CHƯƠNG 4. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ NHẬP KHẨU TRANG THIẾT BỊ PHÒNG SẠCH TỪ
4.3. Một số kiến nghị với cơ quan nhà nước
Hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Trong những năm gần đây, các hiệp đinh thương mại quốc tế được ký kết tạo cơ hội cho hoạt động thương mại quốc tế ngày càng phát triển. Cho đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến thương mại của Việt Nam đã có nhiều thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm chưa hợp lý và gây trở ngại cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhập khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới nhà nước cần có những biện pháp hoàn thiện hơn nữa về hệ thống pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, công bằng và thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong quản lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, vấn đề thuế nhập khẩu vẫn còn là một vấn đề được quan tâm hàng đâu. Nhà nước nên có những quy định rõ ràng về biểu thuế nhập khẩu, cập nhật những sản phẩm mới, những biến động của nền kinh tế
thế giới và trong nước. Tránh việc thay đổi đột ngột các chính sách có liên quan đến hoạt động nhập khẩu gây rủi ro cho các công ty có hoạt động thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó nhà nước cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các hướng dẫn chi tiết về làm thủ tục hải quan. Đồng thời nhà nước nên ban hành các văn bản pháp luật mang tính đồng bộ, tránh chồng chéo lên nhau để làm cơ sở luật pháp ngày càng rõ ràng hơn, tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí và những tổn thất do việc không am hiểu về luật pháp gây ra. Giữa Bộ Công thương và Tổng Cục Hải quan cần có sự thống nhất với nhau trong việc quản lý nhập khẩu. Nhà nước cần quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung quy trình thủ tục Hải quan theo hường tiêu chuẩn hóa.
Về chính sách quản lý ngoại hối, hiện nay chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh xuất khẩu nên tỷ giá hối đoái thường được điều hành theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh nhập khẩu cũng đóng góp phần quan trọng không kém trong việc bổ sung, cân đối các mặt hàng trong nước còn thiếu hụt, duy trì năng lực sản xuất. Vì thế, Nhà nước cần có các biện pháp điều hành tỷ giá một cách hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Đào tạo nguồn nhân lực
Vấn đề nguồn lao động chung tại Việt Nam hiện nay đó là lượng lao động không có kinh nghiệm thì dư thừa trong khi đó lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật có chuyên môn lại thiếu một cách nghiêm trọng. Thế nên, Nhà nước cần ban hành các chính sách đầu tư cho giáo dục, xây dựng hệ thống đào tạo một cách bài bản và sát với yêu cầu thực tế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, ngoài những kỹ năng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, còn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ về ngoại ngữ. Đồng thời có các chế độ đãi ngộ phù hợp và xứng đáng với cán bộ kinh doanh nhập khẩu.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và kinh doanh nhập khẩu nói riêng phụ thuộc rất nhiều và điều kiện cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc... Muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn cho kinh doanh đòi hỏi phải đầu tư nguồn vốn rất lớn, nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách đầu tư thích đáng trong việc quy hoạch, xây mới hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.