CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán niêm yết trên sgdck tp (Trang 25 - 30)

1.3.1. Các yếu tố khách quan

1.3.1.1. Sự ổn định kinh tế và chính trị

Đây là một yếu tố ảnh hưởng đến bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội. Môi trường chính trị ổn định sẽ tạo sự yên tâm đầu tư của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp yên tâm tiến hành sản xuất kinh doanh. Là điều kiện để Chính phủ

ban hành được các chính sách có liên quan đến các ngành nghề trong đó có ngành chứng khoán cũng như hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong một khoảng thời gian.

Sự ổn định về kinh tế là một nhu cầu tất yếu để các doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi, góp phần tăng cung hàng hóa trên TTCK. Từ đó giúp hoạt động của CTCK ngày càng mở rộng và phát triển. Sự ổn định về kinh tế có thể đo lường thông qua mức độ tăng trưởng của GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và tỷ lệ lạm phát.

GDP tăng trưởng sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán về lượng và chất.

Một nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Cổ phiếu lên giá và các giao dịch chứng khoán trở nên sôi động hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động môi giới, tư vấn của CTCK. Đối với chỉ tiêu lạm phát, ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường chứng khoán thông qua thị trường hàng hóa. Lạm phát cao là dấu hiệu cho nền kinh tế bất ổn. Điều này làm cho người dân, nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế. Khi đó tâm lý đám đông xuất hiện, kéo theo việc rút vốn ồ ạt trên thị trường chứng khoán, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các CTCK.

1.3.1.2. Hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý

Hệ thống luật pháp có ý nghĩa quyết định trong việc hạn chế hoặc cần thúc đẩy và khuyến khích phát triển trong lĩnh vực nào đó. Hệ thống luật pháp điều chỉnh các quan hệ kinh tế ở đây không chỉ là hệ thống luật pháp của nước sở tại mà còn là hệ thống luật pháp quốc tế khi mà hoạt động của các CTCK không dừng lại ở phạm vi quốc gia mình. Với một hệ thống pháp luật chặt chẽ sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các CTCK, thúc đẩy các CTCK phát triển.

Các chính sách phát triển thị trường sẽ có những tác động nhất định tới quyết định của các nhà đầu tư hoặc sẽ tiếp tục tham gia hoặc sẽ rút lui khỏi thị trường.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của CTCK. Nếu một chính sách có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia thị trường, từ đó các CTCK có điều kiện phát triển hoạt động của mình. Ngược lại, một chính sách bất lợi, hạn chế sự phát triển của thị trường sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các CTCK trên thị trường.

1.3.1.3. Sự phát triển của thị trường chứng khoán

Đây là nhân tố có tác động trực tiếp tới sự phát triển hoạt động của các CTCK. Sự phát triển ở đây bao hàm phát triển cả về hàng hóa trên thị trường và sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư. Khi thị trường phát triển, có nghĩa là sự tham gia của các nhà đầu tư cũng tăng lên, nhu cầu về đầu tư cũng được đa dạng hóa, nhu cầu sử dụng các dịch vụ từ phía CTCK cũng tăng lên; các doanh nghiệp cũng có nhu cầu phát hành chứng khoán và tư vấn về tài chính…và đây chính là điều kiện tốt để các CTCK không ngừng phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

1.3.1.4. Khoa học công nghệ

Các CTCK hoạt động trong lĩnh vực mà ở đó chịu tác động rất lớn về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. Sự giao thoa giữa các dịch vụ tài chính và công nghệ hình thành nên các công ty Công nghệ tài chính - Fintech. Điều này gây áp lực buộc các mô hình kinh doanh tài chính truyền thống phải thay đổi để bắt kịp xu thế cạnh tranh, trong đó có các CTCK. Khi các CTCK tham gia cuộc CMCN 4.0, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tốt với phí dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, với hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển, việc chăm sóc khách hàng tại các CTCK theo phương thức từ xa qua video call trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đó là lợi thế mà các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đều phải hướng đến, hình thành nên các tổ chức dịch vụ kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các CTCK để nâng cao HQHĐKD, nhưng cũng đặt ra những thách thức mà các CTCK cần phải vượt qua.

1.3.2. Các yếu tố chủ quan

1.3.2.1. Quy mô tài sản của CTCK

Quy mô tài sản thể hiện năng lực tài chính của CTCK. Quy mô tài sản sẽ quyết định CTCK được thực hiện và không được thực hiện những hoạt động kinh doanh nào. Một CTCK có quy mô tài sản lớn sẽ có điều kiện hơn các CTCK khác trong việc triển khai và phát triển các hoạt động của mình cũng như nâng cao uy tín và lòng tin đối với khách hàng. Quy mô tài sản lớn cũng giúp các CTCK có điều

kiện đổi mới, nâng cấp và ứng dụng các trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ cho công việc, từ đó giúp cho các hoạt động của CTCK phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Quy mô tài sản lớn còn giúp CTCK có điều kiện mở rộng mạng lưới chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý nhận lệnh không những ở trong nước mà còn ở các nước khác trên thế giới.

1.3.2.2. Cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn của CTCK

Cơ cấu tài sản của CTCK thể hiện tỷ lệ tài sản dài hạn và tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản. Tùy thuộc vào từng CTCK mà cơ cấu tài sản là khác nhau.

Nhìn chung, hoạt động của CTCK đòi hỏi phải có lượng tiền mặt lớn để thực hiện các hoạt động như margin, tự doanh hay bảo lãnh phát hành chứng khoán, do đó làm gia tăng tài sản ngắn hạn trong CTCK. Ngoài ra, khoản mục các khoản cho vay và phải thu ngắn hạn cũng khá lớn trong các CTCK. Các khoản cho vay bao gồm cho vay hoạt động margin, cho vay hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán của khách hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm phải thu cổ tức và tiền lãi đến ngày nhận, phải thu các dịch vụ mà CTCK cung cấp và các khoán phải thu khác như trả trước cho người bán, ủy thác đầu tư…Như vậy thông thường các CTCK có tỷ lệ tài sản ngắn hạn cao hơn tỷ lệ tài sản dài hạn. Do đó, cơ cấu tài sản của CTCK chủ yếu nghiêng về tài sản ngắn hạn. Sự thay đổi về cơ cấu tài sản của CTCK sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến HQHĐKD của CTCK.

Cơ cấu nguồn vốn của CTCK thể hiện tỷ lệ nợ và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn. Một CTCK có tỷ lệ nợ không thích hợp sẽ thiếu sự linh hoạt tài chính và sẽ rất nhạy cảm với các cú sốc kinh tế. Ảnh hưởng của cơ cấu nguồn vốn đến HQHĐKD của các CTCK được luận giải trên cơ sở các lý thuyết về cơ cấu nguồn vốn ở khía cạnh hiệu quả hoạt động. Theo quan điểm truyền thống về cơ cấu nguồn vốn, các CTCK sử dụng nợ vay sẽ có lợi ích hơn so với các CTCK phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu, do chi phí sử dụng vốn chủ được xem là cao hơn so với sử dụng nợ. Do đó, cơ cấu nguồn vốn tối ưu được đề xuất theo quan điểm này với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn bình quân và tối đa hóa giá trị của CTCK.

1.3.2.3. Mô hình tổ chức của CTCK

Mô hình tổ chức CTCK có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Các mô hình tổ chức này sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của CTCK. Bởi vì, mô hình tổ chức của CTCK sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng nguồn thu cho CTCK.

1.3.2.4. Năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro của CTCK

Năng lực quản trị, điều hành CTCK là yếu tố then chốt cho việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các CTCK. Một CTCK có đội ngũ lãnh đạo giỏi về chuyên môn, có năng lực và trình độ quản lý chắc chắn sẽ đem lại thành công cho công ty và ngược lại. Yếu tố quản trị rủi ro cũng ảnh hưởng rất lớn đến HQHĐKD của CTCK. CTCK hoạt động trên TTCK luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong từng nghiệp vụ kinh doanh của mình. Chính vì vậy nếu các CTCK thực hiện quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ và thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế các rủi ro nêu trên, từ đó không làm ảnh hưởng đến HQHĐKD của CTCK. Ngược lại, nếu các CTCK quản trị rủi ro lỏng lẻo và không đúng quy trình thì có thể gây thiệt hại đến HQHĐKD của công ty.

1.3.2.5. Đội ngũ nhân sự

Có thể thấy rằng bất kỳ hoạt động nào của CTCK cũng đều cần tới một đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói chung. Trong tất cả các lĩnh vực, con người là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công và HQHĐKD của mọi doanh nghiệp. CTCK cũng không là ngoại lệ. Đặc biệt, yêu cầu về trình độ chuyên môn của các nhân viên hành nghề lại càng đòi hỏi cao hơn. Các CTCK có điều kiện tiếp cận và áp dụng công nghệ như nhau nhưng CTCK nào có đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao hơn sẽ dành được thị phần nhiều hơn và có điều kiện để nâng cao hiệu quả kinh doanh hơn.

1.3.2.6. Cơ sở vật chất kỹ thuật

Sự ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong hoạt động của mình đã trở thành giải pháp cơ bản để các CTCK có thể tồn tại và phát triển. Việc sáng chế

ra công nghệ máy tính và viễn thông đã làm giảm chi phí, giảm rủi ro và mở rộng phạm vi hoạt động của các CTCK, giúp đáp ứng mục đích cụ thể của từng đối tượng khách hàng của CTCK. Công nghệ thông tin là yếu tố quyết định tới sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các CTCK. Ngoài ra cơ sở hạ tầng (trụ sở chính, sàn giao dịch, chi nhánh, văn phòng đặt lệnh…) của các CTCK cũng là yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các CTCK.

1.3.2.7. Chất lượng dịch vụ của CTCK

Khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của CTCK, khách hàng chính là đối tượng tạo ra doanh thu cho hoạt động chính của CTCK. Vì vậy, việc chăm sóc khách hàng được xem là rất quan trọng để giữ gìn các mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Việc chăm sóc khách hàng tốt thể hiện ở nhiều yếu tố như việc phân đoạn và xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng hợp lý, cơ chế giảm phí, hoa hồng cho khách hàng, cơ chế tư vấn các vấn đề không chỉ liên quan đến chứng khoán mà còn cả các vấn đề khác mà khách hàng quan tâm…Tất cả tạo nên một chính sách chăm sóc khách hàng hiệu quả, góp phần giữ chân khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của CTCK.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán niêm yết trên sgdck tp (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)