GIẢI PHÁP VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường eu theo hiệp định evfta – cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp việt nam (Trang 68 - 73)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU SẢN PHẨM DỆT MAY CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU THEO HIỆP ĐỊNH

3.2. GIẢI PHÁP VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của ngành hàng dệt may Việt Nam theo EVFTA, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần tiếp tục là tiếng nói đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức này phải thu nhận và đưa những ý kiến, phản ánh hay khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động xuất khẩu ví dụ như các vấn đề về thuế quan, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành hay thậm chí lên tiếng trước những bất cập còn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may. Đây chính là tổ chức gắn liền và hiểu rõ nhất về ngành hàng này, vậy nên những ý kiến được đưa ra bởi Hiệp hội chính là những vấn đề sát với thực tế nhất. Từ những phản hồi từ Hiệp hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tiến hành đánh giá lại, thay đổi hoặc điều chỉnh những vấn đề còn bất cập sao cho phù hợp hơn với các doanh nghiệp dệt may.

Hiệp hội Dệt may cũng cần phát huy tiếp những hoạt động trợ giúp cho các thành viên ở trong Hiệp hội về các khía cạnh như đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật các kỹ thuật mới hay công nghệ mới. Từ đó, tất cả các thành viên trong Hiệp hội đều phát triển được hoạt động sản xuất sao cho phù hợp với những yêu cầu ngày một cao hơn của khách hàng, cải thiện chất lượng lao động để chuẩn bị cho sự dịch chuyển lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Mục tiêu sau cùng là đưa dệt may Việt Nam phát triển hơn cả về sản lượng xuất khẩu và giá trị thu về.

Không chỉ đóng vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mà Hiệp hội cần phát huy tiếp vai trò là trung gian giữa các thành viên trong Hiệp hội với các tổ chức quốc tế về ngành nghề dệt may. Nhờ đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể nắm

bắt được các xu hướng ở phạm vi thế giới, tình hình quốc tế của ngành để dệt may nội địa có những chiến lược cụ thể.

3.2.2. Giải pháp đối với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam

Mức độ xuất khẩu của ngành này về sản lượng và giá trị sang các thị trường trên thế giới, bao gồm cả EU phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nội tại của doanh nghiệp. Do đó, muốn thúc đẩy được hoạt động xuất khẩu dệt may thì phải có những giải pháp từ phía các doanh nghiệp của ngành nhằm khai thác những điểm mạnh, dần dần cải thiện những yếu điểm và có sự chuẩn bị kĩ càng để khai thác những cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức trong tương lai.

3.2.2.1. Chú trọng đáp ứng quy định xuất xứ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

EVFTA đánh đúng vào một yếu điểm của ngành dệt may Việt Nam, đó là chưa tự chủ về nguồn cung đầu vào. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có sự thay đổi mà vẫn sản xuất để xuất khẩu như trước đây thì không đạt được tiêu chí về xuất xứ do EU đưa ra, như vậy không thể đưa được sản phẩm vào các quốc gia nội khối và phục vụ người tiêu dùng khu vực này.

Giải pháp đầu tiên được đưa ra với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là tìm hiểu kĩ về các quy định xuất xứ mà EU đưa ra, từ đó doanh nghiệp có thể tự đánh giá được về khả năng đáp ứng của mình trước những yêu cầu đó. Việc tìm hiểu này qua nhiều phương thức, trong đó đơn giản và nhanh nhất là từ các bài báo từ các nguồn chính thống, các số tạp chí, chuyên san chuyên ngành mà được viết và tổng hợp bởi Bộ Công thương, Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ. Thậm chí để hiểu rõ ràng hơn, doanh nghiệp được khuyến khích tham gia các buổi đào tạo, tập huấn chuyên sâu, điển hình có những buổi đào tạo, tập huấn từ Hiệp hội Dệt may. Khi đã có sự nghiên cứu về hiệp định này, họ sẽ nhận biết được rằng những khâu nào trong sản xuất cần được cải thiện sao cho thích hợp.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần đảm bảo yếu tố đầu vào nhằm đáp ứng được về xuất xứ của EU. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nhà cung cấp mới đến từ các thị trường khác mà đảm bảo được quy định xuất xứ của EVFTA như các quốc gia trong Liên minh châu Âu hoặc từ Hàn Quốc để được khai thác quy tắc “cộng gộp xuất xứ”. Tuy

nhiên đây mới là giải pháp trong ngắn hạn. Trong dài hạn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú trọng phát triển đồng bộ hơn với các ngành công nghiệp phụ trợ. Để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu để thấy được khoảng trống đầu tư vào các ngành này và có hướng sử dụng vốn cho phù hợp. Từ đó các doanh nghiệp ngành này vừa có sẵn đầu vào để sử dụng bất cứ khi nào có nhu cầu và hạn chế nhập khẩu hơn, đặc biệt trong bối cảnh giá các yếu tố này đang tốn kém hơn ở các quốc gia cung cấp vừa mang đến thêm nhiều việc làm.

3.2.2.2. Phát triển hoạt động sản xuất theo hướng thân thiện hơn với môi trường tự nhiên Sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực EU đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm dệt may về vấn đề môi trường. Để tận dụng cơ hội phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu vào các quốc gia EU từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trước hết cần cải thiện nhận thức của mình về tính cần thiết của việc thực thi các biện pháp gìn giữ môi trường tự nhiên. Sau đó, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đến việc tìm hiểu về các công nghệ, máy móc tiên tiến giúp kiểm soát, hạn chế mức độ thải các chất độc hại ra môi trường. Các doanh nghiệp cần có sự đầu tư vốn không nhỏ vào các công nghệ, máy móc này nhưng điều đó sẽ mang lại lợi ích to lớn trong việc phục hồi môi trường tự nhiên và giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm dệt may đến từ Việt Nam.

Cách thức để chuyển đổi xanh với ngành dệt may còn đến từ khâu lựa chọn nguồn đầu vào. Một trong những cách vô cùng hiệu quả để giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường là tái sử dụng chúng hơn là loại bỏ ngay. Các doanh nghiệp có thể theo đuổi xu hướng này, chuyển đổi những thứ tưởng như không còn giá trị gì trở thành các nguyên liệu có thể sử dụng được.

Một trong những xu hướng thời trang đang hiện hữu là xu hướng thời trang nhanh.

Điểm cốt lõi của xu hướng này là liên tục thay đổi các mẫu mã thiết kế, các sản phẩm được sản xuất ra với tốc độ chóng mặt và hướng tới việc đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng trong việc bắt kịp liên tục với các xu hướng thời trang mới. Điều này đã gây ra hệ quả không nhỏ đối với môi trường khi các sản phẩm dệt may theo xu hướng này được sử dụng trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị loại bỏ sau đó. Do vậy, cần hướng tới việc theo đuổi thời trang với sự bền vững, sản phẩm có khả năng được sử dụng trong thời gian dài.

3.2.2.3. Cải thiện trình độ sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam

Thúc đẩy hoạt động thu hút và đào tạo cho người lao động có chuyên môn là giải pháp cấp thiết để cải thiện được hoạt động giao thương toàn cầu của ngành theo xu hướng tiến bộ mới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, nếu các doanh nghiệp không thực hiện hoạt động nâng cao trình độ cho người lao động thì rất khó để ứng dụng được những công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó khiến ngành dệt may có nguy cơ chững lại trước sự phát triển của thế giới. Hơn nữa, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cạnh tranh về chất lượng thay vì giá, do đó mục tiêu cải thiện trình độ cho người lao động là vấn đề then chốt để Việt Nam sớm vượt qua được những nước đang cạnh tranh khốc liệt về giá hiện nay. Muốn nhân sự có kiến thức tốt, điều quan trọng là làm sao để thu hút hoặc đào tạo được họ. Các doanh nghiệp có thể kết hợp với các trường học, các cơ sở đào tạo nghề để định hướng và khuyến khích những đối tượng đang theo học này có niềm đam mê với ngành dệt may. Các giáo trình giảng dạy cũng cần được lồng ghép những kiến thức lý thuyết gắn với thực tiễn của ngành. Với những lao động hiện đang làm việc trong ngành, các doanh nghiệp và Hiệp hội Dệt may có thể tạo các phương thức tập huấn để người lao động được tiếp cận với kiến thức tiên tiến trong ngành. Những nội dung được doanh nghiệp đưa vào đào tạo cần hướng tới mục tiêu phát triển về trình độ sản xuất kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, nội dung cần phải có những kiến thức mà hiện tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn non yếu như kiến thức về thiết kế sản phẩm, tạo lập thương hiệu. Hơn nữa, để bắt kịp với các kiến thức tiến bộ trên thế giới, nội dung đào tạo cũng cần phải được cập nhật liên tục. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là làm thế nào để những người lao động đang làm việc trong ngành này sẵn sàng gắn bó lâu dài với ngành mà không từ bỏ để theo các công việc khác. Một số giải pháp khả thi có thể áp dụng bao gồm chú trọng hơn đến việc có những buổi trao đổi thẳng thắn giữa doanh nghiệp và người lao động để từ đó hiểu hơn về những thứ mà người lao động đang cần. Không chỉ cần được đáp ứng về mức thu nhập, người lao động cũng còn có những nhu cầu vô hình khác về mặt tinh thần cần được đáp ứng để khiến họ cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm và hạn chế tình trạng người lao động không muốn làm việc lâu dài trong ngành này, bỏ giữa chừng để tìm nơi khác.

Trong tương lai dài hạn, doanh nghiệp của ngành cần chuyển mình từ gia công đơn thuần sang các hình thức xuất khẩu cao là OEM và ODM, đòi hỏi không chỉ phải tìm đủ vốn mà còn phải thiết lập các hiểu biết cần thiết để phù hợp với sự biến đổi này. Những hình thức này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiều trách nhiệm hơn nhưng đồng thời cũng được tự chủ và nhận lại nhiều giá trị hơn khi xuất khẩu. Việc chuyển dịch thành công sẽ giúp được làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu, thậm chí được tự mình lựa chọn nhà cung cấp mà mình muốn, từ đó xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp này.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng được tiếp cận gần hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, được tự đưa ra các bản thiết kế. Do đó, các doanh nghiệp cũng tránh bị phụ thuộc nhiều vào sự sắp đặt mà khách hàng đưa ra.

3.2.2.4. Áp dụng công nghệ hiện đại đối với ngành dệt may Việt Nam

Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội gia tăng cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Để tận dụng được tối ưu nhất cơ hội đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để nâng cao được năng suất lao động, sản lượng sản xuất ra cũng như chất lượng cuối cùng. Nhờ vậy, sản lượng sản phẩm được xuất khẩu tăng lên mà chất lượng thì lại tốt sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành có được vị thế cũng như doanh thu cao hơn tại khu vực EU.

Các doanh nghiệp cần đầu tư hơn vào các dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại phù hợp để từ đó tăng năng suất sản xuất, một sản phẩm được tạo ra trong thời gian ngắn hơn thì chi phí để tạo thành cũng nhỏ hơn, giá bán thì giảm đi, sản lượng thì tăng lên mà chất lượng thì không sụt giảm. Đặc biệt trong tình hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam càng cần phải nắm bắt cơ hội để chuyển mình từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần liên tục theo dõi những công nghệ mới và yêu cầu mới từ thị trường, ví dụ như áp dụng trang thiết bị trong ngành dệt may được tự động hóa, kỹ thuật in 3D. Từ đó, doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá xem những công nghệ nào sẽ phù hợp để áp dụng với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp cần lên kế hoạch để huy động các nguồn vốn để sử dụng cho mục đích đầu tư máy móc, công nghệ. Việc này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để thực hiện.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường eu theo hiệp định evfta – cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp việt nam (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)