là con số tương đối so với dự báo mà thôi. Bởi lẽ, nó chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố bên trong cũng như bên ngoài.

1.3.1 Các yếu tố thuộc môi trường bên trong

Môi trường bên trong hay môi trường nội bộ là hệ thống các yếu tố liên quan đến các nguồn lực (nhân lực, vật chất, vô hình) và khả năng hoạt động của các bộ phận chuyên môn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, các hoạt động của doanh nghiệp hay tổ chức. Nhận diện và phân tích tốt các yếu tố của môi trường nội bộ, nhà quản trị có thể

đánh giá những gì mà doanh nghiệp hay tổ chức có hoặc chưa có, thực hiện tốt hoặc chưa tốt so với yêu cầu hay tiêu chuẩn công việc. Những yếu tố môi trường bên trong bao gồm:

Tình hình tài chính: Các hoạt động quản trị tài chính thực hiện các công việc liên quan đến những hoạt động huy động và sử dụng các nguồn lực vật chất của doanh nghiệp hay tổ chức trong từng thời kỳ. Chức năng tài chính gắn liền với hoạt động của các bộ phận chức năng khác, quyết định tính khả thi, tính hiệu quả của nhiều chiến lược và chính sách khác của doanh nghiệp. Tài chính thường nhắm tới phân bổ các nguồn vốn có hiệu quả

Nguồn nhân lực: Quản trị nguồn nhân lực liên quan tới con người, một yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định tới sự phát triển lâu dài hay sự thành bại của tổ chức.

Công tác nguồn nhân lực thường nhắm tới là thu hút được lao động giỏi, trọng dụng, ưu đãi và giữ chân họ cùng với phát triển nguồn nhân lực vì đây là yếu tố sản xuất hàng đầu để có thể tạo và sáng tạo ra sản phẩm chất lượng.

Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm R & D: Nghiên cứu và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ứng dụng những công nghệ mới, kịp thời để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: phát triển sản phẩm mới trước đối thủ cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí…

Hoạt động R&D có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp và các ngành, đồng thời phụ thuộc vào môi trường mà doanh nghiệp hoạt động cũng như sức mạnh nguồn nhân lực, nguồn vốn tự có.

Bộ phận sản xuất: sản xuất bao gồm các hoạt động biến đổi các yếu tố đầu vào thành các yếu tố đầu ra. Các hoạt động chính của sản xuất bao gồm thu mua, tồn kho, hoạt động sản xuất, quản lý chất lượng và cuối cùng là phân phối hàng hóa. Để đánh giá được hiệu quả của hoạt động sản xuất ta có thể dựa vào các yếu tố về độ hài lòng của khách hàng, chi phí hoạt động, chi phí chất lượng và số lượng sản phẩm đạt chất lượng.

1.3.2 Các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài

Nguyễn Thị Liên Diệp, Phạm Văn Nam, (2008) cho rằng

Yếu tố Chính trị - Chính phủ: Doanh nghiệp phải tuân theo các yêu cầu & quy định về hoạt động, an toàn và bảo vệ môi trường. Các yếu tố luật pháp do Chính phủ cũng như hoạt động của chính phủ có thể mang lại cho doanh nghiệp những cơ hội và nguy cơ như các chương trình kích cầu, miễn giảm thuế, khuyến khích sản xuất mang

lại cho doanh nghiệp các cơ hội nhưng các chương trình khác lại mang đến các nguy cơ như luật thuế môi trường, hạn chế nhập khẩu…

Yếu tố kinh tế: là hệ thống các hoạt động, các chỉ tiêu kinh tế mà quốc gia, quốc tế đạt được trong từng thời kỳ, bao gồm: Hiện trạng kinh tế của quốc gia, sự biến động của các chỉ số: GDP, thu nhập bình quân đầu người, lạm phát, tín dụng và lãi suất, tỷ giá ngoại tệ…; Chu kỳ phát triển kinh tế; Chính sách kinh tế quốc gia; Chính sách tài chính và tiền tệ; Khuynh hướng toàn cầu hóa trong kinh doanh.

Yếu tố công nghệ và kỹ thuật: Công nghệ tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu chúng vừa là cơ hội vừa là nguy cơ đối với công việc kinh doanh. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, yếu tố công nghệ cần được các nhà quản trị xem xét trong việc xây dựng chiến lược hay lựa chọn các giải pháp cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Yếu tố văn hóa xã hội:

Văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần có mối quan hệ với nhau, do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Việc hiểu biết văn hóa sẽ giúp cho nhà quản trị có chiến lược và chính sách, giải pháp sử dụng con người có hiệu quả tại nơi nhà đầu tư kinh doanh.

Xã hội là kết quả các quá trình hoạt động của con người trong cộng đồng các dân tộc, có mối quan hệ chặt chẽ với yếu tố văn hóa. Các vấn đề về xã hội thường được quan tâm như: dân số, quy mô cơ cấu lao động, thu nhập bình quân/người, sự dịch chuyển lao động giữa các ngành, trình độ dân trí ….

Yếu tố thiên nhiên: bao gồm các yếu tố nằm ngoài kiểm soát của con người, ảnh hưởng đến đời sống con người trên mặt đất. Yếu tố thiên nhiên thuần túy như thời tiết, khí hậu nằm theo khu vực địa lý cũng ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh trong một số ngành nhất định.

1.3.3 Các yếu tố vi mô trong ngành

Nguyễn Thị Liên Diệp (2003) cho rằng Môi trường ngành gồm nhiều yếu tố, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của từng tổ chức trong ngành theo các mức độ khác nhau. Môi trường ngành, theo M. Porter, thường bao gồm 5 áp lực cạnh tranh chính bao gồm các doanh nghiệp cùng ngành, khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ tiềm ẩn mới và sản phẩm thay thế. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những thế mạnh và điểm yếu riêng khi đối

phó với sự tác động của môi trường vi mô này.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành: Các doanh nghiệp thường cần tiến hành phân tích từng đối thủ cạnh tranh ở các điểm mục tiêu tương lai, nhận định của họ với chúng ta, chiến lược họ đang thực hiện, tiềm năng họ có để có thể nắm, hiểu được và đưa ra các biện pháp phản ứng và hành động mà họ có thể có.

Khách hàng: Sự tín nhiệm của khách hàng là tài sản có giá trị lớn lao của doanh nghiệp. Sự tín nhiệm đó đạt được do biết thỏa mãn các nhu cầu và thị hiếu của khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, khi khách hàng có khả năng trả giá hay quyền thương lượng của khách hàng là điều doanh nghiệp cần phải xem xét tới. Người mua có ưu thế có thể làm cho lợi nhuận của ngành hàng giảm bằng cách ép giá xuống hoặc đòi hỏi chất lượng cao hơn và phải làm nhiều dịch vụ hơn.

Người cung cấp: Trong mối tương quan của hoạt động, các doanh nghiệp cần phải xác lập các quan hệ với các nhà cung cấp có khả năng cung ứng các nguồn hàng khác nhau, như nguyên liệu sản xuất, vật tư thiết bị, lao động và tài chính… Khi nhà cung cấp có quyền thương lượng cao khiến cho họ có thể tăng giá bán hay giảm các dịch vụ hỗ trợ mà ít phải lo lắng về sự phản ứng của khách hàng.

Đối thủ tiềm ẩn mới: Đối thủ mới tham gia kinh doanh trong ngành hoàn toàn có thể là yếu tố làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai do họ đưa vào khai thác các năng lực sản xuất mới, cung ứng sản phẩm vào thị trường với giá cạnh tranh hơn. Việc mua bán, sát nhập các doanh nghiệp khác trong ngành với ý định xây dựng, phân chia lại thị trường thường là biểu hiện của sự xuất hiện đối thủ mới xâm nhập.

Sản phẩm thay thế: Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tạo ra sức ép cần phải có sản phẩm thay thế, khi đó làm hạn chế tiềm năng lợi nhuận của ngành do mức giá cao nhất đã bị khống chế. Nếu không chú ý tới các sản phẩm thay thế tiềm ẩn, doanh nghiệp có thể bị tụt lại với các thị trường bị thu hẹp đáng kể.

Tóm tắt chương 1

Chương 1 đã hệ thống cơ sở lý thuyết và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của Bưu điện, trên cơ sở đó tác giả đi sâu vào nghiên cứu, đánh giá thực trạng hiệu quả kinh doanh của Bưu điện tỉnh Đồng Nai ở chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của bưu điện tỉnh Đồng Nai: luận văn thạc sĩ (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)