Hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung được hiểu là các lợi ích kinh tế, xã hội đã đạt được từ quá trình hoạt động kinh doanh. Theo đó, hiệu quả kinh doanh bao gồm hai mặt là hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Hiệu quả kinh tế sẽ có ý nghĩa quyết định, phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực đầu vào để đạt được kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
Theo tác giả Trương Bá Thanh (2009), “Hiệu quả kinh doanh là phạm trù kinh tế theo chiều sâu, phản ánh trình độ khai thác các nguồn lực và trình độ chi phí nguồn lực đó trong quá trình tái sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu kinh doanh”.
Như vậy, hiệu quả kinh doanh được phản ánh dựa trên trình độ sử dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra. Để đạt được HQHĐKD cao thì các doanh nghiệp cần tối đa hóa các kết quả đầu ra trong điều kiện các nguồn lực hạn chế của mình.
Quan điểm về HQHĐKD của các CTCK cũng dựa trên quan điểm về HQHĐKD của các doanh nghiệp nói chung. Theo tác giả Hoàng Văn Quỳnh (2014), “hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (vốn, nhân lực, tài lực, vật lực) để đạt được mục tiêu xác định về mặt kinh tế của công ty nói chung hay hiệu quả kinh tế của hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng”. Nghĩa là HQHĐKD của CTCK là hiệu quả kinh tế mà CTCK đạt được. Đó chính là hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào để đạt được mục tiêu kinh tế của công ty.
Tuy nhiên điểm khác biệt của CTCK với các doanh nghiệp thông thường ở chỗ là khi đánh giá hiệu qua kinh tế thì CTCK còn phải xét trên hiệu quả từng hoạt động mà CTCK cung cấp. Trên thực tế, có một số CTCK chỉ thực hiện 1 hoặc 2 hoạt động kinh doanh và cũng có những CTCK thực hiện đầy đủ các hoạt động kinh doanh bao gồm: Hoạt động môi giới, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động tư vấn và cả hoạt động tự doanh chứng khoán. Chính vì thế, khi đánh giá HQHĐKD của các CTCK cần phải đánh giá hiệu quả từng hoạt động. Đánh giá
bằng tăng trưởng doanh thu của từng hoạt động, tỷ lệ chi phí trên doanh thu từng hoạt động và mức độ đóng góp vào doanh thu của từng hoạt động.
Ngoài ra, khi nâng cao HQHĐKD các CTCK cũng phải chú tâm đến khâu quản trị rủi ro thì công ty mới có thể phát triển một cách bền vững và an toàn nhất.
Vì khi kinh doanh, các CTCK dễ gặp phải các rủi ro tài chính như rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng và rủi ro phá sản. Vì vậy khi nghiên cứu về HQHĐKD của CTCK cũng cần phải đặt trong mối quan hệ với an toàn tài chính của CTCK.
1.2.2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của CTCK
Để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các CTCK, bài nghiên cứu đưa ra ba nhóm chỉ tiêu gồm: Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả từng hoạt động của CTCK, các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời và các chỉ tiêu đánh giá an toàn tài chính của CTCK.
1.2.2.1. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả từng hoạt động của CTCK - Mức độ đóng góp vào tổng doanh thu của từng hoạt động
Mức độ đóng góp vào tổng doanh thu của từng hoạt động bao gồm: mức độ đóng góp của từng hoạt động như là hoạt động môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh phát hành, lưu ký và các hoạt động khác.
Mức độ đóng góp vào doanh
thu của từng hoạt động = Doanh thu từng hoạt động Tổng doanh thu các hoạt động
Chỉ tiêu này cho thấy hoạt động kinh doanh nào nắm vị thế chủ đạo của CTCK mà ta xem xét. Từ đó kết hợp với các chỉ tiêu đánh giá về chi phí và khả năng sinh lời để có phương hướng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh chủ đạo và cải thiện các hoạt động còn yếu.
- Tăng trưởng doanh thu từng hoạt động
Tăng trưởng doanh thu từng hoạt động bao gồm: tăng trưởng doanh thu các hoạt động như hoạt động môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh, lưu ký và hoạt động khác. Công thức xác định chung cho các chỉ tiêu này như sau:
Tăng trưởng doanh thu từng hoạt động =
Chênh lệch doanh thu từng hoạt động kỳ này với kỳ trước Doanh thu từng hoạt động kỳ trước
Chỉ tiêu này dùng để đánh giá tốc độ gia tăng doanh thu từng hoạt động của CTCK thông qua việc so sánh doanh thu từng hoạt động kỳ này với kỳ trước. Qua chỉ tiêu này, có thể biết được hoạt động nào đang góp phần vào tăng trưởng doanh thu của CTCK, hoạt động nào đang giảm sút và làm suy giảm tổng doanh thu của CTCK.
- Tỷ lệ chi phí trên doanh thu từng hoạt động
Chỉ tiêu này là tỷ lệ chi phí trên doanh thu cho từng hoạt động bao gồm: tỷ lệ chi phí trên doanh thu của hoạt động môi giới, hoạt động tự doanh, hoạt động bảo lãnh, hoạt động tư vấn, hoạt động lưu ký và hoạt động khác. Công thức xác định chung cho các chỉ tiêu này như sau:
Tỷ lệ chi phí trên doanh thu
của từng hoạt động = Chi phí của từng hoạt động Doanh thu từng hoạt động
Chỉ tiêu này dùng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng chi phí để tạo ra doanh thu cho từng hoạt động. Chỉ tiêu này càng thấp càng chứng tỏ chi phí bỏ ra để tạo ra 1 đồng doanh thu là thấp, giúp công ty tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Thông qua việc phân tích và đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ chi phí trên doanh thu cho từng hoạt động, sẽ thấy được mảng hoạt động nào đang hiệu quả hơn, hoạt động nào chưa hiệu quả. Từ đó, CTCK có biện pháp tiết kiệm chi phí, gia tăng doanh thu để tối đa hóa lợi nhuận cho từng hoạt động cũng như cho toàn công ty.
1.2.2.2. Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời
Một số chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của CTCK bao gồm:
- Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA)
ROA (%) = Lợi nhuận sau thuế
Tổng tài sản bình quân x 100%
Chỉ tiêu này phản ánh một đồng tài sản bình quân bỏ ra mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế cho CTCK. Tỷ số này phản ánh năng lực quản trị của
CTCK về việc sử dụng tài sản để đem lại lợi nhuận cho công ty. Do đó, ROA cao phản ánh việc sử dụng tài sản của CTCK là có hiệu quả, cơ cấu tài sản hợp lý. Còn nếu ROA thấp chứng tỏ việc đầu tư tài sản của CTCK là không hợp lý, hoặc việc sử dụng tài sản là không hiệu quả.
- Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ROE (%) = Lợi nhuận sau thuế
Vốn chủ sở hữu bình quân x 100%
Chỉ tiêu này phản ánh bình quân một đồng vốn chủ sở hữu được sử dụng trong kỳ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này phản ánh tất cả các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính gồm trình độ quản trị doanh thu và chi phí, trình độ quản trị tài sản, nguồn vốn của CTCK và mức độ rủi ro cơ cấu tài sản. ROE càng cao chứng tỏ việc sử dụng vốn chủ sở hữu của CTCK càng hiệu quả.
- Tỷ suất sinh lời trên doanh thu thuần (ROS) ROS (%) = Lợi nhuận sau thuế
Doanh thu thuần x 100%
Chỉ tiêu này phản ánh cứ một đồng doanh thu thuần mà CTCK thu được thì thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế hay là lợi nhuận sau thuế chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng doanh thu thuần của công ty. Chỉ số này cho biết hiệu quả của một đồng doanh thu thuần, đồng thời thể hiện việc kiểm soát chi phí của CTCK.
Hệ số này càng cao càng tốt.
1.2.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá an toàn tài chính của CTCK - Tỷ lệ vốn khả dụng
Tỷ lệ vốn khả dụng = Vốn khả dụng Tổng giá trị rủi ro
Vốn khả dụng là nguồn vốn sẵn sàng để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
Được hiểu là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng chín mươi (90) ngày. Vốn khả dụng thường được xác định bằng vốn chủ sở hữu trừ đi giá trị tài sản kém thanh khoản. Giá trị rủi ro bao gồm 3 loại giá trị: Giá trị rủi ro hoạt động, giá trị rủi ro thị trường và giá trị rủi ro thanh toán.
Giá trị rủi ro thị trường là giá trị ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi giá thị trường của tài sản đang sở hữu biến động theo chiều hướng bất lợi; Giá trị rủi ro thanh khoản là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản không đúng hạn cam kết;
Giá trị rủi ro hoạt động là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống và quy trình hoạt động, lỗi con người trong quá trình tác nghiệp, hoặc do thiếu vốn kinh doanh phát sinh từ các khoản chi phí, lỗ từ hoạt động đầu tư hoặc do các nguyên nhân khách quan khác.
Mức độ hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn tài chính của CTCK được thể hiện tổng hợp qua tính liên tục của quá trình đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng khi luôn đáp ứng yêu cầu an toàn vốn, an toàn hoạt động, không bị rơi vào tình trạng bị cảnh báo, tình trạng bị kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật cụ thể là thông tư 91/2020/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính với tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Tỷ số nợ trên tài sản
Tỷ số nợ trên tài sản = Tổng nợ Tổng tài sản
Tỷ lệ nợ trên tài sản là một tỷ lệ đòn bẩy đo lường số lượng tổng tài sản được tài trợ bởi các chủ nợ thay vì các nhà đầu tư. Nói cách khác, nó cho thấy tỷ lệ phần trăm tài sản được tài trợ bằng cách đi vay so với phần trăm nguồn lực được tài trợ bởi các nhà đầu tư. Nó là một chỉ báo về đòn bẩy tài chính hoặc thước đo khả năng thanh toán. Nó cũng cung cấp cho các nhà quản lý tài chính cái nhìn sâu sắc về tình trạng tài chính hoặc tình trạng khó khăn của một công ty.