CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CHO THUÊ TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH
2.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.6. Hợp đồng cho thuê tài chính
2.1.6.1. Khái niệm hợp đồng cho thuê tài chính
46
Hợp đồng có vai trò rất quan trọng trong giao dịch dân sự, những thỏa thuận dưới sự thống nhất ý chí của các chủ thể giao kết được ghi nhận trong hợp đồng là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng. Nhìn vào các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động CTTC, có thể thấy hầu hết được xây dựng dựa trên cơ sở hợp đồng CTTC để điều chỉnh.
Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định: “Hợp đồng cho thuê tài chính là thỏa thuận giữa Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính về việc cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật về hoạt động cho thuê tài chính” (NHNN, 2015). Ngoài ra, pháp luật cũng khẳng định hợp đồng CTTC là hợp đồng không thể hủy ngang.
2.1.6.2. Hình thức và nội dung của hợp đồng cho thuê tài chính
Theo pháp luật dân sự, hợp đồng có thể tồn tại dưới ba dạng là lời nói, hành vi và văn bản. Đối với một số quan hệ nhất định, pháp luật đòi hỏi hợp đồng bắt buộc phải được xác lập bằng một hình thức nhất định mà thường là văn bản. Bởi lẽ, văn bản tức là
“giấy trắng mực đen”, tồn tại hữu hình và ổn định, dễ dàng xem xét và kiểm tra. Mọi thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng khi được ghi nhận lại trong văn bản sẽ ràng buộc các chủ thể với nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó, trở thành cơ sở, chứng cứ quan trọng khi có tranh chấp xảy ra. Xuất phát từ những ưu điểm trên của hợp đồng văn bản kết hợp với tính chất quan trọng và phức tạp của hoạt động Ngân hàng, pháp luật đòi hỏi hợp đồng CTTC phải được lập thành văn bản và phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
“(i) Tên, địa chỉ của Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính;
(ii) Điều kiện cho thuê tài chính;
(iii) Tên, đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, thời hạn giao nhận, lắp đặt, bảo hành tài sản thuê, chất lượng của tài sản thuê, các điều khoản, điều kiện khác có liên quan đến tài sản thuê;
(iv) Mục đích sử dụng tài sản thuê;
(v) Tiền thuê tài chính, thời điểm nhận nợ tiền thuê tài chính; mức lãi suất cho thuê tài chính; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho
47
thuê tài chính đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho thuê tài chính có điều chỉnh;
loại phí và mức phí áp dụng; các chi phí theo quy định của pháp luật;
(vi) Thời hạn cho thuê tài chính và kỳ hạn trả nợ tiền thuê tài chính;
(vii) Thỏa thuận về việc chuyển nợ gốc quá hạn, thông báo về chuyển nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn, lãi suất áp dụng đối với tiền lãi thuê chậm trả;
(viii) Quyền và nghĩa vụ của các bên, xử lý trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt trước hạn theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;
(ix) Các nội dung khác của hợp đồng cho thuê tài chính do Bên cho thuê tài chính và Bên thuê tài chính thỏa thuận;” (NHNN, 2015)
Đây đều là những thỏa thuận mà bên cho thuê và bên thuê tài chính buộc phải bàn bạc và thống nhất nếu muốn xác lập quan hệ CTTC. Những điều khoản cơ bản này đảm bảo phân biệt hợp đồng CTTC với hợp đồng nói chung và hợp đồng thuê tài sản thông thường đồng thời bao chứa những nội dung cốt lõi cần thiết nhất tồn tại khi hoạt động CTTC được xác lập để các chủ thể lấy làm căn cứ từ đó thực hiện đúng hợp đồng. Hoạt động CTTC là hoạt động Ngân hàng, có tính rủi ro cao, mặt khác CTTC cũng là hình thức cấp tín dụng tương đối phức tạp, hợp đồng CTTC lại không thể hủy ngang. Vì vậy, bên cho thuê và bên thuê cần thỏa thuận và quy định một cách rõ ràng những nội dung trên trong hợp đồng CTTC, thống nhất cách hiểu về các điều khoản để hạn chế tối đa tranh chấp có thể phát sinh.
2.1.6.3. Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn
Hợp đồng CTTC là hợp đồng không thể hủy ngang, tuy nhiên, quan hệ hợp đồng cần lối thoát khi mục tiêu mà các chủ thể đặt ra khi giao kết hợp đồng không đạt được hay có sự thay đổi nào đó dẫn đến hợp đồng không còn khả năng thực hiện được. Vì vậy, pháp luật vừa quy định một số trường hợp mà hợp đồng CTTC có thể chấm dứt trước hạn vừa quy định việc xử lý hợp đồng CTTC sau khi chấm dứt tại điều 21, 22 Nghị định 39/2014/NĐ-CP mà hai bên cần phải cụ thể hóa và quy định rõ ràng trong hợp đồng CTTC. Theo đó, hợp đồng CTTC được xử lý sau khi chấm dứt trước hạn trong những trường hợp như sau (Chính Phủ, 2014):
48
(1) Bên thuê không thanh toán tiền thuê hoặc vi phạm điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng hoặc bị tuyên bố phá sản, giải thể: Bên cho thuê tiến hành thu hồi tài sản ngay lập tức sau khi có văn bản thông báo tới bên thuê và cơ quan có thẩm quyền (có thể yêu cầu hỗ trợ) để bảo đảm thực hiện quyền chủ sở hữu. Bên thuê phải hợp tác, tạo điều kiện khi bên cho thuê thu hồi tài sản đồng thời thanh toán toàn bộ số tiền thuê còn lại và các chi phí phát sinh.
Trong trường hợp bên thuê vi phạm hợp đồng và không tự nguyện bàn giao tài sản, bên cho thuê thực hiện cho vay bắt buộc và bên thuê phải nhận nợ bắt buộc đối với các chi phí nhằm thu hồi tài sản thuê.
(2) “Tài sản cho thuê bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa”: Bên cho thuê phải gửi văn bản thông báo về tình trạng của tài sản thuê cho cơ quan có thẩm quyền và có thể yêu cầu hỗ trợ; thu hồi tài sản thuê bị hỏng sau khi gửi thông báo cho bên thuê. Bên thuê có nghĩa vụ trao trả tài sản bị hỏng và thanh toán toàn bộ tiền thuê còn lại cùng với các chi phí phát sinh.
(3) Bên cho thuê vi phạm điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng hoặc hai bên đồng ý để bên thuê thanh toán toàn bộ tiền thuê trước thời hạn: Thực hiện theo quy định của hợp đồng CTTC mà hai bên đã ký kết.
2.1.6.4. Đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính
Đăng ký hợp đồng CTTC như một biện pháp bổ sung chủ yếu nhằm bảo đảm quyền lợi của bên cho thuê. Theo quy định tại điều 24 và khoản 2 điều 26 Nghị định 39/2014.NĐ-CP thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng CTTC. Việc đăng ký hợp đồng CTTC không phải là thủ tục bắt buộc mà là một thủ tục được thực hiện theo yêu cầu, chủ thể yêu cầu sẽ là bên cho thuê. Bên cho thuê có thể thực hiện đăng ký theo hình thức trực tiếp hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định tại Thông tư 08/2018/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp cùng với thông tư sửa đổi, bổ sung nó là Thông tư 06/2020/TT-BTP. Đăng ký hợp đồng CTTC như một biện pháp công khai thông tin, bảo vệ quyền lợi của bên cho thuê trước bất kì bên thứ ba nào khác liên quan tới tài
49
sản thuê tài chính và các vấn đề khác có thể phát sinh từ hợp đồng CTTC mà bên cho thuê đã đăng ký.
2.1.6.5. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền cơ bản của chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật, đặc biệt là quan hệ pháp luật hợp đồng để bảo vệ lợi ích của chủ thể bị xâm phạm bởi hành vi của chủ thể khác trong khi phạt vi phạm là chế tài mang tính trừng phạt hành vi vi phạm hợp đồng, đòi hỏi phải được thỏa thuận trước và ghi nhận trong hợp đồng. Mặt khác, như đã phân tích, pháp luật luôn tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên, trong quan hệ CTTC cũng không ngoại lệ, vấn đề này được quy định rõ tại khoản 8 điều 35 Thông tư 30/2015/TT-NHNN: Bên cho thuê và bên thuê có thể thỏa thuận áp dụng đồng thời hai chế tài hoặc chỉ áp dụng chế tài phạt vi phạm mà không áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp hai bên chỉ quy định trong hợp đồng chế tài phạt vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm. Quy định này có sự khác biệt so với pháp luật thương mại, cụ thể là Luật Thương mại 2005 luôn duy trì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm dù hai bên không có thỏa thuận áp dụng đồng thời cả hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
2.2. THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.2.1. Chủ thể tham gia hoạt động cho thuê tài chính 2.2.1.1. Bên cho thuê
Sau gần 30 năm phát triển, theo thống kê của NHNN thì tính đến thời điểm tháng 3/2022, có 10 công ty CTTC đang tồn tại và hoạt động (NHNN, 2022), phân bố ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó chủ yếu là công ty CTTC trực thuộc Ngân hàng, chiếm một nửa trên tổng số công ty CTTC hiện nay. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được. Trước hết, CTTC là hoạt động Ngân hàng, lĩnh vực mà muốn tham gia đòi hỏi những điều kiện nghiêm ngặt và khắt khe.
Trong khi đó các NHTM lại là chủ thể hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Ngân hàng, có khả năng đáp ứng các điều kiện mà NHNN đưa ra, lại có tiềm lực tài chính,
50
kinh nghiệm và chuyên môn cần thiết nên thuận tiện hơn hết khi mở rộng, đa dạng hoạt động kinh doanh sang cấp tín dụng dưới hình thức CTTC, chỉ đơn giản bằng việc thành lập công ty con. Các công ty con là công ty CTTC có thể tận dụng tối đa các nguồn lực, mạng lưới khách hàng có sẵn từ Ngân hàng mẹ để làm bàn đạp phát triển. Thực tế đã chứng minh sự thành công của mô hình công ty CTTC trực thuộc Ngân hàng tại Việt Nam khi Công ty CTTC TNHH MTV Ngân hàng Công thương Việt Nam liên tiếp đứng đầu trong danh sách công ty CTTC uy tín hàng đầu tại Việt Nam: năm 2019, dư nợ tín dụng đạt 2.786,4 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 122.32 tỷ đồng và chỉ trong chín tháng đầu năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 3.306 tỷ động, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% thị phần tổng dư nợ của các thành viên Hiệp hội CTTC (Vietinbank, 2020-2021). Thị trường Việt Nam cũng thể hiện được sức hút và tiềm năng phát triển trong tương lai của mình khi có hai công ty CTTC 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với hệ thống tài chính nói chung và nền kinh tế nói riêng. Việc thu hút được các nguồn lực nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam tạo tiền đề cho kinh tế phát triển.
Hình thức pháp lý mà các công ty CTTC hiện nay ở Việt Nam chủ yếu lựa chọn là công ty TNHH MTV. Ưu điểm của hình thức này là chủ sở hữu có toàn quyền quyết định và điều hành hoạt động của công ty, từ đó kiểm soát và hạn chế rủi ro đồng thời công ty TNHH MTV có cơ cấu tổ chức gọn, linh động phù hợp với hoạt động CTTC.
Mức vốn điều lệ của các công ty CTTC đa dạng, có sự phân hóa tương đối rõ rệt, mức cao nhất là 1.085,311 tỷ đồng của công ty CTTC TNHH MTV Kexim Việt Nam (100% vốn nước ngoài) trong khi mức thấp nhất là 200 tỷ đồng của công ty CTTC I Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, còn lại phổ biến xung quanh mức 300 tỷ và 500 tỷ (NHNN, 2022).
Về hoạt động huy động vốn, nguồn vốn chủ yếu để hoạt động của công ty CTTC ở Việt Nam đến từ vốn tự có, tiền gửi và đi vay của các TCTD khác trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Điển hình trong cơ cấu nợ phải trả của Vietinbank Leasing, công ty CTTC đứng đầu hiện nay thì tiền gửi của khách hàng chỉ chiếm hơn 7,6% trong khi tiền gửi và vay của TCTD khác chiếm tới gần 91%
(Vietinbank leasing, 2021), đây là một sự chênh lệch cực kỳ lớn. Mặt khác, các công
51
ty CTTC trực thuộc Ngân hàng thường lệ thuộc lớn vào nguồn vốn được cung cấp bởi Ngân hàng mẹ. Dù theo quy định của pháp luật công ty CTTC có thể phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn nhưng điều này rất khó khăn để thực hiện bởi không có đủ uy tín trên thị trường. Lý do này cũng hạn chế cả nguồn vốn huy động từ tiền gửi của tổ chức khi vốn dĩ việc huy động vốn trung, dài hạn vẫn luôn hạn chế hơn vốn ngắn hạn thì các tổ chức lại lựa chọn gửi tiền vào NHTM thay thì công ty CTTC. Tình hình này tạo ra áp lực vốn và hạn chế hoạt động kinh doanh của công ty CTTC.
Về hoạt động kinh doanh, các công ty CTTC đang từng bước nâng cao và cải thiện chất lượng dịch vụ của mình. Điển hình như việc các công ty CTTC chủ động liên kết, hợp tác với các nhà cung cấp sau đó tung ra các chương trình ưu đãi khi bên thuê lựa chọn tài sản từ những nhà cung cấp đó. Hay việc niêm yết các tài sản thuê thanh lý với giá công khai để khách hàng lựa chọn. Các công ty CTTC cũng đẩy mạnh xây dựng website để khách hàng có thể chủ động hơn trong việc tiếp cận tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, có thể thấy hoạt động kinh doanh của các công ty CTTC vẫn còn khá hạn chế, đa số chỉ cung cấp đơn thuần dịch vụ CTTC, một số ít công ty cung cấp thêm dịch vụ cho vay bổ sung VLĐ, còn lại các hoạt động kinh doanh khác như tư vấn tài chính, hoạt động ngoại hối… thì rất ít công ty cung cấp, và nếu có cung cấp thì cũng không có khách hàng sử dụng.
Tại Việt Nam cũng có Hiệp hội CTTC được thành lập năm 2006, nhưng cho tới nay chỉ có bảy thành viên, bao gồm: VietinBank Leasing, Vietcombank Leasing, BIDV Leasing, Sacombank Leasing, ACB Leasing, Agribank Leasing 1, Chailease (gia nhập 7/2021). Theo báo cáo được đưa ra tại Hội nghị thường niên của hiệp hội thì năm 2020, tổng dư nợ của các thành viên đạt 14.071 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 (Vietinbank leasing, 2021). Đây là một con số ấn tượng, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 12,17% của toàn hệ thống Ngân hàng trong tình hình kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch Covid 19 đem lại, tỷ lệ nợ xấu cũng được duy trì dưới 2%. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực trong tiềm năng phát triển của ngành qua nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ CTTC để nhanh chóng thích ứng với đại dịch, đồng hành với khách hàng của các công ty thành viên hiệp hội. Tuy nhiên, nhìn vào
52
thực tế thì hiệp hội CTTC Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình mà vẫn chỉ hoạt động một cách mờ nhạt, mang tính hình thức hơn là thực tiễn.
Ngoài ra, vụ việc một công ty CTTC phá sản cũng đem lại rất nhiều bài học từ thực tiễn hoạt động CTTC ở Việt Nam. Đó là vụ việc liên quan đến công ty CTTC II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (ALCII). Sau hàng loạt sai phạm bị phát hiện bao gồm: CTTC trái quy định; vi phạm quy định về huy động vốn;
sai phạm trong đầu tư mua tài sản CTTC; sai phạm trong kế toán- hạch toán; người giữ chức vụ quản lý và điều hành tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Cafef, 2014-2015)… thì ngày 31/7/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra Quyết định tuyên bố phá sản đối với ALCII và đến ngày 12/10/2018, NHNN ban hành Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII (Cafef, 2018), những cá nhân vi phạm liên quan đến vụ việc phải gánh chịu hậu quả thích đáng do hành vi vi phạm pháp luật mà mình gây ra, trong đó có mức án cao nhất đã được tuyên là tử hình (Cafef, 2015). Đây là bài học cảnh tỉnh cho hoạt động của các công ty CTTC cũng như các cơ quan quản lý. Việc ALCII vi phạm các quy định của pháp luật khi hoạt động kinh doanh, đặc biệt là vi phạm các quy định khi tiến hành CTTC đã dẫn đến kết cục không mong muốn trên. Có thể thấy, nếu như không có sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật kèm theo sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền thì hoạt động CTTC rất dễ trở nên biến tướng, sai lệch gây mất an toàn tín dụng.
2.2.1.2. Bên thuê
Nhìn vào thực tế có thể thấy, số lượng chủ thể lựa chọn thuê tài chính chỉ chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ trên tổng số lượng chủ thể có nhu cầu vốn trên thị trường. Khách hàng chủ yếu của các công ty CTTC Việt Nam là các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp có quy mô lớn trong khi khách hàng là cá nhân và hộ gia đình hầu như không có. Thực trạng này ở thị trường CTTC Việt Nam lại trái ngược hẳn so với thị trường ở các nước có hoạt động CTTC phát triển trên thế giới. Điển hình như ở Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là Hàn Quốc thì khách hàng cá nhân là rất phổ biến với tài sản thuê tài chính chủ yếu là ô tô.