CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ XUẤT KHẨU VÀ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU MẶT HÀNG MAY MẶC CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
2.2. Cơ sở lý luận về thúc đẩy xuất khẩu
2.2.3. Các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu đối với doanh nghiệp
❖ Thứ nhất là đầu tư mở rộng quy mô sản xuất
Quy mô sản xuất được quy định liên kết chặt chẽ với quy mô nhà máy sản xuất, số lượng máy móc được lắp đặt và kỹ thuật công nghệ được người sản xuất áp dụng vào quá trình sản xuất. Khi mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp phải huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực và đầu tư về công nghệ. Phát triển công nghệ được thực hiện bằng nhiều con đường như: tự nghiên cứu và phát triển, nhận chuyển giao
26
công nghệ, mua bán hay cho tặng…Để nâng cao năng lực sản xuất, các doanh nghiệp hiện nay đang tích hợp công nghệ số vào sản xuất, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo như robot hay in mô hình 3D.
❖ Thứ hai là nâng cao chất lượng sản phẩm
Doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm nên sử dụng sự đánh giá, cảm nhận của khách hàng mục tiêu về sản phẩm làm thước đo đánh giá tình trạng chất lượng sản phẩm hiện tại. Có thể áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001:2015, DIN, BS...để khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp đồng thời cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại, lưu ý các tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu. Sự đầu tư công nghệ, thực hiện các biện pháp xúc tiến để xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
❖ Thứ ba là đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu
Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa bằng cách tạo nhiều mẫu mã hay sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để tạo ra sự khác biệt và phong phú cho sản phẩm. Để đẩy mạnh công tác này, doanh nghiệp cần chú trọng nhất đến năng lực của đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đào tạo và phát triển đội ngũ thiết kế kết hợp với công tác điều tra, nghiên cứu thị trường, xác định xu hướng tiêu dùng để tạo ra được sản phẩm làm hài lòng khách hàng.
❖ Thứ tư là dịch chuyển cơ cấu các mặt hàng
Dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng bán chạy, có giá trị gia tăng cao của công ty, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và thị trường ngách để mở ra các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
❖ Thứ năm là nghiên cứu mở rộng thị trường
Thông tin thị trường mà doanh nghiệp cần nghiên cứu đó là môi trường kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng, đặc điểm thị hiếu…Thông tin có thể được thu thập gián tiếp trên Internet hoặc thu thập trực tiếp từ điều tra tại thị trường. Doanh nghiệp có thể áp dụng các mô hình nghiên cứu như mô hình PEST, năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter để nghiên cứu thị trường được bài bản nhất. Dựa trên thông tin
27
nghiên cứu được về thị trường, tiến hành lựa chọn mở rộng thị trường theo thị trường mới hoặc phát triển chuyên sâu theo dòng sản phẩm nhất định tại một khu vực thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp đã thâm nhập.
❖ Thứ sáu là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế như WTO, hiệp định FTA... Tăng cường năng lực của giám đốc và cán bộ quản lý trong doanh nghiệp... chú trọng phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế...
❖ Thứ bảy là xúc tiến và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài
Xúc tiến thương mại quốc tế giúp các doanh nghiệp bán trước sản phẩm, nâng cao hình ảnh , định vị thương hiệu trong lòng khách hàng. Được thực hiện bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm; tài trợ cho các hoạt động xã hội, khuyến mãi…hoặc thông qua thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số như Website, Google, Youtube, Seo, Facebook, Tiktok, Instagram…Sử dụng Influencer Marketing để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với khách hàng ngoài nước, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.
❖ Thứ tám, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực doanh nghiệp
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn: Vốn được huy động bằng nhiều nguồn khác nhau: Được tiết kiệm tích lũy thông qua các kỳ kinh doanh có lãi, vốn được hỗ trợ ủng hộ của Nhà nước... Doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường công tác quản lý các khoản phải thu, giảm thiểu chi phí lưu kho, lưu bãi, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động: Nhân lực doanh nghiệp phải đảm bảo về chất lượng tức là đủ kiến thức kinh nghiệm và được sắp xếp một cách hợp lý trong cơ cấu lao động của doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực với đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, chuyên nghiệp, có tính sáng tạo cao;
28
hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, có nhiều chính sách phúc lợi thu hút người tài trung thành với doanh nghiệp xuất khẩu.