Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Phương (2010) về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động của CTCK. Từ đó đánh giá thực trạng, phân tích các nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các CTCK Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao HQHĐKD của các CTCK Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên công trình này được nghiên cứu trước giai đoạn tái cấu trúc các CTCK nên sẽ có nhiều điểm khác biệt so với hiện tại.
Nghiên cứu của Nguyễn Đức Trưởng (2013) về “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCP đầu tư chứng khoán Việt Nam”
đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá HQHĐKD, những nhân tố ảnh hưởng đến HQHĐKD. Tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng của CTCP Đầu tư chứng
khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2012 bằng cách thống kê, so sánh những chỉ tiêu như chi phí, doanh thu, lợi nhuận, ROA, ROE... Từ đó đề xuất những giải pháp cho công ty. Bài chỉ mới đưa ra những so sánh giữa các chỉ tiêu đơn thuần, chưa phân tích ảnh hưởng của từng hoạt động đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Nghiên cứu của Trần Thị Xuân Anh (2014) về “Tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần chứng khoán ở Việt Nam” đưa ra kết quả nghiên cứu tập trung và đánh giá mức độ thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh của các CTCK tại Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý trong hoạt động kinh doanh giúp công ty gia tăng giá trị, vị trí trên thị trường. Bài chỉ dùng tiêu chuẩn CAMEL để phân loại đánh giá thực trạng của các CTCK.
Nghiên cứu của Nguyễn Phương Anh (2020) là “Hiệu quả hoạt động kinh doanh của các CTCK thành viên sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam” đã nghiên cứu các yếu tố tác động đến HQHĐ của 71 CTCK thành viên SGDCK ở Việt Nam trong giai đoạn 2013-2019, với 497 quan sát. HQHĐ được đo lường bằng thước đo ROA. Các biến độc lập trong nghiên cứu gồm SIZE, CS, TANG, GROWTH, COI, GDP, CPI. Nghiên cứu sử dụng phần mềm STATA 13 để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến SIZE và GROWTH có tác động cùng chiều với ROA còn các biến CS, TANG, COI có tác động ngược chiều với ROA. Hai biến GDP và CPI không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, số liệu trong nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở năm 2019 và các năm trước đó.
Một số bài nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh của một dịch vụ cụ thể như nghiên cứu của Lê Văn Lự (2016) về “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động môi giới CTCP chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh” giai đoạn 2013 – 2015 nghiên cứu về các cơ sở lý luận của CTCK và nghiệp vụ môi giới, một số chỉ tiêu định lượng liên quan đến hoạt động môi giới và các chỉ tiêu sinh lời từ đó đưa ra giải pháp CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC). Bài nghiên cứu chỉ mới đánh giá chỉ tiêu sinh lời, doanh thu lợi nhuận và chi phí hoạt động môi giới.
Nghiên cứu của Phan Thị Hồng Hà (2019) về “Phát triển hoạt động môi giới tại Công ty cổ phần chứng khoán FPT” đã hệ thống hóa các lý luận CTCK, môi giới
chứng khoán, đánh giá sự phát triển hoạt động môi giới thông qua các chỉ tiêu định lượng và định tính từ đó đưa ra các giải pháp dành cho CTCK FPT.
Tuy nhiên, do mỗi CTCK có một đặc thù riêng nên các nghiên cứu này chỉ tập trung nghiên cứu, phân tích CTCK cụ thể và gần như không thể áp dụng cho các CTCK khác.
1.4.2. Các nghiên cứu nước ngoài
Nghiên cứu của Zeitun & Tian (2007) “Capital structure and corporate performance: evidence from Jordan” xem xét tác động của cấu trúc vốn đối với HQHĐKD của 167 công ty ở Jordan giai đoạn 1989-2003. Ngoài ra, bài nghiên cứu một số tác động của các yếu tố vĩ mô như cuộc ảnh hưởng của chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra vào năm 1990 – 1991 ở khu vực Trung Đông và ảnh hưởng của thương mại quốc tế. Từ đó, đưa ra các giả thuyết và hồi quy theo mô hình hồi quy REM.
Năm 2009, Neil Nagy đã nghiên cứu “Determinants of Profitability: What factors play a role when assessing a firm’s return on assets?” và xác định các nhân tố có tác động đến hiệu quả kinh doanh của 500 công ty tại Mỹ từ năm 2003-2007 bằng cách thu thập dữ liệu và kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến ROA của công ty.
Nghiên cứu của Muturi & Omondi (2013) “Factors Affecting the Financial Performance of Listed Companies at the Nairobi Securities Exchange in Kenya” mục đích tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của các công ty niêm yết tại Nairobi thuộc SGDCK ở Kenya. Mẫu nghiên cứu được lựa chọn từ 29 công ty niêm yết (không bao gồm các ngân hàng niêm yết và công ty bảo hiểm) đã hoạt động liên tục tại sàn giao dịch chứng khoán Nairobi trong giai đoạn 2006-2012.
Nghiên cứu của Sorana Vătavu (2014) “The determinants of profitability in companies listed on the Bucharest stock exchange” nghiên cứu các chỉ tiêu xác định khả năng sinh lời của 126 công ty tại Romania niêm yết trên SGDCK Bucharest, trong khoảng thời gian 10 năm (2003-2012), bài đã chỉ ra quy mô công ty tác động cùng chiều với lợi nhuận, tính hữu hình, rủi ro kinh doanh và mức độ đánh thuế tác động ngược lại tới lợi nhuận của công ty. Tỷ lệ lạm phát tăng khi nền kinh tế trong thời kỳ bất ổn dẫn đến hiệu quả công ty ngày càng sa sút.
Nghiên cứu của Nizamettin Bayyurt và Ahmet Akın (2014), “Effects of foreign acquisitions on the performance of securities firms: evidence from Turkey”
phân tích tác động của mua lại nước ngoài đối với HQHĐKD các CTCK ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách sử dụng phân tích bao dữ liệu và hồi quy bảng. Kết quả cho thấy mua lại nước ngoài có đóng góp tích cực đến HQHDKD các CTCK. Hiệu ứng tích cực này có ý nghĩa 2 năm sau khi mua lại và trở nên mạnh mẽ vào những năm sau đó.