Chương 2: QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN TRONG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014
2.1. Nội dung các điều kiện kết hôn
2.1.2. Tính tự nguyện khi kết hôn
Về mặt pháp lý, kết hôn là một thuật ngữ để chỉ việc nam và nữ đã đăng ký kết hôn, tạo lập tổ ấm gia đình. Sự kết đôi này vừa là nguyện vọng của các bên nam nữ, vừa là mong đợi của gia đình, cha mẹ. Mặt khác, việc kết hôn của các bên nam nữ không chỉ là việc riêng tư của những người kết hôn mà còn ảnh hưởng đến các quy tắc, đến trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức mà pháp luật của Nhà nước bảo vệ. Hệ quả tất yếu là Nhà nước bằng pháp
luật ghi nhận, quy định, điều chỉnh vấn đề kết hôn, bảo đảm lợi ích cá nhân nam, nữ khi kết hôn qua đó bảo vệ lợi ích của xã hội, của Nhà nước. Pháp luật quy định các điều kiện để việc kết hôn hợp pháp và các thủ tục, trình tự kết hôn mà các bên nam, nữ khi kết hôn phải tuân thủ.
“Tự nguyện” theo từ điển Tiếng Việt, có nghĩa: “Tự mình muốn làm, tự mình muốn như thế, không ai bắt buộc”. Như vậy, tự nguyện kết hôn là quyền của nam, nữ. Tự nguyện kết hôn là không có hành vi cưỡng ép hoặc lừa dối để kết hôn đồng thời phải có sự thống nhất ý chí giữa các bên. Quyết định này không bị ảnh hưởng bởi ý chí của một người thứ ba, vì một lợi ích về kinh tế, vật chất, tinh thần .... của ai khác. Sự tự nguyện này xuất phát từ tình yêu thương từ cả hai phía, mong muốn trở thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng gia đình.
Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo cho cuộc hôn nhân bền vững. Việc đánh giá yếu tố tự nguyện của nam, nữ khi kết hôn có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các vụ về hủy hôn nhân trái pháp luật.
Để đảm bảo việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện, luật HN&GĐ quy định bắt buộc những người muốn kết hôn phải cùng có mặt tại cơ quan đăng ký kết hôn nộp tờ khai kết hôn. Theo đó, hai bên nam nữ sẽ trả lời trực tiếp trước cán bộ phụ trách việc đăng ký kết hôn và đại diện của cơ quan đăng ký kết hôn rằng họ tự nguyện kết hôn với nhau. Đây cũng là một hình thức thể hiện sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề kết hôn. Chính vì quy định này mà pháp luật không cho phép cử người đại diện trong việc đăng ký kết hôn, không cho phép một trong hai người được vắng mặt tại lễ đăng ký kết hôn. Pháp luật đã quy định chặt chẽ các thủ tục liên quan đến đăng ký kết hôn, đảm bảo việc kết hôn tự nguyện.
Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, một trong những điều kiện để việc kết hôn hợp pháp là phải có sự tự nguyện của hai bên nam nữ đồng ý lấy nhau, thành vợ chồng. Sự tự nguyện này được Nhà nước bảo hộ và bảo đảm thực hiện trong việc kết hôn của hai bên nam nữ. Tự nguyện trong việc kết hôn là việc hai bên nam nữ được tự do bày tỏ, thể hiện ý chí mong muốn, đồng ý lấy
nhau thành vợ chồng, chung sống hòa thuận, hạnh phúc, bền vững. Sự tự nguyện này khác với sự tự nguyện khi tham gia giao dịch dân sự (tự do ý chí và bày tỏ ý chí của các bên). Ý chí mong nuốn và mục đích của các bên ở đây xuất phát từ tình cảm yêu thương gắn bó giữa hai bên nam nữ mà không bị tác động bởi bất kỳ ai và các lý do nào khác. Sự tự nguyện trong hôn nhân góp phần loại bỏ các hành vi ép buộc, cưỡng ép, lừa dối kết hôn. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quan hệ HN&GĐ là đối tượng điều chỉnh của một ngành luật riêng, độc lập với quan hệ pháp luật dân sự, Luật HN&GĐ không thừa nhận việc đại diện trong kết hôn. Hôn nhân ở đây được hiểu là sự liên kết tình cảm giữa các chủ thể chứ không phải là một hợp đồng dân sự. Do vậy, việc hình thành hay chấm dứt hôn nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí tự nguyện về tình cảm giữa các chủ thể.
Cưỡng ép kết hôn là hành vi của bên nam đối với bên nữ hay ngược lại;
hoặc của người khác (thường là những người thân thích của hai bên nam nữ kết hôn như cha mẹ, ông bà …) đã dùng bạo lực về thể chất (đánh, đập …) hoặc đe dọa, uy hiếp về tinh thần (dọa đuổi khỏi nhà; dọa từ bỏ con; dọa rằng nếu không đồng ý kết hôn thì cha mẹ sẽ tự tử …) từ đó đã làm cho một trong các bên nam, nữ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ.
Lừa dối là trường hợp một bên hoặc người thứ ba đã có hành vi cố ý nói sai sự thật về một người nhằm làm cho bên kia hiểu sai mà kết hôn. Sự lừa dối ở đây phải mang tính chất “nghiêm trọng” thì mới được xem là vi phạm ý chí tự nguyện. Ngược lại, những lừa dối (nói sai tuổi tác, nghề nghiệp, quan hệ…) dẫn đến người kia nhầm tưởng mà kết hôn thì chỉ bị xem là “nhầm lẫn”. Đối với trường hợp này, nếu vì lý do nhầm lẫn đó mà nảy sinh mẫu thuẫn yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án chỉ xử ly hôn theo thủ tục ly hôn chứ không xử hủy kết hôn trái pháp luật
Sự tự nguyện thực sự của hai bên nam nữ trong việc xác lập quan hệ hôn nhân còn được bảo đảm thực hiện trước pháp luật, thông qua thủ tục đăng ký, công nhận việc kết hôn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt ở cơ quan hộ tịch ở địa phương, trực tiếp thể hiện ý chí,
nguyện vọng mong muốn kết hôn cùng nhau bằng đơn đề nghị đăng ký kết hôn và bản khai đăng ký kết hôn. Trong đó, cả hai bên kết hôn phải cam đoan bảo đảm tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn (trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về điều kiện sức khỏe là không mắc bệnh tâm thần hoặc chưa đến mức là không có khả năng nhận thức được hành vi của mình). Ý chí tự nguyện kết hôn của nam nữ được pháp luật bảo vệ cho đến lúc tiến hành thủ tục công nhận chính thức việc kết hôn. Trước khi công nhận, cán bộ hộ tịch có thẩm quyền thẩm tra, hỏi lại hai bên nam nữ kết hôn có đồng ý lấy nhau, kết hôn với nhau hay không.
Trường hợp một hoặc cả hai bên kết hôn thể hiện ý chí là không mong muốn kết hôn với nhau nữa, ý chí đó được tôn trọng, bảo hộ; cán bộ có thẩm quyền không tiến hành thủ tục công nhận việc kết hôn. Việc có đơn đề nghị đăng ký kết hôn và khai đề nghị đăng ký kết hôn trước đó chỉ như một thủ tục hành chính thông thường; cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bỏ việc khai đề nghị đăng ký kết hôn đó. Trường hợp cả hai bên nam nữ thể hiện ý chí đồng ý kết hôn với nhau thì cơ quan có thẩm quyền công nhận chính thức việc kết hôn, đăng ký vào Sổ kết hôn và cấp giấy Chứng nhận kết hôn cho hai bên nam nữ kết hôn. Bản chính giấy Chứng nhận kết hôn được trao cho mỗi bên kết hôn một (01) bản; còn bản sao sẽ được cấp theo nguyện vọng của vợ chồng. Việc kết hôn trở thành chính thức khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, đăng ký vào Sổ kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy, ý chí tự nguyện kết hôn của hai bên nam nữ kết hôn luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ; kể cả trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã công nhận việc kết hôn nhưng do một hoặc cả hai bên nam nữ kết hôn bị cưỡng ép, bị lừa dối thì khi có yêu cầu, Tòa án vẫn có quyền xử hủy việc kết hôn trái pháp luật đó. Việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự37.
37 Khoản 1 Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2014
Có thể khẳng định kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này38. Đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật, trong đó có trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn tự nguyện do bị cưỡng ép, bị lừa dối thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà chế tài xử lý được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành là phạt tiền, hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014.
Điều kiện về sự tự nguyện khi kết hôn không phải là điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014 mà là sự kế thừa và phát triển của Luật HN&GĐ năm 1959, luật HN&GĐ năm 1986 và luật HN&GĐ năm 2000. Đây là điều kiện mang đậm tính dân chủ, tiến bộ. Việc luật HN&GĐ quy định kết hôn phải đảm bảo sự tự nguyện của hai bên làm nâng cao sự bền vững của hôn nhân, góp phần xóa bỏ hôn nhân lạc hậu, kết hôn do bị cưỡng ép, bị lừa dối, giả tạo, không nhằm mục đích xác lập quan hệ vợ chồng.