CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG DNVVN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.3. Chất lượng tín dụng của NHTM
2.3.1. Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng ngân hàng
Chất lượng tín dụng được hiểu là sự đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của khách hàng, đảm bảo sự tồn tại và lợi nhuận của ngân hàng cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội. Nói cụ thể hơn, chất lượng tín dụng là chất lượng món vay, được đánh giá là có chất lượng tốt khi món vay được khách hàng sử dụng đúng mục đích, tạo ra lợi nhuận, đảm bảo việc trả gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng ngân hàng bao gồm : Chỉ tiêu định tính và Chỉ tiêu định lượng :
2.3.1.1. Nhóm chỉ tiêu định tính
Đây là nhóm chỉ tiêu nhằm đánh giá tình hình, quy chế, chế độ , thể lệ tín dụng của ngân hàng. Các chỉ tiêu này mang tính tương đối không thể đo lường , tính toán cụ thể được. Nhóm chỉ tiêu này thường bao gồm :
Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng là tổng hợp các nguyên tắc, quy định của ngân hàng trong việc cấp tín dụng. Trong đó, xây dựng các bước đi cụ thể theo một trình nhất định kể từ khi chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cho đến khi chấm dứt quan hệ tín dụng. Đây là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn mang tính chất liên hoàn, theo một trình tự nhất định, đồng thời có quan hệ chặt chẽ và gắn bó với nhau. Về mặt hiệu quả, một quy trình tín dụng hợp lý sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ
Kiểm soát nội bộ tốt có thể trợ giúp cho các nhà quản lý ngân hàng trong việc ngăn chặn gian lận và sai sót. Kiểm soát nội bộ tốt còn trợ giúp cho kiểm toán độc lập có được những bằng chứng tin cậy trong việc đánh giá tính trung thực và hợp lý tình hình tài chính của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng tín dụng
Thái độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng ngân hàng
Cán bộ tín dụng phải có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ, khả năng phân tích, đánh giá, có trách nhiệm trong công việc trên cơ sở lựa chọn được những khách hàng có đủ năng lực pháp lý, có đủ năng lực tài chính, có tư cách đạo đức tốt… Nhờ có những cán bộ như vậy, các khoản cho vay diễn ra an toàn và hiệu quả hơn, hoạt động cho vay cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Sự tuân thủ luật lệ, điều kiện thủ tục của luật pháp
Các ngân hàng tuân thủ nghiêm quy định, thủ tục thường có ít nguy cơ xảy ra rủi ro tín dụng hơn so với những ngân hàng còn lại. Hơn nữa, việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật là một trong những nguyên tắc của việc xếp hạng các ngân hàng thương mại. Vì vậy, đây là một trong những cơ sở kiểm soát, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM.
Cơ sở vật chất, công nghệ của ngân hàng
Ngân hàng với cơ sở vật chất tốt sẽ có tác động tốt tới tâm lý khách hàng, phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng một cách hiệu quả và chính xác, ngoài ra còn tạo được động lực và hứng khởi cho cán bộ tín dụng thực hiện tốt công việc của mình.
2.3.1.2. Nhóm chỉ tiêu định lượng
a. Nhóm chỉ tiêu phản ánh tăng trưởng tín dụng ngân hàng Chỉ tiêu doanh số cho vay:
Doanh số cho vay là chỉ tiêu về việc cấp tín dụng của ngân hàng đối với nền kinh tế. Đây là chỉ tiêu phản ảnh chính xác hoạt động tín dụng của ngân hàng qua các năm.
Chỉ tiêu tổng dư nợ và kết cấu dư nợ:
Tổng dư nợ là chỉ tiêu định mức độ cấp tín dụng của ngân hàng cho nền kinh tế trong một thời điểm nhất định. Tổng dư nợ bao gồm dư nợ của các loại hình cho vay. Kết cấu dư nợ phản ảnh tỷ trọng các loại dư nợ trong tổng dư nợ. Kết cấu dư
nợ khi so với kết cấu nguồn vốn huy động sẽ cho biết mức độ rủi ro của từng loại hình cho vay. Kết cấu dư nợ tín dụng DNVVN được xác định :
Chỉ tiêu này phản ánh quy mô dư nợ tín dụng DNVVN trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với DNVVN cao cho thấy hoạt động tín dụng đối với DNVVN mở rộng và phát triển.
Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng
Chỉ tiêu này phản ánh mức tăng trưởng hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước cho thấy quy mô tín dụng của ngân hàng tăng, ngân hàng đã tạo được uy tín đối với khách hàng.
Chỉ tiêu hệ số thu nợ
Chỉ tiêu này phản ánh kết quả thu hồi nợ của ngân hàng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, cho biết số tiền ngân hàng sẽ thu được trong thời kỳ nhất định từ một đồng doanh số cho vay.
b. Nhóm chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn vay Chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn vay
Đây là cơ sở để ngân hàng quyết định quy mô và tỷ trọng cho vay sao cho phù hợp với tiềm lực của ngân hàng và mang lại hiệu quả cao nhất. Chỉ tiêu này cho biết Ngân hàng cho vay được bao nhiêu trên một đồng vốn huy động. Chỉ tiêu này rất quan trọng vì nó đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng, để tạo ra lợi nhuận bù đắp chi phí và có lãi.
Chỉ tiêu vòng quay vốn tín dụng
Đây là chỉ tiêu các ngân hàng tính toán hàng năm để đánh giá khả năng quản lý vốn tín dụng và khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng về tín dụng.
Hệ số này đánh giá tốc độ chu chuyển của vốn. Với cùng một nguồn vốn, nếu vòng quay vốn tín dụng lớn, chứng tỏ nguồn vốn được tham gia vào nhiều chu kì sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nói cách khách, NH đáp ứng được nhiều nhu cầu tín dụng của DN và còn có thể sử dụng vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Như vậy hệ số này càng tăng phản ảnh chất lượng tín dụng càng cao.
c. Nhóm chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động tín dụng Chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động tín dụng
Hoạt động tín dụng thu được lợi nhuận chứng tỏ khoản vốn ngân hàng cho vay thu về được cả vốn lẫn lãi, đảm bảo được độ an toàn cho nguồn vốn vay.
Chất lượng tín dụng được nâng cao chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.
d. Chỉ tiêu tỷ lệ nợ quá hạn
Nợ quá hạn là hiện tượng phát sinh khi người đi vay không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo đúng hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn được tính bằng phần trăm nợ quá hạn trên tổng dư nợ, xác định tại một thời điểm nhất định thường là cuối kì, cuối tháng hoặc cuối năm.
Ý nghĩa : Cứ 100 đồng dư nợ thì có bao nhiêu đồng đã quá hạn. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ chất lượng tín dụng càng thấp và ngược lại.
Chỉ tiêu nợ quá hạn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng, nó phản ánh những rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải đối mặt. Nhìn vào tỷ lệ nợ quá hạn có thể đánh giá được phần nào chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng. Nếu chỉ tiêu này cao, ngân hàng sẽ bị đánh giá là có chất lượng tín dụng thấp. Tuy nhiên, nợ quá hạn là một vấn đề khó tránh khỏi trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Dó đó điều quan trọng là ngân hàng cần duy trì tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp nhất là có thể chấp nhận được.
e. Chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu
Tại Việt Nam, theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, NHNN quy định nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3,4,5 tương ứng với các khoản nợ thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn và Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỷ lệ đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng. Chỉ tiêu này càng thấp càng chứng tỏ độ an toàn tín dụng của ngân hàng cao.
Ý nghĩa : Cho biết trong 100 đồng dư nợ thì có bao nhiêu đồng nợ xấu. Nợ xấu phản ánh tình hình tài chính của khách hàng đang không tốt, dẫn đến khả năng ngân hàng không thu hồi được cả gốc và lãi. Tỷ lệ này càng cao cho thấy mức độ rủi ro cao và nguy cơ mất vốn cao đối với ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất, chấp nhận được. Chỉ tiêu nợ xấu càng cao phản ánh chất lượng tín dụng càng thấp. Theo Ngân hàng thế giới, tỷ lệ này dưới 5% là có thể chấp nhận được, tốt ở mức 1-3%. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện duy trì tỷ lệ này dưới 3%.
f. Chỉ tiêu trích lập dự phòng
Tỷ lệ này phản ánh quỹ dự phòng rủi ro có khả năng bù đắp bao nhiêu cho các khoản nợ xấu. Nếu tỷ lệ này càng cao thì khả năng quỹ DPRR đủ bù đắp cho các thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng và ngược lại. Tùy theo cấp độ rủi ro mà Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro từ
0% đến 100% giá trị của từng khoản cho vay (sau khi trừ giá trị tài sản bảo đảm đã được định giá lại) theo quy định của pháp luật. Nếu một ngân hàng có danh mục cho vay càng rủi ro thì tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ càng cao.