Thủ tục đăng ký kết hôn

Một phần của tài liệu Quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kết hôn và thực tiễn thi hành tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 58 - 63)

Chương 2: QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN TRONG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014

2.2. Thủ tục đăng ký kết hôn

Căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 thì việc kết hôn phải được đăng ký tại UBND cấp xã đối với công dân có quốc tịch Việt Nam và UBND cấp Huyện đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Như vậy, đăng ký kết hôn là nghi thức kết hôn duy nhất là phát sinh quan hệ vợ chồng. Chỉ khi nào cơ quan đăng ký kết hôn đăng ký việc kết hôn cho đôi nam, nữ - ghi vào sổ đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn thì giữa họ mới phát sinh quan hệ vợ chồng.

Hiện nay, theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 hiện hành, vấn đề đăng ký kết hôn không phải là một trong những điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 9. Tuy nhiên, đây là yếu tố cần thiết để kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đối với các điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ.

Tại Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn. Muốn hôn nhân của mình được pháp luật công nhận, hai bên nam nữ phải xin đăng ký tại cơ quan đăng ký kết hôn”.

Có thể thấy, việc đăng ký kết hôn là nghi thức kết hôn duy nhất được pháp luật công nhận, vì vậy mọi nghi thức khác không tuân theo các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn đều không có giá trị pháp lý. Ví dụ, nghi thức kết hôn tại nhà thờ của Thiên chúa giáo. Nghi thức này tuy có sự chứng kiến của nhiều người và thực hiện theo các nghi lễ đặc biệt (xưng tội trước Chúa, tuyên thệ trước Cha xứ và hai bên trao nhẫn cho nhau) nhưng không phải là nghi thức được pháp luật ghi nhận và có giá trị pháp lý. Nghi thức này chỉ có giá trị về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và tâm thức của những người theo đạo Thiên chúa. Các bên nam nữ trong trường hợp này muốn trở thành vợ chồng hợp pháp cần phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền61.

Quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ được luật thừa nhận khi cơ quan đăng ký kết hôn đăng ký việc kết hôn, ghi vào sổ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn. Từ đây có thể thấy nếu nam, nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật thừa nhận có quan hệ vợ, chồng. Thời điểm phát sinh quan hệ vợ chồng là một vấn đề quan trọng để xác định các hậu quả pháp lý phát sinh (quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản…).

Về thẩm quyền đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014, theo quy định này thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cứ trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn giữa các công dân Việt Nam với nhau tại Việt Nam. Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì việc đăng ký kết hôn đó không có giá trị pháp lý. Thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Đây là biện pháp để Nhà nước kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của nam nữ trong việc kết hôn, ngăn chặn những hiện tượng kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Ngoài ra, việc đăng ký kết hôn có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nam, nữ vì từ thời

61 Nguyễn Thị Thu Thảo, “Các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2014

điểm đó giữa họ phát sinh quan hệ vợ chồng, tức là phát sinh các nghĩa vụ giữa vợ, chồng được luật HN&GĐ ghi nhận.

Pháp luật hiện nay quy định thủ tục đăng ký kết hôn tại các cơ quan có thẩm quyền là một trong những điều kiện bắt buộc về mặt hình thức của kết hôn nhưng lại không được quy định ở phần điều kiện kết hôn trong khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 đã gây ra không ít cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật. Nội dung Điều 9 thể hiện ý nghĩa quan trọng của việc đăng ký kết hôn, đồng thời khẳng định đây là nghi thức kết hôn duy nhất được pháp luật công nhận, vì vậy mọi nghi thức khác không tuân theo các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn đều không có giá trị pháp lý, nhưng không xem đây là một điều kiện bắt buộc về mặt hình thức của điều kiện kết hôn. Ngoài ra, việc không quy định đăng ký kết hôn là một điều kiện về hình thức khi kết hôn gây ra hiện tượng khó hiểu, áp dụng sai trên thực tế, giảm hiệu quả ngăn chặn các hiện tượng vi phạm điều kiện kết hôn như tảo hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng...

Việc đăng ký kết hôn có thể coi là “biện pháp bảo vệ” quyền lợi cho các bên nam, nữ khi xác lập quan hệ nhân thân. Giấy chứng nhận kết hôn là chứng cứ pháp lý thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về việc tồn tại quan hệ vợ chồng.

Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn làm phát sinh quan hệ vợ, chồng theo đó, làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo luật như: quyền sở hữu của vợ chồng đối với tài sản chung hợp nhất, quyền thừa kế tài sản của nhau, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng, xác lập quan hệ cha, mẹ với con. Không những vậy việc đăng ký kết hôn còn cơ sở để Tòa án giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của các bên khi có mâu thuẫn xảy ra. Từ đây có thể thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn cũng như giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, là bằng chứng có giá trị pháp lý nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng ở các phương diện trên.

Về thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi

việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc62.

Để được đăng ký kết hôn các bên nam, nữ phải xuất trình các giấy tờ: Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký kết hôn.

Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

Bên cạnh đó, các bên nam, nữ khi kết hôn còn phải nộp các giấy tờ: Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn; Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc). Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Rõ ràng những quy định này mới chỉ đánh giá được yếu tố tự nguyện – sự biểu hiện bên ngoài của các bên khi đăng ký kết hôn mà không thể kiểm soát được nhiều trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của luật (các trường hợp một bên mất năng lực hành vi dân sự; một bên là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; các bên nam, nữ có quan hệ huyết thống…).

62 Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trên tinh thần kế thừa, phát triển có chọn lọc các quy định của Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986; Luật HN&GĐ năm 2000 và tiếp tục hoàn thiện các chế định về HN&GĐ, Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về điều kiện kết hôn, nhằm bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của việc kết hôn, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trật tự trong gia đình và xã hội, không để các giá trị truyền thống bị xâm phạm, bảo đảm sức khỏe, nòi giống của người Việt. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật đã cho thấy các quy định về điều kiện kết hôn vẫn chưa thực sự phát huy được hết vai trò, tác dụng, một số quy định còn tỏ ra chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy định liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Nhiều trường hợp kết hôn trái pháp luật vẫn xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính các cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội cùng những giá trị đạo đức truyền thống.

Một phần của tài liệu Quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kết hôn và thực tiễn thi hành tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)