CHƯƠNG 2: THỰC TRANG HIỆU QUẢ HỌAT ĐỘNG KINH DOANH TẠI BƯU ĐIỆN TỈNH ĐỒNG NAI
2.3 ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA BƯU ĐIỆN TỈNH ĐỒNG NAI
Qua phân tích ở phần trên cho thấy hiệu quả kinh doanh của Bưu điện tỉnh Đồng Nai có phần khởi sắc, tuy nhiên phía trước cũng còn khá nhiều thử thách cũng như cạnh tranh. Tác giả có thể rút ra những ưu điểm và hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại đơn vị như sau:
2.3.1 Ưu điểm
Về tổ chức hoạt động: Bưu điện tỉnh Đồng Nai với bộ máy tinh gọn, các phòng ban chức năng được cải tổ mô hình với chủ trương đúng chức năng, đúng người đúng việc. Giải phóng được sức mạnh tập thể, đoàn kết tương thân tương trợ giữa phòng ban.
Bưu điện tỉnh Đồng Nai hiện có ban Giám đốc và đội ngũ các trưởng phòng chức năng đều là những người có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong ngành, có lực lượng lao động thật sự giỏi về chuyên môn, năng động và luôn luôn sáng tạo.
Hệ thống bưu cục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rải đều trên tất cả huyện, có 44 điểm bưu cục có nhiều lợi thế về địa bàn, nằm trên khu dân cư đô thị đông đúc, có lượng khách hàng lớn dồi dào. Mặt bằng các bưu cục được xây dựng theo mô hình nhận diện thương hiệu của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam giúp tăng thêm uy tín với khách hàng và tạo được sự tự tin trong đội ngũ nhân viên.
Hàng năm đơn vị có nhiều thành tích trong công tác hoạt động, từ chuyên môn đến công đoàn, chỉ tiêu doanh thu, chi phí, chênh lệch thu chi đều đạt tốt, tuy không cao nhưng phần nào cũng thể hiện là đầu tàu của toàn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Các chương trình quản lý từ số liệu kinh doanh đến từng chương trình khai thác tại quầy giao dịch và khai thác bưu phẩm đều được tổ chức triển khai rộng và sâu đến từng nhân viên, các cấp quản lý, tất cả lệnh điều hành đều có thể được thực hiện theo hình cây từ cấp cao nhất đến cấp nhỏ nhất là nhân viên từng bưu cục, việc điều hành này giúp công việc được thực hiện nhanh và chuẩn xác, tiết kiệm tối đa thời gian trong toàn bộ chuỗi làm việc của hệ thống.
2.3.2 Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm đã được cần phát huy, qua số liệu phân tích mục 2.2, Bưu điện Đồng Nai còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cải tiến mạnh trong các công tác đầu tư, công tác marketing, công tác quản trị tài chính, về cơ cấu tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, cải tiến quy trình, tổ chức lại bộ máy quản lý và công tác quản trị nguồn nhân lực chi tiết được phân tích như sau:
Thứ nhất, về công tác quản trị tài chính
Đơn vị chưa hình thành bộ phận chuyên phân tích tài chính của đơn vị. Công tác kiểm soát, phân tích chi phí theo từng yếu tố chưa được quan tâm. Việc hạch toán lợi nhuận theo từng nhóm dịch vụ, chưa thực hiện.
Thứ hai, về công tác đầu tư
Hiệu quả sử dụng tài sản qua đầu tư của đơn vị trong thời gian qua là chưa cao.
Đơn vị sử dụng tài sản cố định giá trị còn lại quá thấp so với nguyên giá đang đòi hòi đơn vị phải quyết định phù hợp nên đại tu sửa chữa, hoặc đầu tư nâng cấp mới.
Chưa sử dụng hết hiệu suất của phương tiện vận chuyển tại đơn vị.
Thứ ba, về công tác marketing
Bưu điện tỉnh Đồng Nai tuy đã có hình thành các đội bán hàng chuyên trách phụ trách khách hàng lớn của các Bưu điện Trung tâm, bưu điện Huyện tuy nhiên các dịch vụ cốt lõi cũng chưa tăng mạnh so với các dịch vụ viễn thông. Khi triển khai các dịch vụ mới thì đơn vị thường chạy theo doanh thu mà ít khi tính đến hiệu quả kinh doanh của dịch vụ.
Chất lượng các dịch vụ chuyển phát chưa được quan tâm nhiều, quy trình dịch vụ cải tiến còn chậm, công tác giải quyết khiếu nại của khách hàng còn chậm, thủ tục đền bù rườm rà và cứng nhắc.
Thứ tư, về cơ cấu tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh
Cơ cấu tổ chức cấp Bưu điện Trung tâm, bưu điện Huyện, Bưu cục chưa thật sự tinh gọn, lao động quản lý ở cấp này còn nhiều.
Việc bố trí ca kíp chưa thật sự hiệu quả, tận dụng chưa hết thời gian, nhân sự tại từng điểm bưu cục sản lượng doanh thu thấp chưa hợp lý.
Thứ năm, về bộ máy quản lý và công tác quản trị nguồn nhân lực
Lao động tại đơn vị có tuổi đời bình quân tương đối cao và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học còn nhiều hạn chế.
Cơ chế chính sách đối với người lao động còn bất cập.
Hiện tượng lao động có trình độ chuyên môn cao có xu hướng rời khỏi doanh nghiệp ngày càng tăng.
Trên đây là những ưu nhược điểm và hạn chế từn mặt, là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của đơn vị trong thời gian qua là chưa cao. Do vậy việc tìm ra các giải pháp để Bưu điện tỉnh Đồng Nai có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh nhằm phát triển bền vững và có hiệu quả trong thời gian tới là yêu cầu cấp bách hiện nay của đơn vị.
Tóm tắt chương 2
Chương 2, tác giả đã giới thiệu tổng quan về Bưu điện tỉnh Đồng Nai. Tác giả phân tích thực trạng các phương diện tài chính, khách hàng và đào tạo phát triển và kết hợp phân tích các yếu tố tác động vào Bưu điện, tác giả đã rút ra được những điểm cơ bản trong hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Bưu điện. Từ cơ sở phân tích thực trạng này tác giả tiến hành xây dựng và lựa chọn giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh cho Bưu điện tỉnh ở chương 3