TỔNG QUAN VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường eu theo hiệp định evfta – cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp việt nam (Trang 28 - 32)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA

1.2. TỔNG QUAN VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hay gọi ngắn gọn bằng cái tên EVFTA là hiệp định thương mại tự do được đàm phán và kí kết giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tính đến thời điểm kí kết, hiệp định này điều chỉnh mối quan hệ giữa Việt Nam và 28 thành viên trong EU nhưng hiện nay nước Anh đã rời khỏi EU nên chỉ còn 27 nước. Hiệp định này là minh chứng cho nỗ lực đàm phán không ngừng nghỉ của các bên đối tác trong khoảng thời gian kéo dài 8 năm. Trong quá trình tiến tới hiệu lực hóa, EVFTA đã được phân chia thành hai bộ phận là Hiệp định Thương mại EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA. Trong phạm vi khóa luận này, Hiệp định Thương mại EVFTA sẽ được tập trung phân tích. Nhìn chung về cấu trúc, thỏa thuận này bao gồm 17 chương, 02 Nghị định thư, 02 Biên bản ghi nhớ và Tuyên bố chung. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được xếp vào nhóm hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam vì ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa quen thuộc thì hiệp định này còn đề cập tới các lĩnh vực mà mới được quan tâm điều chỉnh hơn trong các hiệp định thương mại tự do gần đây. Nhìn chung, hiệp định này đã mở ra cơ hội mới cho Việt Nam để tiếp cận và gia nhập vào thị trường nổi danh khó tính nhưng cũng rất tiềm năng là EU ở đa dạng các lĩnh vực kinh tế.

1.2.2. Tóm tắt tiến trình đàm phán, kí kết và thông qua của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Để đi đến được kết quả cuối cùng là đưa hiệp định này vào giai đoạn có hiệu lực và được thực thi rộng rãi thì các bên đối tác đã phải trải qua khoảng thời gian 8 năm để thực hiện đầy đủ các thủ tục phức tạp, đặc biệt khi Liên minh châu Âu bao gồm rất nhiều quốc

gia và để đạt được thỏa thuận thì các quốc gia thành viên đều phải chấp thuận. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam chưa từng có bất cứ hiệp định nào với các quốc gia thành viên trong khối. Vì vậy, việc thành công kí kết hiệp định này có sự cố gắng rất lớn từ phía Chính phủ Việt Nam, điều này được thể hiện qua các giai đoạn đàm phán, kí kết và thông qua hiệp định được Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI tổng hợp ở văn bản “Tóm lược Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”.

Đầu tiên về tiến trình đàm phán và kí kết, giai đoạn này cần nhiều thời gian nhất từ các bên và kéo dài từ năm 2012 đến năm 2019. Từ trước năm 2012 thì bên phía Việt Nam và EU đã có những đánh giá nhất định trước khi bước vào giai đoạn đàm phán. Đến tháng 6 năm 2012 thì công bố bắt đầu đàm phán được đưa ra, đánh dấu sự nỗ lực để đi đến những thỏa thuận có lợi và sâu rộng nhất cho cả đôi bên. Quá trình đàm phán này diễn ra trong phạm vi 4 năm, trải qua tổng cộng 14 vòng đàm phán chính thức trước khi chấm dứt quá trình này vào năm 2015. Trong 2 năm tiếp theo, các đối tác đã đưa ra được bản soạn thảo chính thức và tiến hành thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý để đảm bảo tính phù hợp với pháp luật của Việt Nam, EU và quốc tế. Trong năm 2018 đã đánh dấu 3 dấu mốc quan trọng đối với các đối tác, đó là tiến hành phân chia thành hai hiệp định khác nhau là EVFTA và EVIPA, chấm dứt giai đoạn kiểm tra pháp lý và 2 tháng sau đó thì được phê duyệt cả hai văn kiện bởi Ủy ban châu Âu. Ngay trong năm tiếp theo thì việc kí kết đã được tiến hành giữa các bên đối tác với cả EVFTA và EVIPA, đánh dấu thành công lớn đối với cả EU và Việt Nam vì tính đến thời điểm đó thì đã hoàn thành được gần hết chặng đường.

Giai đoạn thông qua sau kí kết diễn ra nhanh chóng chỉ trong năm 2020 với sự chấp thuận lần lượt của Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam. Đây là hình thức thể hiện sự thống nhất của cả Việt Nam và của các nước trong khối Liên minh châu Âu. Sau rất nhiều năm và sự nỗ lực thì thời điểm được mong đợi nhất đã đến khi ngày 01 tháng 08 năm 2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là cánh cửa rộng mở để các doanh nghiệp của Việt Nam thúc đẩy hoạt động của mình sang EU – một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Đồng thời, EU cũng mở rộng hoạt động của mình sang Việt Nam, giúp Việt Nam có động lực phát triển và giảm bớt sự chênh lệch với các nền kinh tế tiến bộ trên thế giới.

1.2.3. Nội dung chính của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đề cập đến nhiều khía cạnh của hoạt động kinh tế để từ đó tạo lập thành một cơ chế điều chỉnh sự hợp tác ngày càng toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ở chương 1, hai bên đối tác cùng thống nhất về những mục đích mà hiệp định này mang lại và những khái niệm cơ bản, phổ biến để tránh trường hợp các bên có cách hiểu khác nhau và dẫn đến xung đột trong quá trình thực thi hiệp định. Những nội dung cụ thể về từng khía cạnh được đề cập ở những chương tiếp theo trong hiệp định.

Ở chương 2, Việt Nam và EU đưa ra những ưu đãi mà mình có thể dành cho phía đối tác về thuế quan, theo đó tiến trình để cắt giảm và hướng tới loại bỏ thuế quan trong tương lai được các bên công bố để làm cơ sở cho quá trình thực thi. Mỗi một hàng hóa tương đương với một mã HS (HS Code) sẽ có tiến trình về thuế quan khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì hiệp định này điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và dần dần sẽ vượt trội hơn so với ưu đãi GSP mà trước đây EU áp dụng với Việt Nam.

Tuy nhiên, để đủ điều kiện khai thác những ưu đãi này thì các doanh nghiệp cũng cần đáp ứng được những quy tắc về xác định xuất xứ phù hợp được đưa ra trong nội dung của Nghị định thư 1.

Nội dung của chương 3 là các biện pháp để bảo vệ nền sản xuất nội địa và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Đi kèm với những ưu đãi thì khi đã trở thành thành viên của hiệp định thương mại tự do, hàng hóa từ quốc gia đối tác sẽ có nhiều cơ hội để gia nhập vào thị trường nội địa hơn, do đó cũng sẽ gây ra những sự cạnh tranh đến các doanh nghiệp và kinh tế nội địa.

Chương 4 đề cập tới các vấn đề liên quan đến hoạt động hải quan, nhìn chung nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các quy định hải quan và thúc đẩy tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiệp định còn bao gồm Nghị định thư 2 về vấn đề yêu cầu các bên cần có sự giúp đỡ nhau về hải quan.

Chương 5, chương 6 và chương 7 của hiệp định bao gồm những nội dung về các rào cản SPS và các rào cản TBT. Mặc dù có những thỏa thuận để hỗ trợ hoạt động giao thương hàng hóa cho các doanh nghiệp, hiệp định cũng có những thỏa thuận về hàng rào phi thuế

quan với mục đích đảm bảo hàng hóa phải đủ tiêu chuẩn của thị trường, thân thiện đối với người tiêu dùng.

Trong chương 8 của hiệp định, các thỏa thuận của các bên về tạo điều kiện cho lĩnh vực dịch vụ và đầu tư được quy định, mở ra một khuôn khổ điều chỉnh cụ thể chưa từng có trước đây về lĩnh vực này giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Theo đó, mỗi bên đưa ra những cam kết của mình đối với từng ngành nhằm mục đích chung là thúc đẩy hơn nữa hoạt động dịch vụ và đầu tư giữa hai bên đối tác.

Chương 9 điều chỉnh hoạt động mua sắm công. Chương này bao gồm những thỏa thuận chung của các bên về quy định trong hoạt động đầu thầu và các điều khoản riêng của từng bên đối với vấn đề này trong hai phụ lục.

Sang tới chương 10, hiệp định này đề cập tới cơ chế cạnh tranh để hướng tới việc cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển lẫn nhau.

Chương 11 bao gồm nội dung liên quan tới các doanh nghiệp được coi là có sự khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường khi có liên quan tới yếu tố nhà nước. Theo đó, chương này xây dựng nên các quy chuẩn để phát hiện chính xác và rõ ràng các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của chương này và đưa ra các quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp này khi phát sinh các hoạt động thương mại.

Chương 12 hướng tới việc quy định về một lĩnh vực còn mới đối với Việt Nam là lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm một phụ lục đề cập tới chỉ dẫn địa lý.

Ở chương 13 của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thể hiện những điều khoản quy định về vấn đề có mối liên quan mật thiết đến thương mại, đó là vấn đề phát triển bền vững. Nhìn chung, chương này hướng các bên đối tác đến việc phát triển kinh tế nhưng không được đánh đổi hoặc đi ngược lại với các vấn đề về xã hội là môi trường tự nhiên và người lao động.

Nội dung của chương 14 đề cấp đến việc các quy định, quy trình, luật pháp có liên quan phải đảm bảo sự minh bạch để việc triển khai EVFTA đạt được hiệu quả.

Trong hoạt động thương mại quốc tế, những trường hợp xung đột giữa các bên là không thể tránh khỏi. Trong tình huống này, các quy định ở chương 15 cần được tuân theo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên tham gia.

Những nội dung của chương 16 đề cập về vấn đề nâng cao năng lực và chương 17 về các vấn đề cuối cùng của hiệp định. Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU còn có 02 Nghị định thư, 02 Biên bản ghi nhớ và Các Tuyên bố chung.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường eu theo hiệp định evfta – cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp việt nam (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)