CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHIẾN LƯỢC THÂM NHẬP VÀO THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VIỆT NAM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài
2.2.2. Môi trường ngành bán lẻ Việt Nam
Để nghiên cứu về môi trường ngành bán lẻ Việt Nam, tác giả sử dụng mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter trong thị trường bán lẻ Việt Nam:
2.2.2.1. Mức độ cạnh tranh trong nội bộ ngành
Trong nội bộ một ngành, sức ép giữa các doanh nghiệp cao, thấp, hoặc trung bình cũng tùy thuộc vào từng ngành, từng khu vực, từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, trong khu vực Đông Nam Á, ngành bán lẻ ở một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã có quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư nên sức ép cạnh tranh nội bộ ngành là rất lớn dẫn đến bão hòa thị trường. Áp lực cạnh tranh vừa giúp doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng đồng thời nó cũng gây rất nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp còn non trẻ, tiềm lực chưa
đủ mạnh. Đó cũng là lý do khiến các nhà bán lẻ ở các quốc gia này buộc phải tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở thị trường quốc tế.
a. Cạnh tranh giữa nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài
Các nhà bán lẻ nước ngoài hiện đang cạnh tranh với các nhà bán lẻ trong nước trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại: trung tâm mua sắm, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã xây dựng hệ thống phân phối tại Việt Nam và đang hướng tới mục tiêu chiếm thị phần cao hơn tại thị trường tiềm năng cao này.
Sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước ngày càng mạnh mẽ bởi sự thâm nhập của hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới. Các nhà bán lẻ nước ngoài đã đầu tư vào các cửa hàng bách hóa và siêu thị như AEON, Big C, Lotte và Metro Cash & Carry với tần suất nhanh chóng và số lượng lớn gây ra sự áp đảo về thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam. Các nhà bán lẻ trong nước cũng không ngồi im chịu trận mà họ cũng đang tích cực thâu tóm các công ty nhỏ để gia tăng thị phần của mình bằng cách thực hiện hàng các thương vụ sáp nhập và mua bán trên thị trường bán lẻ.
Hình 2.2: Các thương vụ sáp nhập và mua lại nổi bật trong ngành bán lẻ Việt Nam năm 2019
Nguồn: Deloitte
b. Cạnh tranh giữa nhà bán lẻ truyền thống và hiện đại
Ở Việt Nam, loại hình bán lẻ truyền thống và hiện đại đang tồn tại và cạnh tranh với nhau. Các nhà bán lẻ truyền thống chiếm 90% doanh thu trong khi các nhà bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 10%. Các nhà bán lẻ trong nước hiện tại bao gồm VinMart, Saigon Coop và các nhà sản xuất nổi tiếng trong nước như Vissan, Vinamilk và Trung Nguyên đang phát triển riêng hệ thống phân phối để có thêm khả năng tiếp cận thị trường và quảng bá thương hiệu của mình ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, các chuyên gia trong ngành kỳ vọng lĩnh vực bán lẻ thực phẩm hiện đại sẽ chiếm khoảng 20% doanh thu tại Việt Nam vào năm 2025.
Các loại hình bán lẻ như chợ truyền thống, siêu thị và cửa hàng tiện lợi có thể thay thế nhau.
Chẳng hạn, khi giá cả hàng hóa tăng lên, hầu hết các bà nội trợ chọn đi chợ truyền thống vì họ có thể mặc cả so với giá cố định trong siêu thị. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ đi mua hàng tạp hóa ở cửa hàng tiện lợi do yếu tố “chỉ ở gần”.
2.2.2.2. Mối đe dọa từ những người mới tham gia
Việt Nam, với dân số đông và thu nhập ngày càng tăng, là một thị trường đầy hứa hẹn để phát triển bán lẻ. Cùng với các nhà bán lẻ hiện có, nhiều tập đoàn quốc tế cũng mới tham gia hoặc có ý định thâm nhập thị trường nước này. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, AEON, đã khai trương trung tâm thương mại AEON đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào đầu năm 2014. Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan cũng đang xây dựng cửa hàng Robins đầu tiên để bắt đầu hoạt động tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Walmart của Mỹ và Auchan của Pháp đang thể hiện sự quan tâm của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Vì vậy, áp lực cạnh tranh trong ngành bán lẻ đối với tất cả các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài thực sự rất lớn.
2.2.2.3. Sức ép từ phía khách hàng
Khách hàng là đối tượng phục vụ và cơ sở để doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh nên việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, quy mô, khách hàng là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu từng đối tượng khách hàng khác nhau và sở thích của họ là cần thiết, giúp doanh nghiệp bán lẻ đưa ra các chính sách bán hàng phù hợp.
2.2.2.4. Sức ép từ nhà cung cấp
Nhà cung cấp các ản phẩm cho ngành bán lẻ là một yếu tố gây ra sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ với nhau. Bán lẻ cũng thuộc hệ thống phân phối, nên nó cũng chịu ảnh hưởng từ những khâu khác. Số lượng nhà cung cấp sẽ quyết định đến quyền lực đàm phán của họ đối với ngành, doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu nguồn cung hàng hóa trên thị trường bị hạn chế và chỉ một vài nhà cung ứng quy mô lớn có khả năng cung cấp loại hàng hóa đó sẽ tạo áp lực trong đàm phán với các doanh nghiệp. Ngược lại, nếu nguồn cung hàng hóa dồi dào, các mặt hàng luôn có sẵn trong cửa hàng và các mặt hàng có thể thay thế được thì ưu thế trong đàm phán lại thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ.
2.2.2.5. Các sản phẩm thay thế
Trong ngành bán lẻ, các sản phẩm và dịch vụ thay thế là những sản phẩm, dịch vụ có thể thỏa mãn nhu cầu tương đương với các sản phẩm dịch vụ trong ngành. Ví dụ, dịch vụ thay thế của những doanh nghiệp bán lẻ có cửa hàng là dịch vụ đến từ những nhà bán lẻ vô hình bán hàng qua các nền tảng xã hội trực tuyến như facebook, youtube, tiktok, qua điện thoại...,qua các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo,...Xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng có thêm nhiều loại hình bán lẻ ra đời. Vì vậy, muốn tồn tại được và phát triển thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải luôn sáng tạo, đổi mới vừa để theo kịp vừa để dẫn dắt xu thế tiêu dùng.