Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1. Những vấn đề lý luận về thuế thu nhập doanh nghiệp
1.1.3. Khái niệm về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
1.1.3.1. Định nghĩa quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quản lý thuế đã và đang là vấn đề đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và được nghiên cứu dưới góc độ nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Quản lý thuế theo nghĩa rộng là hoạt động của nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước với nội dung gồm: (i) ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản QPPL thuế;
(ii) Xây dựng chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển hệ thống thuế; (iii) Thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế; (iv) Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế; (v) Áp dụng các biện pháp phòng chống trốn lậu thuế, chiếm đoạt
tiền thuế của nhà nước, thực hiện cưỡng chế thuế; (vi) Ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về thuế; (vii) Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ thuế…Hoạt động quản lý thuế khá đặc thù, tham gia hoạt động này có Nhà nước và bản thân NNT với những vai trò, quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm khác nhau trong quan hệ quản lý thuế.
Quản lý thuế theo nghĩa hẹp là hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước đến NNT nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật thuế với nội dung gồm:
(i) Xây dựng thể chế quản lý thuế để tạo cơ sở cho công tác quản lý thuế, trong đó xác định rõ chủ thể quản lý, đối tượng chịu sự quản lý; (ii) Xác định các quyền, nghĩa vụ cho ĐTNT, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cán bộ công chức ngành thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế;
(iii) Xác định các thủ tục và nội dung quản lý hành chính thuế như: đăng ký thuế, cấp MST; kê khai thuế, nộp thuế; quyết toán thuế; miễn, giảm thuế; hoàn thuế; xử phạt vi phạm thuế; cưỡng chế thuế; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế...;
(iv) Xây dựng cơ chế quản lý thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế để áp dụng tại cơ quan quản lý thuế các cấp; (v) Tổ chức bộ máy quản lý thuế, đội ngũ cán bộ, công chức thuế để thực hiện các nhiệm vụ quản lý thuế bằng các biện pháp quản lý hành chính thích hợp với diễn biến khách quan của quá trình sản xuất kinh doanh ở cơ sở và điều kiện quản lý kinh tế trong từng giai đoạn.
Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi nghiên cứu quản lý thuế đối với DNNVV là một bộ phận của quản lý thuế nói chung dưới khía cạnh quản lý hành chính nhà nước về thuế (theo nghĩa hẹp).
Như vậy, “Quản lý thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là hoạt động tổ chức, điều hành và giám sát của cơ quan thuế nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa chấp hành nghĩa vụ nộp thuế TNDN vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”.
1.1.3.2. Đặc điểm của hoạt động quản lý thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Thứ nhất, quản lý thuế TN đối với DNNVV là hoạt động nhạy cảm, phức tạp.
Quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng là một hoạt động nhạy cảm, phức tạp đòi hỏi phải đảm bảo lợi ích của hai bên: nhà nước và DNNVV.
DNNVV là chủ thể nộp thuế phải trích một phần tài sản để chuyển cho Nhà nước mà không thể trì hoãn hay khước từ. Ngược lại, Nhà nước luôn mong chờ nguồn thu từ
thuế để đảm bảo nguồn lực vật chất phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ của mình. Như vậy việc thu nộp thuế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả hai chủ thể - chủ thể quản lý (nhà nước) và đối tượng chịu sự quản lý (DNNVV). Đặc điểm này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có phương thức quản lý linh hoạt, không thể tùy tiện đưa ra các quy định có tính áp đặt, độc đoán bắt buộc các đối tượng chịu quản lý phải tuân theo.
Thứ hai, quản lý thuế thu nhập (đối với DNNVV) bằng pháp luật với thể chế và các nghiệp vụ hành chính đã được định trước.
Về bản chất, quản lý thuế thu nhập (đối với DNNVV) là hoạt động quản lý hành chính sách nhà nước trong lĩnh vực thuế được tiến hành trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước bằng pháp luật và các nghiệp vụ khác. Trong đó pháp luật là công cụ chủ yếu mang tính chuẩn mực buộc mọi chủ thể phải tuân theo bởi cả hai nhóm chủ thể. Đây là nguyên tắc khách quan trong nền kinh tế thị trường và để xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý theo luật nhằm bảo vệ quyền lợi nhà nước, đông thời coi trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng nộp thuế.
1.1.3.3. Vai trò của quản lý thuế thu nhập (đối với DNNVV)
Thứ nhất, đảm bảo tính hiệu lực của chính sách pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Pháp luật về quản lý thuế qui định phương thức, biện pháp nhà nước tác động đến ý thức của NNT trong đó có nhóm DNNVV để các chủ thể này thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập đúng thời gian, đủ số lượng và đúng địa điểm. Làm được như vậy đồng nghĩa với việc đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật về thuế TNDN.
Khi quản lý thuế đảm bảo tính hiệu lực của chính sách pháp luật thuế, như vậy góp phần phát huy được vai trò của thuế TNDN đó là đảm bảo sự công bằng giữa các DNNVV, điều tiết kinh tế vĩ mô, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả của chính sách thuế.
Hệ thống thuế được đánh giá là hiệu quả khi được các chủ thể liên quan tự giác tuân thủ, góp phần làm giảm chi phí quản lý thuế của Nhà nước. Khi tỷ lệ tiền phục vụ cho hoạt động quản lý thuế trên tiền thuế thu được ngày càng nhỏ đã minh chứng rằng hoạt động tuân thủ của các DNNVV cao như vậy chính sách thuế TNDN phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và các qui định về quản lý thuế ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhóm DN này.
Thứ ba, góp phần cải cách thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia.
Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, theo đó qui định chuẩn mực cho hành vi chủ thể pháp luật (trong đó gồm khu vực DNNVV) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thủ tục thuế DNNVV càng đơn giản, thuận lợi, giảm thời gian tuân thủ thuế nhiều góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cấp quốc gia[16].